Chiến tranh Ukraina: Châu Âu vỡ mộng lớn với Donald TrumpAnh Vũ
Đăng ngày: 23/05/2025 - 13:48Sửa đổi ngày: 23/05/2025 - 16:53
RFI
Chiến tranh Ukraina, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu cùng những tác động kinh tế và địa chính trị trên thế giới vẫn là những chủ đề thời sự quốc tế được các báo Pháp ngày 23/05/2025 phản ánh nhiều.

Về chủ đề chiến tranh Ukraina, Le Figaro có bài : « Ukraina: Các nước châu Âu tỉnh ngộ khi bị Donald Trump đánh lừa ».
Bài viết phản ánh sự vỡ mộng của châu Âu về vai trò của Donald Trump trong cuộc chiến Ukraina. Ban đầu, nhiều quốc gia châu Âu kỳ vọng Trump sẽ gây áp lực với Vladimir Putin để buộc Nga chấp nhận một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Trump không những không ép Kremlin nhượng bộ mà còn tỏ ra do dự trong việc gia tăng trừng phạt. Những cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Nga chủ yếu giúp Nga kéo dài thời gian và duy trì quan hệ tích cực với Trump.
Putin vẫn giữ lập trường cứng rắn, đòi phi quân sự hóa Ukraina, thay đổi chính quyền Kiev và chấm dứt viện trợ phương Tây. Trong khi đó, Trump dường như hướng đến một chính sách « bình thường hóa » quan hệ với Nga, với mục tiêu hợp tác kinh tế và địa chính trị, đặc biệt ở Bắc Cực và các vùng xa xôi của Nga.
Các nước châu Âu, dù có những nỗ lực đàm phán, lại thiếu khả năng quân sự sau nhiều thập kỷ giải giáp vũ trang. Liên minh « tình nguyện » do Pháp và Anh khởi xướng để hỗ trợ Ukraina bị nghi ngờ về hiệu quả thực tế. Sự phụ thuộc vào Mỹ vẫn là vấn đề lớn, trong khi Trump không coi cuộc chiến ở Ukraina là ưu tiên, ông từng tuyên bố: « Đây không phải là cuộc chiến của tôi ».
Le Figaro nhận xét, khi đối mặt với sự từ chối thỏa hiệp của Vladimir Putin, Donald Trump có thể làm như những gì mà ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với Bắc Triều Tiên: Bỏ qua chuyện đề này.
Trong khi đó sự liên kết của Nga với các quốc gia chuyên chế và « Nam bán cầu » (Global South) ngày càng sâu sắc. Trung Quốc, Iran và các nước vùng Vịnh tiếp tục hỗ trợ Nga, bất chấp nỗ lực của Trump nhằm tách Trung Quốc khỏi Nga.
Theo nhiều chuyên gia, chiến tranh đã trở thành « bình thường mới » đối với Nga. Ukraina chỉ là một bước trong kế hoạch lâu dài của Putin, có thể lan rộng đến các nước NATO. Châu Âu đang thua về chiến lược vì từng xem sự sụp đổ của Liên Xô là « hồi kết của lịch sử » .
Tờ báo dẫn nhận định một chuyên gia về khu vực này : Phương Tây, « đã thua cuộc chiến vì thiếu tầm nhìn chiến lược, vì họ coi sự kết thúc của Liên Xô là sự kết thúc của Lịch sử. Để đạt được hòa bình, sẽ không đủ nếu chỉ có một nước Nga không có Putin ».
Theo Le Figaro, châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi trong cuộc khủng hoảng Ukraina, khi không còn có thể dựa vào Mỹ và đối mặt với một nước Nga sẵn sàng kéo dài chiến tranh. Tương lai an ninh châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều vào kết cục cuộc xung đột này.
Putin sẽ không nhượng bộ
Cũng liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraina, nhật báo Le Monde có bài phóng sự dài với tiêu đề : « Putin sẽ không nhượng bộ vấn đề cốt lõi ».
Bài báo ghi lại quan điểm trái chiều của người dân Matxcơva về cuộc chiến ở Ukraina và các nỗ lực đàm phán quốc tế gần đây, đặc biệt là giữa Nga và Mỹ dưới thời Donald Trump.
Bài phóng sự của Le Monde ghi nhận, tại Matxcơva, người Nga đang ở giữa thái độ hoài nghi và lạc quan về cuộc chiến ở Ukraina. Các nhân chứng trong bài phóng sự là những công dân bình thường, họ có thể là những người ủng hộ tổng thống Nga hay là những người cam chịu đều tỏ tán đồng với lập trường cứng rắn của Kremlin.
Một bộ phận tầng lớp trung lưu giàu có và có học ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga. Họ tin rằng phương Tây đang cố gắng đóng băng xung đột vì Nga đang chiếm ưu thế, và cho rằng không thể có hòa bình chừng nào « chế độ phát xít ở Kiev còn tồn tại. Họ vẫn nghi ngờ đối với Trump và phương Tây.
Một số khác được Le Monde phỏng vấn thuộc giới trí thức và có tư tưởng tự do, phản đối chiến tranh và mong đợi vào khả năng Trump giúp chấm dứt xung đột.
Tóm lai phóng sự của Le Mond cho thấy, tại Matxcơva, giữa bối cảnh tuyên truyền Nhà nước và đàn áp tiếng nói đối lập, người dân dao động giữa sự ủng hộ, hoài nghi, và mong muốn hòa bình, nhưng phần lớn đều không tin rằng Nga sẽ nhượng bộ trong các đàm phán.
Đối đầu Mỹ -Trung : Đất hiếm càng hiếm hơn
Trở lại với nhật báo Le Figaro với chủ đề cuộc chiến tranh thương mại. Trang kinh tế Le Figaro đề cập đến cuộc cạnh tranh chiến lược gay gắt Mỹ -Trung với bài có tựa đề : « Đất hiếm – trung tâm cuộc chiến toàn cầu giữa Trump và Tập Cận Bình ».
Bài báo tập trung phân tích tập trung phân tích vai trò chiến lược của các kim loại đất hiếm trong cuộc đối đầu kinh tế và địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Đất hiếm đang là yếu tố cốt lõi trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và là thách thức lớn cho an ninh năng lượng, công nghiệp và quân sự phương Tây. Trung Quốc giữ ưu thế vượt trội, còn Mỹ và châu Âu vẫn đang loay hoay tìm cách giảm phụ thuộc, nhưng con đường này khó khăn và kéo dài.
Le Figaro ghi nhận, một vài năm trước, không ai ngoài các chuyên gia từng nghe đến « đất hiếm ». « Tuy nhiên, hiện nay những khoáng sản này lại là nguyên nhân chính gây ra các cuộc chiến tranh kinh tế và thương mại đang làm xé nát hành tinh này ».
Bằng chứng về tầm quan trọng của đất hiếm, theo Le Figaro, Donald Trump chỉ giảm bớt thái độ thù địch đối với Kiev sau khi đạt được thỏa thuận về việc khai thác các khoáng sản quan trọng ở Ukraina, nơi được cho là nắm giữ 5% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại đe dọa sử dụng vũ lực để chiếm Groenland, hòn đảo Bắc Cực rộng lớn với lòng đất giàu đất hiếm và các kim loại quan trọng khác.
Đất hiếm cũng là đòn bẩy được Trung Quốc sử dụng vào ngày 4 tháng 4, hai ngày sau khi Donald Trump áp đặt mức thuế hải quan cắt cổ. Bắc Kinh đã quyết định hạn chế xuất khẩu những kim loại thiết yếu nhất này, đồng thời vẫn giữ miếng về chuyện này khi ký tạm ngừng cuộ chiến thuế quan với Washington hôm 12/05.
Dù không hiếm trong vỏ trái đất, nhưng việc khai thác và tinh luyện đất hiếm cực kỳ tốn kém, độc hại và phức tạp. Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đã dần từ bỏ việc khai thác và tinh chế đất hiếm. Vì thế Trung Quốc chiếm lĩnh trận địa này và hiện chiếm khoảng 60% sản lượng khai thác và 90% năng lực tinh luyện đất hiếm toàn cầu.
Giờ đây đất hiếm được Trung Quốc sử dụng như một thứ vũ khí kinh tế, đặc biệt khi Donald Trump tuyên chiến thuế quan với cả thế giới chủ yếu nhắm vào Trung Quốc. Việc hạn chế xuất khẩu để trả đũa Mỹ trong căng thẳng thương mại, giúp Bắc Kinh kìm hãm mạnh mẽ sự phát triển công nghệ mới của Mỹ. Hơn thế nữa, là ngăn chặn sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
Le Figaro cho thấy mức độ lệ thuộc của phương Tây vào đất hiếm Trung Quốc : Mỹ nhập khẩu hơn 80% đất hiếm từ Trung Quốc. Châu Âu nhập 46%, tăng so với năm trước.
