Sunday, May 11, 2025

Ngô Anh Tuấn - Khi kiến thức và lòng tự trọng bị thất lạc
dimanche 11 mai 2025
Thuymy


Ngày 06/05/2025, TAND quận Hai Bà Trưng đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ kiện dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là ông Dương Thế Hảo, 66 tuổi và bị đơn là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Ông Hảo trước đó khởi kiện đòi đồng thiệt hại vật chất và tinh thần do bị trường "giam", giữ bằng tốt nghiệp đại học và hồ sơ cá nhân 30 năm khiến ông bị ảnh hưởng mọi mặt cuộc sống, sự nghiệp và đời tư.

Theo tin phản ánh của Báo Điện tử VnExpress cùng ngày, phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân không đồng ý bồi thường với lý do: Hồ sơ của ông Dương Thế Hảo thất lạc trong khe tủ là trường hợp bất khả kháng! Bên cạnh đó, họ cũng phủ nhận "giam" bằng tốt nghiệp của ông suốt 30 năm.

Tôi cho rằng, lý lẽ đưa ra của phía Nhà trường sai cả về mặt pháp lý lẫn lương tâm, đạo đức của những người làm nghề nhà giáo.

Theo Khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Xét theo định nghĩa này, việc làm thất lạc hồ sơ của sinh viên nêu trên không thể được xem là sự kiện, là tình huống bất khả kháng được.

Thậm chí, xem việc hồ sơ “thất lạc trong khe tủ” là một “trở ngại khách quan” cũng còn là một điều lấn cấn, gượng ép. Sự kiện bất khả kháng thường diễn ra trong thời gian ngắn, trừ tình huống mang tính khẩn cấp, nguy hiểm như chiến tranh, dịch bệnh kéo dài. Còn trong điều kiện bình thường, không có sự kiện bất khả kháng nào kéo dài hàng chục năm, thậm chí tới 20, 30 năm cả!

Như vậy, cách hiểu và diễn giải quy định pháp lý về trường hợp bất khả kháng của đại diện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là sai về cơ bản. Tôi nhớ không nhầm, trường này cũng có Khoa Luật, do vậy, cần nghiêm túc xem lại lý lẽ này kẻo làm hỏng kiến thức của sinh viên.

Xét về mặt đạo đức của những người đứng trên bục giảng, tôi thấy rằng cách hành xử thiếu khôn ngoan, thiếu nhân văn của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đẩy sự việc tranh chấp, khiếu nại giữa cựu sinh viên và nhà trường tới chốn công đường. Nhà trường mất nhiều hơn được. Rõ ràng, chẳng có lý do gì đủ hợp lý để bao biện cho việc không trả bằng cho sinh viên nếu họ đã tốt nghiệp và không còn nợ nần với nhà trường cả.

Bên cạnh đó, ở một động thái khác, nhà trường còn đẩy vụ việc lên cao trào khi khẳng định “ông Hảo bị lưu ban một năm, sau đó chuyển ngành. Năm 1989, ông tiếp tục vi phạm quy chế thi nên bị hoãn công nhận tốt nghiệp 2 năm”. Trong khi ông Hảo khẳng định rằng “Sáu học kỳ làm lớp phó học tập và thành viên Hội đồng thi đua khen thưởng của trường, một lần là đại diện của trường tham gia Hội đồng tuyển sinh của cả Bộ Giáo dục, năm kỳ học liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến. Vậy mà giờ nói tôi bị kỷ luật vi phạm quy chế và vin vào đó để treo bằng…”.

Văn hóa hơn thua, đổ lỗi dường như đã ngấm vào máu thịt của bao người và nghề giáo cũng không thoát khỏi nên những thứ gì có thể đưa ra nhằm trút gánh nặng qua cho người khác thì họ cũng sẵn sàng, bất chấp việc họ đang đứng trên tư cách gì, giữ cương vị gì đi nữa.

Tôi từng bị mất bằng đại học cách đây không lâu nhưng sau khi gửi hồ sơ vào nhà trường đề nghị cấp lại, chỉ mấy ngày sau trường đã cấp cho năm bản sao một cách nhanh chóng mà không gặp bất kỳ một trở ngại nào. Tôi nhận thấy rõ ràng, cách hành xử của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rất có vấn đề. Ở đây, không đơn thuần bằng cấp bị thất lạc mà cả kiến thức, lòng tự trọng cũng bị thất lạc và từ đó niềm tin cũng từ đó mà mất đi.

Trách nhiệm chính trong vụ này là của những người đã về hưu an toàn, nhưng để một hình ảnh của ngôi trường nổi tiếng trở nên xấu xí hơn trong mắt sinh viên, cựu sinh viên và chúng dân là trách nhiệm của những người đương thời. Một cuộc đời đã bị tổn thương và khó bù đắp được bằng kinh tế. Họ cần nhận thấy điều đó sớm hơn để giữ lại hình ảnh tốt đẹp của người thầy trong mắt các thế hệ học trò.

NGÔ ANH TUẤN 07.05.2025

No comments:

Post a Comment