Lê Huyền Ái Mỹ - Phẩm giá ở đâu khi họ "diễn" trong cái vỏ bảo vệ an toàn thực phẩm
mercredi 14 mai 2025
Thuymy
Sau cái bàng hoàng, kinh hãi thì ai nấy đều tự hỏi: Cơ quan chức năng ở đâu, ai cấp phép, ai tiền kiểm, hậu kiểm, ai đã mắt lấp tai ngơ cho những kẻ kiếm lợi trên sức khỏe cộng đồng, trên sinh mạng của dân mình.
Và chiều nay, 13/05, năm nhân vật đầu tiên (chưa thể là cuối cùng) đã xuất đầu lộ diện.
Nực cười thay!
Người là giám đốc trung tâm ứng dụng, đào tạo an toàn thực phẩm, kẻ là phó trưởng phòng giám sát ngộ độc và thân là đứng đầu Cục An toàn thực phẩm, nhưng họ cấu kết với nhau. Để tay mặt ký lập đoàn đi kiểm tra hai công ty Mediusa và Công ty MediPhar; tay trái tự ghi giảm số lỗi khi thẩm định, được hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi. Kể cả việc đánh giá báo cáo khắc phục tồn tại của hai công ty trên hồ sơ và ảnh chụp do hai công ty này gửi, không kiểm tra tính xác thực.
Bằng con mắt nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn, chắc chắn những “chuyên gia”, chuyên viên thực phẩm này đều nhận biết nguồn nguyên liệu, nguồn hàng thực phẩm chức năng giả kia chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường. Nhưng ở thời điểm 2016, tức cách nay gần 10 năm mà số tiền hối lộ lên tới 1 tỉ đồng, rồi 2 tỉ đồng, thì việc “tạo điều kiện cấp phép” cho 207 sản phẩm là chuyện phải đến với những kẻ bất chấp, bất nhẫn này.
“Thớt có tanh tao ruồi đậu đến,
Ang không mật mỡ kiến bò chi”
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm há chẳng đã chẩn bệnh tham ô, tham nhũng hơn 500 năm trước như thế là gì. Nó như một thứ “quy luật” xấu xa nhất của con người đội lốt công bộc; đã chẳng những làm mọi cách bớt đi, tránh xa lại còn ngày một tha hóa hơn, bất lương hơn.
Cũng dưới thời Lê Sơ, Điều 96, Chương Vi chế trong Quốc triều hình luật đã ghi: “Người coi chợ và người lính thợ thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá hủy tiền đồng mà tha thứ không bắt trình quan thì bị tội biếm hoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng việc đó thì tội cũng như chính phạm”.
Hơn 500 năm sau, thói dung túng, độ ăn hối lộ còn gấp trăm gấp vạn lần. Nhưng, thoắt một cái, họ “diễn” trong cái vỏ bảo vệ an toàn thực phẩm cho cộng đồng.
Chí ít những loại thực phẩm chức năng giả kia còn có được 30 % theo tiêu chí chất lượng. Còn các cán bộ “an toàn thực phẩm” kia, “giám sát ngộ độc” nọ, liệu họ có bao nhiêu phần trăm lòng trung thực hay cái phẩm giá làm người?
LÊ HUYỀN ÁI MỸ 13.05.2025 (Tựa bài do Thụy My đặt)
No comments:
Post a Comment