Tuesday, June 13, 2023

Dân vận
Nguyễn Thuỳ Dương
13-6-2023
Tiengdan

Hiểu nôm na, dân vận là vận động người dân nghe theo, đứng về phía mình. Cách mạng thành công không thể thiếu dân vận. Bao bà má tình nguyện đào hầm, đưa đò, nấu cơm nuôi bộ đội cũng không thể thiếu dân vận.

Cậu ruột mình đi lính ở chiến trường Campuchia, bài học đầu tiên không phải là cầm súng mà là dân vận. Dân vận của cậu mình là chào trẻ nhỏ, thưa kính người lớn, nói chuyện nhẹ nhàng, ăn nhờ một chén cơm phải biết rửa một mâm chén. Ngủ nhờ một đêm sáng dậy phải biết quét sân, nấu ấm nước cho chủ nhà trước lúc chủ nhà dậy. Gặp người già, trẻ nhỏ bị nạn ra tay giúp đỡ, hô hào cho dân làng tới giúp để người ta thấy bộ đội Việt Nam tốt bụng, tình cảm.

Cỡ hồi xưa mà dân vận kiểu “Mày biết bố mày là ai không?” chắc phim không chiếu được thêm mấy chục tập đâu.

Dân vận ở vùng cao càng phải cẩn thận hơn nữa. Ở Việt Nam, có nhiều dân tộc thiểu số không sống bằng pháp luật. Đơn giản vì họ có biết Luật là cái gì đâu? Trong đầu họ hoàn toàn không có định nghĩa về Luật. Thậm chí, một số trong đó còn không định nghĩa và hiểu biết được rằng người Kinh cũng là một dân tộc anh em, chúng ta cùng một Quốc gia. Mà có thể, họ còn không biết Quốc gia hay Đất nước là gì? Họ chỉ biết rừng, biết rẫy. Họ sinh ra đã có rừng, họ thuộc về rừng, rừng thuộc về họ. Mặc nhiên, không có những định nghĩa khác.

Vậy nên, dân vận người dân tộc thiểu số cần sự thấu hiểu sâu sắc, cần yêu thương và bình đẳng. Đừng nghĩ mình mang văn minh, giàu có đến cho họ. Khi ta chạm vào rừng của họ, chưa biết ta mang đến hạnh phúc cho họ, hay là bi kịch nối tiếp đâu.

Dân vận cho người dân tộc thiểu số không phải dân vận chụp ảnh, lên tivi. Cũng chẳng phải dân vận quan tâm sâu sắc trên mặt báo, mà là dân vận giữ rừng và thêm văn minh, thêm tiện ích, thêm hạnh phúc.

Nhiều nước văn minh, có nền kinh tế phát triển mạnh, khi đụng tới người dân tộc thiểu số của đất nước họ, họ vẫn dành cho người dân tộc đó không gian và sự tôn trọng, tôn nghiêm riêng biệt. Họ không có vác thuỷ điện lên cày nát thượng nguồn hay cưa trụi rừng, quy hoạch kinh tế ở nơi người dân tộc ở.

Ở vùng biên giới, an ninh an toàn, đoàn kết dân tộc mới là quan trọng. Các thành phố, tỉnh thành lớn cày cuốc làm kinh tế tiếp viện tới cho vùng biên giới. Dân biên giới cứ giữ rừng, sống vui vẻ hạnh phúc là được. Phát triển kinh tế ổn định, bền vững mang tính lâu dài là được. Đem doanh nghiệp lên đó, quy hoạch lung tung kinh tế được bao nhiêu? Phân hoá bao nhiêu? Xong lên Google ngắm đồi trọc thay cho rừng đại ngàn.

Báo chí cũng không ít lần phản ánh cái thực tế những doanh nghiệp lên Tây nguyên xin dự án. Cuối cùng là đồi trọc, cây lớn mất đâu hết.

Mạng xã hội lan truyền những đoạn clip ngắn, một số người đàn ông nước da ngăm đen bị đánh đập, có người đang chạy xe bị vồ lại đánh đấm, trói gô… Có ai thử hỏi, người dân tộc thiểu số họ coi clip xong họ sẽ sợ hay họ sẽ thấy bị đối xử tệ? Tôn nghiêm của họ ở đâu trong những lần vây bắt nhầm? Khi ta chà đạp tôn nghiêm của người khác, một hạt giống oán thù đã được gieo xuống. Người Trung Quốc có câu, quân tử trả thù mười năm không muộn.

Đành rằng có vây bắt, đành rằng sẽ xử lý. Nhưng trước mắt, xử lý truyền thông, xử lý dân vận, xử lý địch vận đều có gì đó không ổn lắm. Đứa trẻ thấy cha nó bị bắt trước mắt nó, ký ức sẽ là gì? Những người dân tộc thiểu số sẽ nghĩ gì? Hệ quả ra sao?

Đừng để sau này người Kinh đi du lịch hay có việc đi qua vùng biên giới đều phải dán giấy sau lưng: Tôi là người Kinh nhưng tôi không có kinh.

No comments:

Post a Comment