Chuyển động Quốc Phòng (9/6 – 15/6/2023)Thực hiện: Viên Đăng Huy
Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
16.06.2023
NghiencuuQT
- Quân đội Nga nhận xe bọc thép Trung Quốc
- Nga tấn công tên lửa vào thành phố Kryvyi Rih của Ukraine
- Lực lượng Chechnya ký hợp đồng với Nga sau khi Wagner từ chối ký
- Tổng thống Zelenskyy nói rằng cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu trong bối cảnh lò phản ứng cuối cùng của Zaporizhzhia ngừng hoạt động
- Ukraine tấn công tiền tuyến trong khi Nga nói gây ra thiệt hại lớn
- Sĩ quan hàng đầu của Nga thiệt mạng trong cuộc phản công của Ukraine
- Ukraine mất xe tăng Leopard-2 đầu tiên
- Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,1 tỷ USD cho Ukraine
- Các nhà lập pháp muốn Mỹ cung cấp tên lửa chiến thuật Lục quân cho Ukraine
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
- Mỹ phải hoãn mua sắm các hệ thống vũ khí quan trọng trong tương lai
- Mỹ xác nhận Trung Quốc đặt căn cứ gián điệp ở Cuba từ năm 2019
- Mỹ trừng phạt các nhà sản xuất vũ khí siêu thanh Trung Quốc
- Trung Quốc từ chối đàm phán hạt nhân với Mỹ vì muốn củng cố kho vũ khí của chính mình
- Tàu hải quân Trung Quốc hướng đến Philippines trong chuyến công du ‘hữu nghị’
- Tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản gần Kagoshima
- Tổng thống Đài Loan cam kết tăng cường công nghệ quốc phòng để chống Trung Quốc
- Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan chia sẻ thông tin thời gian thực về drone
- Mỹ đàm phán triển khai đơn vị quân đội ‘đa miền’ tại Nhật Bản
- SDF, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật lên kế hoạch tập trận đầu tiên chống lại các cuộc tấn công trực tiếp
- Kim Jong-un cam kết hợp tác chiến lược với tổng thống Putin
- Fiji xem xét lại quan hệ an ninh với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Thái Bình Dương
- Việt Nam bác bỏ biện hộ của Trung Quốc về hoạt động phi pháp trên biển
- Đài Loan nói cáo buộc của Việt Nam về việc xâm phạm chủ quyền ‘không thể chấp nhận được’
- Trung Quốc và Thái Lan mở rộng quan hệ hợp tác quân sự giữa ‘thách thức an ninh’
- Bộ Quốc phòng Thái Lan công bố kế hoạch cắt giảm hàng loạt tướng lĩnh
- Mỹ thúc đẩy Ấn Độ ký hợp đồng mua drone vũ trang trong chuyến thăm của thủ tướng Modi
- ‘Ấn Độ dủ khả năng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc’, từ chối gia nhập NATO
- NATO nâng cấp quan hệ với Úc, New Zealand, Hàn Quốc
- Các cuộc tập trận trên biển ASEAN do Indonesia dẫn đầu sẽ nhắm mục tiêu mạnh hơn vào Trung Quốc
- Trung Quốc và Mỹ hiện diện trong cuộc tập trận hải quân Komodo là để ‘ủng hộ Indonesia’
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
- Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào tháng tới
- Cuộc tập trận phòng không lớn nhất từ trước đến nay của NATO bắt đầu ở Đức
- Hàn Quốc, Ba Lan xem xét chương trình sản xuất xe bọc thép chung
- NATO có thể đóng quân ở Thụy Điển trước khi Stockholm gia nhập
- LHQ lên án mạnh mẽ vụ tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali
- Macron cảnh báo Raisi của Iran về việc giao hàng bằng drone cho Nga
- Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán chống khủng bố hiếm hoi với Iran, Pakistan
Chuyên mục Phân tích:
- Ukraine sẽ thực hiện cuộc phản công như thế nào?
- Nga đang phản ứng như thế nào với cuộc phản công của Ukraine?
- Tại sao Đài Loan nên gia nhập ô hạt nhân của Mỹ?
- Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn đến đâu?
- AUKUS sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như thế nào?
- Liệu ngân sách quốc phòng mới của Pháp có lấp đầy được lỗ hổng?
- Phiến quân Myanmar đang chống lại chính quyền quân sự như thế nào?
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Quân đội Nga nhận xe bọc thép Trung Quốc
Ramzan Kadyrov, lãnh đạo vùng Chechnya của Nga, xác nhận quân đội Nga đã nhận được lô xe bọc thép đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Phương tiện mới là xe bọc thép chở quân Tiger 4×4 có kíp lái 2 người, bao gồm chỉ huy và lái xe, đồng thời có thể chở 9 lính bộ binh được trang bị đầy đủ. Xe Tiger có thể được điều chỉnh cho nhiều vai trò khác nhau, chẳng hạn như APC, tuần tra, xe cảnh sát, xe cứu thương, sở chỉ huy và chuyên chở vũ khí.
Xem thêm tại: Defence Blog, Russian military receives Chinese armored vehicles. Truy cập ngày 9/6/2023
Nga tấn công tên lửa vào thành phố Kryvyi Rih của Ukraine
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong một “cuộc tấn công tên lửa lớn” của Nga vào các tòa nhà dân sự ở thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã gửi lời chia buồn tới gia đình những người thiệt mạng ở Kryvyi Rih, cam kết rằng “những kẻ khủng bố Nga sẽ không bao giờ được tha thứ”. Ngoài ra, thủ đô Kyiv sáng sớm thứ ba cũng bị tấn công bằng tên lửa và drone nhưng các hệ thống phòng không đã phá hủy tất cả các mục tiêu nhắm vào thành phố.
Xem thêm tại: Al Jazeera, ‘Massive’ Russian missile attack on Ukraine’s Kryvyi Rih city. Truy cập ngày 14/6/2023
Lực lượng Chechnya ký hợp đồng với Nga sau khi Wagner từ chối ký
Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng với nhóm Akhmat của lực lượng đặc biệt Chechnya, một nhóm lính đánh thuê hoạt động gần thị trấn Mariinka ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Wagner, từ chối ký một hợp đồng nhằm giúp Nga kiểm soát quân đội tư nhân chiến đấu cho Moscow ở Ukraine. Điện Kremlin đã ra lệnh cho tất cả “các đơn vị tình nguyện” phải ký hợp đồng trước ngày 1 tháng 7, đặt họ dưới sự kiểm soát của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Chechen forces sign contract with Russia after Wagner’s refusal. Truy cập ngày 13/6/2023
Tổng thống Zelenskyy nói rằng cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu trong bối cảnh lò phản ứng cuối cùng của Zaporizhzhia ngừng hoạt động
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã thừa nhận rằng các hoạt động phản công đang diễn ra trên khắp đất nước, khi quân đội Ukraine báo cáo giao tranh dữ dội với các lực lượng Nga trong khi cơ quan năng lượng hạt nhân của nước này đã buộc nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải “ngừng hoạt động” vì lý do an toàn. Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết rằng “các trận chiến khốc liệt” đang diễn ra trên khắp Ukraine, với 34 vụ đụng độ ở khu công nghiệp phía đông của đất nước.
