Lại nói về văn hóa!Lê Huyền Ái Mỹ
7-6-2023
Tiengdan
Sài Gòn hổm rày mưa nhiều, mưa lớn, mưa kéo dài. Nước ngập tứ bề. Nước tràn vô nhà. Cháu con xúm vô tát nước ra. Bà thức, ngồi canh mưa. Trên vách nhà ẩm ướt, mấy tấm bằng khen qua hai mùa kháng chiến khô ráo. Cũng hơn cả năm rồi, người ta hứa xem xét chuyển đất thổ cư cho nhà bà, để còn cất lại mà ở cho sạch sẽ. Nhưng không thấy.
Cũng lúc trời đang chuyển mưa, tôi ngồi xe grab ôm, ông nói tui chạy cuốc này rồi về nhà nghỉ, nhà ông ở phường 15. Ông kể, vợ đánh bạc, mất sạch sự sản. Bà bỏ đi lâu rồi. Còn căn nhà nhỏ, ông giữ lại để có chỗ ở cho ba cha con. Trước ông chạy xe đường dài, giờ hai đứa con trai đang tuổi lớn, ông về chạy xe ôm để vừa có cái nuôi con, vừa “giữ” con. Ông nói, giờ công nhân mất việc nhiều nên đổ ra chạy xe grab. Một cuốc xe, nộp về công ty, trừ tiền xăng, còn nhiêu đâu. Càng lúc càng khó lắm cô, nuôi mình còn không đủ, lấy gì nuôi con ăn học. Nhưng cũng phải ráng chứ biết sao giờ…
Hôm qua, tôi đọc báo thấy bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP “mong mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, gia đình trên địa bàn TP.HCM là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ, mỗi người dân là một đại sứ văn hóa” (báo Pháp luật).
Tôi chợt nghĩ đến hai “đại sứ văn hóa” là cụ bà gần trăm tuổi ở An Phú Đông và chú xe ôm ở phường 15, Gò Vấp.
***
“Công dân thành phố với hành trình văn hóa TP.HCM” năm 2023 là cuộc thi do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức, dành cho các đối tượng: Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức và Ban Tuyên giáo các Quận ủy, Huyện ủy; Ban Tuyên giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các tổ chức chính trị – xã hội thành phố; Ban Tuyên giáo Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy; các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật thành phố; các bảo tàng, đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Hội thi được phát động theo hai hình thức: Hội thi cấp cơ sở và Hội thi cấp thành phố.
Nếu là cuộc thi về văn hóa – nghệ thuật thì có sự khác biệt về “đầu vào” của mặt bằng thí sinh, một bên là “nhà Tuyên” (giáo) và “nhà Chuyên” (nghiệp).
Nhưng, ở đây lại là cuộc thi được phân định rõ với hai phần thi Sáng tạo nghệ thuật (bài hát, múa, hò, vè, ca cổ…); giới thiệu sản phẩm tuyên truyền (thuyết trình nội dung trên clip trailer, sản phẩm infographic); tức hai nhóm đối tượng “tuyên”, “chuyên” gần như đã được “chia sân”. Ở đó là thế mạnh về “sáng tạo” và “tuyên truyền”, cũng vốn là công việc “ăn lương” của họ, là chức năng, nhiệm vụ chính trị của họ, đã có những mục tiêu, chỉ tiêu để đạt phong trào thi đua mỗi năm, mỗi giai đoạn; sao còn bày ra chi một cuộc thi thố, tốn kém tiền bạc, thời gian, con người mà mục tiêu có dành để phục vụ cho “công dân thành phố” này hay không?
Hôm qua, một lãnh đạo ngành văn hóa thành phố nhắn hỏi tôi, bạn nghĩ gì về sự kiện Phạm Thiên Ân nhận giải Camera vàng của liên hoan phim danh giá Cannes, và không quên đề cập đến vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của các hội nghệ thuật chuyên ngành, của nền văn hóa – điện ảnh nước nhà.
Tôi không nghĩ gì rộng lớn, cao siêu, tôi chỉ hỏi lại ông, bao lâu rồi, thành phố này thiếu những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, những sáng tác thật sự đi vào lòng công chúng từ những hội chuyên ngành, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, ngoài những công trình, tác phẩm dự thi, dự trại? Nếu có những tác phẩm đạt tính đại chúng cao như MV Về nghe mẹ ru, Về với em, Ngày xửa ngày xưa 33 -34… thì lại thuộc về cá nhân, tư nhân. Ở đó, nó đo đếm được sự thụ hưởng của công dân mà không phải thi thố 2-3 vòng…
Trong một cuộc gặp mặt giới văn nghệ sĩ, bí thư thành ủy Nguyễn Văn Nên có đặt mấy câu hỏi “làm thế nào để có tác phẩm hay?”, “làm cách nào để quảng bá các tác phẩm hay đến đông đảo khán giả?”, “vì sao văn nghệ thành phố có độ lùi nhất định?”…
Không phủ nhận vai trò gầy dựng phong trào, “nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giới thiệu những cách làm hay của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ”; song cần xài tiền cho đúng chỗ, đúng lúc, đúng người để đạt được mục tiêu đưa tác phẩm hay đến công chúng. Mà muốn đưa được thì trước tiên phải có tác phẩm hay. Mà tác phẩm đã hay rồi thì công chúng sẽ tự tìm tới. Và khi đó, văn nghệ nói riêng, văn hóa thành phố nói chung sẽ không còn “có độ lùi nhất định”.
No comments:
Post a Comment