Phương Tây thức tỉnh muộn. Le Figaro cho biết việc phục hồi chuỗi cung ứng phương Tây đang diễn ra chậm : Mỹ tái khởi động mỏ Mountain Pass nhưng vẫn phải gửi quặng sang Trung Quốc để tinh chế. Dự án khai thác mới (Mỹ, Úc, Thụy Điển, Pháp...) vẫn còn nhỏ lẻ và thiếu hiệu quả ngắn hạn. Dự án quốc tế như Quad Critical Minerals (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), robot tái chế của Apple, sáng chế của nhà khoa học Marie Perrin, và các chính sách hỗ trợ công nghiệp ở Liên Âu... là các bước đi nhằm giảm phụ thuộc. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc xây dựng lại chuỗi cung ứng riêng sẽ mất nhiều năm và tốn kém. Trung Quốc vẫn có thể gây bất ổn thị trường toàn cầu bằng cách thao túng giá và cung ứng.
Chính sách bảo hộ của Trump : Kinh tế châu Âu thấm mệt
Vẫn trong lĩnh vực kinh tế. Nhật báo Les Echos quan tâm đến những tác động đối với châu Âu từ chính sách bảo hộ và biệt lập của Donald Trump với bài viết : « Hiệu ứng Trump bắt đầu được cảm nhận thấy trong hoạt động kinh tế châu Âu ». Bài báo cho thấy chính sách bảo hộ thương mại của Trump đang gây tổn thương dần đến kinh tế châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu. Tuy chưa phải là một cú sốc lớn, nhưng tác động sẽ rõ rệt hơn trong những tháng tới, đặc biệt nếu Mỹ tiếp tục chính sách bảo hộ hiện nay.
Tờ báo nhận xét : Không phải là một cú hãm mạnh, nhưng nền kinh tế châu Âu đang dần chậm lại. Chỉ số S&P Global PMI thực hiện cho thấy đối với các công ty ở Lục địa già vào tháng 5. Chủ nghĩa bảo hộ của Donald Trump đang bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế châu Âu. Những bất ổn trong chính sách của tổng thống Hoa Kỳ đã tạo ra tâm lý lo ngại và chần chừ trong giới doanh nghiệp. Chỉ số PMI (đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ rong nền kinh tế) của khu vực đồng euro đã giảm từ 50,4 điểm vào tháng 4 xuống còn 49,5 điểm trong tháng này.
Les Echos trích dẫn phân tích của giới chuyên gia dự báo châu Âu sẽ mất khoảng 37 tỷ euro xuất khẩu do chính sách bảo hộ của Mỹ. GDP có thể giảm khoảng 0,3%. Kỳ vọng tăng trưởng châu Âu năm 2025 là 1%, chủ yếu nhờ các nước miền Nam như Tây Ban Nha. Kinh tế Đức tiếp tục đình trệ năm thứ ba liên tiếp, chỉ có thể phục hồi nếu triển khai các biện pháp kích thích tài chính mạnh từ năm sau. Việc Trump tạm hoãn áp thêm thuế đến tháng 7 tạo ra kỳ vọng ngắn hạn, nhưng tình hình còn bấp bênh. Nếu Mỹ không gia hạn đình chỉ thuế, châu Âu có thể hứng chịu tác động lớn hơn nữa. Tuy nhiên Les Echos cũng cho biết, các chuyên gia dự đoán Trump có thể rút lại một số chính sách nếu kinh tế Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng.
Khi trí tuệ nhân tạo tràn vào điện ảnh
Chuyển qua lĩnh vực văn hóa. Liên hoan quốc tế điện ảnh Festival Cannes 2025 đang chuẩn bị bế mạc. Nhật báo Kinh tế Les Echos có bài : Kịch bản, quay phim, hậu kỳ…. khi Trí tuệ nhân tạo (AI) làm đảo lộn quy trình sản xuất phim .
