Sunday, April 30, 2023

VNTB – 48 năm rồi, an cư để lạc nghiệp vẫn là giấc mơ cổ tích
Hồng Dân
30.04.2023 5:09
VNThoibao



(VNTB) – Thu nhập từ lương để mua nhà đối với công nhân là cực kỳ khó, họ sẽ phải tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng thì cũng cần từ 10 – 20 năm…

 “Gỉa định hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải tích lũy bình quân từ 10 – 20 năm mới có thể mua được nhà, thậm chí có gia đình không bao giờ mua được nhà, bởi làm đến đâu tiêu hết đến đấy với mức thu nhập như hiện nay”.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhận xét như trên tại buổi tọa đàm “Chỗ ở và nhà ở – Nhu cầu cấp bách của công nhân” do Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp tổ chức.

Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Xây dựng thu thập ý kiến của người dân, cơ quan, các bộ ngành trong cả nước, kết quả phát triển nhà ở xã hội thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn thiếu rất nhiều. Cả nước mới quy hoạch, bố trí được 36,34% diện tích đất so với nhu cầu đến năm 2020.

Hiện tại, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả thấp so với mục tiêu đề ra. Theo đó diện tích này mới đạt 5,2 triệu m2 trên 12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020 của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ hồi năm 2011.

Một lưu ý khác về chuyện “thắt lưng buộc bụng”, đó là – như một chia sẻ của ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng 10m2, với mức thuê từ 500 đến 1 triệu đồng, với những phòng từ 15 – 20m2 thường có giá trên 1 triệu.

Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. “10m2 này vừa là chỗ sinh hoạt vừa là chỗ ngủ, nghỉ. Chỗ ở của công nhân thường ẩm thấp, tạm thời và không lâu dài, nhanh xuống cấp, điều kiện không đảm bảo khiến sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp”, ông Nghĩa thông tin, và cho rằng một khi năng suất kém dần thì tuổi lao động thật sự ở các doanh nghiệp cũng tỷ lệ thuận giảm theo; có nghĩa là sẽ thất nghiệp trước khi tuổi hưu đến…

Người viết bài này cho rằng nếu vấn đề trên được quy trách nhiệm theo Hiến định, có lẽ mọi việc sẽ được xử trí rốt rào hơn nếu như Đảng thật sự nói và làm tương ứng nhau.

Đơn cử, trong phần mở đầu của bản Hiến pháp 2013, có đoạn viết thể khẳng định như sau với việc nhân danh “Cương lĩnh”, Đảng tự cho mình là cơ quan tối cao của tất cả, bao gồm luôn quyền đứng trên Hiến pháp:

“Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Lập luận tiếp theo, Đảng tiếp tục tự cho mình quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4.1). Cũng ở Điều 4.1 này, Đảng tuyên bố là “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân”.

Ở Điều 4.2, là nội dung của một cam kết: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

Như vậy theo cách hiểu rất ‘bình dân học vụ’ của học trò trung học, Đảng – mà cụ thể ở đây là Tổng bí thư phải có trách nhiệm thực thi đầy đủ các nội dung được ghi ở Hiến pháp.


No comments:

Post a Comment