Xem thêm tại: ABC News, Zelenskyy says Ukraine’s counteroffensive has begun, as Zaporizhzhia’s last reactor shuts down. Truy cập ngày 11/6/2023
Ukraine tấn công tiền tuyến trong khi Nga nói gây ra thiệt hại lớn
Ukraine cho biết đã chiếm lại khoảng 100 km lãnh thổ sau khi cuộc phản công đang có bước tiến. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Ukraine đang chịu tổn thất “thảm khốc” và thương vong của Kyiv cao gấp 10 lần so với Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã đẩy lùi 4 cuộc tấn công trên bộ của Ukraine ở khu vực Kreminna thuộc vùng Donetsk phía đông vào ngày 9 tháng 6. Tại mũi phía nam, người phát ngôn lực lượng miền đông Serhiy Cherevatyi cho biết lực lượng Ukraine đã tiến thêm 1.200m xung quanh Bakhmut vào ngày 9 tháng 6 và 1.400 m vào ngày hôm sau.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine attacks the front line; Russia says big losses inflicted. Truy cập ngày 15/6/2023
Sĩ quan hàng đầu của Nga thiệt mạng trong cuộc phản công của Ukraine
Thiếu tướng Nga Sergei Goryachev, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 35 của Nga, đã thiệt mạng trên mặt trận Zaporizhia, nơi các lực lượng Ukraine đang tiến hành cuộc phản công. Trong sự nghiệp của mình, thiếu tướng Goryachev đã chiến đấu trong Chiến tranh Chechnya lần thứ hai, chỉ huy một lữ đoàn xe tăng, giám sát một căn cứ quân sự của Nga ở Tajikistan và lãnh đạo các lực lượng Nga ở vùng Transdniestria thân Nga ly khai của Moldova. Nếu được xác nhận, cái chết của thiếu tướng Goryachev sẽ đánh dấu sĩ quan cấp cao đầu tiên của Nga thiệt mạng ở Ukraine trong gần một năm.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Top Russian officer reported killed in Ukraine counteroffensive. Truy cập ngày 14/6/2023
Ukraine mất xe tăng Leopard-2 đầu tiên
Ukraine được cho là đã mất xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2 đầu tiên ở khu vực phía nam Zaporizhzhia. Theo đó, đoàn xe của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị đánh bại do bị trinh sát trên không của Nga phát hiện sớm. Theo báo cáo, Ukraine mất ít nhất 6 xe chiến đấu và ít nhất hai xe tăng Leopard 2A6 và một Leopard 2A4. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh giao tranh nổ ra giữa quân đội Ukraine và Nga vào tuần trước ở khu vực phía nam Zaporizhzhia và gần thành phố Bakhmut ở khu vực Donetsk.
Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine reportedly lost its first Leopard-2 tanks. Truy cập ngày 11/6/2023
Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2,1 tỷ USD cho Ukraine
Lầu Năm Góc đã công bố hôm thứ sáu rằng họ sẽ cung cấp thêm 2,1 tỷ USD viện trợ vũ khí dài hạn cho Ukraine. Gói hỗ trợ mới sẽ bao gồm tài trợ để mua thêm đạn tên lửa Patriot, tên lửa và hệ thống phòng không Hawk, cũng như drone Puma nhỏ có thể phóng bằng tay. Ngoài ra, gói viện trợ cũng sẽ bao gồm đạn dược cho tên lửa dẫn đường bằng laser, số lượng đạn pháo không được tiết lộ, và kinh phí hỗ trợ đào tạo và bảo trì. Thêm vào đó, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Tướng Pat Ryder cho biết hôm thứ năm quân đội không có kế hoạch trực tiếp cung cấp phương tiện vận chuyển hoặc hỗ trợ khác cho các khu vực bị thiệt hại do vụ vỡ đập Kakhovka tại sông Dnieper.
Xem thêm tại: Defense News, US announces new $2.1 billion package of military aid to Ukraine. Truy cập ngày 9/6/2023
Các nhà lập pháp muốn Mỹ cung cấp tên lửa chiến thuật Lục quân cho Ukraine
Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ kêu gọi khoảng 80,0 triệu USD để mua ATACMS cho Lực lượng Vũ trang Ukraine nhằm chống lại Nga. Ủy ban muốn bộ trưởng quốc phòng báo cáo tóm tắt với các ủy ban quốc phòng của quốc hội vào cuối năm về tính khả dụng của ATACMS cho Ukraine và đang trong quá trình sử dụng nguồn tài trợ của Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine để mua chúng. Trước đó, Ukraine đã nhiều lần yêu cầu ATACMS và tổng thống Joe Biden đã chịu áp lực từ các nhà lập pháp để gửi số vũ khí này. Nhưng chính quyền Biden cho biết họ lo ngại rằng việc gửi ATACMS có thể làm cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ và có khả năng chúng sẽ được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga, dù Kyiv cam kết sẽ chỉ triển khai chúng ở Ukraine.
Xem thêm tại: Defense News, Lawmakers want US to provide Army tactical missiles to Ukraine. Truy cập ngày 15/6/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Mỹ phải hoãn mua sắm các hệ thống vũ khí quan trọng trong tương lai
Các báo cáo cho thấy hơn một nửa nỗ lực mua sắm vũ khí lớn của Lầu Năm Góc hiện đang bị trì hoãn do việc áp dụng các thông lệ thương mại không đồng đều trong các chương trình mua sắm quốc phòng. Báo cáo lưu ý rằng sự trì hoãn đã ảnh hưởng đến nhiều loại vũ khí quan trọng, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) LGM-35A Sentinel và tàu khu trục lớp Zumwalt. Chương trình LGM-35A Sentinel bị trì hoãn do thiếu hụt nhân sự, chậm trễ trong quá trình xử lý thông quan và những thách thức về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mật. Ba tàu khu trục lớp Zumwalt cũng sẽ bị trì hoãn do thử nghiệm một phiên bản trên biển của Common Hypersonic Glide Bodies (C-HGB) và lịch trình chặt chẽ để tích hợp vũ khí vào thân tàu chiến.
Xem thêm tại: Asia Times, US faces severe delays in critical future weapons systems. Truy cập ngày 15/6/2023
Mỹ xác nhận Trung Quốc đặt căn cứ gián điệp ở Cuba từ năm 2019
Các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đã điều hành một căn cứ gián điệp ở Cuba ít nhất là từ năm 2019 như một phần trong nỗ lực toàn cầu của Bắc Kinh nhằm nâng cấp khả năng thu thập thông tin tình báo. Sự tồn tại của căn cứ gián điệp Trung Quốc được xác nhận sau khi có báo cáo cho biết Bắc Kinh và Cuba đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc xây dựng một trạm nghe lén điện tử trên hòn đảo này. Trung Quốc cũng được cho là đã lên kế hoạch trả cho Cuba hàng tỷ USD tiền mặt như một phần của thỏa thuận. Tuy nhiên, Nhà Trắng và các quan chức Cuba gọi báo cáo là không chính xác.
Xem thêm tại: WSJ, US confirms China has had a spy base in Cuba since at least 2019. Truy cập ngày 12/6/2023
Mỹ trừng phạt các nhà sản xuất vũ khí siêu thanh Trung Quốc
Tổng cộng có thêm 31 công ty Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt vì các cáo buộc bao gồm việc sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất vũ khí siêu thanh và bán chúng cho Pakistan và giúp Bắc Kinh thực hiện các hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các công ty bị cáo buộc có dính dáng rõ ràng với các hoạt động đáng lo ngại, bao gồm phát triển vũ khí siêu thanh, thiết kế và sản xuất tên lửa không đối không, mô hình chuyến bay siêu thanh và quản lý vòng đời vũ khí bằng phần mềm phương Tây. Thông báo này được đưa ra sau khi Trung Quốc hoàn tất việc chuyển giao 4 khinh hạm 054A/P cho Pakistan vào ngày 9/5. Các khinh hạm này mang tên lửa đất đối đất CM-302 của Trung Quốc và tên lửa siêu thanh chống hạm P282 của Pakistan.
Xem thêm tại: Asia Times, US sanctions Chinese hypersonic weapon makers. Truy cập ngày 15/6/2023
Trung Quốc từ chối đàm phán hạt nhân với Mỹ vì muốn củng cố kho vũ khí của chính mình
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo rằng các thỏa thuận hậu Chiến tranh Lạnh nhằm bảo vệ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu đang bị xung đột và kêu gọi Bắc Kinh và Moscow nối lại các cuộc thảo luận trực tiếp về vấn đề này. Nhưng Trung Quốc cho biết thời điểm chưa sẵn sàng để Bắc Kinh tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân. Nga cũng bác bỏ đề xuất của ông Jake Sullivan, cảnh báo rằng Mỹ không thể can dự vào việc kiểm soát vũ khí trong khi đang theo đuổi chính sách “thù địch” đối với Moscow ở Ukraine.
Xem thêm tại: Semafor, China rejects nuclear talks with the U.S. as it looks to strengthen its own arsenal. Truy cập ngày 9/6/2023
Tàu hải quân Trung Quốc hướng đến Philippines trong chuyến công du ‘hữu nghị’
Tàu huấn luyện hải quân lớn nhất Trung Quốc Kỳ Cơ Quảng (Qi Jiguang) hôm thứ năm đã rời Brunei để tới Philippines trong chuyến đi kéo dài 40 ngày, quá cảnh ở Việt Nam và Thái Lan. Tàu Kỳ Cơ Quảng có chiều dài 163m và rộng 22m với lượng giãn nước toàn tải hơn 9.000 tấn và tốc độ tối đa 22 hải lý/giờ. Quá trình huấn luyện do con tàu tiến hành sẽ tập trung vào các bài tập điều hướng, chống cướp biển và bắn súng bằng vũ khí hạng nhẹ.
Xem thêm tại: Inquirer, Chinese naval ship heads for PH in ‘friendly’ tour. Truy cập ngày 10/6/2023
Tàu hải quân Trung Quốc đi vào vùng biển Nhật Bản gần Kagoshima
Một tàu khảo sát của hải quân Trung Quốc hôm thứ Năm đã đi vào lãnh hải của Nhật Bản gần các đảo ở tỉnh phía tây nam Kagoshima. Con tàu được phát hiện đi vào vùng biển Nhật Bản ở phía tây nam đảo Yakushima vào khoảng 10 giờ sáng và được xác nhận là đã rời lãnh hải Nhật Bản ở phía tây đảo Kuchinoerabu và đi về phía biển Hoa Đông. Trong những năm gần đây, tàu Trung Quốc đã nhiều lần đi vào lãnh hải của Nhật Bản hoặc đi qua các khu vực lân cận, đặc biệt là ở khu vực lân cận quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.
Xem thêm tại: Kyodo News, China navy ship enters Japan waters near Kagoshima Pref. islands. Truy cập ngày 9/6/2023
Tổng thống Đài Loan cam kết tăng cường công nghệ quốc phòng để chống Trung Quốc
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ bảy cho biết hòn đảo sẽ nỗ lực cải thiện khả năng cứu hộ và phòng thủ bằng các công nghệ mới, nói thêm rằng việc củng cố Đài Loan là chìa khóa để duy trì hòa bình. Bà Thái cũng cam kết rằng chính phủ của bà sẽ thúc đẩy các chính sách bảo vệ an ninh hàng hải và biên giới sau khi thị sát một cuộc diễn tập chống khủng bố ở thành phố Cao Hùng hôm thứ bảy ở phía tây nam Đài Loan.
Xem thêm tại: Air Force Times, Taiwan president vows to strengthen defense tech to ward off China. Truy cập ngày 12/6/2023
Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan chia sẻ thông tin thời gian thực về drone
Đài Loan và Mỹ sẽ chia sẻ dữ liệu thời gian thực từ drone trinh sát hải quân, với drone MQ-9 Sea Guardian trong tương lai của Đài Loan sẽ được chuyển giao vào năm 2025 được tích hợp vào cùng một hệ thống được sử dụng bởi lực lượng Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Việc hợp tác sẽ cho phép Mỹ và các đối tác của họ quan sát cùng một bức ảnh drone chụp được, và trao cho cả quyền truy cập bức ảnh. Việc đưa Đài Loan vào các cấu trúc phối hợp của Mỹ có nguy cơ khiêu khích Trung Quốc, với việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và cả Philippines có thể sẽ bị Bắc Kinh coi là hành động leo thang.
Xem thêm tại: Asia Times, US, Japan, Taiwan to share real-time drone intel. Truy cập ngày 11/6/2023
Mỹ đàm phán triển khai đơn vị quân đội ‘đa miền’ tại Nhật Bản
Mỹ đã bắt đầu thảo luận với Nhật Bản về việc để Washington thành lập một đơn vị quân đội đa miền (multi-domain) mới khi Washington tìm cách giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn do Trung Quốc gây ra. Các lực lượng đặc nhiệm đa miền xử lý các khả năng trên phạm vi rộng như tấn công tầm xa, phòng không, tình báo, chiến tranh mạng, tác chiến điện tử và hỗ trợ hậu cần. Đơn vị này dự kiến sẽ vận hành các tên lửa mặt đất với tầm bắn hơn 1.000 km. Quân đội Mỹ đã triển khai các lực lượng đặc nhiệm đa miền ở các bang Washington và Hawaii của Mỹ, cũng như ở Đức.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. in talks to deploy ‘multi-domain’ army unit in Japan. Truy cập ngày 15/6/2023
SDF, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật lên kế hoạch tập trận đầu tiên chống lại các cuộc tấn công trực tiếp
Lực lượng Phòng vệ (SDF) và lực lượng bảo vệ bờ biển (CG) Nhật Bản sẽ lần đầu tiên diễn tập phản ứng chung trước một cuộc tấn công vũ trang vào đầu tháng này. SDF và CG sẽ triển khai các tàu và máy bay như một phần của cuộc diễn tập thực địa. Thêm vào đó, CG cũng có thể chia sẻ dữ liệu được thu thập bởi máy bay không người lái SeaGuardian do Mỹ sản xuất với lực lượng hàng hải trong thời gian thực. Bộ Quốc phòng và SDF cũng đã tiến hành một cuộc tập trận chung vào cuối tháng 5 với lực lượng bảo vệ bờ biển, kết nối các hoạt động chỉ huy quan trọng để đảm bảo phân chia vai trò và liên lạc phù hợp trong một cuộc tấn công.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan’s SDF, coast guard plan first field drill against direct attack. Truy cập ngày 15/6/2023
Kim Jong-un cam kết hợp tác chiến lược với tổng thống Putin
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ “tay trong tay” với Tổng thống Putin và tăng cường hợp tác chiến lược vì mục tiêu chung là xây dựng một đất nước hùng mạnh. Ông Kim Jong Un đưa ra cam kết trong một thông điệp gửi tới Putin nhân Ngày Quốc khánh Nga, trong đó bảo vệ quyết định xâm lược Ukraine và thể hiện “sự ủng hộ và đoàn kết hoàn toàn”. Triều Tiên đã tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với Điện Kremlin và ủng hộ Moscow sau khi nước này xâm lược Ukraine vào năm ngoái, đổ lỗi cho “chính sách bá quyền” của Mỹ và phương Tây.
Xem thêm tại: Reuters, North Korea’s Kim vows to ‘hold hands’ with Putin for strategic cooperation. Truy cập ngày 13/6/2023
Fiji xem xét lại quan hệ an ninh với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Thái Bình Dương
Thủ tướng Sitiveni Rabuka cho biết Fiji đang xem xét một thỏa thuận hợp tác cảnh sát gây tranh cãi mà nước này đã ký với Trung Quốc vào năm 2011, trong đó cho phép các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đóng quân tại Fiji vào thời điểm căng thẳng địa chính trị ở Thái Bình Dương đang gia tăng. Ngoài ra, Thủ tướng Rabuka cho biết Fiji đang hoàn tất thỏa thuận quốc phòng với New Zealand, dự kiến sẽ hoàn tất vào tuần tới. Thỏa thuận mới sẽ cho phép quân đội Fiji xây dựng năng lực và kỹ năng cũng như tiếp xúc với các công nghệ mới.
Xem thêm tại: AP, Fiji reconsiders security ties with China amid Pacific tensions. Truy cập ngày 9/6/2023
Việt Nam bác bỏ biện hộ của Trung Quốc về hoạt động phi pháp trên biển
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với “quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận” khi được yêu cầu bình luận về việc nhóm tàu Hướng Dương Hồng 10 xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm thứ bảy đã bác bỏ khẳng định của ông Vương, nói rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trước đó, Tàu Hướng Dương Hồng 10 và một số tàu hộ tống khác của Trung Quốc đã bị phát hiện hướng tới khu vực Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam sau đó yêu cầu Trung Quốc rút các tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Xem thêm tại: VN Express, Vietnam rejects China’s defense of illegal sea activities. Truy cập ngày 11/6/2023
Đài Loan nói cáo buộc của Việt Nam về việc xâm phạm chủ quyền ‘không thể chấp nhận được’
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm chủ nhật đã bác bỏ cáo buộc của Việt Nam rằng cuộc tập trận gần đây của Đài Loan tiến hành tại một hòn đảo do Đài Bắc kiểm soát ở Biển Đông đang tranh chấp đã vi phạm chủ quyền của Hà Nội. Cụ thể hơn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng ngày 8/6 tuyên bố cuộc tập trận bắn đạn thật do Đài Loan tiến hành ở vùng biển xung quanh đảo Thái Bình một ngày trước đó là “sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo nàY”. Đảo Thái Bình cũng được Việt Nam, Trung Quốc và Philippines tuyên bố chủ quyền.
Xem thêm tại: Focus Taiwan, Vietnam’s accusation of sovereignty infringement ‘unacceptable’: Taiwan. Truy cập ngày 12/6/2023
Trung Quốc và Thái Lan mở rộng quan hệ hợp tác quân sự giữa ‘thách thức an ninh’
Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hợp tác quân sự và duy trì ổn định khu vực với Thái Lan, với một loạt cuộc tập trận chung được lên kế hoạch trong năm nay. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho biết trong năm nay đã có kế hoạch cho nhiều cuộc tập trận chung giữa hai nước, bao gồm tập trận “Tấn công 2023” và “Hòa bình và Hữu nghị 2023”. Bộ trưởng Lý cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng Thái Lan duy trì ổn định khu vực và đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực.
Xem thêm tại: SCMP, China and Thailand to expand military ties amid Asia-Pacific ‘security challenges. Truy cập ngày 11/6/2023
Bộ Quốc phòng Thái Lan công bố kế hoạch cắt giảm hàng loạt tướng lĩnh
Thái Lan có kế hoạch cắt giảm số lượng tướng lĩnh và đô đốc, đồng thời cắt giảm số lượng quân nhân nhập ngũ khi nước này chờ đợi một chính phủ mới tiềm năng được thành lập bởi các đảng đối lập đã cam kết hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nói rằng ông đã lên kế hoạch cho việc cắt giảm 12.000 nhân viên trong quân đội vào tháng 9 năm 2027 do các mối đe dọa hiện tại và công nghệ đang phát triển. Ngoài ra, các cải cách được đề xuất sẽ dẫn đến việc cắt giảm số lượng quân nghĩa vụ từ 100.000 xuống 90.000 trong khi vẫn duy trì số lượng quân tình nguyện mỗi năm.
Xem thêm tại: Benar News, Thai defense ministry announces plan to slash number of generals, admirals. Truy cập ngày 9/6/2023
Mỹ thúc đẩy Ấn Độ ký hợp đồng mua drone vũ trang trong chuyến thăm của thủ tướng Modi
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Washington, chính quyền Biden đang thúc đẩy New Delhi bỏ qua thủ tục quan liêu của chính mình và thúc đẩy một thỏa thuận mua hàng chục drone có vũ trang do Mỹ sản xuất. Bộ Ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã yêu cầu Ấn Độ “cho thấy” tiến độ trong thỏa thuận mua tới 30 drone MQ-9B SeaGuardian vũ trang do General Atomics sản xuất. Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa quyết định về số lượng drone muốn mua vì trước đó con số này được chốt ở mức 30, nhưng sau đó đã được sửa đổi thành 24, và sau đó giảm xuống còn 18 vào tháng trước.
Xem thêm tại: Reuters, US pushing India to seal big armed drone buy for Modi visit. Truy cập ngày 14/6/2023
‘Ấn Độ dủ khả năng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc’, từ chối gia nhập NATO
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S Jaishankar, hôm thứ sáu nói rằng Ấn Độ không có ý định gia nhập NATO. Lập trường của Ấn Độ được đưa ra để đáp lại các khuyến nghị gần đây từ một Ủy ban Quốc hội ở Mỹ nhằm củng cố NATO Plus bằng cách bao gồm cả Ấn Độ. Đề xuất được đưa ra trước chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ. Mỹ tin rằng Ấn Độ nên gia nhập NATO để bảo vệ biên giới của mình khỏi Trung Quốc và tăng cường an ninh toàn cầu để chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trái với kỳ vọng của Mỹ, Ấn Độ tin rằng họ có khả năng tự mình chống lại bất kỳ hành động gây hấn nào của Trung Quốc. Hơn nữa, sự tách biệt về địa lý giữa Ấn Độ và Trung Quốc bởi khu vực Himalaya khiến Ấn Độ hiện không thể tham gia liên minh với NATO.
Xem thêm tại: Livemint, ‘India capable of countering Chinese aggression’, refuses to join NATO, says S Jaishankar. Truy cập ngày 10/6/2023
NATO nâng cấp quan hệ với Úc, New Zealand, Hàn Quốc
NATO sẽ tăng cường hợp tác với 4 đối tác lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời chuẩn bị các văn kiện hợp tác song phương với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, gọi chung là đối tác châu Á-Thái Bình Dương (AP4). Theo đó, NATO sẽ thiết lập cơ chế Individually Tailored Partnership Program (ITPP) với AP4 – một bản nâng cấp lên một hình thức đối tác cao hơn. Trong cơ chế này, các đối tác sẽ khám phá sự hợp tác về các vấn đề như an ninh mạng, không gian và chống lại thông tin sai lệch.
Xem thêm tại: NATO, NATO to upgrade ties with Australia, New Zealand, South Korea. Truy cập ngày 14/6/2023
Các cuộc tập trận trên biển ASEAN do Indonesia dẫn đầu sẽ nhắm mục tiêu mạnh hơn vào Trung Quốc
Indonesia chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên giữa các lực lượng hải quân của khối ASEAN được tổ chức ở “Biển Bắc Natuna”, đặc biệt vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Người phát ngôn quân đội Indonesia Julius Widjojono nói rõ rằng các cuộc tập trận chung theo kế hoạch của ASEAN là nhằm đối phó với “nguy cơ thảm họa cao ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á”.
Xem thêm tại: Asia Times, Indonesia-led ASEAN sea drills will take harder aim at China. Truy cập ngày 13/6/2023
Trung Quốc và Mỹ hiện diện trong cuộc tập trận hải quân Komodo là để ‘ủng hộ Indonesia’
Hải quân của Trung Quốc và Mỹ vào tuần trước đã tham gia Cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK) 2023 trong một cử chỉ thân thiện rõ ràng đối với Indonesia. Cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo (MNEK) năm 2023 đã bắt đầu vào thứ hai ngoài khơi bờ biển Makassar, Nam Sulawesi và kéo dài đến thứ năm. Có tới 36 quốc gia với hơn 40 tàu tham gia cuộc tập trận. Hải quân Trung Quốc đã cử phiên bản mới nhất của tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D Trạm Giang, và tàu khu trục Type 054A Hứa Xương tới cuộc tập trận. Theo cựu huấn luyện viên PLA Tống Trung Bình, Trung Quốc tham gia sự kiện này không phải vì Mỹ mà vì Indonesia, quốc gia có tầm quan trọng lớn đối với khu vực Biển Đông và ASEAN.
Xem thêm tại: SCMP, Chinese and US presence in Komodo navy exercise showed ‘support for Indonesia’, not each other. Truy cập ngày 11/6/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào tháng tới
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ sáu cho biết Nga sẽ bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus sau khi các cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng vào ngày 7-8 tháng 7. Hồi tháng 3, ông Putin tuyên bố đã đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật Iskander ở Belarus, biện minh rằng Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở một loạt nước châu Âu trong nhiều thập kỷ. Ông Putin cho biết tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500km, đã được bàn giao cho Belarus. Belarus cho biết máy bay Su-25 đã được điều chỉnh để mang đầu đạn. Máy bay phản lực Su-25 có tầm hoạt động lên tới 1.000 km.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Russia to deploy tactical nuclear weapons in Belarus next month. Truy cập ngày 10/6/2023
Cuộc tập trận phòng không lớn nhất từ trước đến nay của NATO bắt đầu ở Đức
Cuộc tập trận Air Defender 2023 được coi là lớn nhất trong lịch sử của NATO và do Đức đăng cai đã được tiến hành vào thứ hai. Cuộc tập trận có khoảng 10.000 người tham gia và 250 máy bay từ 25 quốc gia sẽ đáp trả một cuộc tấn công mô phỏng vào một thành viên NATO. Chỉ riêng Mỹ gửi 2.000 nhân viên Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ và khoảng 100 máy bay. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào tháng 2 năm 2022 đã khiến NATO phải chuẩn bị nghiêm túc cho khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào lãnh thổ của mình. Thụy Điển, quốc gia hy vọng sẽ tham gia liên minh, và Nhật Bản cũng tham gia cuộc tập trận.
Xem thêm tại: Defense News, NATO’s largest-ever air defense exercise starts in Germany. Truy cập ngày 13/6/2023
Hàn Quốc, Ba Lan xem xét chương trình sản xuất xe bọc thép chung
Các quan chức của Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc đã đến thăm công ty quốc phòng Ba Lan Polska Grupa Zbrojeniowa (PGZ) vào cuối tháng 5 và thảo luận về khả năng hợp tác về xe bọc thép bánh hơi K808, còn được gọi là Baekho (Bạch Hổ). K808 là một trong những hạng mục nằm trong thỏa thuận ban đầu được Hàn Quốc và Ba Lan ký vào tháng 7 năm ngoái để xuất khẩu 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 Black Panther sang Ba Lan. Việc hợp tác triển chung sẽ có lợi cho cả hai nước và sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của họ và tạo ra hiệu ứng tổng hợp trong ngành công nghiệp quốc phòng. Ba Lan đã và đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa thiết bị quân sự của mình để đối phó với các mối đe dọa an ninh do sự gây hấn của Nga ở Ukraine và các nơi khác.
