Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố có thể sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ dự đàm phán Ukraina - Nga
Thùy Dương|Chi Phương
Đăng ngày: 13/05/2025 - 12:26Sửa đổi ngày: 13/05/2025 - 14:38
RFI
Hôm 12/05/2025, tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố ông có thể sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm 15/05 để tham dự các cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga, "nếu điều đó là hữu ích".

Theo AFP, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng trước khi lên đường công du vùng Vịnh, tổng thống Hoa Kỳ nói : « Tôi đang cân nhắc việc bay đến đó. Tôi không biết mình sẽ ở đâu vào thứ Năm. Tôi có rất nhiều cuộc họp, nhưng tôi đã nghĩ đến việc bay đến đó. Có khả năng là như vậy … »
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chủ Nhật 11/05 đã đề xuất bắt đầu các cuộc đàm phán « trực tiếp » và « vô điều kiện » giữa Nga và Ukraina từ thứ Năm 15/05 tại Istanbul, nhưng bác bỏ điều kiện ngừng bắn 30 ngày theo yêu cầu của các đồng minh của Kiev.
Về phía Kiev, kêu gọi Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn « để tạo cơ sở cần thiết cho hoạt động ngoại giao », tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông « chờ đợi » đồng nhiệm Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm, nhưng Putin đã không hồi đáp.
Chính vì thế, hôm qua tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh : « Tôi nghĩ cả hai nhà lãnh đạo nên có mặt » tại Thổ Nhĩ Kỳ, và nhận định cuộc gặp vào thứ Năm giữa Nga và Ukraina có thể mang lại kết quả tốt đẹp.
Khi được hỏi liệu ông có ban hành lệnh trừng phạt mới đối với Nga hay không, nếu Matxcơva từ chối chấp nhận lệnh ngừng bắn 30 ngày do các đồng minh của Kiev đề xuất, tổng thống Mỹ phát biểu : « Tôi có cảm giác là họ sẽ đồng ý. Tôi thực sự nghĩ vậy. »
Theo Reuters, hôm qua, sau đề xuất bất ngờ của tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều đại diện cấp cao của Hoa Kỳ và châu Âu đã có các cuộc trao đổi nhằm hướng tới một lối thoát cho cuộc chiến ở Ukraina. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã thảo luận về « Con đường cần theo để hướng đến ngừng bắn » ở Ukraina với một số đối tác châu Âu, trong đó có ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot và đồng nhiệm Anh David Lammy. Lãnh đạo ngoại giao châu Âu, Kaja Kallas, và ngoại trưởng Ukraina Andrei Sybiha cũng tham gia vào cuộc điện đàm.
Về phần mình, Matxcơva cho biết ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tối qua đã trao đổi với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan về cuộc thảo luận trực tiếp với Kiev. Tuy nhiên, Matxcơva không đưa ra bình luận nào về đề xuất của tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như phản ứng của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky về đề xuất đàm phán trực tiếp mà tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm Chủ Nhật 11/05.
Reuters nhắc lại lần cuối Putin và Zelensky có cuộc họp chung là vào năm 2019, trong khuôn khổ thượng đỉnh theo mô hình « Bộ Tứ Normandie » bàn về cuộc xung đột kéo dài nhiều năm tại miền đông Ukraina.
OACI : Nga phải chịu trách nhiệm về vụ bắn rơi máy bay MH17
Hôm qua, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (OACI), có trụ sở tại Canada, trong một thông cáo, khẳng định Liên Bang Nga đã « không tuân thủ các nghĩa vụ về luật hàng không quốc tế » trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia.
Vào ngày 17/07/2014, máy bay Boeing 777 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã bị bắn hạ bởi tên lửa BUK do Nga sản xuất, khi bay qua vùng lãnh thổ do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở miền đông Ukraina.
Trong thông cáo, tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế cho rằng khiếu nại do Úc và Hà Lan đưa ra liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17 là có cơ sở thực tế và pháp lý. Tổ chức của Liên Hiệp Quốc cho rằng hành vi bắn hạ máy bay bằng tên lửa của Nga vi phạm Điều 3 bis của Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế, yêu cầu « các quốc gia không sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân dụng đang bay ».
Vụ máy bay rơi đã khiến 298 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng, hai phần ba là người Hà Lan, 38 người Úc và 43 người Malaysia. Trước thông cáo của OACI, theo AFP, chính phủ Úc khẳng định rằng « đó là một thời khắc lịch sử trong công cuộc tìm ra sự thật, công lý và bên chịu trách nhiệm », và đề nghị Nga chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hai theo luật pháp quốc tế.
Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp thì nhận định « điều này không thể xóa đi nỗi đau và những mất mát cho thân nhân của các nạn nhân, nhưng là một bước tiến quan trọng hướng tới sự thật và công lý ».
Cả Úc và Hà Lan đều đề nghị OACI buộc Nga « phải khởi động các cuộc đàm phán với Hà Lan và Úc về vấn đề này và giám sát tiến trình đó ».
Về phía Nga, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov hôm nay khẳng định Matxcơva không tham gia cuộc điều tra về vụ này và không chấp nhận kết luận mang tính “thiên vị” mà OACI đưa ra.
Vào năm 2023, đội ngũ điều tra quốc tế gồm các nước như Hà Lan, Úc, Malaysia, Ukraina và Bỉ đã kết luận có « những dấu hiệu rõ ràng » chỉ ra là tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn việc cấp tên lửa được sử dụng để bắn hạ máy bay MH17.
Vào năm 2022, một tòa án ở Hà Lan đã kết án tù chung thân đối với 3 người đàn ông chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi máy bay MH17.
No comments:
Post a Comment