Wednesday, June 14, 2023

Chiến dịch phản công : Vì sao Ukraina khó chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga ?
Thu Hằng
Đăng ngày: 14/06/2023 - 16:01
RFI

Trong chiến dịch phản công hiện nay, quân Ukraina tiến rất chậm, thậm chí là « khó khăn », theo phát biểu tối 12/06/2023 của tổng thống Volodymyr Zelensky. Hiện tại mới chỉ có 7 ngôi làng ở vùng Donetsk miền đông và vùng Zaporijjia miền nam được giải phóng. Một số nhà phân tích cho rằng Kiev mới chỉ trắc nghiệm khả năng phản ứng của Nga, nhưng có một điều chắc chắn, Ukraina sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vì quân Nga đã có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ.

Binh sĩ Ukraina trên xe bọc thép BMP-1 tại ngôi làng được giải phóng, thuộc tỉnh Donetsk, ngày 13/06/2023. © Oleksandr Ratushniak / REUTERS

Nga có thời gian củng cố các tuyến phòng thủ 

Sau thành công chớp nhoáng của Ukraina ở Kherson, quân Nga đã dựng tuyến phòng thủ kiên cố, được đặt tên là « Fabergé », thợ kim hoàn của các sa hoàng Nga. Tuyến phòng thủ này rất khó vượt qua theo giải thích với RFI ngày 11/06 của đại tá Frédéric Jordan (thuộc Trung tâm học thuyết quân sự và đào tạo chỉ huy) : 

« Tuyến phòng thủ này rất dày đặc, sâu khoảng 30 km với 6 lớp nối tiếp nhau, trước tiên là giúp quân Nga theo dõi một cuộc tấn công của Ukraina, tiếp theo là cố đánh chặn. Toàn tuyến phòng thủ này phần lớn được củng cố bằng các phương tiện công binh, đặc biệt là mìn, các hầm trú ẩn kiên cố và một số chiến hào. Những vị trí đó không hoàn toàn liên tục, có nhiều khoảng trống, nhưng được bố trí ở những nơi được coi là hành lang cơ động, có thể bảo vệ các khu vực, điểm giao nhau và các vùng có tầm quan trọng chiến lược »

Ngoài ra, quân đội Ukraina còn phải vượt qua được đội « pháo binh đặc biệt » gồm các xe tăng cổ lỗ T54 được Nga xuất kho hồi mùa đông. Thân xe tăng được chôn dưới đất, chỉ để pháo và tháp pháo nhô lên, nhằm gây tối đa thiệt hại cho đối phương. Thông báo mở phản công được Kiev liên tục nhắc đến từ nhiều tháng qua buộc phía Nga phải củng cố lực lượng. Do đó, tình hình trở nên phức tạp cho Ukraina, theo nhận định với RFI ngày 13/06 của cựu đại tá Peer de Jong, hiện là phó chủ tịch Viện Themiis : 

« Đối mặt với quân Ukraina là các đoàn quân Nga được cắm chốt từ nhiều tháng qua. Người ta gọi đó là « bố trí thực địa ». Thêm vào đó là việc đập thủy điện Kakhovka bị phá khiến toàn bộ miền nam, có nghĩa là khoảng 400-500 km ở miền nam bị chia cắt, bởi vì không ai vượt qua được cho nên toàn bộ mặt trận tập trung vào khoảng 500 km ở khu vực phía bắc vùng này »

Lực lượng Ukraina không được trang bị đồng nhất 

Ngoài những khó khăn do Nga gây ra, liệu Ukraina có đủ lực để tấn công cùng lúc toàn bộ mặt trận ở miền đông và miền nam, trong khi các cuộc giao tranh hiện tập trung trên ba trục chính : Bakhmut, vùng Vugledar (đông nam) và vùng Orikhiv (miền nam) ? Cựu đại tá Peer de Jong cho là rất khó « bởi vì Ukraina có khoảng 15 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn có từ 3.000 đến 4.000 quân và lại được trang bị khác nhau, lữ đoàn này dùng thiết bị của Pháp, lữ đoàn kia lại được trang bị vũ khí của Mỹ, của Đức… ». Tuy nhiên, theo ông, tinh thần chiến đấu của quân và dân Ukraina mới là chìa khóa cho thành công của chiến dịch. 

Cùng chung nhận định với nhiều nhà phân tích quân sự, chuyên gia Peer de Jong  nhận định, Ukraina đang trắc nghiệm phòng tuyến để tìm điểm yếu của Nga, với « mục tiêu là xác định một điểm gãy và từ điểm đó có thể đột phá và khai thác đột phá đó. Nên có thể nói rằng (Ukraina) vẫn đang trong giai đoạn đánh giá mặt trận chung »

Theo nhà sử học quân sự Michel Goya, « nếu Ukraina chọc thủng được các tuyến phòng thủ Nga và tạo được đột phá, thì như trường hợp ở tỉnh Kharkiv vào tháng 09/2022, họ sẽ tung lực lượng cơ động để tìm cách tiến sâu nhất có thể về phía các vùng do Nga chiếm đóng và lúc đó chúng ta có thể chứng kiến những trận giao tranh thực sự. Đó sẽ là những trận chiến di động có vài trăm xe tăng của mỗi bên tham gia. Nếu Ukraina chọc thủng được phòng tuyến thì có lẽ chúng ta có thể sẽ thấy xe tăng trực tiếp đối đầu nhau »

Tuy nhiên, một tuần sau khi tổ chức phản công, Kiev mới chiếm lại được 7 ngôi làng, một kết quả khá nhỏ nhưng cho thấy « đà tiến ». Nhà báo Pierre Haski, phụ trách mục Địa Chính Trị trên đài Pháp France Inter, trích nhận định của giới phân tích cho rằng mối nguy thực sự cho Kiev là chỉ giành được một vài chiến thắng quân sự, nhưng không đủ để làm thay đổi cục diện thực địa. Ukraina cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ cuộc chiến ác liệt hiện nay trở thành một « cuộc xung đột được đóng băng », kéo dài tình trạng mất lãnh thổ và khiến các nước phương Tây nản lòng.

No comments:

Post a Comment