Bình Luận: “Luân Chuyển Cán Bộ”- Lại Thêm Một Trò Ruồi Bu Của Đảng CSVN
LLCQ
27/5/2025
Trong những ngày qua, báo chí trong nước đăng
tải nhiều bài viết nội dung rêu rao đảng CSVN đang đẩy mạnh việc luân chuyể cán
bộ cấp cao để phòng ngừa tiêu cực. Thế nhưng liệu luân chuyển nhân sự lãnh đạo
có ngăn chận được tệ nạn tham nhũng không?
Trong chuyên mục BÌNH LUẬN hôm nay, kính mời
quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả THẾ VŨ, thành viên Ban Biên Tập Đài
ĐLSN tựa đề “’Luân Chuyển Cán Bộ’- Lại Thêm Một Trò Ruồi Bu Của Đảng CSVN”,
do Hướng Dương trình bày sau đây…
DLSN27052025-BL
Kể từ khi ông Tô Lâm
chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, người ta chứng
kiến hàng loạt việc điều động, luân chuyển cán bộ được tuyên truyền là nhằm
“chấn chỉnh tổ chức”, “làm trong sạch đội ngũ”, và đặc biệt là để ngăn ngừa tệ
nạn tham nhũng. Đây được xem là một trong những chính sách trọng tâm dưới thời
lãnh đạo mới. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước không khỏi đặt dấu hỏi:
liệu biện pháp này có đủ sức giải quyết tận gốc quốc nạn tham nhũng, hay chỉ là
hình thức nhằm xoa dịu sự bất mãn đang ngày càng lan rộng trong quần chúng?
Thực ra, chính sách
điều động nhân sự không phải là điều gì mới mẻ trong cơ chế của đảng Cộng sản.
Từ nhiều năm qua, việc luân chuyển cán bộ giữa các địa phương, các ngành khác
nhau đã trở thành một hình thức quen thuộc. Có nơi người ta đưa cán bộ từ địa
phương này sang địa phương khác sau khi nơi cũ vướng vào bê bối; có khi một
viên chức bị kỷ luật lại bất ngờ được bổ nhiệm vị trí cao hơn, như thể chưa
từng có điều gì xảy ra. Những trường hợp như thế không hề hiếm, cho thấy việc
điều động cán bộ không những không giúp phòng chống sai phạm, mà còn khiến dân
chúng nghi ngờ tính minh bạch của guồng máy công quyền.
Vấn đề không nằm ở
việc đổi người, mà là ở cái hệ thống đã sản sinh ra những người đó. Đảng Cộng
sản là đoàn thể duy nhất nắm toàn bộ quyền lực chính trị, kinh tế, và xã hội.
Không có tam quyền phân lập, không có đối lập chính trị, cũng không có báo chí độc
lập. Mọi cơ quan kiểm soát như tòa án, thanh tra, viện kiểm sát… đều trực thuộc
sự lãnh đạo của đảng. Trong môi trường ấy, chuyện một tổ chức tự kiểm soát
chính mình chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi. Không có một cơ chế độc lập
để giám sát quyền lực, thì dù có luân chuyển hàng ngàn cán bộ, căn bệnh tham
nhũng cũng vẫn như cũ, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì càng tinh vi và được bao
che kỹ lưỡng hơn.
Điều 4 trong Hiến pháp
hiện hành – vốn được giữ nguyên từ năm 1992 – chính là cái gốc của vấn đề. Điều
khoản này khẳng định đảng Cộng sản là lực lượng lãnh đạo toàn diện đất nước.
Một khi quyền lực tuyệt đối không có đối trọng, không có kiểm soát, không thể
bị thay thế, thì nguy cơ tha hóa là điều tất yếu. Người dân không có quyền bầu
chọn chính quyền thực sự đại diện cho mình, không có cơ hội thay đổi chính
sách, cũng không có cơ chế để phản biện hay đòi hỏi trách nhiệm từ người nắm
quyền. Trong tình thế ấy, tham nhũng trở thành một phần không thể tách rời của
hệ thống, và các biện pháp như luân chuyển nhân sự chỉ là vá víu tạm thời.
Người ta thường nói
“quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Khi quyền lực bị khép kín
trong một tổ chức độc quyền, thì những cá nhân trong hệ thống ấy – dù có xuất
phát điểm tốt – cũng dễ bị cuốn theo lối hành xử sai lệch vì không chịu sự giám
sát từ bên ngoài. Việc luân chuyển nhân sự trong một guồng máy như thế chẳng
qua là thay đổi vị trí của những bánh xe răng cưa đã rỉ sét, chứ không phải là
thay đổi bản chất vận hành của cỗ máy. Nếu không thay đổi cơ chế vận hành, thì
những người mới được điều động rồi cũng sẽ hành xử như những người tiền nhiệm,
và vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
Hơn thế nữa, việc luân
chuyển còn gây ra những hệ lụy không nhỏ. Cán bộ mới về địa phương thường thiếu
am hiểu thực tế sở tại, không gắn bó với người dân, dễ rơi vào tâm lý “qua cầu
rút ván”. Địa phương thì mất ổn định, nhân sự bị xáo trộn, trong khi hiệu quả
công việc chưa chắc được cải thiện. Tệ hơn nữa, nếu những người được đưa về lại
là thân tín của cấp trên, thì nguy cơ hình thành các nhóm lợi ích mới lại càng
cao.
Tất cả những biểu hiện
ấy cho thấy: không thể giải quyết tận gốc nạn tham nhũng bằng các biện pháp bề
mặt như đổi người hay luân chuyển cán bộ, nếu vẫn duy trì một thể chế độc tài
đảng trị. Chỉ khi nào có sự thay đổi tận gốc trong cơ cấu quyền lực – tức là
chấm dứt độc quyền lãnh đạo, thiết lập một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa với
tam quyền phân lập, tự do báo chí, đối lập chính trị, và một xã hội dân sự vững
mạnh – thì lúc đó mới có hy vọng đẩy lùi được tham nhũng một cách hiệu quả, lâu
dài.
Muốn vậy, bước đầu
tiên và căn bản nhất là phải dứt khoát hủy bỏ điều 4 Hiến pháp. Khi không còn
một đảng độc tôn chi phối toàn bộ đời sống quốc gia, thì những người cầm quyền
mới phải chịu trách nhiệm thật sự trước dân. Khi có cạnh tranh chính trị, có đối
lập, có tự do ngôn luận, thì các hành vi sai trái sẽ bị phanh phui và xử lý
minh bạch. Khi quyền lực có đối trọng, người nắm quyền buộc phải liêm chính nếu
không muốn bị loại khỏi cuộc chơi chính trị.
Chừng nào còn giữ điều
4 Hiến pháp, thì chừng ấy mọi nỗ lực chống tham nhũng chỉ là chuyện bề nổi. Dù
có rầm rộ cỡ nào, quyết liệt bao nhiêu, cũng chỉ là xử lý phần ngọn mà không
đụng đến gốc. Luân chuyển cán bộ trong khuôn khổ một đảng độc quyền chỉ là xáo
bài trong một ván cờ đã định. Chỉ khi nào người dân thực sự làm chủ vận mệnh
chính trị của mình, thì đất nước mới có cơ may bước ra khỏi bóng tối tham nhũng
kéo dài suốt mấy chục năm qua./.
No comments:
Post a Comment