Saturday, April 29, 2023

Biden và Trump, hiệp nhì khó đoán!
Ngô Nhân Dụng
29/04/2023
VOA

Năm 2020, ông Biden thắng vì tới lúc ông Trump bị nhiều người chán. Đến năm 2024, kết quả có thể tùy thuộc một số cử tri độc lập chán ông Biden, chán ông Trump hoặc chán cả hai. Chưa biết bên nào đông hơn và đi bỏ phiếu mạnh hơn.

Dân Mỹ hiện đang chia thành hai khối cử tri rõ rệt, bất đồng ý kiến kịch liệt trên nhiều vấn đề căn bản; như chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, những người đổi giống nam nữ, chính sách xã hội và y tế công cộng, vân vân.

Có thể đoán, cuối năm 2024 hai ông Donald Trump và Joe Biden sẽ tái đấu, xin dân cho cơ hội làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Biden coi như chắc chắn sẽ được đảng Dân Chủ đưa ra tranh cử. Hiện chỉ có 2 người muốn giành với ông. Robert Kennedy Jr. được chú ý vì ông bố, một nghị sĩ và ông bác, một tổng thống, đều bị ám sát. Trong chính trị ông nổi tiếng khi chống các loại thuốc chủng ngừa, chống tất cả, từ trước khi có Covid-19. Người thứ nhì là bà Marianne Williamson, nổi tiếng vì từng làm cố vấn tinh thần cho Oprah Winfrey, một nhân vật truyền hình đông khán giả. Có thể nói cả hai người đều rất yếu, so với Biden.

Bên đảng Cộng Hòa có vẻ sôi nổi hơn một chút, vì nhiều ứng cử viên “nặng ký” muốn đối đầu với ông Trump. Bà Nikki Haley công bố ý định sớm nhất, là con của một di dân gốc Ấn Độ, từng làm cựu thống đốc South Carolina, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc. Nghị sĩ Tim Scott, cũng từ tiểu bang South Carolina, người gốc Phi châu. Ông Vivek Ramaswamy, một doanh nhân giàu có, chưa bao giờ ra tranh cử chức vụ nào. Trong số những người đã chính thức tuyên bố sẽ tranh cử, ông Asa Hutchinson, cựu thống đốc Arkansas là người duy nhất công khai đả kích cựu tổng thống Trump.

Những người chưa công bố chính thức đông hơn, nổi bật là ông Ron DeSantis, thống đốc Florida đã được đài Fox chọn, thay vì ủng hộ ông Trump. Thống đốc New Hampshire, ông Chris Sununu và cựu thống đốc New Jersey Chris Christie đều có tham vọng làm tổng thống từ lâu, và có thể thay thế ông Trump. Cựu phó Tổng thống Mike Pence bị những cử tri căn bản của Tổng thống Trump ghét thậm tệ. Ông Trump coi Ron DeSantis là đối thủ đáng ngại nhất, với những chủ trương không khác gì ông Trump, nhưng tuổi trẻ hơn và không bị tai tiếng.

Một cuộc thăm dò dư luận hồi đầu năm nay cho thấy Ron DeSantis có thể đánh bại Joe Biden, nếu dân Mỹ bỏ phiếu lúc đó. Nhưng ngôi sao DeSantis đang xuống; trong nội bộ Cộng Hòa, ông Trump vẫn được ủng hộ nhiều nhất. Cho nên, cuối cùng chắc ông Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa. Tim Scott, Nikki Haley hy vọng sẽ là ứng cử viên phó tổng thống.

Các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy Tổng thống Joe Biden ở thế yếu. Trong hai năm qua số người ủng hộ ông chỉ ở mức trên dưới 40%. Ngay trong đảng Dân Chủ, số người muốn ông tái tranh cử cũng dưới 50%. Ông Trump được 60% đến70% người cùng đảng ủng hộ. Một cuộc nghiên cứu của NBC News gần đây nhất yêu cầu dân Mỹ chọn giữa ông Biden và một ứng cử viên tổng thống chưa có tên của đảng Cộng Hòa. Ông Biden thua với tỷ số 47% - 41%.

