Saturday, April 29, 2023

Tập Cận Bình điện đàm với Zelensky: Đòn ngoại giao cao tay hay tình thế bắt buộc?
Trọng Thành
Đăng ngày: 29/04/2023 - 17:44
RFI

Chủ tịch Trung Quốc gọi điện cho tổng thống Ukraina: Lần đầu tiên sau hơn một năm kể từ khi Nga mở đầu cuộc xâm lược Ukraina. Cam kết của Mỹ tăng cường bảo vệ Hàn Quốc đối phó với Bắc Triều Tiên trong ‘‘Tuyên bố Mỹ - Hàn’’ nhân chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol, bị một số chuyên gia Mỹ chỉ trích là không có nhiều tác dụng, và thậm chí có thể phản tác dụng.


Ảnh ghép : Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) và lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình (P) AFP - GENYA SAVILOV,VLADIMIR ASTAPKOVICH


Một quan chức Trung Quốc cao cấp - từng phụ trách đàn áp phong trào đòi dân chủ Hồng Kông - được cử dự lễ đăng quang của tân vương Anh. Lựa chọn gây phẫn nộ trong chính giới Anh Quốc. Đài Loan kêu gọi chính quyền Mỹ ngừng tuyên truyền quá nhiều về các đe dọa quân sự từ Trung Quốc, với cảnh báo: nạn nhân sẽ là ngành công nghiệp chip bán dẫn, cột trụ kinh tế của hòn đảo. Bộ phim ‘‘Làm cách nào để phá một đường ống dầu khí’’ ("How to Blow Up a Pipeline") ra rạp tại Mỹ. Phim lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của lý thuyết gia người Thụy Điển Andreas Malm, được mệnh danh là ‘‘Lênin’’ của giới tranh đấu môi trường (Le Monde). Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky điện đàm lần đầu tiên ngày 26/04/2023, ngày thứ 426 kể từ khi điện Kremlin mở màn cuộc chiến tranh chống Ukraina. Đây là tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế tuần qua. Cho đến trước cuộc điện thoại này, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đã hoàn toàn làm thinh trước các kêu gọi trao đổi trực tiếp giữa hai nguyên thủ từ phía Kiev, trong lúc ông Tập Cận Bình hai lần tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có một chuyến công du Matxcơva. Trong hơn một năm Nga xâm lược Ukraina, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quan hệ với Matxcơva - thủ phạm của cuộc xâm lăng bị Liên Hiệp Quốc lên án.

Ukraina thận trọng cao độ

Cuộc điện thoại Tập Cận Bình - Zelensky được đông đảo các nước phương Tây hoan nghênh, với những mức độ khác nhau, nhưng đa phần dè dặt. Phản ứng của chính quyền Ukraina ra sao ? Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan hôm 26/04 cũng ghi nhận thái độ thận trọng cao độ từ phía chính quyền Zelensky :

‘‘Thông thường vốn bày tỏ rất nhiều trên Twitter, các quan chức chủ chốt của phủ tổng thống Ukraina đã sử dụng một thứ ngôn từ đầy ẩn ý, gần như tương xứng với người đối thoại châu Á của họ, để hoan nghênh cuộc thảo luận kéo dài một giờ giữa tổng thống Volodymyr Zelensky và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nguyên thủ Ukraina khẳng định đây là “một cuộc trao đổi dài và đầy ý nghĩa”. Andriy Yermak, chánh văn phòng phủ tổng thống, ca ngợi “một cuộc đối thoại quan trọng”. Tuy nhiên, rất ít thông tin về nội dung cuộc thảo luận giữa hai bên lọt ra bên ngoài. Truyền thông Ukraina nêu bật việc bổ nhiệm tân đại sứ Ukraina tại Bắc Kinh : ông Pavlo Ryabikin, cựu bộ trưởng bộ Công Nghiệp Chiến Lược, chức vụ vốn đã bị bỏ trống từ năm 2021. Trong khi đó, cựu đại sứ Trung Quốc tại Matxcơva sẽ được cử đến Ukraina để thực hiện nhiệm vụ thiết lập liên lạc giữa các bên xung đột.

Theo nhận định của một cựu bộ trưởng Ukraina, mà chúng tôi đã tiếp xúc được hôm thứ Tư 26/04 bên lề một diễn đàn về công nghiệp quân sự ở Kiev, chính phủ Ukraina đã rất thận trọng về khả năng để ngỏ cửa cho giải pháp ngoại giao, với trung gian là Bắc Kinh. Ưu tiên của chính quyền Ukraine là duy trì một kênh liên lạc cởi mở sao cho Trung Quốc duy trì thái độ trung lập trong cuộc xung đột hiện tại, và không có các hỗ trợ quân sự rõ rệt hơn đối với Nga’’.

Vì sao ‘‘lá bài điện thoại’’ vào thời điểm này?

Cuộc điện thoại Tập Cận Bình - Zelensky mang lại những gì đáng kể cho phía Ukraina? Ngoài việc Trung Quốc cam kết không cung cấp vũ khí cho Nga (theo tổng thống Ukraina), và việc Bắc Kinh cử đoàn công tác cấp cao, đứng đầu là cựu đại sứ tại Nga đến Ukraina, trong hiện tại chính quyền Ukraina dường như không đặt mấy hy vọng vào tác động cụ thể của Bắc Kinh đối với tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho xung đột.

Dù sao Trung Quốc cũng đã chính thức nhập cuộc vào các nỗ lực ngoại giao tìm giải pháp cho chiến tranh tại Ukraina, với cuộc điện đàm Tập - Zelensky và việc cử phái đoàn đến tại chỗ. Tuy nhiên để đánh giá được đúng ý nghĩa của các sự việc này cần đặt chúng trong bối cảnh không gian và thời gian rộng hơn. Gọi điện thoại cho tổng thống Ukraina có thể coi là một ‘‘lá bài’’ ngoại giao quan trọng của Trung Quốc. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: Tại sao lãnh đạo tối cao Trung Quốc lại sử dụng ‘‘lá bài’’ đó vào thời điểm này?

Hoàn Cầu Thời Báo: ‘‘Cơ hội cho giải pháp chính trị đã đến’’

Nhìn từ phía Trung Quốc, thời điểm cuộc điện đàm đã được lựa chọn một cách rất có chủ ý. Bài xã luận (ngày 27/04/2023) của Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ấn bản Anh ngữ, nhận định đây là thời điểm thuận lợi. Đây là lúc mà ‘‘nhiều quốc gia, bao gồm Nga và Ukraina, cũng như các quốc gia khác ở châu Âu, đã dần dần công nhận hoặc chấp nhận một phần giải pháp do Trung Quốc đề xuất. Ngày càng có nhiều tiếng nói bên trong Hoa Kỳ cho rằng ‘‘thế giới nên lắng nghe tiếng nói của Trung Quốc''. (…) thái độ sẵn sàng đàm phán giữa tất cả các bên đang tăng lên và nhiều tiếng nói duy lý hơn đang xuất hiện ở một số nước châu Âu. Về một mặt nào đó, cơ hội thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina đã xuất hiện’’.

Bắc Kinh khẳng định ‘‘luôn đứng về phe hòa bình’’. Tuy nhiên, trong giới quan sát cũng phổ biến một nhận định cho rằng ngay từ đầu chiến tranh: Trung Quốc một mặt đã ủng hộ mạnh mẽ Nga về nhiều phương diện, mặt khác, đứng ở vị thế ngư ông đắc lợi. Bắc Kinh theo sát diễn biến cuộc chiến để kịp thời chọn bên đúng lúc, sao cho có lợi nhất. Theo chuyên gia Pháp François Godement, Viện Montaigne, Bắc Kinh tự tin ‘‘có thể trở thành bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này’’.

Bị động hay ‘‘giương bẫy’’ ?

Theo một số nhà quan sát, như chuyên gia về Trung Quốc Teresa Nogueira (Amnesty International) (trả lời RFI), quyết định điện đàm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào lúc Nga đã phải gánh chịu nhiều tổn thất trên chiến trường, viễn cảnh đè bẹp quân đội Ukraina là xa vời, khác hẳn thời gian đầu chiến tranh. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc - cho dù thu lợi nhiều trong thương mại với Nga trong một năm qua - nhìn chung đang gánh chịu nhiều thiệt hại hơn là lợi lộc. Đấy là chưa kể cuộc phản công mùa xuân được trông đợi của Quân đội Ukraina sắp bắt đầu, Bắc Kinh có thể bị trễ khi nhập cuộc sau đó.

Trái ngược với quan điểm coi Trung Quốc phải hành động trong thế bị động như trên, một số chuyên gia phương Tây nghi ngờ cao độ, coi cuộc điện đàm của Tập Cận Bình là ‘‘một chiếc bẫy’’ của Bắc Kinh, như ông Dan Baer, nhà nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, khi trả lời AFP. Chuyên gia về Trung Quốc Lưu Á Vĩ (Yawei Liu), cũng thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế thì nói đến một ‘‘chiếc bẫy lớn’’. Nhà Trung Quốc học François Godement, Viện Montaigne, trong một cuộc trả lời phỏng vấn France info (27/04) nêu giả thiết, đây là một thủ đoạn nhằm kìm hãm cuộc phản công của Quân đội Ukraina chuẩn bị diễn ra. Đây cũng là quan điểm của Max Hess, nhà nghiên cứu của chương trình Eurasia thuộc Foreign Policy Research Institute (trả lời CNBC).

Âu - Trung giảm căng thẳng, Bắc Kinh phản công ngoại giao

Dù đối với Trung Quốc đây là một thủ đoạn ngoại giao hay do tình thế bắt buộc, giới quan sát không thể bỏ qua liên hệ giữa cuộc điện đàm Tập - Zelensky với chuyến công du Trung Quốc hồi đầu tháng của tổng thống Pháp. Điện Elysée nhìn nhận đây là một bước tiến về ngoại giao, trong lúc chuyến đi bị nhiều chỉ trích, lên án gay gắt ngay tại phương Tây (bị xem là có lợi cho Trung Quốc). Báo Thụy Sĩ Blick hôm 27/04, một ngày sau cuộc điện đàm Tập - Zelensky, đã dẫn lời một đại sứ Pháp, bênh vực thành tích ngoại giao của tổng thống Macron, khi khẳng định ‘‘Tất cả đã đồng thanh chỉ trích tổng thống Macron sau chuyến đi Bắc Kinh. Nhưng rõ ràng là ông ấy đã nói đúng: Tập Cận Bình sẽ gọi điện cho Zelensky’’.

Cánh cửa ngoại giao Âu - Trung rõ ràng phần nào đã được mở ra hơn sau chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp và một số lãnh đạo châu Âu. Hai ngày trước cuộc điện đàm Tập - Zelensky, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công bố một bài trả lời phỏng vấn của đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Âu, trong đó ông Phó Thông (Fu Cong) thậm chí đưa ra một khẳng định đầy ấn tượng là Bắc Kinh cũng sẵn sàng hợp tác "không giới hạn'' với Liên Âu tương tự như với Nga. Tình hữu nghị ‘‘không giới hạn’’ là một nội dung ít nhiều gây bất ngờ trong Tuyên bố Nga - Trung, được đưa ra chỉ ít tuần lễ trước khi Nga xâm lược Ukraina. Thái độ của Bắc Kinh vào thời điểm đó được nhiều nhà quan sát coi như là một động thái ủng hộ rất có lợi cho Nga, đang chuẩn bị cuộc xâm lăng.

Vua Anh đăng quang, quan chức Trung Quốc đàn áp phong trào dân chủ dự lễ

Hiện tại chưa có thể nói gì nhiều về nguyên tắc hợp tác ‘‘không giới hạn’'’ với châu Âu, mà nhà ngoại giaoTrung Quốc vừa gợi lên. Tuy nhiên, không thể không chú ý đến việc chính phủ Anh, một cường quốc châu Âu khác, trong những ngày vừa qua, đã có thái độ mềm mại khác thường với Trung Quốc. Ngày 24/04, cùng ngày bài phỏng vấn của đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Âu được công bố, ngoại trưởng Anh khẳng định: Luân Đôn cần hợp tác với Bắc Kinh hơn là cô lập Trung Quốc trong một cuộc ‘‘Chiến tranh Lạnh mới’’. Tuyên bố gây nhiều phản đối trong nội bộ đảng cầm quyền Anh. Cuộc ‘‘phản công ngoại giao’’ của Trung Quốc dường như đang gây phân hóa trong nội bộ nước Anh nói riêng, và châu Âu nói chung.

Cùng lúc đó, một hành xử khác của chính phủ Anh cũng bị coi là để Trung Quốc lấn lướt. Hôm qua 28/04, nhiều dân biểu Anh chỉ trích chính phủ đã mở cửa cho phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đến Anh dự lễ đăng quang của tân vương Charles đệ tam vào tuần tới. Hàn Chính là quan chức đã giám sát việc đàn áp biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Thông tín viên Emeline Vin tường trình từ Luân Đôn :

‘‘Người được cử làm đại diện cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ đăng quang là phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng), quan chức đã giám sát việc đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019. Vào thời điểm đó, Luân Đôn đã lên áp các đàn áp. Chính quyền Anh tự coi là người bảo trợ các quyền tự do tự do dân chủ tại vùng lãnh thổ này, kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Một số dân biểu đã phẫn nộ với sự xuất hiện của phó chủ tịch Hàn Chính tại lễ đăng quang của quốc vương Charles đệ tam, họ gọi sự lựa chọn của Tập Cận Bình là ‘‘xúc phạm'’ và ‘‘khiêu khích’'. Một cựu bộ trưởng Anh đã lên án một sự lẫn lộn giữa hành xử khôn khéo về ngoại giao và thái độ ngây thơ mù quáng.

Về mặt chính thức, tân quốc vương Anh có quan điểm trung lập. Nhưng bản thân tân vương có mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc. Khi còn là Hoàng tử xứ Wales, ông đã từ chối dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008. Trong những năm 90, ông đã nhận xét các lãnh đạo Trung Quốc là những ‘‘bù nhìn rơm'’’.

Chính phủ Anh, chịu trách nhiệm tổ chức phần lớn các nghi thức, đã từ chối can thiệp. Chính phủ Anh giải thích họ muốn duy trì các kênh liên lạc với Bắc Kinh, nhân danh một mối quan hệ mang tính xây dựng. Không có cuộc gặp nào giữa phó chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Anh Rishi Sunak được lên kế hoạch’’.

Cảnh sát Hồng Kông ngày càng bị chỉ trích về việc đàn áp người biểu tình. Ảnh chụp ngày 02/11/2019.
Cảnh sát Hồng Kông ngày càng bị chỉ trích về việc đàn áp người biểu tình. Ảnh chụp ngày 02/11/2019. REUTERS/Thomas Peter

 

Tuyên bố Mỹ - Hàn răn đe Bắc Triều Tiên, chuyên gia Mỹ hoài nghi

Chuyến công du Mỹ trong tuần qua của tổng thống Hàn Quốc được coi là thành công, với một kết quả chủ yếu là Tuyên bố Washington, mở rộng phạm vi răn đe Bắc Triều Tiên, trấn an công luận Hàn Quốc trước các đe dọa tên lửa, hạt nhân gia tăng từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, một số chuyên gia Mỹ tỏ ra hoài nghi về giá trị thực chất của Tuyên bố này.

Yonhap dẫn lời chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Hòa bình Mỹ, ông Frank Aum. Vị chuyên gia này một mặt khẳng định Tuyên bố này là ‘‘thành công lớn nhất’’ của thượng đỉnh Mỹ - Hàn, bởi cho phép liên minh song phương ‘‘phối hợp và thông tin’’' về các vấn đề hạt nhân, mặt khác, lo ngại là ‘‘tất cả các biện pháp bổ sung có nguy cơ làm trầm trọng hơn các căng thẳng và cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, đã diễn ra từ một thập niên trở lại đây’’. Theo ông Frank Aum, các vũ khí quy ước và hạt nhân hiện có của liên minh Mỹ - Hàn đã đủ sức răn đe Bình Nhưỡng. Chuyên gia Viện Hòa bình Mỹ nhấn mạnh là Mỹ - Hàn nên chờ đợi đến khi Bắc Triều Tiên có các biện pháp leo thang, ví dụ như với vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, hay một vụ thử vệ tinh quân sự, thì mới nên đưa ra các biện pháp mới, để tránh Bình Nhưỡng lấy cớ leo thang.

Một chuyên gia khác là ông Anthony Ruggiero, cựu giám đốc phụ trách Bắc Triều Tiên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, cũng cho rằng Tuyên bố này không tạo nên bước tiến nào lớn trong việc đáp ứng mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Theo ông Anthony Ruggiero, Tuyên bố này cũng không đề cập đến vấn đề Bắc Triều Tiên mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Hòa bình Mỹ, thì đặc biệt lo ngại về việc gia tăng các biện pháp răn đe sẽ gây khó khăn cho triển vọng đưa được Bắc Triều Tiên trở lại với đối thoại. Ông Frank Aum lưu ý là hai đồng minh nên tập trung nhiều hơn vào việc tìm cách thương thuyết với Bình Nhưỡng, vì việc thương lượng sẽ cho phép giảm các khiêu khích từ phía Bắc Triều Tiên.

Đài Loan lo ngành chip suy sụp, nếu Mỹ lớn tiếng về nguy cơ Trung Quốc

Về cuộc khủng hoảng Đài Loan, bên cạnh các căng thẳng gia tăng giữa hai bên bờ eo biển, và giữa Mỹ với Trung Quốc, có một thông tin đáng được chú ý khác liên quan đến quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ. Theo báo chí Đài Loan, chính quyền Đài Bắc đã có một số vận động trong hậu trường để yêu cầu phía Mỹ cẩn trọng hơn trong các tuyên bố về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan. Báo Nhật Japan Times dẫn lại thông tin từ truyền thông Mỹ cho hay tỷ phú Warren Buffett, đã cắt giảm 86% cổ phần nắm giữ tại TSMC công ty số một Đài Loan về bán dẫn, trong quý IV vừa qua, do lo ngại căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Báo Đài Loan Taiwans News dẫn lại thông tin từ hãng tin Mỹ Bloomberg, hôm 21/04, cho biết chính quyền Thái Anh Văn đặc biệt lo ngại về việc bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo, trong một phát biểu mới đây khẳng định nguy cơ mất an ninh gia tăng đối với nguồn linh kiện điện tử từ Đài Loan. Trong một chuyến công du Đài Loan mới đây, nghị sĩ Mỹ Michael McCaul đã bày tỏ thái độ bi quan trước nguy cơ nền công nghiệp bán dẫn Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc. Các phát biểu của hai quan chức cao cấp và chính trị gia Mỹ nói trên gây nhiều bất bình tại Đài Bắc, trong bối cảnh, nhiều giới chức quân sự và quan chức chính quyền Mỹ liên tục đưa lên truyền thông dự báo thời điểm Trung Quốc bao vây Đài Loan.

Ảnh minh họa : Chip bán dẫn
Ảnh minh họa : Chip bán dẫn AP - John Minchillo

 

Mỹ sẵn sàng đập tan mọi can thiệp từ Trung Quốc

Theo Bloomberg, mặc dù Trung Quốc không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xâm lược sớm xảy ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong nước, đặc biệt sau giai đoạn ba năm áp đặt  các chính sách nghiêm ngặt chống Covid. Về phía quân đội Mỹ, đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội hôm 18/04, khẳng định : Nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ là sẵn sàng chuẩn bị để ‘‘chiến đấu và đánh bại’’ mọi can thiệp quân sự của Trung Quốc chống Đài Loan.

Về linh kiện bán dẫn nói chung, Đài Loan chỉ sản xuất khoảng 7% nguồn cung toàn cầu. Nhưng riêng về chip bán dẫn cao cấp nhất, tức dưới 7 nm, các công ty Đài Loan chiếm đến 90%. Phần còn lại do tập đoàn Hàn Quốc Samsung sản xuất.

Chống biến đổi khí hậu: Phim Mỹ ‘‘Làm cách nào phá đường ống dầu khí’’

Căng thẳng địa chính trị và nguy cơ chiến tranh bùng phát hay mở rộng tại nhiều điểm nóng như Đài Loan hay Ukraina dường như làm lu mờ một mối đe dọa đáng sợ không kém với nhân loại : Biến đổi khí hậu. Và đi liền với nguy cơ này là các phong trào phản kháng ngày càng dữ dội hơn chống lại các nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch, đã bị cộng đồng quốc tế điểm mặt là thủ phạm của tình trạng hâm nóng khí hậu. Giới tranh đấu môi trường ngày càng mượn đến các biện pháp mà những người phản đối lên án là ‘‘khủng bố’'.

Trong lĩnh vực môi trường và văn hóa, đáng chú ý có bộ phim ‘‘Làm cách nào để phá một đường ống dầu khí’’ (‘‘How to Blow Up a Pipeline’’), ra rạp tại Mỹ từ ngày 21/04 vừa qua. Phim lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của lý thuyết gia chính trị người Thụy Điển Andrea Malm, được mệnh danh là ‘‘Lênin’’ của giới tranh đấu môi trường triệt để. Một cơ quan tư pháp của Canada, chuyên phụ trách về năng lượng, lo ngại bộ phim có thể khuyến khích các vụ tấn công nhắm vào các đường ống dầu khí.

Bộ phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ kể lại câu chuyện về giới tranh đấu môi trường trẻ người Mỹ tìm cách phá hoại một đường ống. Trang mạng của đài phát thanh Canada hôm 26/04 cho biết Cơ quan tư pháp AER, bang Alberta, miền tây nam Canada, ra một thông báo cho biết, nhiều biện pháp an ninh đã được siết chặt để bảo vệ hơn 440.000 km đường ống tại bang này. Trang mạng truyền thông Canada cũng dẫn lại một số tin đồn về việc cơ quan an ninh Mỹ FBI đã tiếp xúc với các cơ quan cảnh sát Canada, để tìm hiểu về phản ứng trên Internet, sau khi bộ phim được công chiếu.

Giới trẻ tranh đấu ngày càng chọn các biện pháp triệt để. Ảnh minh họa : Một số nhà hoạt động thuộc phong trào Cuộc nổi dậy của Thế hệ Cuối cùng (Letzte Generation vor den Kipppunkten) chặn tuyến đường ở Berlin, Đức, ngày 28/04/2023. Tay dính bằng keo vào mặt đường.
Giới trẻ tranh đấu ngày càng chọn các biện pháp triệt để. Ảnh minh họa : Một số nhà hoạt động thuộc phong trào Cuộc nổi dậy của Thế hệ Cuối cùng (Letzte Generation vor den Kipppunkten) chặn tuyến đường ở Berlin, Đức, ngày 28/04/2023. Tay dính bằng keo vào mặt đường. REUTERS - MATTHIAS BAEHR

Về phần mình, đạo diện Daniel Goldhaber nhắc lại rằng mục tiêu của bộ phim là để thu hút sự chú ý của công luận về tính khẩn cấp của vấn đề rối loạn khí hậu, và áp lực thay đổi lối sống. Ông hy vọng phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ sẽ kích thích nhiều tranh luận.

Phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ sẽ công chiếu tại Pháp vào cuối tháng 7 với tiêu đề ‘‘Sabotage/Phá hoại’’. Tháng 7 dự kiến cũng là tháng cao điểm của không khí nóng bức mùa hè. Phim ra mắt vào thời điểm thời tiết bất lợi gia tăng, rất có thể sẽ càng khiến công chúng Pháp thêm chú ý đến khủng hoảng khí hậu, môi trường.

‘‘Avant l’effondrement’’: Ám ảnh sụp đổ và tâm thế cách mạng trong giới trẻ Pháp

Cũng về môi trường và điện ảnh, ngày 19/04 vừa qua, một bộ phim đáng chú ý khác vừa ra rạp tại Pháp. Phim ‘‘Avant l’effondrement’’ (Trước kỷ nguyên sụp đổ) là bộ phim đầu tay của nữ tiểu thuyết gia Alice Zeniter, khôi nguyên giải thưởng văn học Goncourt trẻ, với sự tham gia của nam tài tử Niels Schneider, người từng được trao Giải César cho nam diễn viên triển vọng nhất.

Phim ‘‘Trước kỷ nguyên sụp đổ’’ nói về những lo âu và suy nghĩ của giới trẻ Pháp trước viễn cảnh cuộc đại khủng hoảng sinh thái - môi trường. Trở về với thiên nhiên để chuẩn bị cho cuộc ‘‘sụp đổ’’ không tránh khỏi hay chuẩn bị cho một cuộc cách mạng để đảo ngược tình hình là câu hỏi đầy ám ảnh xuyên suốt bộ phim.


No comments:

Post a Comment