Bài viết phân tích cách trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp làm một cuộc cách mạng trong điện ảnh liên quan đến toàn bộ quy trình sản xuất phim, từ kịch bản đến hậu kỳ và phân phối. Công cụ đã sẵn có từ ChatGPT, Midjourney hay Face Engine nhưng vẫn còn nhiều thách thức pháp lý và nghệ thuật khiến ngành điện ảnh thận trọng trong việc áp dụng rộng rãi.
Tại Festival Cannes 2025, chủ để này cũng đang cuốn hút đông thời cũng gây lo ngại cho những người hâm mộ môn nghệ thuật thứ 7.
Bài viết liệt kê các khâu trong quy trình sản xuất phim có thể tận dụng tiềm năng của AI.
Khâu kịch bản : AI như ChatGPT, Jasper.ai hỗ trợ biên kịch phát triển ý tưởng và cấu trúc cốt truyện. Một số công cụ như Cinelytic còn giúp đánh giá tiềm năng thành công của kịch bản.
Khâu tiền kỳ : AI hình sử dung các cảnh phim qua mô tả văn bản (Midjourney, Stable Diffusion). Các studio dùng AI để thiết kế bối cảnh, kiểm tra tính khả thi và tối ưu hóa kế hoạch quay.
Quay phim : AI tích hợp trong máy quay giúp tự động điều chỉnh thông số kỹ thuật. Trong lĩnh vực hoạt hình, AI giúp tiết kiệm chi phí lớn nhờ khả năng tự động hóa cao.
Hậu kỳ :AI hỗ trợ biên tập, đồng bộ lời thoại, chỉnh sửa hình ảnh, cải thiện âm thanh. Công nghệ như Face Engine cho phép biến đổi gương mặt, giúp nâng cao chất lượng hiệu ứng đặc biệt mà không tăng chi phí. AI cũng giúp dịch và lồng tiếng phim dễ dàng hơn.
Phát hành phim : AI có thể tự động tạo trailer, điều chỉnh nội dung quảng bá cho từng mạng xã hội và cá nhân hóa đề xuất phim trên nền tảng streaming để tăng tương tác người xem.
Quản lý kho phim: AI giúp phục hồi và tái phát hành phim cổ, đồng thời tự động hóa việc lập chỉ mục phim để nâng cao khả năng tìm kiếm và doanh thu từ các nền tảng số.
Thể thao : Roland -Garros 2025 và những con số
Nhật báo kinh tế dành trang sự kiện cho giải quần vợt quốc tế Roland-Garros, khai cuộc vào ngày Chủ nhật này. Les Echos cho hay, Rafael Nadal, mới giải nghệ, sẽ trở lại Roland-Garros 2025 để có buổi lễ vinh danh hoành tráng vào ngày 25 tháng 5, sau giải đấu cuối cùng đầy thất vọng của anh năm 2024. Những nhân vật tiêu biểu khác của quần vợt Pháp cũng sẽ được vinh danh : Mary Pierce, 25 năm sau danh hiệu của cô, vào ngày 5 tháng 6, và Richard Gasquet, trong giải đấu cuối cùng của anh.
Về giải đấu năm nay, tờ báo cho biết : Tuần lễ vòng loại ngày càng thu hút khán giả, với 75.000 vé bán ra năm 2024, dự kiến tăng lên 90.000 trong năm nay. Ban tổ chức cũng mở rộng độ phủ sóng quốc tế, đặc biệt tại Mỹ, nhờ hợp tác với Warner Bros Discovery (TNT Sports), giúp khán giả Mỹ xem được toàn bộ các trận đấu – thay vì chỉ cuối tuần như trước với NBC.
Mặc dù không đông đảo, khán giả Mỹ lại đóng góp doanh thu lớn thông qua mua sắm và các gói VIP (bao gồm vé, ăn uống, chỗ ở…). Doanh thu Roland-Garros năm 2024 đạt 346 triệu euro, chủ yếu từ bản quyền truyền hình (35%), gói VIP (hơn 20%), bán vé thường và tài trợ.
Về chi phí, tổng tiền thưởng cho các tay vợt năm nay tăng 5,2% lên 56,3 triệu euro. Người vô địch đơn nam và nữ sẽ nhận 2,55 triệu euro, còn người bị loại ngay vòng loại đầu tiên cũng nhận 21.000 euro.
No comments:
Post a Comment