Dân Mỹ hiện đang chia thành hai khối cử tri rõ rệt, bất đồng ý kiến kịch liệt trên nhiều vấn đề căn bản; như chuyện phá thai, hôn nhân đồng tính, những người đổi giống nam nữ, chính sách xã hội và y tế công cộng, vân vân.Trong tình trạng này, dù Trump hay Biden đắc cử thì kết quả cũng rất “sát nút;” nghĩa là rất khó tiên đoán. Càng khó tiên đoán, vì phương thức chọn tổng thống của Liên bang Hoa Kỳ độc đáo, không phải cứ ai được nhiều phiếu của dân nhất thì đắc cử.

Chức tổng thống Mỹ sẽ tùy thuộc ai thắng ở những tiểu bang nào. Mỗi tiểu bang có một số “phiếu cử tri đoàn,” ai chiếm đa số phiếu ở đó sẽ được hưởng trọn. Năm 2000, ông George Bush chỉ hơn ông Al Gore trên 500 phiếu tại Florida nhưng được cộng thêm tất cả 26 phiếu cử tri đoàn, thế là đủ thắng rồi. Năm 2020, ông Biden thắng ông Trump tại năm tiểu bang quan trọng, chiếm hết năm “cử tri đoàn” lớn, nên đắc cử; nhưng tổng cộng cả năm nơi cũng chỉ hơn ông Trump khoảng 20,000 lá phiếu.

Những cuộc bầu tổng thống Mỹ gần đây cho thấy có một số tiểu bang nghiêng hẳn về một đảng. Thí dụ Alabama, South Dakota thường tổng thống bầu Cộng Hòa, còn New York, Vermont bầu Dân Chủ. Kết quả sau cùng do một số tiểu bang gọi là “ngang ngửa” quyết định, khó đoán trước họ sẽ bầu cho ai. Các ứng cử viên tổng thống sẽ phải dồn sức vào các “bãi chiến trường” này, giành giật từng lá phiếu.

Những “tiểu bang ngang ngửa,” cũng thay đổi tùy mùa bầu cử. Trước năm 2000, Florida, Ohio và Iowa đều coi là ngang ngửa, nhưng nay hầu như nghiêng hẳn về phía Cộng Hòa. Ngược lại, Colorado, Virginia và New Hampshire đang ngả sang Dân Chủ.
Hiện nay Pennsylvania, Wisconsin, Georgia, Nevada, Arizona và Michigan có thể coi là các tiểu bang ngang ngửa, không biết chắc dân sẽ bầu cho Trump hay Biden nhiều hơn. Căn cứ vào kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2022 ở hai tiểu bang, Joe Biden có hy vọng. Ở Pennsylvania và Michigan Đảng Dân Chủ năm ngoái đã đoạt chức thống đốc và chiếm đa số ở các nghị viện. Số cử tri đoàn của Pennsylvania khá nhiều, nếu ông Biden thắng ở đó thì sẽ thêm số cử tri đoàn gần đủ để đắc cử, chỉ cần thắng thêm một trong ba tiểu bang ngang ngửa Wisconsin, Georgia và Arizona.

Nhưng dân Mỹ nhiều khi tạo thế quân bình, chọn một đảng cho nắm quyền ở tiểu bang, lại chọn ông tổng thống thuộc đảng đối nghịch. Hoặc cho một đảng nắm quyền hành pháp, đảng kia giữ quyền lập pháp. Năm 2022, dân Wisconsin chia phiếu cho cả hai đảng: Thống đốc Dân Chủ Tony Evers và Nghị sĩ Cộng Hòa Ron Johnson, đều được tái nhiệm. Georgia cũng vậy, đảng Cộng Hòa thắng lớn các chức từ thống đốc đến bộ trưởng nội vụ; đảng Dân Chủ vẫn chiếm ghế nghị sĩ liên bang. Làm cách nào chinh phục những “tiểu bang ngang ngửa?”

