Mỹ và Hàn Quốc ký thỏa thuận mới về vũ khí hạt nhânTác giả,Jean Mackenzie từ Seoul & Barbara Plett Usher từ Washington
BBC News
27.04.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA
Mỹ - Hàn đã đạt được thỏa thuận vũ khí hạt nhân quan trọng
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn.
Washington đã đồng ý triển khai định kỳ các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc và để Seoul tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đổi lại, Hàn Quốc đã đồng ý không phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ.
Ông Biden cho biết thỏa thuận, được gọi là Tuyên bố Washington, sẽ tăng cường sự hợp tác của các đồng minh trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công của Bắc Hàn.
Ông đã phát biểu hôm 26/4 trong cuộc họp báo chung với ông Yoon, người đang ở Washington trong tuần này để thảo luận về các vấn đề bao gồm cuộc chiến ở Ukraine, biến đổi khí hậu, an ninh mạng và năng lượng hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết Tuyên bố Washington - tâm điểm của chuyến thăm cấp nhà nước tuần này - đánh dấu một bước đi "chưa từng có tiền lệ" nhằm tăng cường khả năng răn đe mở rộng, vốn là cam kết của Mỹ nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công và bảo vệ các đồng minh của mình bằng việc sử dụng sức mạnh quân sự, bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh gia tăng sự lo ngại về mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn khi nước này tiến hành số vụ thử tên lửa đạn đạo kỷ lục.
“Đó là về việc tăng cường khả năng răn đe để đối phó với hành vi leo thang của Bắc Hàn,” ông Biden nói.
Thỏa thuận mới là kết quả của các cuộc đàm phán diễn ra trong vài tháng, các quan chức cấp cao nói với các phóng viên.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ thực hiện các bước để "làm rõ hơn khả năng răn đe của mình thông qua việc triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược, bao gồm việc gửi một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Hàn Quốc, điều chưa từng xảy ra kể từ đầu những năm 1980", các quan chức cho biết vào tuần này.
Hai bên cũng sẽ thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân để thảo luận các vấn đề hoạch định chiến lược và hạt nhân.
Các chính trị gia ở Seoul từ lâu đã thúc giục Washington để họ tham gia nhiều hơn vào việc lập kế hoạch về cách thức và thời điểm sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bắc Hàn.
Khi kho vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn ngày càng lớn về quy mô và độ tinh vi, người Hàn Quốc ngày càng cảnh giác với việc mù tịt về điều sẽ khiến ông Biden thay mặt họ nhấn nút hạt nhân.
Nỗi lo sợ rằng Washington có thể bỏ rơi Seoul đã dẫn đến những lời kêu gọi Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có mặt tại Washington trong tuần này để thảo luận một loạt vấn đề với Tổng thống Mỹ Joe Biden
Nhưng vào tháng 1, ông Yoon đã đánh tiếng với các nhà hoạch định chính sách ở Washington khi ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đưa ý tưởng này trở lại bàn thảo luận sau nhiều thập kỷ.
Mỹ đột nhiên thấy rõ rằng lời nói và cử chỉ trấn an sẽ không còn hiệu quả nữa, và nếu muốn ngăn cản Hàn Quốc chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình, họ sẽ phải đưa ra đề nghị gì đó cụ thể.
Hơn nữa, ông Yoon đã nói rõ rằng ông dự kiến sẽ về nước sau khi đã đạt được những tiến bộ "hữu hình".
Duyeon Kim, chuyên gia từ Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Seoul, cho biết đây là một "chiến thắng lớn" đối với Hàn Quốc khi tham gia vào kế hoạch hạt nhân.
“Cho đến nay, các cuộc tập trận sẽ kết thúc trước khi Washington quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, bà Kim nói.
"Mỹ đã coi những thông tin như vậy là quá bí mật để chia sẻ, nhưng điều quan trọng là phải thực hành và huấn luyện cho kịch bản này với các loại vũ khí hạt nhân mà Bắc Hàn đang sản xuất."
Nhóm tư vấn hạt nhân mới này hoàn thành những việc cần thiết - mang lại sự tham gia ngày càng nhiều mà chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu. Nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu họ có dập tắt được những lo lắng của công chúng hay không.
Không có cam kết hoàn toàn từ Mỹ rằng họ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Hàn Quốc nếu Bắc Hàn tấn công.
Tuy nhiên, hôm 26/4, ông Biden nói: "Một cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Hàn nhắm vào Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ là không thể chấp nhận được và sẽ dẫn đến sự chấm dứt của bất kỳ chế độ nào thực hiện hành động như vậy".
Kế hoạch cho một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân đến thăm Hàn Quốc lần đầu tiên sau bốn thập kỷ làm tăng thêm sức nặng cho cam kết của Mỹ.
Đổi lại, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tiếp tục là một quốc gia phi hạt nhân và ủng hộ toàn tâm toàn ý việc không cổ xúy cho vũ khí hạt nhân. Mỹ coi việc ngăn cản Hàn Quốc phi hạt nhân hóa là điều cần thiết, vì sợ rằng nếu thất bại, các nước khác có thể nối bước Hàn Quốc.
Nhưng không rõ cam kết này sẽ được đón nhận như thế nào bởi nhóm học giả, nhà khoa học và thành viên có ảnh hưởng và ngày càng có tiếng nói của đảng cầm quyền Hàn Quốc, những người đã và đang thúc đẩy Seoul tự trang bị vũ khí.
Tiến sĩ Cheong Seong-chang, một người ủng hộ hàng đầu về việc Hàn Quốc tiến tới hạt nhân, nói rằng mặc dù tuyên bố này có nhiều khía cạnh tích cực, nhưng "rất đáng tiếc là Hàn Quốc đã công khai từ bỏ quyền rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân [NPT ]".
Tổng thống Biden cho biết Mỹ đang tiếp tục nỗ lực đưa Bắc Hàn trở lại bàn đàm phán. Washington nói rằng Bình Nhưỡng đã phớt lờ nhiều yêu cầu đàm phán mà không có điều kiện tiên quyết.
Mỹ hy vọng thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố tình trạng hạt nhân của nước này là "không thể đảo ngược".
Một số chuyên gia cho rằng giờ đây, việc thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ hợp lý hơn là phi hạt nhân hóa.
Tin liên quan
Bắc Hàn phóng tên lửa, Hàn Quốc lên án 'sự khiêu khích nghiêm trọng'13 tháng 4 năm 2023
Bắc Hàn không trả lời đường dây nóng khi Mỹ-Hàn Quốc tập trận quân sự11 tháng 8 năm 2021
No comments:
Post a Comment