Giáo hoàng Leo XIV và thông điệp Rerum Novarum trong thế kỷ XXI
Vũ Đức Khanh
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Ottawa, Canada
09/05/2025(7 giờ trước)
BBC

Getty Images
Một nhóm giáo dân chụp ảnh bên cạnh hình Giáo hoàng Leo XIV vào ngày 8 tháng 5 năm 2025, trước nhà thờ chính tòa Chiclayo ở miền bắc Peru
"Giáo hội phải là cây cầu nối giữa người và người, giữa con người và Thiên Chúa – chứ không phải là pháo đài quyền lực."
Đó là thông điệp cốt lõi trong bài phát biểu đầu tiên của Giáo hoàng Leo XIV, người Mỹ đầu tiên lên ngôi giáo hoàng, trong một thế giới đang bị chia rẽ, phân cực và đói khát công lý.
'Bình an cho anh chị em'
Đó là lời đầu tiên Giáo hoàng Leo XIV gửi tới thế giới hôm 8/5/2025 từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô.
Không phải lời vinh danh, không phải khải hoàn, mà là một lời chào dịu dàng, đầy tính ngôn sứ: "lời chào của Đấng Phục Sinh", gửi đến "tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi," đặc biệt là "những ai đang đau khổ."
Trong một thời đại đầy xung đột, bất công và mất phương hướng – từ chiến tranh ở Ukraine đến Gaza, từ biến đổi khí hậu đến khủng hoảng tỵ nạn – bài phát biểu ngắn gọn nhưng sâu sắc ấy không đơn thuần là nghi thức tôn giáo.
Nó là một tuyên ngôn tâm linh và xã hội, hồi đáp trực tiếp cho những thách đố cấp bách nhất của nhân loại hôm nay: làm sao để con người vẫn còn có thể tin vào hòa bình, công lý và tình liên đới?
Một giáo hoàng của thế giới nghèo
Sinh ngày 14/9/1955 tại Chicago, nhưng trưởng thành trong sứ vụ truyền giáo tại Peru, Giáo hoàng Leo XIV – tên khai sinh là Robert Francis Prevost – không phải là sản phẩm của một Vatican cũ kỹ, cũng không thuộc giới quyền lực tài chính.
Trái lại, ông bước ra từ những cộng đồng bản địa nghèo khó, từng sống cùng người dân ở Chiclayo, từng chứng kiến tận mắt bất công, bạo lực và sự im lặng của thế giới trước nỗi khổ của người yếu thế.
Vì thế, khi tân giáo hoàng khẳng định: "Chúa yêu thương tất cả mọi người, không giới hạn, không điều kiện," đó không phải là lời rao giảng lý thuyết mà là một xác tín sống động.
Và khi ông nói rằng: "Chúng ta phải cùng nhau xây dựng những cây cầu bằng đối thoại và gặp gỡ," đó không chỉ là một ẩn dụ giáo hội, mà là bản đồ luân lý cho một thế giới đang tan vỡ vì hận thù và định kiến.

Getty Images
Một người giơ cao khẩu hiệu 'Hy vọng hòa bình' tại Quảng trường Thánh Phêrô sau khi có kết quả bầu giáo hoàng
Hồi sinh tinh thần Rerum Novarum
Việc chọn tông hiệu Leo XIV không phải tình cờ. Nó gợi nhắc đến Giáo hoàng Leo XIII – người đã công bố Rerum Novarum năm 1891, văn kiện tiên phong về công lý xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp.
Rerum Novarum đặt nền móng cho học thuyết xã hội Công giáo hiện đại, với trọng tâm là quyền lợi người lao động, trách nhiệm xã hội của giới chủ và vai trò đạo lý của nhà nước.
Ngày nay, Giáo hoàng Leo XIV đối mặt với một thế giới không kém phần hỗn loạn: bất bình đẳng toàn cầu gia tăng, các cộng đồng bị phân hóa bởi chủ nghĩa dân túy, tầng lớp nghèo bị gạt ra bên lề trong nền kinh tế dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Những "Tân sự" hay còn gọi là những "vấn đề mới" (Rerum Novarum) của thế kỷ XXI đòi hỏi một Giáo hội không đứng trên nhân loại, mà bước cùng nhân loại – như lời Thánh Augustine: "Với anh em, tôi là người Kitô hữu; vì anh em, tôi là giám mục."
Bài phát biểu đầu tiên của Đức Thánh Cha Leo XIV, vì thế, không khác gì một Rerum Novarum của thời đại Phục sinh: khẳng định sự ưu tiên tuyệt đối dành cho người yếu thế, người bị lãng quên, và người cô đơn – trong chính trung tâm sứ mạng của Giáo hội.

Chụp lại video BBC: Xem video
Giáo hoàng Leo XIV: Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên sau hơn 2.000 năm
Nhà thờ – của ai?
Trong thế giới hôm nay, khi những thánh đường nguy nga trở thành điểm đến du lịch cho giới thượng lưu, khi Giáo hội bị cáo buộc là bảo thủ hoặc đồng lõa với quyền lực thế tục, Giáo hoàng Leo XIV đã công bố một tầm nhìn ngược lại:
Nhà thờ là của người nghèo, người tỵ nạn, người bị bỏ rơi – chứ không phải là cung điện của kẻ mạnh.
"Chúng ta muốn là một Giáo hội mang tính hiệp hành, luôn đồng hành, tìm kiếm hòa bình, bác ái và gần gũi – đặc biệt với những ai đang đau khổ," ông nói.
Đó không chỉ là định hướng mục vụ.
Đó là tuyên ngôn chống lại giáo sĩ trị, cám dỗ quyền lực và sự trình diễn tôn giáo vốn đã làm tổn thương hình ảnh của Giáo hội trong nhiều thập niên.
Niềm hy vọng giữa đêm tối
Không ai kỳ vọng một vị giáo hoàng có thể thay đổi thế giới một mình. Nhưng một người có thể khơi lại hy vọng rằng: con người không nhất thiết phải chọn giữa công lý và đức tin, giữa lòng nhân và chân lý.
Với xuất thân truyền giáo, với cảm thức công bằng xã hội, và với ngôn ngữ đậm chất Tin mừng, Giáo hoàng Leo XIV đang khởi đầu triều đại của mình như một người gieo hạt – giữa một thế giới đã quá cằn cỗi vì hoài nghi và sợ hãi.
Từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, lời chào "Bình an cho anh chị em" không chỉ là nghi thức Phục sinh.
Đó là lời mời: hãy xây lại niềm tin, vượt qua biên giới, và can đảm làm chứng cho tình yêu – trong một thời đại đang khát khao điều đó hơn bao giờ hết.
"Chúng ta cần cùng nhau tìm cách trở thành một Giáo hội truyền giáo, một Giáo hội xây dựng các nhịp cầu, đối thoại, luôn rộng mở để đón nhận – như quảng trường này – mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người, tất cả những ai cần đến lòng bác ái, sự hiện diện, sự đối thoại và tình yêu của chúng ta," Trích diễn từ của Giáo hoàng Leo XIV trong ngày 8/5/2025.
Tác giả Vũ Đức Khanh hiện sống tại Canada, là luật sư và nhà tiểu luận chuyên về chính trị Việt Nam và Canada, quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế.

Chụp lại video BBC: Xem video
Khoảnh khắc tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trước công chúng
Tin liên quan

Robert Prevost - Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử - là ai?9 tháng 5 năm 2025

Hồng y người Mỹ Robert Prevost trở thành tân Giáo hoàng Leo XIV9 tháng 5 năm 2025

Ảnh 'Giáo hoàng Trump' bị chỉ trích4 tháng 5 năm 2025


Tái sinh là gì và Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo sẽ được chọn như thế nào?22 tháng 3 năm 2025

Francis: Giáo hoàng từ Mỹ Latinh đã thay đổi Giáo hội Công giáo21 tháng 4 năm 2025
No comments:
Post a Comment