Friday, April 28, 2023

Thuyết phục Mỹ mở rộng ô hạt nhân, thắng lợi kép của Hàn Quốc
Thanh Hà
Đăng ngày: 28/04/2023 - 15:25
RFI

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (T) và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, Washington, ngày 27/04/2023. AP - Manuel Balce Ceneta

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ với một thắng lợi kép : Seoul được Washington bảo đảm tăng cường hợp tác quân sự, kể cả về mặt hạt nhân, không phải tự túc trang bị bom nguyên tử, qua đó tránh gây thêm căng thẳng tại khu vực Đông Á và Đông Bắc Á. 

Bản tuyên bố Washington cho thấy tổng thống Hàn Quốc đã thuyết phục được đồng cấp Mỹ mở rộng ô hạt nhân bảo vệ Seoul trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Trong tương lai, tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn hạt nhân của Mỹ thỉnh thoảng sẽ thăm các cảng Hàn Quốc. Lần chót mà tàu ngầm hạt nhân Mỹ đến khu vực này là vào đầu thập niên 1980. 

Mỹ-Hàn cũng đã thông báo nhanh chóng thành lập Nhóm Tham Vấn Hạt Nhân. Tổng thống Biden cam kết tham khảo ý kiến của Seoul trong trường hợp cần sử dụng đến vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ. Đổi lại, tổng thống Yoon Suk Yeol tạm gác lại các kế hoạch trang bị bom nguyên tử cho Hàn Quốc. 

Có lập trường cứng rắn với Bình Nhưỡng, ông Yoon quan niệm trên con đường dẫn tới hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, “sức mạnh quân sự áp đảo so với đối phương” sẽ hữu ích hơn, hiệu quả hơn là chỉ trông chờ vào “thiện chí hòa giải” của bên kia.

Từ nhiều tháng qua tổng thống Hàn Quốc không che giấu tham vọng trang bị bom nguyên tử vào lúc mà chính quyền Kim Jong Un dồn dập bắn thử tên lửa đạn đạo, thông báo hoàn tất chương trình hạt nhân ... Nhưng nói là một chuyện, làm lại là chuyện khác. Trang bị bom nguyên tử là một công trình dài hơi, tốn kém và sẽ gây nhiều tác động cả về mặt an ninh, chiến lược, lẫn ngoại giao. Không chắc đó là mục tiêu mà ông Yoon Suk Yeol thực tâm muốn nhắm tới. 

Do vậy, việc Mỹ bảo đảm sẽ “tham khảo ý kiến đồng minh trong trường hợp Bắc Triều Tiên tấn công hạt nhân”, và việc Seoul được Washignton cam kết “đáp trả ngay tức khắc bằng mọi phương tiện, kể cả vũ khí nguyên tử trong trường hợp một đồng minh của Hoa Kỳ bị tấn công” là một thắng lợi lớn về mặt chính trị đối với Yoon Suk Yeol.  Chưa bao giờ Mỹ đi xa như vậy trong cam kết mở rộng ô hạt nhân với bất kỳ một quốc gia nào khác. Với công luận Hàn Quốc, cam kết mạnh mẽ đó của chính quyền Biden nhằm cho thấy Seoul không nhất thiết phải có bom nguyên tử làm phương tiện răn đe. 

Thắng lợi thứ hai có lẽ còn quan trọng hơn nữa đối với tổng thống Yoon Suk Yeol là thông điệp của Seoul về đối ngoại. 

Trước hết, với Bắc Triều Tiên, thông điệp đã quá rõ ràng: Bình Nhưỡng không nên vượt quá lằn ranh đỏ với vũ khí hạt nhân. 

Kế tới, Seoul tránh đổ thêm dầu vào lửa trong quan hệ với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh là điểm tựa về nhiều mặt của Bắc Triều Tiên nhưng cũng là đối tác thương mại lớn của Hàn Quốc. Do vậy, Hàn Quốc biết là phải dừng lại đúng lúc. Điều này có thể giải thích vì sao việc Mỹ khẳng định không triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc một cách thường trực là một tin vui đối với Seoul .  

Chủ đích thứ ba của ông Yoon Suk Yeol có lẽ là nhắc khéo tổng thống Biden, hay ít ra là mặc cả với Washignton, về lợi thế của Hàn Quốc trong chính sách Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, trong bối cảnh mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc canh tranh toàn diện. Yoon Suk Yeol biết rằng, quan tâm số một của Joe Biden hiện tại là Bắc Kinh và trong vài ngày nữa, nguyên thủ Mỹ sẽ công du Nhật Bản, dự thượng đỉnh G7. Sydney sẽ là chặng dừng kế tiếp để ông Biden củng cố liên minh trong Bộ Tứ gồm Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. 

Cũng chính là để đổi lấy bảo vệ an ninh và tránh phải tự trang bị vũ khí hạt nhân, tổng thống Hàn Quốc đã nỗ lực làm vừa lòng Washington, từ việc cải  thiện quan hệ với Tokyo, một đồng minh khác của Mỹ ở Đông Bắc Á, đến việc để ngỏ khả năng viện trợ vũ khí cho Kiev. Tại Washington lần này, tổng thống Hàn Quốc đã mạnh mẽ “chọn phe”, lên án Nga xâm chiếm Ukraina. 

Tuy nhiên, Tuyên bố Washignton có thể khiến phe diều hâu ở Hàn Quốc thất vọng, vì họ cho đấy chỉ là những thông báo mang tính “biểu tượng”. Phe này lại càng thất vọng hơn khi thấy ông Yoon Suk Yeol tạm gác sang một bên kế hoạch trang bị cho Hàn Quốc vũ khí nguyên tử, trong khi Mỹ từ chối triển khai các loại vũ khí răn đe một cách thường trực trên bán đảo Triều Tiên. Họ lo ngại một khi Nhà Trắng đổi chủ, Hoa Kỳ sẽ thay đổi chính sách bảo đảm an ninh cho các đồng minh. 

Nhưng ưu tiên của tổng thống Yoon lúc này có lẽ là tránh nguy cơ gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh, nếu vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ được đặt cạnh gần cửa ngõ Hoa Lục. 

No comments:

Post a Comment