Nói “dân chúng chọn” thì nghe mơ hồ. Ai là dân chúng? Chọn thế nào? Ở mỗi tiểu bang, dù là ngang ngửa, đều có nhiều cử tri trung thành với một trong hai đảng. Bình thường, những lá phiếu quyết định là do các cử tri độc lập, không nghiêng hẳn về đảng nào, và mỗi lần bỏ phiếu lại sẵn sàng thay đổi. Chính họ là những cử tri quyết định cho ai thắng, sau khi phán xét chính sách của mỗi đảng đối với các vấn đề mà họ coi là quan trọng nhất.

Đề tài lớn nhất, tất nhiên là phán xét công việc của ông Biden trong mấy năm làm tổng thống. Đảng Cộng Hòa sẽ tấn công trên các vấn đề kinh tế xuống thấp, lạm phát lên cao, cộng thêm những mối lo về di dân tới đông quá, chính phủ nợ nhiều quá. Đảng Dân Chủ sẽ chứng tỏ rằng kinh tế đã hồi phục sau tai họa bệnh dịch, tỷ số thất nghiệm xuống mức thấp kỷ lục, lương công nhân lên cao chưa từng thấy. Họ sẽ đề cao các chương trình sửa chữa hoặc xây dựng đường xá, cầu cống (hơn ngàn tỷ mỹ kim); các món đầu tư sản xuất chất bán dẫn (cũng ngàn tỷ mỹ kim) tạo công việc làm; và mô tả những mối lo khác là không quan trọng.

Trong cuộc tranh cử năm 2024, các vấn đề văn hóa, phong tục, đạo lý sẽ được đưa lên hàng đầu, có thể ảnh hưởng mạnh trên lá phiếu hơn những chuyện cơm áo gạo tiền. Ngay bây giờ đã thấy hai đảng chọn những đề tài mà họ sẽ dùng để vận động tranh cử năm 2024, khi người Mỹ bầu tổng thống, các dân biểu Hạ viện và một phần ba số nghị sĩ trên Thượng viện.

Hai đảng đều sẽ nhấn mạnh đến vấn đề phá thai, với lập trường đối nghịch nhau. Đảng Cộng Hòa sẽ đòi bảo vệ quyền tự do mang súng; đảng Dân Chủ muốn đặt thêm luật để kiểm soát. Các vấn đề như người đồng tính, người đổi giống nam, nữ, có thể thành đề tài tranh cử tại nhiều tiểu bang.

Cá nhân các ứng cử viên sẽ ảnh hưởng trên lựa chọn của cử tri. Với ông Joe Biden, tuổi già sẽ khiến nhiều người lo lắng ông còn đủ sáng suốt. Với ông Donald Trump, nhiều thông tin sẽ khiến cử tri ngần ngại; vì trong hai năm tới ông còn phải ra tòa vì các chuyện quan hệ với phụ nữ, kinh doanh, và tiếp tục gọi cuộc bỏ phiếu năm 2020 là gian lận, dù đều bị các tòa án bác bỏ.

Ý kiến các cử tri về cá nhân ứng cử viên tổng thống có thể quyết định một cuộc bầu cử, nhưng không biết quyết định đến mức nào. Năm 2016, ông Trump có thể đắc cử chỉ vì nhiều cử tri ghét bà Clinton hơn. Năm 2020, ông Biden thắng vì tới lúc ông Trump bị nhiều người chán. Đến năm 2024, kết quả có thể tùy thuộc một số cử tri độc lập chán ông Biden, chán ông Trump hoặc chán cả hai. Chưa biết bên nào đông hơn và đi bỏ phiếu mạnh hơn.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment