Phúc Lai - Chiến tranh xâm lược của Putler ở Ukraine có thể kết thúc không và kết thúc như thế nào ?
mardi 20 mai 2025
Thuymy
Nhìn chung các ý kiến không có gì đáng phải nói quá nhiều. Đại loại các thông tin họ nắm được từ các nguồn pro-Nga, nhưng phải nói đây là các trí thức khá tỉnh táo, nên các dòng thông tin dạng của thằng tâm thần Tuấn Sơn (tên cúng cơm là Thanh Bình, 1977) ở Dân Chí, sau hơn 3 năm chiến tranh gây từ băn khoăn đến bối rối kinh khủng.
Đã có một số người đặt câu hỏi: Tại sao cứ thắng như vũ bão như vậy mà còn lằng nhằng mãi?
Lúc đầu người tổ chức có ý định mời tôi tham gia để phát biểu, với tư cách cũng là một tay hơi nổi tiếng trên cõi Facebook về “bình loạn” cuộc chiến, từ đó để họ chất vấn dưới từ chuyên môn là “phản biện.”
Vấn đề là khi nghe họ trao đổi, tôi nhận ra những lý thuyết tôi viết suốt từ 3 năm qua, chẳng hạn những vấn đề về xe tải, về công nghệ lõi, hay những yêu cầu khủng của một học thuyết quân sự làm cho nền sản xuất quốc phòng Nga nếu có phục hồi được cũng không đáp ứng được một phần nhỏ… hầu như họ không biết chút gì.
Nói chuyện với những người như thế này, mất thời gian. Vì vậy tôi tắt micro, ngồi nghe và không nói một câu, chủ tọa hỏi tôi cũng không trả lời (vì nhân tiện đang ngồi ở một cuộc họp khác tại nhà ông bác ruột, ông cụ mới mất sáng qua ở tuổi 90).
Cuối cùng, câu hỏi đặt ra của họ với nhau là: chiến tranh có thể kết thúc được không và kết thúc như thế nào?
Thật ra, cuộc chiến nào cũng phải kết thúc, vấn đề là mong muốn của họ sẽ khác của chúng ta. Vì pro-Nga, họ mong Nga sẽ chiếm thêm được đất. Tuy nhiên những dạng hô hào kiểu “Zelenskyy sẽ phải đi lưu vong” “Quân đội Ukraine sẽ bị xóa sổ” như của bọn Dư luận viên mất dạy hoàn toàn không có. Họ chỉ không rõ được quân đội Ukraine mạnh đến mức nào, hoặc “nếu có yếu, thì có yếu đến mức búng ngón tay là quân đội đó sụp đổ.”
Thực tế là điều này thì chúng ta cũng không biết, người Ukraine quá bí mật. Vì sự bí mật này mà tất cả, họ lẫn chúng ta đều không hình dung được bộ mặt thật của tình hình. Và nếu chỉ căn cứ trên những gì đang được thể hiện, thì chắc chắn rằng những điều báo chí đang mô tả là “Nga đang chiếm thế thượng phong” “Nga đang ưu thế” “Nga đang chủ động” tạo nên được lòng tin cho họ, là điều dễ hiểu.
Còn mong muốn của chúng ta là ngược lại, và nó trùng với ước vọng của người Ukraine: Giữ được lãnh thổ, bảo vệ được chủ quyền, giữ được chính quyền và đạt được hòa bình. Đơn giản vậy thôi. Họ đã làm được rất nhiều trong 3 năm qua, và chắc chắn họ sẽ làm tiếp.
Đầu tiên, về câu hỏi làm như thế nào Ukraine thắng được cuộc chiến, đã có hai bài báo rất hay. Trong hai bài báo này, David Axe đã phân tích từ hai góc độ: chiến thuật & chiến thuật/chiến lược và chiến lược.
Góc độ thứ nhất: Chiến thuật & chiến thuật/chiến lược là một chiến lược chiến tranh du kích từ trên không, thi hành một chiến lược chiến tranh phi đối xứng của người Ukraine. Sử dụng máy bay không người lái vừa trên diện rộng, vừa có chiều sâu về chất lượng để chiến đấu đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga trên mặt đất, ngoài mặt trận.
Góc độ thứ hai, về chiến lược vẫn là cuộc chiến tranh phi đối xứng đó, nhưng là dùng máy bay không người lái để tìm và diệt các căn cứ phía sau của quân Nga, trong đó có cả các kho hậu cần (Điều này đã có người góp ý và phải nói rằng, nếu Ukraine phát triển máy bay không người lái như thế nào thì Nga cũng sẽ làm như vậy, chỉ khác về hiệu quả chiến đấu của mỗi bên mà thôi). Cũng trong góc độ chiến lược này là quá trình tấn công sâu vào bên trong nước Nga nhằm vào kinh tế, chẳng hạn như các nhà máy lọc dầu.
Bình loạn : Nga vẫn tiếp tục tấn công Ukraine bằng các đợt không kích thường xuyên, nhưng việc sử dụng tên lửa hành trình đã giảm tương đối nhiều, và gia tăng đáng kể việc sử dụng cái “máy cắt cỏ bay” mua bản quyền của Iran và đặt tên là… Gerand. Rất là “ghê răng.” Thực chất với hai bên, rõ ràng là một cuộc chiến phi đối xứng rất rõ ràng.
Ukraine là bên yếu hơn, nên chắc chắn phải giấu toàn bộ những mục tiêu quan trọng của mình đi, thứ duy nhất không giấu được là… dân chúng. Còn với Nga, các mục tiêu bị tấn công là nhà máy lọc dầu chẳng hạn, không giấu đi đâu được. Ngoài ra, thỉnh thoảng lại một trận đe dọa cho đóng cửa sân bay, là đánh vào tâm tư của xã hội nhưng vẫn là kinh tế, là đánh vào giao thông vận tải.
Rất dễ so sánh tác động của hai cách thi hành chiến tranh này. Cách của Nga, tạo chất liệu tốt cho tuyên truyền, đặc biệt với nhóm không đủ khả năng suy xét sẽ dễ tác động mạnh. Điển hình của nhóm này là… Trump. Người hời hợt, chủ quan và không đủ kiến thức, sẽ nhìn vào những uỳnh oàng bề nổi. Còn tác động của kiểu Ukraine thì ngược lại, sẽ không đủ thuyết phục những người sơ sài đó, nhưng nó thực sự nghiêm trọng.
Trước đây tôi có nhận xét với quý vị rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga thật là đáng sợ. Điều này đúng 100 %, chúng không chỉ thực sự nguy hiểm và đáng sợ cho người dân Ukraine mà còn từ góc độ quân sự. Trong khi đó cái máy bay không người lái Gerand kia với lượng nổ tương đương một quả đạn pháo, nghe thì “ghê răng” khi tin tức đến tai chúng ta: trong đêm Nga thả đến 180 chiếc bay vào Kyiv. Nhưng đạn pháo thì có đạn nổ và đạn xuyên, đạn xuyên mạnh chủ yếu là dành cho pháo bắn thẳng trên… xe tăng, tức là pháo nòng trơn.
Như vậy, Gerand dù có nguy hiểm nhưng đầu nổ (warhead) của nó vẫn mang tính “lựu” là chủ yếu. Vì thế nó cũng phần lớn có tác dụng khủng bố dân thường, chẳng hạn gây cháy (đốt nhà), sát thương con người… Và vì không có tính xuyên như tên lửa hoặc một số loại bom, nó gần như vô dụng với các mục tiêu được giấu sâu dưới mặt đất hoặc che chắn kỹ.
Tính chất này cũng giống với máy bay không người lái của Ukraine. Vì vậy trong một bài trước tôi có báo cáo quý vị về tin của “bà hàng nước” nhận xét rằng, Chiến dịch không kích của người Ukraine là có thông tin tình báo kỹ lưỡng, có tay trong. Vì thế có chiến thuật lớp lang cho máy bay không người lái tấn công nhiều đợt với nhiều tác dụng, mục đích khác nhau. Khó khăn với hai bên là như nhau, nhưng do việc xác định mục tiêu là khác nhau nên cách thức thực hiện cũng khác nhau, dẫn đến kết quả là khác nhau.
Về lâu về dài, nếu cứ tiếp tục như thế này thì nền kinh tế của Nga sẽ tiếp tục xuống dốc. Chẳng hạn vừa rồi sau khi nghe tin Ukraine đề nghị ngừng bắn, có bác bảo: Đang đốt nhà máy lọc dầu của nó, sao lại ngừng. Tôi nghĩ bụng: Ấy bác, phải ngừng để cho chúng chữa đã chứ, chữa xong hết ngừng bắn lại đốt tiếp là vừa.
Nhắc đến kinh tế Nga, lại phải đi vào đề tài này một chút. Thực chất, nền kinh tế Nga trước chiến tranh đã là “đào, xúc, múc, bán” rồi, các ngành sản xuất trong nước hầu hết phụ thuộc đầu tư nước ngoài và tất cả số họ đã rút khỏi Nga trong nửa năm đầu của cuộc chiến tranh, tính từ 24/02/2022. Từ đó đến nay chúng ta đã chứng kiến một sự phục hồi “thần kỳ” (cũng có thể gọi như vậy được) của nền sản xuất quốc phòng nước này – tôi không gọi là kinh tế nhé, mà gọi là sản xuất quốc phòng.
Nếu gọi là kinh tế, tức là vẫn có yếu tố làm ra của cải vật chất, làm giàu cho xã hội một cách tổng thể. Ở đây là (1) Vẫn cố “đào, xúc, múc, bán” kiếm tiền thuê lính đi đánh nhau và phục vụ cho (2) Sản xuất tất cả gì cần thiết cho chiến tranh. Cả hai yếu tố (1) và (2) này đều phải có việc “trả thù lao cho người sản xuất và chiến đấu” nên vẫn có một lượng tiền nhất định tràn ra ngoài xã hội.
Dẫn đến “có những chỉ số tăng trưởng” nhưng thực chất, đó là một trường hợp điển hình của một con bệnh giai đoạn cuối, “tăng trưởng” chính là tiền mua… morphine và dolargan để giảm đau chứ không có tác dụng cứu sống hắn ta. Vì thế nếu người ta nói: Putler không muốn hòa bình, hắn muốn chiến tranh để duy trì cái sự “tăng trưởng” đó chính là giải thích cho quá trình sử dụng morphine của hắn. Mà quý vị biết rồi, đã là chất gây nghiện thì phải có yếu tố tăng liều, càng về sau càng phải dùng nhiều ma túy hơn.
Các chuyên gia có lý khi gọi đây là cuộc chiến tiêu hao. Ukraine cố gắng giảm nhẹ tác động của nó từ góc độ con người (giảm chi phí bằng cách kìm hãm quân số) nhưng nhìn số lượng UAV/drone họ sản xuất hàng tháng cho chiến trường (cả trăm nghìn chiếc các loại) đủ thấy tính tiêu hao của cuộc chiến nó như thế nào.
Nga thì còn khủng hơn vì chúng buộc phải duy trì thế tấn công. Ấy chính ra đến nay do hết xe tăng, xe bọc thép… nên chúng cho lính tấn công bằng xe golf-cart rồi đến xe máy, lại góp phần làm giảm chi phí của cuộc chiến đấy chứ, mỗi tội là chi phí về con người như thế thì tốn quá. Nhưng Putler thì không tiếc con người, không tiếc máu xương binh lính.
Quay lại với câu hỏi ban đầu, cần khẳng định rằng không có gì là không kết thúc, đặc biệt là chiến tranh vì nó gây mệt mỏi cho cả hai bên và cả chúng ta nữa, cũng mệt mỏi. Nếu như nói rằng Nga cố gắng lắm mới tuyển đủ số lính đánh thuê theo hợp đồng, thì những khó khăn về kinh tế xã hội đã thể hiện rõ: Số người ký hợp đồng chiến đấu với Bộ Sân khấu và Trình diễn nước này tăng vọt từ đầu năm. Cho thấy mặc dù có tăng trưởng về số dự án sản xuất quốc phòng, dẫn đến có tăng nhu cầu lao động, nhưng số lao động chất lượng thấp chỉ có lựa chọn ra chiến trường làm phân bón, vẫn rất cao, và đời sống như vậy là khó khăn hơn với họ.
Chuyện này thể hiện rất rõ tính hai mặt của bất cứ vấn đề nào: Khi cuộc sống dân chúng khó khăn thì lại mở lối cho cuộc chiến của Putler. Với phía Ukraine, tôi tin rằng vấn đề còn nghiêm trọng hơn, vì việc bắt lính với Ukraine là bắt buộc, không phải là kêu gọi người ta ký hợp đồng – như vậy cũng sẽ rất dễ dẫn tới bất mãn xã hội.
Như thế với cả hai bên, câu chuyện đều là sẵn sàng kéo dài chiến tranh, nhưng cũng cần thiết phải chấm dứt nó bất cứ lúc nào, bằng mọi giá. Yêu cầu chỉ còn là làm sao cho việc chấm dứt nó có lợi nhất hoặc đỡ thiệt hại nhất, hoặc cả hai, mà thôi. Nhưng, chúng ta cũng đang chứng kiến việc chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng kéo dài hàng vài năm nữa từ cả hai bên. Bây giờ thì chúng ta cần so sánh hai quá trình này.
Với người Ukraine, cuộc chiến tranh là bảo vệ Tổ Quốc và độc lập dân tộc, một cuộc chiến cho “căn cước dân tộc” nên có khó khăn chắc chắn là họ vẫn sẽ không đầu hàng. Xét về lợi ích, với người Ukraine nó là vô giá. Còn với người Nga, tôi có thể khẳng định bây giờ nếu có tin vào một cuộc chiến tranh thần thánh với chủ nghĩa phát-xít, thì chẳng có người dân Nga nào như vậy cả.
Ngay cả bọn theo chủ nghĩa dân tộc và bạo lực, tức là bọn có tư tưởng phát-xít muốn trừng trị dân Ukraine và áp đặt một ách thực dân lên Ukraine, bọn này càng không tin vào cuộc chiến mà Putler đang gọi là “chống phát-xít”, một trò đùa nực cười. Bọn này là bọn khôn nhất. Còn lại là những con người với tâm hồn của những con cừu, cam chịu ngậm miệng ăn tiền. Xét về lợi ích, với người Nga cuộc chiến là vô nghĩa.
Mà ngay cả khi xét về lợi ích vật chất, cuộc chiến của Putler với dân Nga vẫn có những nguy hiểm tiềm tàng. Hai thành phần hưởng lợi chính từ cuộc chiến như chúng ta đã biết, là những người làm việc trong công nghiệp quốc phòng và nhóm gia quyến của lính đánh thuê. Nhóm thứ nhất, không trông mong gì được vì nếu có ngừng chiến mà Putler vẫn còn tại vị, hắn vẫn sẽ thúc đẩy sản xuất để phục hồi bộ máy quân sự. Nhóm thứ hai là nhóm “tiền tử tuất tiêu mãi cũng hết”, là lực lượng tiềm năng cho đội ngũ bất mãn trong tương lai.
Tuy nhiên đối với cả hai nhóm, đều phải dựa trên nền tảng kho tiền của Putler có còn hay không. Cái kho này chậm cạn vì trong thời gian qua hắn vẫn bán được dầu khí, nhưng đã ít hơn trước chiến tranh rất nhiều và tương lai mối lợi từ món này sẽ còn ít nữa. Như vậy kho trước sau cũng sẽ cạn. Cuối năm ngoái, Ba Lan đã công bố bọn Putler này bán lậu ra ngoài 100 tấn vàng, đủ thấy khó khăn là có thật chứ không phải nói đùa.
Chiến tranh là tiêu tốn đối với cả hai bên, vì vậy chúng ta đang thấy Ukraine thi hành một chiến lược rất rõ ràng: Từng bước phục hồi sản xuất, triệt để tiết kiệm và bào mòn sức mạnh của Nga. Lúc đầu chỉ là bào mòn sức mạnh quân sự, và bây giờ về lâu về dài sẽ là bào mòn sức mạnh sức mạnh tổng hợp quốc gia của Nga. Nga cũng thi hành một chiêu trò tương tự: Tấn công tương đối hạn chế trên chiến trường, tập trung vào một số hướng trọng điểm, bắn phá đường không bằng tên lửa và chủ yếu UAV, và hi vọng Ukraine sẽ hết hơi vì phương Tây ngừng viện trợ.
Trong hai kỳ bài báo của mình, David Axe cho rằng đi từ “bào mòn” đến đưa chiến lược sử dụng UAV đi vào thực chất của Ukraine, người Ukraine có thể chiến thắng cuộc chiến. Điều này khó tin và nó làm phá sản lý thuyết chúng ta vẫn giữ lâu nay: so sánh quân số của hai bên.
Thực chất, khi Zelenskyy công bố quân số của toàn bộ lực lượng vũ trang nước mình là khoảng gần 900.000 người được phân bổ trên toàn bộ đất nước, thì họ vẫn ít quân hơn rất nhiều so với Putler. Trên chiến trường Ukraine, Nga có khoảng 800.000 quân, nhưng toàn bộ lực lượng vũ trang Nga có thể có đến 5 tới 6 triệu người thuộc đủ các thành phần quân chủng, binh chủng. Tất nhiên nếu lôi cả số này đi đánh nhau không phải chuyện dễ, nhưng tương quan hai bên trên chiến trường là rất bất lợi cho Ukraine: Khoảng gấp 2 lần rưỡi đến 3 lần về quân số đối diện nhau.
Do vậy về lý thuyết, người Ukraine sẽ không có khả năng tổ chức một chiến dịch tấn công thực sự nguy hiểm đến mức gây đổ vỡ lớn cho quân đội Nga trên chiến trường. Vậy tại sao tôi và cả thằng Igor Girkin “Strelkov” vẫn thường xuyên lải nhải nói về vấn đề này? Tôi nghi rằng “bà hàng nước” của tôi và của hắn, là một. Các chuyên gia Nga phân tích các dữ liệu đầu tiên sẽ căn cứ trên tình trạng bố phòng của quân đội mình trên các khu vực chiến trường và nhận thấy rằng, nếu bị tấn công thì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, trên rất nhiều điểm trọng yếu.
Có một điểm khó cho nhiệm vụ này, là xác định được chính xác lực lượng của đối phương, mà như chúng ta đã biết là người Ukraine quá kín tiếng. Vì thế các “bà hàng nước” của Nga chỉ có thể phán đoán khả năng của người Ukraine dựa trên những con số. Ví dụ như số lượng gọi lính năm này bao nhiêu, năm sau bao nhiêu… Và cũng đoán một cách, tôi nghĩ rằng khá thiếu chính xác (vì cách đánh của họ đã rất khác của Nga) về số lượng thương vong của quân đội Ukraine, cũng như dấu vết của các đơn vị Ukraine từ thao trường đến chiến trường. Sự “biến mất” của một số đơn vị Ukraine đã dẫn đến những lo lắng đặc biệt và đi đến kết luận rằng, người Ukraine đang lặng lẽ tập trung quân cho một chiến dịch lớn.
Nhưng cũng có thể cho rằng, người Ukraine không có nhiều quân đến vậy, và họ đang phải vật lộn với việc thiếu quân, với nhiệm vụ gạn trong dân cho đủ quân số… Những chuyện này cũng ra truyền thông đại chúng, chứ không phải là hoàn toàn bí mật. Mấy con mẹ “bán hàng nước” Nga hoàn toàn có thể sai lầm, như chúng vẫn thường sai lầm xưa nay chứ nào có tử tế gì. Chúng ta cũng không được quyền tô hồng và lạc quan tếu.
Cuối cùng, có một điều cần nhìn lại: các cuộc thử nghiệm hình thái chiến tranh mới. Lần đầu vào tháng Sáu năm 2023, các đơn vị Ukraine không thể vượt qua được bãi mìn của “phòng tuyến Surovikin” nhưng đến tháng Tám năm 2024, họ đã thi hành một cách tấn công rất khác, kết hợp lý thuyết cổ điển của pháo kích chính xác, của cơ động chiến bằng thiết giáp với những kỹ thuật tân kỳ của thời đại mới, và họ đã rất thành công ở Kursk. Cuộc thử nghiệm thứ hai này cho thấy, với một quân số vừa đủ nhưng có cách đánh mới thì vẫn có thể thành công.
Vậy tại sao người Ukraine không tấn công? Câu trả lời là: cần phải tính được tác động của nó sẽ ra sao đối với Nga. Năm ngoái chiến dịch Kursk đã rất thành công về quân sự, nhưng trò bưng bít thông tin của Nga rất hiệu quả, mâu thuẫn nội bộ chóp bu Nga chưa đủ chín muồi cho một cuộc đảo chính, nên nó không gây tác động gì nghiêm trọng. Điều này còn có một lý do nữa là thái độ lừng khừng của cụ Biden. Nếu cụ ấy đưa cho Zelenskyy ít Tomahawk thì tình hình đã rất khác.
Nhưng Kursk 2024 đúng là… “Xô-viết Nghệ Tĩnh,” đại tập dượt, “tổng duyệt” cho Cách mạng tháng Tám. Lúc đó chưa chín muồi thì cũng sẽ lại đến lúc… chín. Năm ngoái chưa chín, thì năm nay chín. Mùa xuân chưa chín thì mùa hè, mùa thu chín. Rõ ràng điều mà chúng ta nói với nhau: Ukraine sẽ phải tự chủ, độc lập trong vấn đề vũ khí, đặc biệt là vũ khí thay đổi cuộc chơi. Và họ đã làm được. Chưa thấy dùng tên lửa hành trình đại trà, nhưng chính cái “chưa thấy” này mới là đáng ngại. Họ đang tích lũy.
Và đến mấy ngày gần đây, khi chứng kiến những hình ảnh về UAV/drone của Ukraine mang theo súng phóng lựu, thì tôi thực sự tin rằng, UAV của Ukraine đã thay thế được bộ binh. Như vậy nếu có chiến dịch nào đó của người Ukraine, thì nó cũng sẽ rất khác với truyền thống.
+ Kết luận.
- Một, cả hai bên đều nhận thấy nhu cầu phải chấm dứt chiến tranh, càng sớm càng tốt.
- Hai. Khó khăn cả hai bên đều có, có rất nhiều và rất rõ.
- Ba. Quá trình phục hồi của Nga là có, nhưng không đủ và không bao giờ đủ để đem lại chiến thắng to tát, vì vậy chúng cố thắng bằng mồm và bằng sự hỗ trợ của lão ngu ngốc Trump.
- Bốn. Các yếu tố về năng lực của Ukraine dù mờ, nhưng vẫn cho thấy đang tăng lên cả về chất lẫn lượng.
- Năm. Về lợi ích, bọn chóp bu Nga sẽ nhận thấy càng ngày càng suy giảm, và triển vọng tương lai cuộc chiến không có gì sáng sủa với gốc rễ là sự bế tắc của cả quân đội Nga lẫn Putler. Vì vậy chắc chắn sẽ đến lúc phải lật đổ hắn.
- Sáu. Chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào? Những kẻ lật đổ sẽ phải tìm cách đàm phán để Nga rút được khỏi cuộc chiến tranh ở Ukraine. Đó là phương án tốt nhất, với chúng không cần đất, cũng chẳng cần Crimea, thậm chí “phi phát-xít hóa” hay “Ukraine không được vào NATO” cũng chẳng cần. Tuy nhiên, cũng phải tính đến phương án nửa vời: Không có lật đổ, đảo chính mà vô hiệu hóa Putler. Nhưng điều này sẽ đến sau một tiến trình cũng nửa vời không kém: Đóng băng chiến tranh, ít nhất trên giới tuyến hiện nay.
Ukraine sẽ yêu cầu thành lập các vùng tự trị (không công nhận đất là của Nga) đặc biệt là với Crimea, với quy chế bao nhiêu năm để trưng cầu dân ý xem những vùng đó sẽ về Ukraine hoặc Nga. Ukraine sẽ có hòa bình để phát triển kinh tế, đặc biệt là mục tiêu gia nhập EU sẽ được tôn trọng, mục tiêu gia nhập NATO có thể bị hy sinh. Với Nga, Putler có con đường sống, nhưng phải rút lui và thay thế bằng một thằng khác.
Lật đổ Putler ở bất cứ mức độ nào, là con đường duy nhất để ngừng chiến và lập lại hòa bình. Zelenskyy và đội ngũ của ông ấy là những người mưu lược, chắc chắn họ sẽ hướng tới mục tiêu này.
PHÚC LAI 19.05.2025
No comments:
Post a Comment