Monday, May 19, 2025

Trước điện đàm Trump – Putin: Nga khẳng định muốn giải quyết xung đột tại Ukraina qua ngoại giao
Trọng Thành
Đăng ngày: 19/05/2025 - 13:48Sửa đổi ngày: 19/05/2025 - 14:44
RFI

Chiều hôm nay, 19/05/2025, vào lúc 16 giờ, giờ Paris, tức 14 giờ giờ quốc tế, tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến có cuộc điện đàm tìm giải pháp chấm dứt xung đột tại Ukraina. Điện Kremlin cho biết ưu tiên con đường « ngoại giao ».
Photo montage : Donald Trump et Poutine au téléphone © AP

Theo người phát ngôn của phủ tổng thống Nga, Dmitri Peslov, hôm nay, được các hãng tin Nga dẫn lại, đây là « một cuộc đối thoại quan trọng », và phía Nga hy vọng « đạt được các mục tiêu thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao ».

Trước thềm cuộc đối thoại Trump – Putin, hôm qua, hai ngoại trưởng Mỹ, Nga cũng có cuộc điện đàm. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài Mỹ CBS hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định sự kiên nhẫn của phía Mỹ là « có giới hạn », và Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một loạt trừng phạt mới đối với Matxcơva. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : Thượng Viện đang chuẩn  bị ra luật về trừng phạt, dự luật do thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham đề xuất, được 80 thượng nghị sĩ ủng hộ, sẽ được thông qua nếu cần, bất chấp tổng thống phủ quyết hay không.

Về phía Ukraina, ngoại trưởng Andrii Sybiha, trên mạng X, hôm nay, tố cáo Nga không thực sự mong muốn hòa bình, bác bỏ ngừng bắn, và chỉ lặp lại các đòi hỏi phi lý từng được đưa ra ba năm về trước trong các đàm phán tại Istanbul hồi 2022. 

Lãnh đạo Mỹ và 4 nước châu Âu bàn về gia tăng trừng phạt Nga

Hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump cùng lãnh đạo bốn nước châu Âu điện đàm, theo đề nghị của các nước châu Âu. Theo phát ngôn viên của phủ thủ tướng Anh, được Reuters dẫn lại, lãnh đạo năm nước đã đề cập đến việc gia tăng trừng phạt Nga, nếu Matxcơva « không nghiêm túc hướng đến ngừng bắn và tiến hành các đàm phán tìm giải pháp hòa bình ».

Trên mạng X, tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết : « tổng thống Putin ngày mai sẽ phải chứng minh ông ấy thực sự muốn hòa bình, chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện 30 ngày, theo đề nghị của tổng thống Trump, điều được Ukraina và châu Âu ủng hộ ».

Nga muốn vừa đánh vừa đàm

Theo một nguồn tin thân cận với tổng thống Nga xin ẩn danh, được hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lại, ông Putin tin tưởng là quân đội Nga có thể chọc thủng hàng phòng ngự của Ukraina, và kiểm soát toàn bộ bốn vùng miền đông và đông nam Ukraina, mà hiện Nga đã kiểm soát một phần lớn, từ nay đến cuối năm. Bloomberg cũng dẫn lời nhà chính trị học Nga Serguei Markov, một người thân cận với điện Kremlin, cho biết chiến thuật của tổng thống Nga là « vừa đánh vừa đàm ».

Giáo Hoàng Lêô XIV tiếp tổng thống Ukraina

Ngày 18/05/2025, trong Thánh lễ khai mạc giáo triều, trước sự hiện diện của đông đảo nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia trên thế giới, tân giáo hoàng Lêô XIV đã phát biểu rằng « Ukraina trông đợi các cuộc đàm phán vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài ». Sau thánh lễ, Ngài đã tiếp riêng tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Thông tín viên Eric Senanque từ Roma cho biết thêm thông tin :

« Sau Thánh lễ khai mạc giáo triều, việc tổng thống Volodymyr Zelensky cùng với nữ tổng thống Pê-ru, Dina Boluarte là những nguyên thủ duy nhất có vinh hạnh được gặp riêng Lêô XIV là bằng chứng cho thấy cam kết của tân giáo hoàng về hồ sơ Ukraina. Thái độ của Vatican có thể thay đổi cùng với vị giáo hoàng người Mỹ, nhưng những thay đổi này đã có thể cảm nhận được.

Trong khi giáo hoàng Phanxicô khó khăn chỉ định Nga như là kẻ xâm lược, bất chấp nguy cơ khiến người Ukraina tức giận, người kế nhiệm của ông không ngừng nhấn mạnh đến "một nền hòa bình công bằng và lâu dài", một phát biểu đồng điệu với tuyên bố của Kiev và các đồng minh của Kiev.

Cách nay ba năm, chính ông, khi ấy vẫn chỉ là một giám mục tại Pê-ru, trong một cuộc phỏng vấn, đã lên án Nga tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc và vi phạm các tội ác chống nhân loại tại Ukraina. Trên các mạng xã hội, Volodymyr Zelensky tỏ ra vui mừng về cuộc hội kiến này ở Vatican và đã cảm ơn giáo hoàng Lêô XIV, xem ngài là một "biểu tượng cho hòa bình".

Tổng thống Ukraina còn nhấn mạnh rằng quyền linh và tiếng nói của Tòa Thánh có thể đóng góp một vai trò quan trọng để chấm dứt cuộc chiến này. »

No comments:

Post a Comment