Ngô Đình Hải - Đơn giản vì đó là Sài Gònlundi 5 mai 2025
Thuymy
Sài Gòn tự nhiên trở thành một món đồ trang sức, để tô điểm cho sự hiểu biết và từng trải. Để đánh bóng cho một khuynh hướng ! Sài Gòn bị coi như một thứ đồ vật để phân định, so sánh cao thấp, hay dở, bằng cách chửi bới hay ca tụng.
Sài Gòn bị lợi dụng, bị vay mượn và nhầm lẫn. Nó phổ biến tới mức, tưởng chỉ cần vài ba năm sống ở cái thành phố này, học lóm vài ba thứ, đã vỗ ngực xưng tên là sống ở Sài Gòn !
Chỉ cần tập tành "Đù má" vài tiếng là ra người Sài Gòn ! Rồi cho mình cái quyền tâng bốc hay mạt sát thoải mái. Thậm chí một đứa con nít, mới thập thò ăn nhờ ở đậu vài năm, bị mất cắp vài món vặt vãnh, đã cao giọng chửi : "Đù má Sài Gòn" ! Người Sài Gòn nghe không giận, mà thương hại ! Tội nghiệp ! Phải chi cô ấy được sống thực sự ở chính Sài Gòn một ngày, một ngày thôi ! Chắc chắn sẽ không bao giờ có tiếng chửi này.
Sài Gòn là tên gọi của một thành phố. Sài Gòn có lịch sử hình thành. Sài Gòn tồn tại và phát triển như mọi thành phố khác, bởi chính những con người Sài Gòn. Sài Gòn mang những nét đặc thù riêng.
Đừng giả vờ quên, hay cố tình quên Sài Gòn đã mất ! Sài Gòn đã không còn ! Đã thay tên đổi họ hơn 40 năm. Thời gian dài gần bằng một đời người !
Cũng đừng nhập nhằng, đừng đánh tráo khái niệm hay tên gọi. Nói tới Sài Gòn là chỉ nói tới một Sài Gòn ! Và duy nhất chỉ có một. Không hề có Sài Gòn cũ, Sài Gòn mới ! Sài Gòn trước 1975 hay sau 1975. Đừng ngộ nhận. Đừng quơ quào những giá trị, thực và giả của Sài Gòn qua một vài hình ảnh, vài thước phim tư liệu, hay một vài lời kể.
Sài Gòn trong mắt một số người, trở thành kẻ chịu ơn. Cái ơn được rao giảng mỗi ngày, dù Sài Gòn không muốn mang cái ơn đó chút nào, thậm chí còn...ngược lại.
Sài Gòn bị bôi bẩn, bị nhục mạ, bị lấy đi và trả lại những thứ bá vơ. Bị khinh miệt bởi chính những kẻ sống nhờ vào nó, bằng sự hãnh tiến ngu ngốc !
Sài Gòn không của riêng ai. Nhưng cái hồn Sài Gòn, chỉ có ở trong những con người Sài Gòn!
Người Sài Gòn giờ lưu lạc khắp nơi. Một số còn ở lại, phần lớn nay đã già. Họ vẫn sống, vẫn đi tiếp bằng cái hồn Sài Gòn, theo cách của họ. Cái hồn của Sài Gòn thấm vào máu, vào da thịt. Vào cách đi đứng, cách cư xử và trong từng câu nói. Sài Gòn trong họ chưa chết. Sài Gòn sống trong ký ức, trong hoài niệm của từng người. Chính họ, nếu có nói, họ cũng sẽ nói về Sài Gòn một cách cân nhắc, thận trọng. Nói với cái liêm sỉ sẵn có, tùy theo tuổi đời, tùy theo thời gian họ thở cái không khí Sài Gòn, tùy theo cái được mất của họ với Sài Gòn !
