VNTB – Công an tỉnh Đắc Nông có sai hay không?Hà Nguyên
01.05.2023 4:00
VNThoibao
(VNTB) – Cảnh sát giao thông tỉnh Đắc Nông cho rằng họ không làm sai…
Công luận ngờ vực chuyện mãi lộ
Biện minh về chuyện dừng xe này, phía cảnh sát giao thông tỉnh này thông qua báo chí đưa ra giải thích rằng “Đối với vụ việc liên quan clip đăng tải trên mạng xã hội, quá trình kiểm tra, nhận thấy trên xe cứu thương có bệnh nhân, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã nhắc nhở phương tiện vi phạm tốc độ và cho đi ngay.
“Đối với các clip lan truyền trên mạng xã hội, có thể thấy thời gian lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra chỉ khoảng 1 phút 20 giây, không ảnh hưởng gì. Thế nhưng nội dung đăng tải trên mạng xã hội đã phản ánh méo mó, sai lệch bản chất vụ việc”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đắk Nông ý kiến.
Trước đó, mạng xã hội đăng tải 2 đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng cảnh sát giao thông dừng 2 xe cứu thương trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắc Song, tỉnh Đắc Nông).
Nội dung đoạn clip đầu tiên quay lại cảnh sau khi dừng xe kiểm tra, cảnh sát giao thông đã thông báo lỗi chạy quá tốc độ và yêu cầu mở cửa xe để kiểm tra. Tại đây, tài xế và bệnh nhân thông báo đang chở 1 người bị nứt cột sống từ TP.HCM về Tây Nguyên thì chiến sĩ cảnh sát giao thông nhắc nhở chạy chậm lại và cho đi.
Đoạn clip thứ 2 ghi lại cảnh lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra 1 chiếc xe cứu thương vì chạy với tốc độ 90km/giờ, theo hướng TP.HCM về Tây Nguyên, trên xe chở 1 người đang thở máy. Sau khi dừng xe, giữa tài xế và cảnh sát giao thông xảy ra cự cãi. Đáng chú ý là viên cảnh sát giao thông cho rằng tài xế xe cứu thương “chạy bố láo”.
“Tất cả mọi phương tiện đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hết. Hiểu chưa? Anh chạy xe cấp cứu chúng tôi sẽ nhắc nhở anh đi, được chưa?” – viên cảnh sát nói tiếp.
Phía cảnh sát giao thông cho rằng cả 2 trường hợp trên đều không thuộc dạng “cấp cứu”. Theo đó, xe cứu thương mang biển số 47A-407.89 vi phạm tốc độ 86/60km/giờ nên lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Qua xác minh nhanh, xe chở 1 bệnh nhân và 2 người nhà từ bệnh viện 115 (TP.HCM) về Đắc Lắk, không phải chở đi cấp cứu. Thời gian kiểm tra hơn 1 phút, sau đó cảnh sát giao thông đã nhắc nhở và cho đi.
Đối với xe cứu thương mang biển số 47A-449.71 vi phạm tốc độ 90/80km/giờ. Tài xế nhận chở bệnh nhân từ TP.HCM về Đắc Lắk. Bệnh nhân này bị u não, cũng không thuộc diện cấp cứu. Thời gian kiểm tra là hơn 1 phút.
Dừng xe cứu thương vì cho rằng không phải đi cấp cứu
Dù bị vấp phản ứng trái chiều, nhưng các viện dẫn trên từ phía cảnh sát giao thông tỉnh Đắc Lắc là có căn cứ.
Tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định về quyền ưu tiên của một số loại xe như sau:
“Quyền ưu tiên của một số loại xe.
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên”.
Như vậy, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu thì sẽ không bị giới hạn tốc độ và sẽ không thể bị phạt nếu chạy quá tốc độ cho phép. Tuy nhiên, nếu xe cấp cứu nếu không thực hiện nhiệm vụ cấp cứu mà chạy quá tốc độ cho phép thì vẫn bị xử phạt.
Phía tài xế cũng có căn cứ pháp luật cho thấy họ không vi phạm
Xin lưu ý là theo văn bản dưới luật, thì cả hai trường hợp của hai xe cứu thương trên, phía tài xế cũng không hề sai phạm như cách mà phía cảnh sát giao thông tỉnh Đắc Lắc đang muốn hướng dư luận.
Tại Điều 3 Thông tư 27/2017/TT-BYT có quy định về sử dụng xe ô tô cứu thương như sau:
“Sử dụng xe ô tô cứu thương
1. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng cho các mục đích sau đây:
a) Chở người bệnh cấp cứu hoặc đi đón người bệnh cấp cứu;
b) Chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh.
2. Không được sử dụng xe ô tô cứu thương ngoài mục đích quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Xe ô tô cứu thương chỉ được sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên khi có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên do cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và khi đang thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
4. Xe ô tô cứu thương khi vận chuyển người bệnh ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tuân thủ các nội quy, hướng dẫn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Như vậy, ở cụ thể hai trường hợp kể trên là thuộc yêu cầu “vận chuyển người bệnh ra bệnh viện” bằng xe có thiết bị y tế chuyên dùng – tức xe cứu thương.
No comments:
Post a Comment