Xem thêm tại: Defence Today, South Korea, Poland consider joint wheeled vehicle programme. Truy cập ngày 13/6/2023
NATO có thể đóng quân ở Thụy Điển trước khi Stockholm gia nhập
Thụy Điển sẽ cho phép NATO đóng quân trên lãnh thổ của mình ngay cả trước khi nước này chính thức gia nhập liên minh quốc phòng. Thủ tướng Ulf Kristersson và Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson cho biết Thụy Điển đã quyết định rằng Lực lượng Vũ trang Thụy Điển có thể tiến hành chuẩn bị với NATO và các nước NATO để thực hiện các hoạt động chung trong tương lai. Việc chuẩn bị có thể bao gồm việc đặt các thiết bị và nhân sự nước ngoài tạm thời trên lãnh thổ Thụy Điển. Nga trong tương lai gần sẽ vẫn là mối đe dọa đối với các nước láng giềng và họ không chắc chắn về mức độ tham vọng lãnh thổ của Tổng thống Vladimir Putin.
Xem thêm tại: Reuters, NATO may base troops in Sweden before Stockholm joins, government says. Truy cập ngày 10/6/2023
LHQ lên án mạnh mẽ vụ tấn công lực lượng gìn giữ hòa bình ở Mali
Trưởng phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Mali El-Ghassim Wane mô tả vụ tấn công nhằm vào đội tuần tra an ninh ở thị trấn Ber, vùng Timbuktu, là một “hành động hèn nhát”. Nhiệm vụ cho biết đội tuần tra đã bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công liên quan đến thiết bị nổ cải tiến (IED), sau đó là hỏa lực trực tiếp. MINUSMA được thành lập cách đây một thập kỷ, sau tình trạng mất an ninh lan tràn ở phía bắc Mali và một cuộc đảo chính quân sự thất bại của các chiến binh cực đoan, dẫn đến việc ký kết một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ đương thời và các liên minh nhóm vũ trang vào năm 2015.
Xem thêm tại: UN News, UN strongly condemns attack on peacekeepers in Mali, which leaves one dead. Truy cập ngày 10/6/2023
Macron cảnh báo Raisi của Iran về việc giao hàng bằng drone cho Nga
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo người đồng cấp Iran về hậu quả của việc cung cấp drone cho Nga và bày tỏ lo ngại về chương trình hạt nhân Iran. Thời lượng của cuộc trò chuyện, khoảng 90 phút theo các báo cáo, sẽ khiến phương Tây nhướng mày về các cuộc thảo luận giữa Iran và phương Tây cũng như khả năng Mỹ quay trở lại một số loại thỏa thuận với Iran. Trong những tuần gần đây, đã có tin đồn về tiến triển giữa Mỹ và Iran trong một số thỏa thuận, tuy nhiên, cũng có nhiều lệnh trừng phạt đối với Iran vì việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga.
Xem thêm tại: Jerusalem Post, Macron warns Iran’s Raisi on drone deliveries to Russia. Truy cập ngày 11/6/2023
Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán chống khủng bố hiếm hoi với Iran, Pakistan
Trung Quốc, Iran và Pakistan đã tổ chức các cuộc tham vấn ba bên đầu tiên về chống khủng bố và an ninh khu vực vào thứ tư tại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Pakistan và Trung Quốc cho biết ba quốc gia đã quyết định thể chế hóa và tổ chức cuộc họp thường xuyên. Các nhà phân tích cho biết tỉnh Baluchistan ở tây nam Pakistan có thể là một mục quan trọng trong chương trình nghị sự, khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng nghèo khó này là trung tâm của một chương trình trị giá hàng tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ, và nằm trên Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Xem thêm tại: VOA, China Hosts Rare Counterterrorism Talks With Iran, Pakistan. Truy cập ngày 9/6/2023
Chuyên mục Phân tích:
Ukraine sẽ thực hiện cuộc phản công như thế nào?
Trong cuộc phản công đang diễn ra, Tổng thống Zelensky cùng với lực lượng Ukraine và hỗ trợ từ phương Tây sẽ phải thực hiện một chiến dịch mang tính quyết định không những phải chiếm lại được những vùng lãnh thổ mà còn phải tiêu diệt phần lớn lực lượng Nga tại Ukraine. Trong nhiều tháng, cả Nga và Ukraine đã sử dụng UAV, chiến tranh điện từ và ảnh vệ tinh để nắm được thông tin trên chiến trường đồng thời tìm cách ngăn chặn đối thủ có được thông tin. Ngoài ra, Ukraine cũng gia tăng các cuộc tấn công tầm xa nhắm vào mục tiêu Nga trong những tuần gần đây. Mục tiêu đầu tiên của các cuộc tấn công này là các cứ điểm chỉ huy, hậu cần và trại tập hợp binh sĩ của Nga. Kế đến là các cuộc tấn công với mục đích tâm lý nhằm gây ra sự khó chịu cho giới lãnh đạo Nga và khiến cho họ phải tái cân nhắc địa điểm triển khai lực lượng bằng cách tấn công bằng drone và vụ xâm nhập biên giới tại Belgorod.
Nhưng chính việc Ukraine tiến công xung quanh Bakhmut và phía nam đất nước cho thấy thời điểm phản công đã tới. Trước nhất, lực lượng Ukraine sẽ mở thêm các mũi tiến công nhằm đánh lạc hướng Nga khỏi nỗ lực chủ chốt của chiến dịch phản công. Song song với đó, Ukraine cũng sẽ quan sát cách mà Nga đáp trả từ đó tìm ra các điểm yếu chủ chốt mà Kyiv có thể khai thác. Mặt khác, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc phản công, vai trò của giới lãnh đạo quân sự Ukraine, vốn bao gồm cả binh sĩ lão luyện và quân động viên, sẽ là yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Chiến dịch phản công chắc chắn sẽ phức tạp, đẫm máu và khiến cho những nhà quan sát bên ngoài bối rối đồng thời kéo dài nhiều tháng. Cùng với đó sẽ là những bất ngờ, chẳng hạn như sự cố vỡ đập Kakhovka trong tuần này, sẽ có tác động lớn và nhỏ, tốt và xấu, đối với chiến dịch phản công của Ukraine.
Xem thêm tại: Economist, Mick Ryan assesses Ukraine’s counter-offensive. Truy cập ngày 9/6/2023
Nga đang phản ứng như thế nào với cuộc phản công của Ukraine?
Cuộc phản công của Ukraine đang chiếm nhiều sự chú ý của các chuyên gia, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra bất kỳ nhận định chiến lược nào. Vậy phản ứng của Nga đối với cuộc phản công như thế nào? Tướng Valery Gerasimov sẽ thực hiện bước gì tiếp theo? Tướng Gerasimov đã thất bại ba lần: kế hoạch xâm lược ban đầu thất bại, thất bại trong việc triển khai lực lượng trong những tuần đầu và thất bại trong việc cải cách quân đội phù hợp với chiến tranh hiện đại. Ngoài ra, tướng Gerasimov còn phải đối mặt với 5 hạn chế. Đầu tiên, cuộc phản công kém hiệu của của tướng Gerasimov sẽ hạn chế khả năng của ông trong việc phản ứng với các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam và phía đông. Dù đã gia cố hàng phòng thủ dọc theo tuyến đầu, nhưng tướng Gerasimov vẫn phải bảo vệ rất nhiều vùng lãnh thổ Nga đã chiếm. Kế đến, tướng Gerasimov cần phải hợp tác và phối hợp với các chỉ huy dưới trướng để xây dựng một chiến lược phòng thủ tổng thể, nhưng việc các tập đoàn lính đánh thuê tư nhân như Wagner đã cản trở điều này. Hạn chế thứ ba nằm ở việc lực lượng dự bị của Nga đã gần như cạn kiệt sau đợt tiến công vào năm nay khiến cho tướng Gerasimov phải cân nhắc triển khai thêm một đợt quân dự bị nữa cho lực lượng chính. Thêm vào đó, tổng tư lệnh Nga cũng phải tập trung vào khả năng phòng thủ hậu cần tích hợp trên không và trên bộ. Cuối cùng, tướng Gerasimov cũng cần phải để mắt đến biên giới Nga, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xâm nhập tại Belgorod và các cuộc tấn công bằng drone vào Moscow diễn ra gần đây.
Vậy tướng Gerasimov có những lựa chọn nào trước cuộc phản công của Ukraine? Trước nhất, vị tổng tư lệnh Nga có thể chọn cố thủ và theo dõi bước tiến của Ukraina. Theo đó, tướng Gerasimov có thể sẽ phải cố thủ các vùng lãnh thổ đã chiếm và giảm tác động của cuộc phản công sắp tới của Ukraine trong khi chuẩn bị cho cuộc phản công của Nga vào cuối năm nay. Lựa chọn cuối cùng sẽ là tái định hướng lực lượng phòng thủ của Nga xung quanh Crimea và Donbas. Tuy nhiên, lựa chọn này chỉ có ích trong trường hợp Nga lui quân và rất khó có thể được xem xét trong tình cảnh hiện tại.
Xem thêm tại: Twitter, Mick Ryan. Truy cập ngày 14/6/2023
Tại sao Đài Loan nên gia nhập ô hạt nhân của Mỹ?
Thời gian gần đây, tranh luận về vấn đề liệu Đài Loan có nên tham gia ô hạt nhân của Mỹ sau lời xác nhận của bộ trưởng ngoại giao Joseph Wu rằng vấn đề này đã được thảo luận. Tuy nhiên, Đài Loan đã cân nhắc về việc tự phát triển vũ khí hạt nhân từ những năm 60 đến tận những năm 80 nhưng đã bị Mỹ bác bỏ. Quyết định theo đuổi khả năng hạt nhân đến từ nhu cầu phòng thủ chiến lược nhằm tự bảo vệ bản thân trước các thách thức về địa chính trị. Mặt khác, việc Trung Quốc thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân cùng với tình thế cô lập ngoại giao đều đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy Đài Loan theo đuổi hạt nhân. Vào những năm 70, Đài Loan phải đối mặt với nhiều thất bại ngoại giao như việc mất ghế vào LHQ và Mỹ thiết lập ngoại giao với Trung Quốc đồng thời từ chối công nhận chính thức hoặc cung cấp cam kết an ninh cho hòn đảo. Do đó, Mearsheimer gợi ý rằng Đài Loan có hai lựa chọn: hoặc là tham gia ô hạt nhân của Mỹ hoặc là tự phát triển vũ khí hạt nhân. Mearsheimer lập luận rằng Mỹ đà bác bỏ lựa chọn thứ hai do đó Washington buộc phải cam kết cho lựa chọn đầu tiên để làm giảm bớt bất kỳ nghi ngờ nào liên quan đến sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan. Thêm vào đó, việc Đài Loan tham gia ô hạt nhân của Mỹ cũng đem lại lợi ích cho cả hai bên khi nó hiển thị cho Trung Quốc rằng Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình tại khu vực và bất kỳ hành động gây hấn nào đều sẽ gặp phản ứng quyết liệt, giúp củng cố khả năng răn đe Trung Quốc đồng thời thúc đẩy ổn định và củng cố an ninh khu vực.
Xem thêm tại: Diplomat, Why Taiwan Should Be Included in the US Nuclear Umbrella? Truy cập ngày 10/6/2023
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lớn đến đâu?
Trong vòng một thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, khoảng 220 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới theo số lượng tàu và đang bắt kịp số lượng giãn nước khi Bắc Kinh thêm vào hạm đội của mình nhiều tàu có lượng giãn nước lớn hơn. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số đầy đủ. Theo đó, các thống kê về ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh vẫn chưa bao gồm hoặc cố tình bỏ qua nhiều hạng mục như nghiên cứu và phát triển cũng như mua sắm vũ khí từ nước ngoài. Trước đó vào năm 2021, một báo cáo của Lầu Năm Góc ước tính rằng ngân sách quốc phòng thực chất của Trung Quốc lớn hơn 1,1 lần bản được công bố với con số gần 700 tỷ USD. Dù vẫn thấp hơn Mỹ khoảng 140 tỷ USD, nhưng khoảng cách ngày càng thu hẹp nếu tính theo sức mua tương đương. Thêm vào đó, Mỹ chi rất nhiều vào bảo hiểm y tế và trợ cấp cho quân nhân. Theo một báo cáo vào năm 2021, mức lương cơ bản của binh sĩ của Mỹ nhiều hơn 16 lần Trung Quốc. Trái lại, cùng số tiền đó Trung Quốc đầu tư vào tên lửa. Trung Quốc đang chi nhiều hơn vào dự trữ nhiều vũ khí – và tập trung đưa lực lượng của mình trở thành lực lượng thống trị Tây Thái Bình Dương trong khi Mỹ phải vừa cam kết với EU và triển khai hải quân ở những nơi khác.
Xem thêm tại: WSJ, What Does China Really Spend on Defense? Truy cập ngày 10/6/2023
AUKUS sẽ ảnh hưởng đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như thế nào?
AUKUS, thiết lập vào năm 2021, là thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Úc, Anh, và Mỹ nhằm gia tăng khả năng quốc phòng và răn đe tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. AUKUS có hai trụ cột: trụ cột đầu tiên xoay quanh việc mua sắm và phát triển tàu ngầm hạt nhân thông thường cho Hải quân Hoàng gia Úc, trụ cột thứ hai bao gồm sự hợp tác rộng khắp trong việc chia sẻ khả năng, công nghệ tiên tiến và tình báo. Cụ thể hơn, trụ cột thứ nhất sẽ cho phép Úc ưu tiên xây dựng nhân lực và cơ sở hạ tầng để thiết lập khả năng tự chủ hạt nhân (SSN). Tàu ngầm SSN-AUKUS, sự kết hợp giữa thiết kế Anh và công nghệ Mỹ, sẽ được triển khai vào cuối 2030. Trong thời gian chờ, Mỹ sẽ bán cho Úc 3 đến 5 tàu lớp Virginia có khả năng mang đầu đạt hạt nhân (SSNs) vào đầu 2030, sớm nhất là năm 2027. Cùng với đó, Mỹ và Anh cũng sẽ triển khai các tàu ngầm hạt nhân đến khu vực như một phần của “lực lượng luân chuyển tàu ngầm phương Tây”. Kế đến, mục tiêu của trụ cột thứ hai là nhằm gia tăng khả năng phối hợp các công nghệ tiên tiến như rô-bốt và phương tiện tự hành dưới nước, công nghệ lượng tử, AI, khả năng mạng tiên tiến, siêu thanh và chiến tranh điện tử. Vậy phản ứng của các nước khác đối với AUKUS là gì? Phản ứng từ các quốc gia đối tác phương Tây khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhìn chung là tích cực, hoan nghênh liên minh như một bước hướng tới bảo vệ sự ổn định khu vực, ví dụ như New Zealand và Canada thậm chí mong muốn tham gia vào trụ cột hai. Tuy nhiên, các quốc gia khác đã bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra chạy đua vũ trang hoặc tác động gây bất ổn đối với động lực khu vực như việc Trung Quốc đã lên tiếng phản đối, ví AUKUS như một “bản sao NATO ở châu Á-Thái Bình Dương” đe dọa ảnh hưởng khu vực của nước này.
Xem thêm tại: CFR, How Will the Trilateral Pact Shape Indo-Pacific Security? Truy cập ngày 9/6/2023
Liệu ngân sách quốc phòng mới của Pháp có lấp đầy được lỗ hổng?
Pháp đã thông qua ngân sách quốc phòng lớn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tăng chi tiêu quốc phòng. Theo đó, Hạ viện Pháp hôm thứ tư đã bật đèn xanh cho ngân sách quốc phòng của nước này trong 7 năm tới với tổng số tiền là 413 tỷ euro, tăng khoảng 100 tỷ euro so với kỳ trước. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại rằng số tiền khổng lồ này được đổ vào quá nhiều dự án thay vì tập trung vào các khí tài như xe tăng, chiến đấu cơ, và máy bay trực thăng có khả năng xoay chuyển cục diện chiến trường Ukraine. Chính phủ Pháp thực sự chưa rút ra được bài học rằng chính vì cắt giảm ngân sách quốc phòng, vốn dẫn đến việc các kho dự trữ vũ khí trống không, là lý do khiến các nước châu Âu không thể trở thành kho vũ khí dân chủ. Dù trong khu vực cũng có các nước đang gấp rút tái xây dựng lại quân đội như Anh và Đức, nhưng cách mà Pháp, vốn là cường quốc vũ trang duy nhất của EU, định hình lực lượng vũ trang của mình sẽ có tầm quan trọng còn xa hơn. Chính phủ Pháp sẽ chi khoảng 268 tỷ euros cho việc hiện đại hóa và tăng cường trang thiết bị, và 16 tỷ euro nhằm bổ sung kho đạn dược đang cạn kiệt cùng hàng tỷ euro cho khả năng răn đe hạt nhân, hàng không mẫu hạm mới, chiến dịch không gian, và cuối cùng là xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng lãnh thổ ở hải ngoại. Tất cả con số này nói lên một điều rằng việc hiện đại hóa các xe tăng và chiến đấu cơ đã cũ sẽ chậm hơn dự định. Mặc dù bên ủng hộ nói rằng ngân sách mới vừa cân bằng được giữa chất lượng và số lượng, thì vẫn còn đó những lổ hổng. Trước nhất, lực lượng vũ trang Pháp, cũng như hầu hết các nước EU khác, vẫn đang phải gánh chịu hậu quả từ chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ trong ngân sách quốc phòng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Theo đó, ngân sách quốc phòng Pháp giảm từ gần 3% GDP xuống dưới 2%, khiến cho quy mô quân đội giảm xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây, số lượng pháo chỉ còn ¼ và số lượng xe tăng chỉ còn 1/10 so với lúc đầu. Cuộc chiến tại Ukraine, vốn làm gia tăng nhu cầu về một quân đội sẵn sàng chiến đấu cao hơn, đã trở thành một câu nói lặp đi lặp lại khắp châu Âu. Tuy nhiên, trái với các nước Đông Âu, Pháp cũng như Đức sẽ không thể thực hiện điều này do không có đủ ngân sách. Tuy nhiên vấn đề khác nằm ở chỗ Pháp vẫn đang nghĩ mình là một cường quốc toàn cầu tự chủ về chiến lược không dựa vào Mỹ, nghĩa là Paris sẽ nhúng tay vào nhiều nơi, đặc biệt các nước châu Phi vốn là thuộc địa cũ của nước này. Nhưng với một cuộc chiến ‘nóng’ ngay trước ngưỡng cửa EU, tham vọng của Pháp sẽ ngày càng khó có thể đạt được hơn bao giờ hết.
Xem thêm tại: Foreign Policy, Can France’s Big Bucks Fill the Defense Gaps? Truy cập ngày 9/6/2023
Phiến quân Myanmar đang chống lại chính quyền quân sự như thế nào?
Kể từ sau khi quân đội Myanmar đảo chính và thiết lập chính phủ quân sự năm 2021, phiến quân Myanmar (PDF) bắt đầu nổi dậy với quy mô lớn chưa từng có với hơn 65,000 quân. Phần lớn quân kháng chiến liên kết với Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar (NUG), vốn do các thành viên của quốc hội thành lập và bao gồm cả các cộng đồng dân tộc thiểu số. PDF hoạt động chủ yếu trong rừng rậm, phối hợp và vũ trang kém khi chỉ có 30% được trang bị súng. Nhưng dù tiến độ tổ chức có vẻ chậm, nhưng đã có 80% quân số được tổ chức thành các tiểu đoàn. Thêm vào đó, đạn dược của NUG cũng rất thô sơ khi PDF đang sử dụng drones được cải tạo lại cho mục đích thả rocket tự chế. Tuy nhiên, các báo cáo lại cho thấy PDF và đồng minh đã gây thương vong khoảng 15,000 quân chính phủ, dù không là gì so với con số 170,000 nhưng PDF đã buộc chính quyền quân sự phải vũ trang cho cả những cựu chiến binh và tù nhân. Phía quân đội Myanmar cũng chuyển qua không kích do di chuyển thành đoàn lớn trong rừng sẽ dễ bị phục kích. Mặc dù các lực lượng đồng minh và NUG hiện đang bị hạn chế trong các chiến thuật du kích, nhưng các nhà lãnh đạo của họ cho rằng một cuộc tấn công bền vững hơn đang đến gần. Tuy nhiên, NUG có vẻ nhưn chưa sẵn sàng để khởi động một cuộc tấn công thông thường. Hiện tại, chính quyền quân sự không được lòng dân và đang mất kiểm soát các vùng nông thôn, nhưng lại quá mạnh để nhường sự kiểm soát các khu vực đô thị.
Xem thêm tại: Economist, Inside the armed Burmese resistance. Truy cập ngày 9/6/2023
No comments:
Post a Comment