Và chỉ với họ, cái hồn Sài Gòn không phải chỉ ở những hình ảnh còn lại, mà nó bàng bạc khắp nơi. Cái hồn Sài Gòn không cần lưu giữ, không cần tìm hiểu, hay gạn đục khơi trong. Nó mặc nhiên tồn tại. Những mảnh hồn gửi trong từng con đường, từng góc phố, ngôi nhà. Từng hàng cây, từng con hẻm ! Sài Gòn giàu nghèo, sang hèn có đủ. Cái hồn của Sài Gòn lãng đãng trong tiếng ê a của trẻ thơ, trong tiếng rao của những gánh hàng rong sớm chiều.
Cái hồn mang những đêm không ngủ. Cái hồn ở trong những "đóm mắt hỏa châu", ở trong "tiếng đại bác đêm đêm vọng về", hay trong tiếng "mẹ ngồi cầu nguyện thâu đêm" ! Một Sài Gòn yên lành, hiền hoà trong...chiến tranh. Một Sài Gòn cam chịu những mất mát, đau thương của cuộc chiến, chấp nhận sự chia ly trong hy vọng. Người Sài Gòn sống trong thời loạn, nhưng không thủ đoạn, không lọc lừa, dối trá. Người Sài Gòn sống thật. Vui, buồn, thương, ghét đều thật.
Và đó là cái hồn Sài Gòn. Thiếu những thứ đó, Sài Gòn không có hồn, sao phải là Sài Gòn. Sài Gòn không còn hồn, đâu còn là Sài Gòn !
Sài Gòn không cần vỗ về, thương hại ! Hay xưng tụng sáo rỗng, từ miệng của những kẻ thậm xưng. Từ cái thổi phồng bởi những kẻ hời hợt, gán ép và phô trương sự kém cỏi của mình, chỉ làm cho Sài Gòn méo mó ! Sài Gòn xa lạ !
Đừng thương Sài Gòn, đừng tô vẽ Sài Gòn bằng sự lố bịch, bằng cái nhìn thiển cận, gán ghép. Đừng hiếp dâm Sài Gòn bằng thứ ngôn ngữ hả hê, từ những thứ đánh cắp được của Sài Gòn. Đại khái như Sài Gòn "Đất lành chim đậu" ! Không hề ! Sài Gòn rộng lượng, Sài Gòn bao dung, Sài Gòn giang tay đón những người con lưu lạc. Sài Gòn cưu mang, nuôi dưỡng kẻ tha hương. Ơn Sài Gòn đầy ắp.
Người Sài Gòn hào hiệp, có nghĩa khí. Dễ dãi mà không ô tạp. Nhưng đất Sài Gòn không lành chút nào ! Biết bao kẻ thân bại danh liệt. Biết bao người tán gia bại sản ! Biết bao gia đình ly tán !...
Sài Gòn là Sài Gòn.
Sài Gòn có một thứ văn hóa riêng, một thứ giáo dục chuẩn mực của một miền đất giang hồ tứ xứ. Thứ văn hóa ứng xử dựa trên tình người. Thứ giáo dục thoát thai từ cội nguồn một dân tộc, từ những cái gần gũi và thiết thực nhất, làm ra con người Sài Gòn. Từ quan tới dân, từ kẻ sĩ tới giang hồ...
Chỉ có người Sài Gòn mới làm ra một “Tính cách Sài Gòn”.
Một bình nước lọc, một bình trà đá, một thùng bánh mì, đặt ở một góc phố nào đó, và tất cả đều miễn phí. Giờ đã quá quen thuộc, với những ai đang sống ở thành phố này.
Gọi đó là lòng hảo tâm, là lòng nhân ái, là nghĩa cử cao đẹp, là tinh thần tương trợ, là...vân vân và vân vân đều đúng, đều đáng trân trọng. Nó nói lên phần nào cái sinh hoạt, cái cách sống dung nạp, cởi mở, hào phóng quen thuộc của một miền đất. Nhưng nếu chỉ có bấy nhiêu, mà quàng cho nó thêm cái gọi là “Tính cách Sài Gòn”. Thì dù là ưu ái để khen tặng, vẫn e rằng còn thiếu và không đúng lắm ! Bởi tính cách Sài Gòn phải từ con người Sài Gòn mà ra.
