Di dân Trung Quốc dùng truyền thông xã hội tìm đường tới biên giới Mỹ
Reuters
29/04/2023
VOA
Nhân viên Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) trao các túi nhựa cho di dân Trung Quốc tại biên giới Mỹ-Mexico để che mưa và tránh gió ở Fronton, Texas, ngày 5/4/2023.
Khó khăn xin thị thực Mỹ và dư chấn kinh tế do phong tỏa COVID của Trung Quốc đã làm tăng mạnh số công dân Trung Quốc có mặt tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Trong số những người đến được biên giới này có một số đã dùng các ứng dụng và các trang truyền thông xã hội để nghiên cứu cách tiến hành cuộc hành trình dài và nguy hiểm, theo nguồn tin từ các di dân, chuyên gia di trú, luật sư di trú và các quan chức Mỹ đương nhiệm cũng như tiền nhiệm nói với Reuters.
“Xâm nhập lãnh thổ Mỹ tại biên giới phía nam là một việc tốn kém và rủi ro. Nhưng nếu người ta có lý do cá nhân hoặc kinh tế để làm như vậy, thì họ chọn con đường đó,” ông Erik Finch, giám đốc chiến lược di trú tại công ty khởi nghiệp công nghệ pháp lý Boundless Immigration có trụ sở tại Seattle, tiểu bang Washington, và cũng là cựu quan chức Bộ Ngoại giao có kinh nghiệm ở cả Trung Quốc và Mexico, nói với Reuters.
“Thực tế chúng ta thấy ngày càng có nhiều người tận dụng phương cách này chứng tỏ đây là một sản phẩm của xu hướng chung và cũng là do các tuyến đường khác thậm chí còn trở nên bất khả thi hơn.”
Trong suốt ba tuần chụp ảnh và đưa tin từ một vùng biên giới xa xôi ở đông nam Texas, Reuters đã chứng kiến hàng trăm dân di cư gốc Trung Quốc băng qua biên giới vào Hoa Kỳ và Reuters đã phỏng vấn hơn hai chục người bằng tiếng Quan Thoại.
Tất cả những người được phỏng vấn cho biết dựa vào mạng xã hội, họ nảy sinh ý tưởng đi đường bộ đến Hoa Kỳ và trông cậy vào những người có ảnh hưởng, các nhóm tư nhân và các bình luận để lên kế hoạch cho cuộc hành trình.
Khoảng một nửa cho biết họ từng là chủ doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc, điều hành các cửa hàng trên mạng, trang trại cừu và một công ty sản xuất phim.
Một số đeo thánh giá và mang theo kinh Thánh tiếng Hoa. Họ nói rằng họ là những người theo đạo Cơ đốc và cảm thấy không thể tự do thực hành tôn giáo của mình tại quê nhà. Hiến pháp của Trung Quốc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, nhưng trong những năm gần đây, các bên chỉ trích, trong đó có chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh đã thắt chặt các hạn chế đối với các tôn giáo được coi là thách thức đối với chính quyền của đảng Cộng sản cầm quyền.
Một di dân nói chuyện với Reuters xong yêu cầu không đưa hình ảnh của ông ấy lên. Di dân này cho biết lộ trình của ông đi qua Hong Kong, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ trước khi đến Ecuador.
“Trước tiên, từ Hồ Bắc tôi tới Hong Kong, rồi đi máy bay qua Thái Lan, sau đó bay tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, qua Nam Mỹ, tới Mỹ,” di dân này nói.
Ông cho biết cảm thấy nhẹ nhõm khi đến Mỹ.
“Tôi cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn rồi. Hiếm thấy lắm, người dân ở đây, cảnh sát ở đây, rất tốt bụng. Và đó là nước Mỹ trong đầu tôi. Vậy đó. Thật tốt. Thật tuyệt,” di dân này nói.
Toà đại sứ Trung Quốc tại Washington nói trong một email rằng chính phủ phản đối việc di cư bất hợp pháp, đây “là một vấn đề quốc tế đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia”, nhưng không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề tự do tôn giáo.
Ứng dụng video ngắn Douyin, thuộc ByteDance vốn cũng sở hữu TikTok, là một trong những nguồn doanh thu chính của công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc.
ByteDance, công ty cũng sở hữu Xigua Video, không trả lời ngay các yêu cầu bình luận.
Các vụ bắt giữ công dân Trung Quốc tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico lên tới hơn 6.500 ca trong sáu tháng kể từ tháng 10 năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận và tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Dữ liệu của CBP cho thấy, mặc dù chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm ngàn di dân đến biên giới phía tây nam, nhưng người Trung Quốc là nhóm dân tăng nhanh nhất trong sáu tháng đó.
Giới hữu trách CBP hôm 16/3 nói sự gia tăng này “tạo ra sự căng thẳng cho lực lượng của chúng tôi do sự phức tạp của rào cản ngôn ngữ và kéo dài quá trình xử lý.”
Theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao, trong năm tài khóa 2021, tỷ lệ từ chối visa du lịch Mỹ cho công dân Trung Quốc lên tới 80% và trong năm 2022 là hơn 30%, hai năm cao nhất được ghi nhận. Mặc dù việc cấp thị thực của Hoa Kỳ trên toàn cầu hầu hết đã phục hồi về mức trước đại dịch, nhưng số lượng thị thực Mỹ cấp ở Trung Quốc vào năm ngoái vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch của năm 2019 là 90%.
“Do chính sách zero-COVID của họ, tác động thực tế của COVID đã kéo dài quá mức, có rất nhiều hạn chế và mọi thứ nghiêm trọng hơn so với phần còn lại của thế giới, đến mức có rất nhiều COVID vào năm 2022 và cuối năm 2022 , tình hình COVID ở Trung Quốc đang ở mức nghiêm trọng nhất, do đó đã hạn chế việc đến và đi từ Trung Quốc trong thời gian đó, ngay cả sau khi các hạn chế đã được dỡ bỏ ở hầu hết các nơi còn lại trên thế giới,” ông Finch, người từng làm việc tại Bộ Ngoại giao bao gồm nhiệm vụ giám sát các dịch vụ visa khác nhau ở Trung Quốc, nói.
Những người có visa và những người vượt biên giới có thể xin tị nạn tại Hoa Kỳ khi đến nơi nếu họ sợ bị đàn áp ở quê nhà. Theo dữ liệu của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những người xin tị nạn từ Trung Quốc đã thắng tại tòa án di trú Hoa Kỳ trong 58% trường hợp.
Bộ Ngoại giao trong một tuyên bố gửi qua email cho biết, năm 2021 và 2022 “không phải là những năm tiêu chuẩn”. Bộ cho biết việc cấp visa dự kiến sẽ tăng lên khi Trung Quốc “bắt kịp lượng hộ chiếu tồn đọng và du lịch hàng không tái tục sau khi kết thúc chính sách zero-COVID”.
Di dân Trung Quốc đã không chờ đợi và chọn theo chân những người đã học qua mạng xã hội.
Lướt qua các thông tin trên mạng xã hội, một di dân tình cờ biết ông “Baozai”, một nhân vật nổi tiếng trên mạng có hàng chục ngàn người theo dõi trên Douyin, Video Xigua, YouTube và Twitter vì đăng video về việc ông di cư đến Hoa Kỳ. Reuters không thể xác nhận danh tính của Baozai một cách độc lập và trong các tin nhắn gửi cho Reuters, ông phủ nhận ông là một người có ảnh hưởng và nói rằng ông chỉ là một di dân.
Tài khoản gốc của Baozai “Baozai phiêu lưu thế giới một mình” bị chặn trên Douyin vì vi phạm “quy định kỷ luật cộng đồng”.
Ông hiện đang đăng bài dưới một tài khoản mới có cùng tên trên Douyin, với nội dung về cuộc sống của ông ở Hoa Kỳ.
Douyin không trả lời yêu cầu bình luận về Baozai.
Hướng dẫn đường đi nước bước trên truyền thông xã hội phù hợp với các mô tả mà di dân đưa ra cho luật sư di trú Xiaosheng Huang có trụ sở tại Hoa Kỳ, người nói rằng ông đã đại diện cho 15 công dân Trung Quốc tới Mỹ qua con đường Ecuador kể từ mùa hè năm ngoái.
“Họ bắt đầu nói về việc rời khỏi đất nước trên mạng xã hội, chẳng hạn như Doiyin, Tik Tok phiên bản Trung Quốc, Kuaishou và một số nền tảng khác. Họ trao đổi thông tin: làm thế nào để rời khỏi đất nước, làm thế nào để đến Ecuador, từ châu Âu hay Macao, Hong Kong,” ông Huang nói và cho biết thêm rằng hầu hết khách hàng của ông bỏ xứ ra đi để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.
Tại một bệnh viện ở Quito, một di dân nói ông biết một nhóm di dân Trung Quốc đã liên lạc với một hướng dẫn viên người Colombia địa phương tên là “Carlos”.
Di gân này và một số người khác cho hay ông Carlos và các cộng sự tính phí khoảng 1.230 đô la cho mỗi người lớn và 700 đô la cho mỗi trẻ em để sắp xếp việc đi lại và khách sạn từ Ecuador đến Panama, bao gồm cả chuyến đi bộ có người dẫn đường qua ngả Darien.
Họ cũng được cung cấp lều ngủ tạm trong rừng và ngựa để di chuyển một phần đoạn đường nếu chịu trả thêm khoản phụ phí, những di dân cho biết.
Một phóng viên của Reuters đã liên lạc với một người đàn ông Colombia thông qua một số liên lạc được chia sẻ trên Douyin. Khi bắt máy, người này đã trả lời khi được gọi là Carlos. Ông ta từ chối cho biết tên họ đầy đủ và nói rằng không đưa bất kỳ ai qua biên giới một cách bất hợp pháp hoặc nhận tiền từ những di dân. Nhưng ông cho biết đã giúp một số người Trung Quốc tìm kiếm vé xe buýt và vé phà.
Reuters phát hiện các tài khoản mạng xã hội khác đưa ra lời khuyên bằng tiếng Quan thoại về việc băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico.
Vào ngày 7/4, một bài đăng trên Twitter từ một tài khoản có tên Lee Gaga cho biết những kẻ đưa lậu người đánh dấu vị trí của các đặc vụ Biên phòng Hoa Kỳ trên bản đồ và khuyên di dân tự trình diện. “Tất nhiên bạn có thể thử bỏ chạy, nhưng chớ nên,” bài đăng cho biết. Twitter chỉ khả dụng ở Trung Quốc cho người dùng có VPN hoặc các mạng lưới tư nhân, cho phép người dùng internet truy cập các trang web ở nước ngoài bị chính quyền cấm.
Tài khoản Lee Gaga đăng trên Twitter rằng: “Tôi khá may mắn. Tôi được thả chỉ sau ba ngày ba đêm. Tôi gặp may vì gần đây chính sách biên giới rất tốt.”
No comments:
Post a Comment