Thất bại trên chiến trường Ukraina, nội tình Nga xáo trộnThụy My
Đăng ngày: 09/06/2023 - 11:29
RFI
Ma túy làm bùng nổ bạo lực, nạn buôn lậu vũ khí, cải cách chế độ hưu, những thách thức của công ty điện lực Pháp trước tình hình tiêu thụ tăng vọt, là những chủ đề trên trang nhất các báo Paris hôm nay. Về thời sự quốc tế, sự kiện vỡ đập Kakhovka ở Ukraina được quan tâm nhiều nhất.
Vỡ đập Kakhovka : Thảm họa sinh thái gây phẫn nộ
Les Echos nói về « Sự phẫn nộ của quốc tế sau vụ vỡ đập ở Ukraina ». Martin Griffiths, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo gọi đó là một thảm họa « mà tầm cỡ chỉ có thể đánh giá đầy đủ trong những ngày tới », với những hậu quả « trầm trọng ». Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định ủng hộ Ukraina, Anh, Mỹ sẽ điều tra nguyên nhân. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky hôm qua đã đề nghị lập một ủy ban điều tra quốc tế. Về phần Trung Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc » đồng thời kêu gọi tất cả các bên tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ thường dân.
Về hậu quả trước mắt, có 3.600 tòa nhà bị ngập lụt, khoảng 8.000 người đã được sơ tán. Chính phủ Ukraina dành 38 triệu euro để thiết lập những đường ống nước mới cho Kryvy Rih, Nikopol, Marhanets thuộc vùng Dnipropetrovsk ; và 21,5 triệu euro để cung cấp nước sinh hoạt cho Kherson, Mykolaïv và Zaporijjia. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Động vật, đập vỡ gây nguy hiểm cho thú nuôi và thú hoang, nhiều công viên quốc gia bị đe dọa, tổ chức phi chính phủ Ecoaction cảnh báo những quần thể thảo nguyên và rừng không thích ứng được với môi trường ngập nước có thể bị hủy diệt. Thủ tướng Ukraina cho biết ngoài 150 tấn dầu máy bị tràn, có thể thêm 300 tấn nữa đổ ra trong thiên nhiên.
Le Figaro dẫn lời tổ chức phi chính phủ Ecoaction lo ngại dòng sông bị ô nhiễm trực tiếp bởi « rác rưởi, hóa chất nông nghiệp và những vật liệu nguy hiểm khác, hệ thống xử lý nước thải không còn hoạt động ». Hệ sinh thái của dòng sông lớn nhất Ukraina bị xáo trộn, có thể lan đến cả vùng duyên hải của Hắc Hải. Nhiều công viên quốc gia, nơi có khoảng mấy chục loài vật sắp tuyệt chủng có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó có khu dự trữ sinh quyển Hắc Hải được Unesco xếp loại, châu thổ sông Dniepr được bảo vệ bởi Công ước quốc tế Ramsar. Cả một sự hủy diệt sinh thái.
Nova Kakhovka, thành phố chết
Le Monde cho biết sau khi đập nước bị phá hủy, « Nova Kakhovka trở nên một thành phố chết ».Thảm họa này khiến vùng đồng bằng sông Dniepr rộng mênh mông không còn nước tưới. Chưởng lý Andriy Kostin nói rằng chính quyền Ukraina sơ tán được trên 17.000 người, nhưng tiếc rằng còn trên 25.000 dân tại khu vực do Nga kiểm soát ở tả ngạn sông Dniepr.
Thống đốc do Matxcơva dựng lên Vladimir Saldo mặc đồ lính trận, trong một video khẳng định tình hình hoàn toàn bình thường. Trong khi đó ngay sau lưng ông ta, quảng trường trung tâm Nova Kakhovka đã chìm dưới làn nước màu nâu. Một người dân cho biết chính quyền chiếm đóng đã chạy mất và mang theo mọi thứ. « Nova Kakhovka là thành phố chết, chỉ còn một bộ phận cấp cứu. Bệnh viện, nhà thuốc đều đóng cửa, những vật dụng có giá trị đều bị người Nga đem đi ».
Tờ báo nhắc lại, hôm 28/08/1941 theo lệnh Stalin, cơ quan an ninh NKVD đã làm nổ tung nhà máy thủy điện Zaporijia cũng trên dòng sông này, để chận bước tiến của quân Đức. Nước lụt từ sông Dniepr đã làm cho 20.000 đến 100.000 người chết vào thời đó. Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc phá đập Kakhovka sẽ thu hẹp khả năng phản công của quân đội Ukraina. Những ốc đảo và bãi cát giúp vượt sông dễ dàng hơn có thể bị nước lũ nhấn chìm, gây khó khăn cho việc mở đường sang Crimée.
Nhưng nếu đồng bằng sông Dniepr bị ngập khiến khó thể qua được con sông, hồ chứa của Kakhovka bị cạn có thể gây tác dụng ngược lại. Theo chuyên gia Stéphane Audrand, nhờ đó lực lượng Ukraina đang giữ phía thượng lưu có thể vượt qua, còn quân Nga tạm thời bị giảm khả năng phòng vệ do nước lụt.
Kherson : Lực lượng cứu hộ chạy đua với thời gian
Về việc cứu hộ, đặc phái viên Libération nhận thấy tại Kherson nhiều người dân bất đắc dĩ mới phải ra đi. Nước tiếp tục dâng lên, một số người ra tay trợ giúp các nhân viên cứu hộ, số khác không nơi trú ẩn đành phải di tản. Có những nơi nước ngập đến 5 mét, đường phố trở thành những con kênh. Đã hai ngày liên tiếp, các nhân viên cứu hộ của Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp (DSNS) được nhiều người giúp sức – cảnh sát, quân nhân, nhà hoạt động nhân đạo, tình nguyện viên, hay cư dân bình thường. Những điểm cấp cứu được dựng lên đột xuất. Một xe lội nước lớn do Ukraina sản xuất liên tục đi về giữa những nơi hẻo lánh nhất như Korabel, một ốc đảo giữa sông thường xuyên dưới lằn đạn quân Nga.
Nhóm « Kaiman », một đơn vị tình nguyện đến từ Odessa cho biết khó khăn nhất là tìm kiếm những người già, họ đã cứu được ba bà cụ bị mù không thể tự di chuyển. Người cứu hộ thường phải đập bể kiếng, leo lên những cầu thang tối tăm vì điện đã bị cúp tại 2.500 tòa nhà, đi từng tầng xem có ai còn sót lại. Chó mèo cũng được trợ giúp như người, hầu như mỗi chuyến đò đều có chở theo những con mèo hoảng loạn, những con chó sợ hãi sủa vang. Phóng viên nhận thấy một bà già ngồi bên túi đồ trên xuồng, được cứu cùng với năm chục con mèo…
Cũng tại Kherson, Le Figaro cho biết đang phải chạy đua với thời gian để sơ tán những vùng bị ngập lụt phía nam. Gần 20 % thành phố 300.000 dân mới được giải phóng từ tháng 11/2022 đã bị chìm ngập dưới làn nước. Sống sót dưới đạn bom, chịu đựng sự cai trị của Nga suốt 9 tháng, nay đến nạn lụt, có những người bị mất hết tài sản dành dụm một đời. Một tình nguyện viên tỏ ra đau xót khi động vật hoang dã, hệ thực vật trong vùng đều sẽ chết. Trong ngày đầu, quân Nga còn bắn vào những khu vực bị ngập lúc dân đang được giải cứu. Nhưng vấn đề hiện giờ là dòng nước mang theo những quả mìn của Nga, gây nguy hiểm cho cả những người cứu hộ.
Càng thua trên chiến trường, giới quân sự Nga càng hục hặc
Về nội tình nước Nga, theo Le Monde, những thất bại ngày càng rõ rệt của « chiến dịch quân sự đặc biệt » làm tăng thêm căng thẳng giữa các nhóm vũ trang, bộc lộ sự bất mãn của một bộ phận giới tinh hoa.
Có một video, thoạt nhìn thì trong bối cảnh chiến tranh Ukraina không có gì lạ : một tù nhân khuôn mặt sưng húp, mệt mỏi xưng tên khi bị cai tù quát nạt. Có điều, trung tá Roman Venevitine là sĩ quan cao cấp của quân đội Nga, còn người thẩm vấn là một chiến binh cũng chiến đấu cho Nga nhưng trong đội ngũ lính đánh thuê Wagner. Video đăng lên hôm thứ Hai 05/05 nhưng theo bộ phận báo chí của Evgueni Prigojine, sự kiện này từ ngày 17/05. Hôm đó một nhóm lính Wagner đang gỡ mìn trên một con đường dẫn đến Bakhmut thì bị pháo của quân chính quy nhắm vào. Theo lời thú nhận, tất nhiên là dưới sự bắt buộc của sĩ quan trên, thì đó không phải là nhầm lẫn mà là cố tình do « ghét » nhóm Wagner.
Những vụ xung đột giữa quân chính quy và lính đánh thuê vẫn thường xảy ra, nhưng chưa bao giờ đến mức này và được công khai như thế. Nhất là việc bêu ra một sĩ quan cấp cao, đã vượt quá tầm cỡ mọi khiêu khích lâu nay của Evgueni Prigojine. Ông chủ Wagner cho biết đã giao trả sĩ quan trên, nhưng sự kiện mới này cho thấy căng thẳng cao độ từ phía Nga, trước cuộc phản công sắp tới của Ukraina và những vụ xâm nhập gần như hàng ngày vào lãnh thổ Nga.
Không chỉ với quân đội Nga, mà quan hệ lâu nay vốn thân thiết với nhà lãnh đạo Chechnya cũng đang lấn cấn. Do công khai nghi ngờ khả năng quân của Ramzan Kadyrov thay thế Wagner, Evgueni Prigojine đã bị hai nhân vật thân cận của Kadyrov chế giễu. Doanh nhân này không đáp trả trực tiếp, mà để cho người sáng lập thực sự của Wagner là Dimitri Outkine « xuất tướng ». Cựu sĩ quan đặc nhiệm Nga vốn chưa hề lên tiếng công khai, cho biết sẵn sàng đối thoại tay đôi vì « đã biết nhau quá rõ từ cuộc chiến tranh Chechnya thứ nhất và thứ nhì », ý nói rằng Kadyrov không phải lúc nào cũng trung thành với Kremlin.
Dân biểu nói thật bị trừng phạt
Vẫn theo báo Le Monde, trên nghị trường, một trong những dân biểu nhiều ảnh hưởng nhất là Konstantin Zatouline, hôm 01/06 trong cuộc thảo luận « Chúng ta cần một Ukraina như thế nào ? » đã nhận xét « chiến dịch quân sự đặc biệt » không hề đạt được bất cứ mục tiêu nào do Vladimir Putin đề ra : phi phát-xít hóa, phi quân sự hóa, trung lập hóa Ukraina, bảo vệ cư dân Cộng hòa Donetsk và Luhansk. Phó chủ tịch ủy ban về cộng đồng các quốc gia độc lập (tức các nước thuộc Liên Xô cũ) khẳng định « Nga sẽ không kiểm soát được Ukraina, do có sự ủng hộ của phương Tây ». Chưa bao giờ một quan chức cao cấp lại công khai thú nhận thất bại chính trị của cuộc xâm lăng Ukraina như vậy.
Ngày 04/06, nhật báo Vedomosti cho biết đảng Nước Nga Thống Nhất đang thảo luận việc trừng phạt ông Zatouline. Cùng ngày, đương sự vội vã nói rằng những phát biểu của mình đã bị hiểu sai, « đặt ra ngoài ngữ cảnh ». Nhà chính trị học Nga Mikhaïl Vinogradov cho là ông Zatouline hoặc tự nói ra ý kiến riêng, hoặc nói theo yêu cầu. Bởi vì trước luồng tin tức xấu ngày càng nhiều, khó thể vừa trung thành với chế độ, vừa tin vào chiến thắng của Nga. Nói cách khác, nghịch lý giữa những người mong chế độ Putin sống sót, và những người muốn đi đến cùng - có thể làm chế độ sụp đổ.
Nhà đối lập Alexei Navalny lại ra tòa
Báo Le Monde hôm nay còn quan tâm đến gương mặt đối lập tiêu biểu tại Nga, nhà hoạt động Alexei Navalny. Ngày 06/06 vừa qua, ông Navalny, năm nay 64 tuổi, lại bị xét xử và có thể bị tuyên đến 30 năm tù giam. Từ trong nhà tù Melekhovo ở vùng Vladimir, ông chỉ có 10 ngày để đọc 196 bộ hồ sơ cáo trạng, với 7 tội danh bị cáo buộc, chủ yếu là việc thành lập « tổ chức cực đoan », tức Quỹ chống tham nhũng đã thực hiện nhiều cuộc điều tra về chế độ Putin. Việc tòa án đến mở phiên xử ngay tại nhà tù rất hiếm hoi, chỉ dành cho những tù nhân bị bệnh nặng, nhưng họ không muốn có mặt các nhà báo.
Từ khi bị tống vào tù cách đây ba năm, Navalny đã 16 lần bị biệt giam khắc nghiệt vì những lý do vớ vẩn. Trại giam còn dùng nhiều cách để làm nhà đối lập suy sụp tinh thần, như nhốt chung với các tù nhân hôi hám, điên khùng, suốt ngày hú hét…Ông cũng bị áp đặt chương trình cải tạo, trong đó có việc phải xem, nghe các video, bài hát tuyên truyền năm lần một ngày. Chủ nhật trước, nhân sinh nhật thứ 47, Alexei Navalny gởi cho các luật sư một bài viết, khẳng định tinh thần vẫn vững vàng : « Không thể chờ đợi có tiến bộ xã hội và một tương lai tốt đẹp hơn, nếu một số người không sẵn sàng trả giá cho việc có được niềm tin ».
Thị trường sách ở Nga giảm sút, điện ảnh lao đao
Trên lãnh vực văn hóa, La Croix cho biết thị trường sách tại Nga suy sụp vì chiến tranh.Số sách xuất bản giảm mất một phần tư do giá nguyên vật liệu tăng, cộng với những hạn chế về bản quyền sách. Nhiều nhà xuất bản ngoại quốc ngưng quan hệ với Nga - một vố đau cho thị trường mà sách nước ngoài mang lại 40 % thu nhập. Khá nhiều người Nga quay sang tải những bản sách bất hợp pháp và bản dịch lậu. Trong số các khó khăn còn có việc nhập phụ tùng thay thế, nhân sự trong ngành đi lưu vong. Không chỉ có ngành sách, mà điện ảnh cũng lao đao vì không có phim của Mỹ và châu Âu, vốn chiếm đến 80 % trước chiến tranh. Một hiệp hội báo động có thể đến phân nửa số rạp xi-nê ở Nga sẽ phải đóng cửa.
Bảo tàng Louvre bảo quản giùm một số tác phẩm quý của Ukraina
Còn tại Ukraina, chiến tranh cũng ảnh hưởng nặng nề đến di sản văn hóa. Báo Le Monde cho biết, ngay từ đầu cuộc chiến, giám đốc viện bảo tàng Louvre, Laurence des Cars đã hỏi ý các đồng nghiệp Ukraina về nhu cầu. Tất cả đều muốn giúp bảo vệ cổ vật chứ không muốn đưa sang nơi khác, và Pháp đã viện trợ nhiều chuyến vật liệu. Đến ngày 26/10/2022, một phái đoàn Ukraina sang thăm với đề nghị mới vì tình hình đã thay đổi.
Unesco ghi nhận 240 địa điểm bị bom Nga làm hư hại, còn theo bộ Văn Hóa Ukraina thì con số này lên đến 468 trong đó có 35 bảo tàng. Ngoài bom đạn, những tác phẩm nghệ thuật được cất giữ trong những kho bí mật còn bị đe dọa bởi thời tiết và nạn cúp điện thường xuyên. Ngày 10/05/2023, đoàn xe chở 16 cổ vật quý hiếm nhất được quân đội hộ tống, đưa sang Ba Lan, Đức rồi đến Pháp. Trong khi chờ đợi chiến tranh kết thúc, những tác phẩm này được lưu giữ cẩn thận ở bảo tàng Louvre.
No comments:
Post a Comment