Cuộc sống cũng đã thay đổi, người Sài Gòn đã phải làm quen với những tính cách, những thói quen, những sinh hoạt khác, du nhập vào thành phố này. Những pha trộn, những “lai-căng”, những tiếp xúc văn hóa vùng miền, làm cuộc sống người Sài Gòn thay đổi theo. Cái nhận được và cái mất đi, là phải có. Tất nhiên là cách ứng xử, cách sống của người Sài Gòn cũng thay đổi theo. Nhưng có một thứ bất di bất dịch, một thứ căn bản không thể thay đổi, dựa trên nền tảng Gia đình, Giáo dục và Văn hóa. Làm thành một tính cách : “Tính cách Sài Gòn”. Cái tính cách mà nếu chỉ nhìn thoáng qua, dễ gây hiểu lầm, dễ gây ngộ nhận.
Người Sài Gòn sống sòng phẳng, rõ ràng. Tôn ti trật tự, ân oán phân minh. Tôi chơi với anh chỉ vì anh là thằng... chơi được ! Vậy thôi ! Còn những thứ khác của anh tôi chấp ! Tôi mặc kệ ! Sẽ rất đỗi bình thường, nếu một tên Sài Gòn, chỉ trong một ngày. Sáng chạy ra Củ Chi, đốt cây nhang cho thằng bạn du kích chết trong trận càn. Trưa chạy về uống ly rượu, khóc thằng bạn Thủy quân lục chiến banh xác vì lựu đạn. Đó là “Tính cách Sài Gòn” !
Trở lại chuyện bình nước chỉ treo hai chữ : “Nước uống.”
Tên bạn thời tiểu học, đi lính, rồi về, chạy xe ôm kiếm ăn. Trưa nào cũng ghé ngang ngã tư gần chỗ đậu xe, uống đã đời, còn hứng thêm một chai nước nhỏ, để mang theo, rất tự nhiên. Bữa nọ nhà có việc. Gấp quá hay hết tiền không biết. Hắn ghé chơi nguyên một bình lẫn nước lớn, chở về tuốt. Chủ nhân cười ha hả, mang đặt lại một bình mới vào chỗ cũ. Không thắc mắc, không phiền trách, không cần phải hỏi, vì dư biết. Nếu không thực sự bí, không thực sự cần, hắn đã không làm như vậy.
Và đó là...”Tính cách Sài Gòn” của cả người cho, lẫn người nhận. Cái tính cách đặt trên nền tảng của lòng tự trọng và liêm sỉ. Nghèo nhưng không hèn. Nó đơn giản như những gì vẫn thấy thường ngày. Khi cầm tiền bố thí cho một cụ gìa bán vé số và nhận được câu từ chối rất thật : “Tui cảm ơn, thương thì mua giùm. Tui đi bán chứ không đi xin !”...
Qua tới thùng bánh mì và cái bảng : “Mỗi người một ổ”. Tấm lòng tốt đó, người Sài Gòn xin mang. Nhưng “của cho không bằng cách cho”. Cái thói quen phân phối, thói quen nghi ngại, thói quen nhắc nhở, trên tấm bảng, cho thấy chưa phải của người Sài Gòn, của “Tính cách Sài Gòn”. Bởi không cần hàng chữ, người Sài Gòn có đói, cũng chỉ xin một ổ, còn để phần lại, cho những người đồng cảnh ngộ với mình. Nếu phải lấy nhiều hơn, tất có lý do của nó. “Tính cách Sài Gòn” là vậy.
Hãy tin vào điều đó, như tin vào người nhận sẽ vui hơn, sẽ bớt mặc cảm hơn và tấm lòng nhân ái của người cho, sẽ được đón nhận trọn vẹn hơn. Chắc chắn ổ bánh mì sẽ ngon hơn, ly nước sẽ mát hơn, nếu “Tính cách Sài Gòn” nguyên vẹn hơn...
Và nếu như có thương, có nhớ Sài Gòn. Thì xin hãy nói về Sài Gòn bằng cái văn hóa Sài Gòn. Bằng cái hồn Sài Gòn ! Và bằng cái tính cách thiệt thà muôn đời của người Sài Gòn thì hay biết mấy...
NGÔ ĐÌNH HẢI 01.05.2025
No comments:
Post a Comment