Ngôn ngữ hình sự thời công an trị (Phần 2)Nguyễn Thông
16-6-2023
Tiengdan
Tiếp theo Phần 1
Như đã nói, đọc những bài, những bản tin trên báo mậu dịch lấy từ nguồn công an, ta thấy nhan nhản thứ ngôn ngữ “hình sự hóa” mà từ “đối tượng” là ví dụ rõ nhất. Ở đây, cần nói ngay thế này, công an họ làm gì, chế biến thứ gì, ra làm sao… là quyền của họ, nhưng báo chí truyền thông phải biết tôn trọng bạn đọc, và nhất là phải có ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đâu có cái thói họ (công an) nhét cho thứ gì thì cứ cun cút làm, không hề đắn đo suy xét.
Trước năm 1976, hồi tôi còn đi học, từ “đối tượng” ít được dùng, mà nó chỉ loanh quanh trong vài lĩnh vực đời sống, có nội dung tích cực, tốt, không hề gắn với cái xấu, cái ác.
Phổ biến nhất là đảng hay dùng từ này để xác định người được đảng nhắm tới, bồi dưỡng, chuẩn bị kết nạp. Suốt một thời gian dài, từ khi có đảng đến nay, đối tượng đảng được coi là thành phần chọn lọc, ưu tú trong đám quần chúng nhân dân. Đầu tiên họ được đảng “phong” cho danh hiệu “cảm tình đảng”, sau một thời gian bị theo dõi, thử thách, những cảm tình viên ấy được nâng bậc thành “đối tượng đảng”. Giống như bây giờ người ta bảo đã qua vòng gửi xe.
Không phải ai cũng muốn vào đảng và không phải ai đảng cũng kết nạp. Có một thời, khó phết. Hồi còn dạy học, tôi mang hàm “đối tượng đảng” mười mấy năm, đảng quyết không kết nạp bởi tôi bướng, hay cãi, sau chán quá tôi bỏ luôn. Ông bạn đồng nghiệp với tôi thâm niên đối tượng đảng còn dày hơn, nghe đâu họ sắp kết nạp thì ông trời lại ra tay thu nạp trước. Cũng là một thứ bi kịch.
Bây giờ đối tượng đảng vẫn còn nhưng không mấy ai háo hức bon chen nữa. Thậm chí có không ít người còn phải giấu giếm bản thân từng là đối tượng đảng hoặc đảng viên. Có những đứa học trò cấp 3, lớp 11 – 12 cũng được kết nạp đảng để bù vào sự hờ hững gia nhập đảng của quần chúng nhân dân. Tuổi ấy miệng còn hôi sữa mà cũng đảng, đủ biết “đối tượng đảng” đã bị hạ giá như thế nào.
Trường hợp thứ 2 như tôi biết, từ “đối tượng” mặc nhiên để chỉ đứa được yêu, người yêu, trong tình yêu nam nữ. Tình yêu là thứ đẹp đẽ trong đời sống, đương nhiên “đối tượng” không để chỉ đứa xấu. Yêu nhau thì cái gì chả đẹp, kể cả người. Người ta hỏi nhau đứa A đứa B đã có đối tượng chưa, đối tượng của nó là con cái nhà ai…
Tôi nhớ trong cuốn nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc (được nhà văn Đặng Vương Hưng biên tập, nhà xuất bản đặt tên là “Mãi mãi tuổi hai mươi”, anh tâm sự về nỗi nhớ nhung đối tượng ở hậu phương, rất chân thực và xúc động, anh khát khao mong chấm dứt chiến tranh để về nắm tay đối tượng-người yêu. Anh Thạc từng đoạt giải nhất văn miền Bắc năm 1970, là sinh viên khoa Toán, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, vào lính đợt 6971 (ngày 6.9.1971).
Năm 1972 khi học trường này, chúng tôi còn nghe kể buổi tiễn các anh lên đường, lúc thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kontum đang đọc diễn văn thì không gió không giông nhưng cột cờ cây cờ đại bỗng dưng đổ cái rầm. Thầy hiệu trưởng tái mặt, ứa nước mắt bởi hiểu cái điềm xấu như vậy báo trước chuyện gì. Vụ việc này đã được anh Phạm Thành Hưng, Hải Triều, Nguyễn Thế Tường (tác giả Hồi ức của một binh nhì), Phùng Huy Thịnh cùng học khoa văn khóa 14, cùng lên đường đợt 6971, xác nhận. Chỗ sân cờ đổ, nay có bức tượng đồng do anh Phùng Huy Thịnh và hội cựu lính sinh viên 6971 quyên góp, tạo dựng.
Anh Thạc và nhiều anh chị lần ra đi ấy không về, mãi mãi tuổi hai mươi, không một lần được gặp lại “đối tượng” của mình.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment