Thursday, June 15, 2023

Giới nhân học Việt Nam có cần lên tiếng?
Nguyễn Quốc Tấn Trung
15-6-2023
Tiengdan

Biểu ngữ phản đối và các tác phẩm nghệ thuật “occupy” trước cửa Vancouver Art Gallery để lên án lịch sử xấu hổ của chính quyền Canada liên quan đến chính sách sắc tộc. Ảnh: FB tác giả

Những chỉ trích “vô tri” có tính phân biệt chủng tộc dành cho người Thượng nói chung gần đây (‘bọn thất học’, ‘lì lợm không chịu học tiếng Việt’, ‘không chịu “khai sáng”’, “mọi”…) rất phổ biến và dễ tìm thấy trên Tiktok lẫn Youtube mấy ngày hôm nay.

Ủng hộ hay không ủng hộ, cốt lõi của các biểu hiện này phản ánh (và có thể dựa trên) phần nào góc nhìn của giới nghiên cứu nhân học Việt Nam suốt nhiều thập niên kể từ 1975 (và cần nói rõ là trước 1975 cũng không khá hơn mấy).

Sử dụng góc nhìn Nhân học chủ nghĩa Marx (Marxist anthropology), dù có thể hiện sự đoàn kết sắc tộc nhất định, giới nghiên cứu nhân học Việt Nam vẫn xếp hình thái kinh tế xã hội của người Thượng (cũng như các dân tộc thiểu số khác trên khắp Việt Nam) vào hình thái cộng sản nguyên thủy (primitive communism).

Nói cách khác, họ cho rằng đây là hình thái kém phát triển, lạc hậu và không phù hợp cho mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Quan trọng nhất, góc nhìn này khẳng định nhu cầu cần phải “khai sáng” cho các nhóm dân tộc thiểu số để tiến lên con đường “hiện đại xã hội chủ nghĩa” (Socialist Modernity).

Chúng ta có thể tìm đọc một vài tài liệu cũ (và khá kín) của một số tác giả nhân học có tiếng nói của thế hệ trước như Đặng Nghiêm Vạn để thấy điều này.

Ví dụ, để lý giải và bảo vệ cho chính sách tái định cư hàng triệu người Kinh lên Tây nguyên sau năm 1975, ông khẳng định rằng chính sách này không đơn giản là tái cơ cấu lực lượng lao động trên toàn quốc, mà là bù đắp khoảng trống/sự tụt hậu về thời gian ở Tây Nguyên để hoàn bị cho con đường xây dựng đi lên xã hội chủ nghĩa của khu vực.

Khoảng trống về thời gian mà ông nói tới ở đây, là khoảng trống giữa “cộng sản nguyên thủy” (bị áp cho người Thượng) và thực tiễn hiện đại, phát triển gần quá độ XHCN (được cho là bản chất của xã hội người Kinh).

Nói cách khác, đây là cách tiếp cận bình mới – rượu “nấu lại chút xíu” của diễn ngôn “Mission civilisatrice” khét tiếng.

***

Đưa ra một vài góc nhìn ở đây không phải để phủ nhận hoàn toàn quan điểm kể trên. Về cơ bản thì mình cũng tin vào sự tuyến tính của hiện đại hóa, như một nhà Marxist thực thụ.

Tuy nhiên, vì từng chịu sự tấn công của một số nhóm nhân học Việt Nam với kiểu chỉ trích rất kỳ cục là: “Thằng đấy được đào tạo từ mấy quốc gia thực dân, đàn áp người bản địa (ý chỉ Vương quốc Anh, Canada) nên nó a, b, c, d…”, nên mấy hôm nay mình vẫn cố chờ xem những nhóm này phát biểu và có sự bức phá nào về mặt tư tưởng không.

Mình cũng được nghe là đạo diễn trẻ của một bộ phim về người dân tộc thiểu số gần đây đã bị một số nhóm tương tự chỉ trích, mạt sát rất nhiều.

Đáng tiếc là, khi mặt đối mặt với thứ “Quyền lực” mà họ thường chỉ trích về chính trị phương Tây, đối diện trước sự hùng hổ của các nhóm “thực dân di cư” cầm dao phay đi bắt “khủng bố” hiện nay, có vẻ họ chọn sự im lặng.

No comments:

Post a Comment