Saturday, April 29, 2023

VNTB – Biến cố 30-4: một sự thay đổi đột ngột, quá nhanh, quá ngắn gọn, và đầy thất vọng
Gioan Hà Trần
30.04.2023 12:00
VNThoibao


(VNTB) – Ngày 30-4, một biến cố lịch sử đã làm tan nát nhiều gia đình, nhiều ước mơ, và trông chờ ngày đoàn tụ của tất cả con dân Đất Việt đang sống rải rác khắp bốn phương trời.

 Bố mẹ đặt tên cho tôi là Trần Đình Hà, và tôi được sinh ra ở Phụng Hiệp, Tỉnh Cần Thơ, Miền Nam – Việt Nam vào năm 1971.  Tuy rằng tôi chỉ sống có 4 năm ngắn ngủi dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, nhưng tôi cảm thấy may mắn là mình đã được thưởng thức mùi vị của một thể chế dân chủ, một cuộc sống hạnh phúc, tự do, có quyền bầu cử, và dĩ nhiên được thừa hưởng tất cả những giá trị về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, giáo dục, và đạo đức cũng như phẩm giá con người.  Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 1975, tôi tiếp tục ở lại sinh hoạt nơi vùng đất Miền Tây, mãi cho đến khi lên tàu vượt biên năm 1988, lúc vừa tròn 17.  Tôi may mắn đã thoát nạn, sống sót sau cuộc hành trình vượt biển, được đặt chân lên trại tị nạn ở vùng đất tự do, sau đó được định cư nơi đệ tam quốc gia, trở thành công dân Mỹ, và tôi đã sinh hoạt trên đất Hoa Kỳ trên 3 thập kỷ.  Bố của tôi là một cựu quân nhân, đã từng là người lính Việt Nam Cộng Hòa, từng cầm súng để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tài sản quốc gia, và bảo vệ công dân nước nhà.  Sau này bố tôi cũng bị đi cải tạo, lao động, và sau đó tiếp tục sống cho qua tháng qua ngày.  Mẹ tôi vừa là nội trợ, vừa là nông dân, và quanh năm chăm sóc con cái cũng như những thuở đất, mảnh vườn. 

Trong những ngày tháng của tuổi ấu thơ, tôi may mắn được tận mắt chứng kiến những khung cảnh và hình ảnh thời chiến.  Ban ngày tôi thường nhìn thấy những chiếc máy bay trực thăng và máy bay con sâu cẩu các loại vật dụng quân sự bay qua lại trên nóc mái nhà với một khoảng cách tương đối gần.  Vào những buổi đêm khuya, tôi thường nghe tiếng súng nổ vang trời, tiếng bom đạn pháo kích của lính Việt Cộng làm rung chuyển nhà cửa, những tấm kiếng và tranh ảnh rơi loảng choảng bể nát trên nền nhà, và buổi sáng ra đường xa lộ thì thường nhìn thấy xác chết của Việt Cộng nằm rải rác bên vệ đường.  Họ cởi trần, mặc quần đùi, thân thể bị trúng đạn nhiều chỗ, và có người thì đạp phải mìn, nên thân thể có nhiều phần mất mát hoặc nát bấy.  Trong thời điểm ấy thì người dân thường cũng chết lẻ tẻ và liên tục vì bị trúng bom, lạc đạn, đám tang thường xuyên, và có lẽ điều tôi nhớ nhất đó là cảnh dân lành phải quét dọn và sửa chữa lại nhà cửa của mình sau khi bị Việt Cộng pháo kích trong đêm.  Mặt khác, đường xa lộ, cầu cống, phố xá, và các đồn lính gác đã bị hư hại cũng được nhóm công binh sửa chữa vào ban ngày sau khi bị lính đặc công của Việt Cộng tấn công, gài bom mìn tàn phá giữa lúc đêm tối.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, thế mà những ký ức tuổi thơ của tôi vào thời điểm đó vẫn chưa phai mờ.  Hằng năm ở khắp đó đây, cộng đồng người Việt Nam Hải Ngoại vẫn tiếp tục duy trì tổ chức các sinh hoạt thuần túy để nhắc nhở con cháu Việt Nam về ngày 30 tháng 4, hay còn gọi là ngày Quốc Hận, mệnh danh là Tháng Tư Đen, một biến cố lịch sử đã làm thay đổi vận mệnh quốc gia, thay đổi số mệnh của cả dân tộc, thay đổi số phận của biết bao người dân, và nó đã trở thành công cụ cho sự đàn áp, là động lực và nguyên do để cho nhiều người bỏ nước ra đi, và cũng từ ngày đó người Việt Hải Ngoại càng cảm thấy căm phẫn, và người dân trong nước cũng chưa bao giờ có sự tự do, chưa bao giờ được nếm thử mùi vị nền dân chủ và nhân quyền.

Cách đây mấy hôm tôi vô tình lướt qua các trương mục trên trang mạng xã hội, và hơi tò mò tôi đã dừng lại đọc kỹ bài viết của chị Teresa Trần Kiều Ngọc nói về Chương Trình Tưởng Niệm 30 Tháng Tư của Trung Tâm Asia.  Thấy tiết mục này hấp dẫn, sinh hoạt có phần thực tế, và chương trình lại có ý nghĩa, nên tôi muốn tự giác cộng tác.  Hơn nữa, lời mời gọi của Trung Tâm Asia qua tiết mục này cũng mới lạ, tha thiết, và sự chân tình đã làm cho lòng tôi sôi động, rạo rực, muốn đóng góp chút ít công sức tài mọn, nhất là khả năng đọc, hiểu, tiếp thu, và hấp thụ Tiếng Việt.  Tôi vẫn còn nhớ, biết, và viết được Tiếng Việt; thế nên, tôi mạo muội viết đôi dòng chữ này để chia sẻ những ý nghĩ cá nhân cũng như những cảm nhận của riêng mình về ngày 30-4, một chủ đề liên hệ, rất hệ trọng trong tâm trí, tiềm thức, và ký ức của biết bao người. 

Câu hỏi: “Bạn nghĩ gì về biến cố 30 tháng Tư, năm 1975?” 

Câu trả lời của tôi được tóm tắt ngắn gọn qua vài ý nghĩ thế này. 

Biến cố 30-4 là một sự thay đổi đột ngột, quá nhanh, quá ngắn gọn, và đầy thất vọng cho một thể chế Dân Chủ, một lãnh thổ hợp hiến bị cướp mất, một tên gọi chính danh: Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ, và một xã hội đầy tiềm năng, sự kiêu hãnh, và tương lai rực rỡ bị dần lu mờ, hủy diệt, triệt tiêu.  

Biến cố 30-4 đã tạo cơ hội cho bọn Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, làm cho biết bao gia đình phải nhà tan cửa nát vì khói lửa chiến tranh, biết bao người phải ly tán vì sự thay đổi cuộc sống và cách sống, biết bao người phải ly hương vì quê nhà và môi trường đã thay đổi chủ, và hàng triệu người đã từng sinh hoạt nơi đó đều bị ngược đãi, bị phân biệt, bị đối xử bất công, thiếu tình thương, tình người, và con cháu của họ cũng lãnh hậu quả, bị vạ lây, kiệt quệ, và không thể ngẩng đầu vươn vai trỗi dậy.  

Biến cố 30-4 đã làm cho biết bao người Lính Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo, bị trả thù cách tàn bạo, bị đày đọa vô tội vạ nơi vùng kinh tế mới, còn con cháu của họ thì bị liệt kê vào danh sách “Ngụy Quân, Ngụy Quyền,” không được tư do cắp sách đến trường, không có cơ hội tiến thân qua nhiều thập kỷ.  Hơn nữa, biết bao người lính thương phế binh phải sống vất vưởng nơi đầu hè phố chợ, không được lãnh trợ cấp của chính phủ dành cho người lớn tuổi, già yếu, bệnh tật, không được hưởng bảo hiểm y tế xã hội khi về già, và có lẽ họ sẽ phải sống trong cảnh cô đơn, đọa đày, lạnh nhạt, và lạc lõng trong suốt thời gian còn lại.

Biến cố 30-4 đã làm cho biết bao người mất mạng, mất tài sản, mất đất, mất nhà vì sự chiếm đoạt đầy bạo lực và bất công của các tầng lớp cai trị.  Cho dù người dân đã sở hữu khối tài sản, đất đai, nhà cửa, qua bao thế hệ do ông bà tổ tiên truyền lại, nhưng chỉ cần một chiêu trò vu khống bẩn thỉu, một cuộc tố giác vô căn cứ, một lời chứng của kẻ có chức quyền, hay một tờ giấy chỉ thị của bất kỳ một vị quan chức có thẩm quyền nào đó thì người dân sẽ mất tất cả, và rất có thể người dân sẽ trở thành tội đồ, bị tù đày, và mất trắng tay chỉ trong nháy mắt.

Biến cố 30-4 đã phá hủy đi một nền kinh tế vững mạnh, một Con Rồng Á Đông đang uy danh cất cánh bay lượn ra thế giới bên ngoài; thế nhưng, 30-4 đã làm cho nó bị nghẹt thở, èo ọt, đình trệ, giảm phanh, và chuyển hướng, quay đầu về phía tụt hậu.  Biết bao công ty với kỹ nghệ Tây Phương, môi trường được áp dụng kỹ thuật tân tiến, các công trình xây cất với khoa học hiện đại, các hệ thống điện nước, cầu cống, xa lộ, xe cộ, thành phố đều được xắp đặt một cách ngăn nắp, trật tự, nhưng kể từ ngày 30-4 nó đã từ từ bị nhiễu loạn, rối loạn, và sự tăng trưởng, tiến triển bắt đầu trở lại con số âm. 

Biến cố 30-4 đã thay đổi hệ thống giáo dục và phương cách giáo dục cho tất cả người dân Miền Nam.  Cũng từ dạo ấy, hệ thống giáo dục đã trở thành phương tiện tuyên truyền của Đảng, là công cụ để tẩy não người dân Miền Nam, và là cơ hội cho “con ông cháu cha” tha hồ ăn hối lộ.  Các quan chức cán bộ Đảng Viên làm giàu qua việc nắm giữ chức quyền, xét duyệt cho việc tuyển chọn các thành viên thích hợp trong Ban Giáo Dục, tuyển chọn nhân viên các trường, chọn lựa giáo viên đứng lớp, việc in ấn sách vở, báo chí, mua bán bằng cấp, chức danh, địa vị, điểm thi…v.v.

Biến cố 30-4 đã làm tụt hậu sự tiến triển các trong sinh hoạt của người dân trên toàn quốc bởi vì Đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu áp dụng các quy luật rừng rú, một hệ thống độc đảng, đảng trị; thế nên, các hệ thống khác cũng lần lượt bị họa lây, chẳng hạn như: hệ thống bệnh viện – y khoa, hệ thống bảo vệ sức khỏe, hệ thống bảo vệ môi trường, hệ thống kiểm tra an toàn thực phẩm, hệ thống nước sạch, hệ thống phân phối thực phẩm, hệ thống tuần hoàn và xa thải…v.v.

Và quan trọng nhất là Biến cố 30-4 đã làm cho cá nhân tôi mất đi sự tự do tín ngưỡng, không được tự do thờ phượng, mất đi quyền tự chủ, quyền làm chủ và sở hữu đất đai, mất đi sự tự do đi lại, mất đi quyền bày tỏ ý kiến, mất đi quyền cập nhật thông tin đa chiều, và mất đi quyền làm người, vì không được hiến pháp và pháp luật bảo vệ một cách công minh chính đại.

 

Câu hỏi: “Bạn muốn gì cho tương lai của dân tộc Việt Nam?” 

Lời đáp từ đáy lòng và ước nguyện đầy tâm huyết của tôi được tóm tắt qua các ý nghĩ sau đây.  Tôi muốn cho quê hương, đất nước, và dân tộc Việt Nam được mãi trường tồn và thịnh vượng.  Mọi công dân Việt Nam và các sắc tộc sống trên lãnh thổ nước Việt Nam đều bình đẳng, được yêu thương và đón nhận, được hiến pháp và pháp luật bảo vệ với tất cả các quyền sống cơ bản mà Thượng Đế thương ban, và bất kỳ người dân nào kể từ lúc sinh ra cho tới khi lìa đời cũng được thừa hưởng.

Tôi muốn được nhìn thấy các nhân tài có đức, có duyên, và có trình độ đều có cơ hội được phục vụ tổ quốc non sông, và trở thành người cai quản đất nước, được người dân tín nhiệm và tự do bầu chọn.  Các đảng phái chính trị cũng cần có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội, và họ được quyền tự do lập hội, mời gọi các thành viên, và tự do đứng ra tranh cử như ước muốn.

Hiến pháp của nước Việt Nam cần được thảo luận, sàng lọc kỹ càng, bầu chọn và biểu quyết bởi toàn dân, và viết ra áp dụng cho mọi tầng lớp trong xã hội, bao gồm tất cả mọi người công dân của nước Việt Nam.  Không ai có quyền đứng trên hiến pháp hoặc đứng ngoài vòng pháp luật, kể cả những người đã lập được chiến công cũng như những người đã từng xây dựng và phục vụ tổ quốc.  Nước Việt Nam chúng ta cũng cần có một hệ thống phân quyền biệt lập, nhưng có khả năng cân bằng quyền lực, có thể bảo vệ nhau, kiểm tra nhau, và sẵn sàng bổ túc cho nhau, miễn là mọi thứ đều có sự công minh chính đại, và mọi hoạt động đều được thực hiện trong công bình bác ái.

Người dân Việt Nam cũng cần có một nơi an toàn để bày tỏ sự bất công cũng như tìm lại công lý.  Bất cứ ai cũng có quyền tham gia và đóng góp công sức của mình để phục vụ trong các hệ thống công quyền, miễn sao là người đó có tâm, có tim, và có khả năng đáp ứng các nhu cầu cần thiết để hoàn tất công việc giao phó cũng như bổn phận và trách nhiệm kèm theo.

Nước Việt Nam không thể là của riêng ai, không thuộc về bất kỳ một tổ chức nào; thế nên, Tổ Quốc Việt Nam rất linh thiêng, được xây dựng từ công sức đóng góp của mọi thời đại, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, mọi giới tính, và của mọi người.  Thời gian sẽ qua đi, đảng phái sẽ qua đi, con người sẽ qua đi, nhưng Tổ Quốc linh thiêng sẽ tồn tại, và con cái chúng ta sẽ được quyền tiếp nối, miễn là chúng ta tạo ra cho chúng một cầu nối để tiếp tục phục vụ.

Biên giới trên khắp các vùng lãnh thổ và bờ cõi Việt Nam cần được bảo vệ an toàn, không để cho người gian, kẻ xấu có cơ hội lấn chiếm.  Ranh giới đất đai cũng như tài sản đất đai được phân chia rõ ràng, và người dân có quyền sở hữu và làm chủ, được quyền chuyển nhượng hoặc làm quà biếu tặng mà không ai có thể đến quậy phá, kiếm ăn, hay làm phiền.

Mọi người công dân Việt Nam đều có bổn phận và trách nhiệm xây dựng một xã hội tốt đẹp, một đất nước giàu mạnh, để bất cứ người dân nào cũng cảm thấy mình có công đóng góp, và mình thật sự tự do, ấm no, và hạnh phúc.  Thế nên, đã là công dân Việt Nam thì ai cũng có quyền được hưởng tuổi già, được hưởng sự trợ cấp của chính phủ khi hoạn nạn, được sử dụng bảo hiểm y tế khi cần thiết, và đặc biệt là mỗi người công dân khi lìa đời đều được an táng và chôn cất như một vị ân nhân hữu ích của xã hội, vì người ấy đã một đời hy sinh, đóng góp công sức, và phục vụ cho xã hội.  Tôi cũng đề nghị thành lập một nghĩa trang quân đội, dành riêng cho tất cả những ai đã hy sinh vì tổ quốc non sông, bất kể là người đó đã cầm súng trong chiến tranh nào, phục vụ trong thời điểm nào, hay phục vụ bên phe nào, miễn là người đó có tâm ý tốt, đã chết cho dân tộc Việt Nam, là công dân Việt Nam, và đã hy sinh vì tổ quốc Việt Nam.

Đất nước giàu mạnh cũng cần có một hệ thống giáo dục tốt cho tương lai con cháu Việt Nam; thế nên, phương cách giáo dục cần có sự đầu tư và quan tâm đáng kể.  Sách giáo khoa không thể để cho một người mua bằng cấp được phép tự biên tự diễn, và giáo viên không thể là một người vô trách nhiệm hoặc thiếu đạo đức.  Tất cả các nhân viên và giáo viên cũng cần có nơi đào tạo chính đáng, và họ cần nhận được sự cổ vũ, khuyến khích, và tài trợ từ ngân khố chính phủ.  Các em học sinh cũng cần được đào tạo theo lứa tuổi, trình tự, cấp bậc, quy cũ, truyền thống, và tập tục của người Việt Nam.

Mọi người công dân sinh sống ở Việt Nam không những chỉ cần có thức ăn và nước uống đầy đủ, mà họ còn cần có được một nguồn nước trong sạch, thực phẩm không độc hại, không khí trong lành, và các phương tiện điện nước được cung cấp đầy đủ, đường phố thuận tiện, an toàn giao thông, và được tự do đi lại một cách dễ dàng.  Hơn nữa, sự tự do của mỗi cá nhân cũng cần được tôn trọng một cách triệt để, được tự do tín ngưỡng, thờ phượng, được tự do bày tỏ ý kiến, được tự do cập nhật thông tin đa chiều, được giao lưu và hòa nhập với thế giới bên ngoài, và quan trọng nhất là được tự do làm những gì mình muốn miễn là điều đó mang lại hạnh phúc cá nhân và nhiều lợi ích cho tổ quốc, đất nước, xã hội, và dân tộc Việt Nam.

Nói tóm lại, hai câu hỏi được Trung Tâm Asia đặt ra đã cho tôi cơ hội ôn lại những kỷ niệm dĩ vãng, và qua bài viết này tôi có dịp bày tỏ ý nghĩ riêng tư của mình với khán giả khắp Năm Châu, hầu chia sẻ những kỷ niệm cá nhân và sự hiểu biết của mình về ngày 30-4, một biến cố lịch sử đã làm tan nát nhiều gia đình, nhiều ước mơ, và trông chờ ngày đoàn tụ của tất cả con dân Đất Việt đang sống rải rác khắp bốn phương trời.  Cuộc đời là một giấc mơ, và ai cũng có quyền mơ ước.  Mộng ước của tôi là nhìn thấy một ngày Việt Nam khải hoàn, và ngày ấy tất cả Con Rồng Cháu Tiên có cơ hội trở về để cùng chung tay chung sức xây dựng lại một quê hương thân yêu, một đất nước giàu mạnh, và một dân tộc chan chứa tình người.

Lm. Gioan Hà Trần. TGP Savannah, Georgia

 


 



No comments:

Post a Comment