Monday, June 5, 2023

CÁN BỘ, VIÊN CHỨC CSVN: KHÔNG LỢI KHÔNG LÀM
Phạm Trần

Tại sao nhiều cán bộ Đảng và viên chức Nhà nước “né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng”  ?

Đó là thắc mắc được bàn cãi rộng rãi trong và ngoài chính quyền ở Việt Nam từ sau Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa đáng XIII kết thúc ngày 17/5/2023, nhưng không ai  biết nguyên nhân và làm sao để chấm dứt tình trạng này.

Những chứng bệnh mới này, theo lời trình bầy trước Quốc hội của Bộ trưởng  Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, “đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh đất nước đang rất khó khăn hiện nay. gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.” (Báo Chính phủ, ngày 31/05/2023)

Quan trọng là không chỉ xẩy ra ở vài cơ quan, hay trong phạm vi nhỏ mà đã lan tràn từ trên xuống dưới và từ trong Nhà nước sang Doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Thanh Trà nói: ”Tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...” (Báo Chính phủ, ngày 31/05/2023)

TẠI SAO BÂY GIỜ ?

Nhưng tại sao những chứng hư, tât xấu trong cán bộ, công chức lại đồng loạt công khai vào lúc này ?

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) thắc mắc: “Tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý, sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư ?”

Đại biểu Tuấn cho rằng: “Cần phải xác định được nguyên phát của căn bệnh này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả, cần phân hóa, phân định rõ một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm như thế.”

Theo quan điểm của ông Tuấn thì: “Có hai nhóm cán bộ. Theo đó một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì. Hai là, những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.”

Ông nói:“Về nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích gì có thể khắc phục được ngay. Vì từ trước đến nay, trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không? khi nhận diện được thì xử lý thế nào?” .

Đại biểu Tuấn lưu ý: ” Đối với nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đây nhóm cán bộ chiếm đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm. Đó là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.”

Theo ông Tuấn: “Đặc biệt có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện, bị xử lý hình sự. Từ những vụ án này đã làm cho cán bộ lo sợ. Bởi lẽ những cán bộ ấy đã từng làm công việc tương tự vào thời điểm trước đây từ đó hình thành nên tâm lý cán bộ lo sợ.”  (Báo Đại Đoàn Kết , ngày 31/05/2023)

Báo Công an Nhân dân (31/05/2023) viết thêm: “Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng khẳng định còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. Việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.”

Bà Thu nói: “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.”

 BẮT BỆNH- SUY THOÁI-TỰ DIỄN BIẾN

Tranh luận với một số đại biểu về công tác cán bộ, tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm”, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh. 

Nhưng ai bắt ai khi có qúa nhiều cán bộ, viên chức “tay đã nhúng chàm”, cộng thêm tình trạng bao che cho nhau, hoặc giơ cao đánh khẽ để bảo vệ “lợi ích nhóm”.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là có và đã có từ rất lâu rồi, và đến hiện tại tình trạng này dường như nặng và phức tạp hơn… Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này có thể do thiếu trách nhiệm, nhưng cũng có những trường hợp là một bộ phận cán bộ năng lực hạn chế, trình độ hạn chế, do vậy việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, dẫn đến làm việc gì cũng sợ, né tránh hoặc đùn đẩy.” .” (Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày đăng: 31/05/2023)

Tuy nhiên, khi các Đại biểu Quốc hội nói đến nguyên nhân nẩy sinh các chứng bệnh nguy nan này là do bệnh “suy thoái tư tưởng chính trị” trong đảng thì đồng thời họ cũng biết trong nội hàm này bao gồm cả mất niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng. Đây cũng chính là tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng viên, kể cả trong Quân đội và Công an,  không còn ngăn chận được nữa.

Để cứu vãn mối nguy “cha chung không ai khóc”, nhiều ý kiến ở Quốc hội muốn đảng phải có chính sách bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung để khuyến khích mọi người tự tin làm việc.

Cũng có khuyến cáo cần: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến. Nếu thực hiện tốt công việc này sẽ giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên, đồng thời tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả.” (Tạp chí Tổ chức Nhà nước, ngày đăng: 31/05/2023)

THỪA NHẬN KHÓ KHĂN

Trình bầy tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận những chứng bệnh sợ trách nhiệm và đùn đẩy công việc trong hàng ngủ cán bộ, viên chức đã gây ra những hậu qủa kinh tế nhãn tiền.

Báo Đại Đoàn Kết viết ngày 22/5/2023: ”Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ như Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì: “Sức khỏe doanh nghiệp đang giảm sút, nền kinh tế rất khó khăn. Bốn tháng đầu năm (2023) có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động.

Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường. Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho nước ngoài.”

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích,dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả.”

Ông xác nhận với Quốc hội: “ Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai.”

Dù vậy, Chính phủ vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết những chứng bệnh mới này. Tại Quốc hội cũng đã có đề xướng nên “ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt”.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Bằng chứng là cả Chính phủ và Quốc hội từng đồng ý cắt giảm biên chế,giản dị hóa thủ tục hành chính và triệt tiêu căn bệnh “cứ ỳ ra đầy” trong công tác Xây dựng chỉnh đốn Đảng mà đến nay, đã gần hết nhiệm kỳ 5 năm của khóa đảng XIII mà mới chỉ tiến được một bước.

Bằng chứng về số người ăn lương qúa nhiều đã được Chuyên gia kinh tế, bà Phạm Chi Lan cảnh giác: “Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước”.

Theo bà Phạm Chi Lan thì cứ 40 người dân phải nuôi một công chức. Bà nói: ”Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.” (báo Lao Động, ngày 30/07/2022)

Chuyện này cũng giống như công tác chống Tham nhũng. Trong diễn văn tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022), ngày 30/06/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nói:” Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là: Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.”

Ông Trọng cũng từng nói: ”Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó?" (báo Thanh Tra trích tuyên bố tại phiên họp của Ban Nội chính Trung ương ngày 20/01/2022)

Như vậy, các chứng bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm vì không có lợi ích riêng” vẫn tồn tại là điều dễ hiểu. -/-

Phạm Trần
(06/023)

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment