Phạm Thành Nhân - Khi trường học coi Tóp Tóp quá 180 phút/ngày
samedi 10 mai 2025
Thuymy
Trước đó, cư dân mạng rần rần mắng nhiết các bạn sinh viên không tiếc lời. Một số người “nhiều chữ” viết kiểu “Họ đã ở đây từ 50 năm trước”, “Họ đã không cúi đầu trước kẻ địch, nay phải cúi đầu trước các sinh viên”… Đại khái vậy đó.
Bây giờ, sau khi cơn phấn khích tự hào đã tạm lắng, giáo tui hỏi một câu nghiêm túc nghen, quý dzị trả lời giùm nghen. Về mặt pháp luật, các sinh viên ấy đã làm gì sai ?
Chắc chắn là không có gì sai hết. Các bạn chỉ sai ở một điểm : Thiếu lễ phép với người cao tuổi, và cái này thuộc phạm trù lễ nghĩa, phép tắc. Có góp ý hay phê phán thì, theo giáo tui, một lời nhắc nhở, vài câu tâm tình để các bạn hiểu, để lần sau ứng xử lịch sự hơn, phải phép hơn, và như thế là đủ. Không cần (và không ai có quyền) đào mồ cuốc mả người ta lên chửi, xúc phạm các bạn ấy và càng không ai có thẩm quyền “xử lý” các bạn ấy. Cần biết rằng, các bạn ấy đã là sinh viên, tức đã 18+. Các bạn không phạm pháp thì không xử được đâu.
Rồi bây giờ giáo tui qua góc khác của câu chuyện ha. Những người mặc quân phục ấy là ai ? Cựu chiến binh. Ô kê. Về mặt lễ nghĩa, các cựu chiến binh luôn xứng đáng được tôn trọng - “Cảm ơn vì đã phục vụ”. Nhưng, chỗ này cần làm rõ một chút nha. Những cựu chiến binh ấy vai trò chắc không lớn lắm đâu, vì nếu lớn thì hẳn họ đã được mời dự lễ, có khu vực dành riêng để xem (Nếu đây là sơ suất của ban tổ chức - không có khu vực dành riêng cho cựu chiến binh thì nên trách ban tổ chức).
Các cựu chiến binh đi xem diễu binh cũng là một công dân như bao nhiêu công dân khác - nghĩa là bình đẳng trước pháp luật như mọi người khác. Nếu vì lễ phép, các vị được mời lên hàng đầu cho dễ xem thì cũng vì lễ phép, các vị nên ngồi xuống - vừa đảm bảo sức khỏe, vừa lịch sự - không cản tầm nhìn của người phía sau. Các vị không ngồi mới phát sinh chuyện những sinh viên phía sau không xem diễu binh được, các bạn mới bức xúc, mới sinh ra cái chuyện… dở ẹc ta đã biết.
Nếu người lớn biết nêu gương, tế nhị và lịch sự, hẳn người trẻ sẽ học được nhiều điều.
Quay lại trường Văn Lang. Sự thực là trường không có bất cứ cơ sở nào để “xử lý” các bạn sinh viên ấy. Nếu xem sinh viên là khách hàng của dịch vụ đào tạo do trường cung cấp, trường đương nhiên phải bảo vệ khách hàng - gọi là customer care đó. Còn nếu xem sinh viên như học trò, trường càng phải bảo vệ học trò ; bởi “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa” - trò hư là tại ông thầy, tại trường dạy dỗ không nên. Quan trọng là : Chuyện xảy ra bên ngoài khuôn viên nhà trường tức thuộc phạm vi điều chỉnh của xã hội. Trường không có thẩm quyền gì trong chuyện này sất.
Nếu có làm gì thì trường chỉ nên làm như vầy nè - nhờ một giảng viên nào đó mà các sinh viên ấy thương, nể ; hoặc nhờ lớp trưởng cũng đủ ; kéo mấy sinh viên đó ra nói chuyện riêng (nhớ là phải riêng từng người nha), tâm tình, hướng dẫn, rằng lần sau đừng có như vậy, hông nên. Mình nên tôn trọng người cao tuổi và kể cả có gì đó thì cũng chỉ nên nói nhau nhẹ nhàng thôi, vì mình là sinh viên mà, là người lớn rồi, làm gì cũng phải đâu ra đó đời mới nể. Chấm hết. Sau đó là chuyện của các sinh viên ấy tự suy nghĩ để mà sống với đời.
Trường không bảo vệ được sinh viên, còn đòi xử sinh viên vì một chuyện xảy ra ngoài đường là dở rồi đó.
Quay qua cái bằng khen của Đại học Quốc gia thì như tút hôm qua giáo tui đã nói - nó hơi… ô dzề. Hành vi nhường chỗ cho người cao tuổi là hành xử bình thường của người lịch sự. Có khen, chỉ cần một like hoặc một lời nói là đủ. Đằng này, trường mần luôn cả cái lễ, trao bằng khen đồ. Thú thiệt, giáo tui mà nhận cái bằng khen đó chắc tui ngại chết, vì chuyện đó nhỏ quá mà. À nhưng mà nếu cái bằng khen đó đi kèm với việc được cộng điểm tốt nghiệp hay được thưởng tiền thì tui sẽ hào hứng đi nhận nha.
Một chuyện nho nhỏ được đẩy lên thành sự kiện lớn, trao bằng khen, Đại học Quốc gia đang cho thấy mình không rạch ròi được tiêu chuẩn khen thưởng. Và nếu những hành vi khác đáng khen hơn - ví dụ như đi dọn vệ sinh đường phố sau lễ hội - điều mà nhiều fanclub của ca sĩ dạo này hay làm sau các liveshow - mà không được trao bằng khen thì sẽ thành bất công. Thế thì mình giáo dục, đào tạo sinh viên kiểu gì ?
Trường học đòi xử sinh viên, rồi trao bằng khen cho sinh viên vì những cái rần rần trên mạng xã hội là hơi quá tay rồi đó.
Tui xin lỗi bà con vì biên cái tút hơi dài và có thể có chút… nặng nề. Nhưng mà tui nghĩ á, giáo dục, đào tạo một con người là chuyện rất lớn, phải làm đúng, cả trong những việc tưởng như nhỏ nhặt thì mới mong tương lai ta có một thế hệ ngay ngắn, trưởng thành. Chứ cứ như vầy, e là không ổn. Tui sợ những cái nặng nề hình thức kiểu này. Lâu dài, sẽ hại nhiều hơn lợi.
PHẠM THÀNH NHÂN 08.05.2025
No comments:
Post a Comment