Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Mỹ sẽ thăm Hàn Quốc, gửi thông điệp tới Triều Tiên
Reuters
27/04/2023
VOA
Tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Mỹ USS Nebraska phóng thử tên lửa ở ngoài khơi California, 26/3/2018.
Lần đầu tiên kể từ những năm 1980, một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân (gọi tắt là SSBN) của Hải quân Mỹ sẽ đến thăm Hàn Quốc để giúp thể hiện quyết tâm của Washington trong việc bảo vệ nước này khỏi một cuộc tấn công của Triều Tiên.
Chuyến thăm được công bố trong tuyên bố chung tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington hôm 26/4.
Vì các tàu SSBN của Hoa Kỳ dựa vào hoạt động bí mật và khả năng tàng hình để đảm bảo tính sống còn của chúng và duy trì khả năng phóng tên lửa hạt nhân trong chiến tranh, nên chúng hiếm khi cập cảng công khai ở các cảng nước ngoài.
"Đó có thể là một áp lực rất lớn đối với Triều Tiên, bởi vì người ta thường không chia sẻ vị trí của những tàu ngầm đó", Moon Keun-sik, hạm trưởng và chỉ huy hải đội tàu ngầm Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nhận xét.
Hoa Kỳ đã cam kết triển khai thêm các "vũ khí, khí tài chiến lược" như tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay ném bom tầm xa tới Hàn Quốc để ngăn chặn Triều Tiên, quốc gia đã phát triển các tên lửa ngày càng mạnh có thể tấn công các mục tiêu từ Hàn Quốc cho đến bờ biển miền bắc lục địa Hoa Kỳ.
Chuyến thăm của tàu ngầm cũng được coi là một cách để trấn an Hàn Quốc và xua đi những bàn luận ở Seoul về việc phát triển vũ khí hạt nhân trong nước.
"Nếu một tàu SSBN của Hoa Kỳ đến thăm và cập cảng ở Hàn Quốc, điều đó rất bất thường và mang tính biểu tượng... Hoa Kỳ muốn chứng tỏ rằng họ sẽ răn đe mạnh mẽ hơn một cách rõ ràng và xoa dịu những lo ngại của người Hàn Quốc", Choi Il, cũng là một hạm trưởng tàu ngầm Hàn Quốc đã nghỉ hưu, nói với Reuters.
Hải quân Hoa Kỳ có 14 chiếc SSBN. Mỗi tàu ngầm lớp Ohio này chở 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể mang tới 8 đầu đạn hạt nhân có thể đánh các mục tiêu cách xa 12.000 km.
Theo một báo cáo của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, các tàu SSBN đã thăm Hàn Quốc thường xuyên hồi những năm 1970, cũng là một thời kỳ mà Hàn Quốc đã thảo luận về sức nặng của các cam kết của Hoa Kỳ và sự cần thiết phải có kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Sau đó, vào năm 1981, các chuyến thăm dừng lại và các tàu SSBN đã không quay trở lại kể từ đó.
Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói với các phóng viên rằng chuyến ghé thăm cảng sắp tới sẽ là một phần trong chương trình điều các vũ khí, khí tài chiến lược tới bán đảo một cách thường xuyên hơn, nhưng "hiện không có dự định gì về việc bố trí hoặc triển khai thường xuyên các vũ khí, khí tài đó và chắc chắn càng không phải như thế với vũ khí hạt nhân" ở Hàn Quốc.
(Reuters)
No comments:
Post a Comment