Vì sao ngày càng khó nhìn thấy dãy Himalaya hùng vĩ?Navin Singh Khadka
Phóng viên môi trường, BBC World Service
20/05/2025(5 giờ trước)
BBC

Đi trekking ở vùng Annapurna của Nepal, nơi sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn những ngọn núi hùng vĩ dù ở cự ly rất gần
Lớn lên ở thủ đô Kathmandu của Nepal, tôi luôn thân thuộc với khung cảnh của dãy Himalaya. Kể từ khi rời nơi này, tôi luôn nhớ về khung cảnh rộng khắp của những đỉnh núi cao nhất thế giới.
Mỗi lần trở lại Kathmandu, tôi lại mong thoáng chút thấy được dãy núi hùng vĩ ấy. Nhưng dạo gần đây, điều đó gần như bất khả thi.
"Thủ phạm" chính là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, khiến một lớp sương mù lơ lửng trên bầu trời của khu vực này.
Hiện tượng ấy đang diễn ra ngay cả trong những tháng mùa xuân và mùa thu – giai đoạn từng là thời điểm trời quang đãng trong năm.
Vừa tháng Tư năm ngoái, thời tiết mù sương đã khiến tầm nhìn ở sân bay hạn chế nên chuyến bay quốc tế của tôi phải bay vòng trên trời gần 20 lần mới có thể hạ cánh xuống Kathmandu.
Đọc nhiều nhất




Khách sạn tôi ở nằm ở độ cao vừa phải. Từ đó, tôi có thể nhìn thấy núi non khi trời quang, nhưng thời tiết không như vậy suốt hai tuần tôi ở đây.
Ngay cả từ điểm quan sát nổi tiếng Nagarkot cách Kathmandu không xa vẫn chỉ có thể thấy một màn sương mù dày đặc, như thể dãy núi chưa từng tồn tại.
"Tôi không quảng bá nơi này với hình ảnh 'bình minh, hoàng hôn và dãy Himalaya' nữa," ông Yogendra Shakya, người đã điều hành một khách sạn ở Nagarkot từ năm 1996, cho biết.
"Vì giờ hiếm khi thấy được những cảnh kiểu đó nên tôi đã đổi cách quảng cáo, [giờ tôi] nhấn mạnh vào lịch sử và văn hoá vì nơi này cũng có những sản phẩm du lịch như vậy."
Trong chuyến đi một năm trước đó, tôi đã hy vọng có thể chiêm ngưỡng những đỉnh núi hùng vĩ của dãy Himalaya khi đi bộ đường dài trên núi (trekking) ở vùng Annapurna mê hoặc – nhưng hầu như tôi cũng chẳng gặp may lần nào.

Yogendra Shakya
Quang cảnh dãy Himalaya vào một ngày quang đãng hiếm hoi từ điểm quan sát Nagarkot

Các nhà khoa học cho biết tình trạng sương mù ở khu vực này ngày càng nghiêm trọng với thời gian ngày càng dài, khiến tầm nhìn suy giảm đáng kể.
Sương mù là hỗn hợp của các hạt ô nhiễm như bụi và khói từ các đám cháy, khiến tầm nhìn giảm xuống dưới 5.000m. Chúng cứ lơ lửng trên không trong mùa khô - vốn cũng đã kéo dài do biến đổi khí hậu.
Ở khu vực này, từ tháng Sáu đến tháng Chín là mùa mưa, khi những đám mây gió mùa – không phải sương mù – bao phủ các ngọn núi và làm giảm tầm nhìn.
Trước đây, khoảng thời gian từ tháng Ba đến tháng Năm và từ tháng Mười đến tháng Mười Một là mùa kinh doanh tốt nhất vì khi đó bầu trời thường trong xanh và tầm nhìn xa nhất.
Nhưng do nhiệt độ ngày càng tăng, lượng mưa giảm và tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hơn, những lớp sương mù dày đặc khiến tầm nhìn kém hình thành ngay cả trong những tháng mùa xuân.
Thậm chí, sương mù có lúc còn kéo tới từ tháng Mười Hai.
'Không tầm nhìn, không làm ăn được'
Bà Lucky Chhetri, một nữ hướng dẫn viên trekking tiên phong ở Nepal, cho biết tình trạng sương mù đã khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm tới 40%.
"Năm ngoái, từng có trường hợp chúng tôi phải bồi thường cho một nhóm du khách vì các hướng dẫn viên không thể đưa họ đi ngắm dãy Himalaya do điều kiện mù mịt," cô kể.
Một du khách người Úc, người đã đến Nepal hơn một chục lần kể từ năm 1986, mô tả việc không thể nhìn thấy dãy núi là một "thất vọng lớn".
"Mười năm trước mọi thứ không như vậy, nhưng giờ đây sương mù có vẻ đã bao trùm hết rồi. Đối với những người như tôi, điều đó gây thất vọng vô cùng," ông John Carrol chia sẻ.
Krishna Acharya, chủ tịch cấp tỉnh của Hiệp hội Các công ty Lữ hành Trekking Nepal ở tỉnh Gandaki phía tây, cho biết ngành trekking đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
"Các công ty trekking thành viên của chúng tôi đang rơi vào trạng thái chán nản, vì nếu không nhìn thấy được Himalaya thì sẽ không có khách. Nhiều người trong số họ thậm chí đang tính cách chuyển nghề," ông nói với BBC.

Lucky Chhetri
Bà Lucky Chhetri cho biết tình trạng sương mù đã khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm
Ở phía Ấn Độ, gần khu vực trung tâm của dãy Himalaya, các chủ khách sạn và công ty du lịch cho biết sương mù hiện nay dày đặc hơn và quay lại sớm hơn trước.
"Chúng tôi [phải chịu] những đợt khô hạn kéo dài rồi lại gặp mưa lớn, khác hẳn so với trước đây. Vì mưa thất thường nên sương mù cứ ở đó suốt," bà Malika Virdi, người đứng đầu một doanh nghiệp du lịch cộng đồng ở bang Uttarakhand, cho biết.
Tuy vậy, bà Virdi nói rằng du khách vẫn rất kiên trì - nhiều người đã quay lại để thử vận may sau khi không thể nhìn thấy dãy núi trong chuyến đi đầu tiên.
Ở phía tây dãy Himalaya thuộc Pakistan, tình hình có vẻ ít bị ảnh hưởng hơn do các dãy núi nằm khá xa các thành phố.
Tuy nhiên, người dân địa phương nói rằng ngay cả những dãy núi từng có thể nhìn thấy rõ từ nhiều nơi, như Peshawar và Gilgit, giờ đây cũng xuyên bị che khuất.
"Tấm màn sương cứ lơ lửng suốt một thời gian dài, và chúng tôi không còn nhìn thấy dãy núi như trước kia nữa," ông Asif Shuja, cựu lãnh đạo cơ quan bảo vệ môi trường Pakistan, chia sẻ.
Sương mù và bão bụi gia tăng
Các thành phố Nam Á thường xuyên đứng đầu danh sách những nơi có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới.
Không khí độc hại không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân trong khu vực mà còn thường xuyên gây gián đoạn giao thông và buộc các trường học phải đóng cửa.
Khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp, bụi từ các công trình hạ tầng và các con đường đất khô, cùng với việc đốt rác ngoài trời là những nguồn gây ô nhiễm không khí chính quanh năm.
Tình trạng trở nên trầm trọng hơn do khói đen từ các vụ cháy rừng lớn, vốn ngày càng nhiều do mùa khô kéo dài, và do nông dân ở miền bắc Ấn Độ, Pakistan và Nepal đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch.
Do tính chất thời tiết, không khí ấm nổi trên không khí lạnh khiến các chất ô nhiễm bị mắc kẹt, hạn chế dòng chuyển động dọc của không khí – làm không khí ô nhiễm không thể phân tán.
"Sương mù và bão bụi đang gia tăng ở Nam Á, và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục do biến đổi khí hậu và các yếu tố khác," Tiến sĩ Someshwor Das từ Hiệp hội Khí tượng Nam Á nói với BBC.
Trong năm 2024, số ngày có sương mù được ghi nhận tại sân bay ở Pokhara – trung tâm du lịch lớn ở miền tây Nepal – là 168 ngày, so với chỉ 23 ngày vào năm 2020 và 84 ngày vào năm 2021, theo dữ liệu của Cục Khí tượng Thủy văn Nepal.

Yunish Gurung
Đỉnh Machapuchare (hay còn gọi là núi Đuôi cá) ở Nepal vào ngày trời quang

Các chuyên gia cho rằng Himalaya có lẽ là dãy núi bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới do vị trí nằm trong một khu vực đông dân và ô nhiễm.
Điều này có thể đồng nghĩa với việc khung cảnh kỳ vĩ của Himalaya giờ đây phần lớn chỉ hiện diện trong các bức ảnh, tranh vẽ và bưu thiếp.
"Chúng tôi kinh doanh du lịch với cảm giác tội lỗi trong lòng khi không thể cho khách ngắm những ngọn núi mà họ đã trả tiền để được ngắm," nữ trưởng đoàn leo núi Chhetri chia sẻ.
"Và chúng tôi chẳng thể giải quyết được sương mù."

Vì sao Đảng muốn rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15?15 tháng 5 năm 2025

Ông Trump có được phép nhận món quà máy bay 400 triệu USD không?14 tháng 5 năm 2025

Ông Putin không đến Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán hòa bình với ông Zelensky15 tháng 5 năm 2025

APEC cảnh báo xuất khẩu đình trệ trong năm 2025 do thuế quan Mỹ16 tháng 5 năm 2025
No comments:
Post a Comment