Đáng lưu ý là trong năm 2024, số doanh nghiệp nhận thấy phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản trung ương là "trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo" và "không làm gì" lên đến 26%, trong khi năm 2021 chỉ 19%.
Những thực trạng đó cho thấy giới doanh nghiệp đang gặp các vấn đề từ thể chế lẫn thực thi, vốn được ví von là "nghiện" quản lý, theo cách nói của ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.
Nghị quyết 68 mà ông Tô Lâm ký ban hành đã đặt ra vấn đề cắt giảm điều kiện kinh doanh, đưa ra chỉ tiêu cụ thể: cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh…
Quốc hội cũng đã thể chế hóa mục tiêu này vào ngày 17/5.
Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Con số các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn được đưa ra: hơn 24.000.
Chỉ riêng chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính mỗi năm đã tốn hơn 120.000 tỷ đồng, theo công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà nước kiến tạo, chính quyền phục vụ?
Nghị quyết 68 nêu một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo ra một "nhà nước kiến tạo" và "không can thiệp hành chính vào quá trình sản xuất kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường", đồng thời muốn chuyển từ nền hành chính công vụ quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển.
Chính phủ kiến tạo là thuật ngữ được nhắc với tần suất dày đặc trong thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng (2016-2021) nhưng gần như biến mất dưới thời ông Phạm Minh Chính.
Điều đó có nghĩa là các vấn đề này đã được giới lãnh đạo Đảng nhận thức từ rất lâu. Nhưng các phát biểu dường như vẫn dừng lại ở các diễn ngôn chính trị, chưa biến thành các chính sách cụ thể và phần thực thi chưa thuyết phục được giới doanh nghiệp đặt niềm tin vào.
Việc làm sống lại chính phủ kiến tạo và tháo gỡ các nút thắt thể chế đang được kỳ vọng mạnh mẽ hơn dưới bàn tay của ông Tô Lâm.
Khi lên nắm quyền, ông Tô Lâm đã được nhắc đến với câu nói: thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Những động thái tiếp theo của ông Tô Lâm cho thấy phát biểu của ông không phải chỉ là diễn ngôn dân túy.
Hàng loạt hành động sau đó về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của không chỉ chính quyền trung ương và địa phương mà cả hệ thống của Đảng thể hiện giữa nói và làm, và tốc độ được đẩy lên nhanh chóng.
No comments:
Post a Comment