Friday, April 18, 2025

Nguyễn Ngọc Chính - Ý kiến… bỏ túi
vendredi 18 avril 2025
Thuymy


“Tin như sét đánh đoàng đoàng !

Xưa là hòn ngọc nay sang cục phường”

(Đỗ Trung Quân)

Chiều ngày 14/04/2025 người dân khu tôi sinh sống (phường 7, quận Phú Nhuận) nhận được bản “góp ý” để đọc và ký tên về việc sáp nhập 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương) đã được “Ban chấp hành Trung ương thống nhất cao”.

“Phiếu lấy ý kiến cử tri” khá đơn giản: Chỉ có 2 ô trống đã in sẵn, đại diện chủ hộ chỉ việc đánh dấu vào 1 trong 2 ô: “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” và ký tên! Đến ngày 15/04/2025 thành phố sẽ “chốt” các ý kiến và đến 01/07/2025 việc sáp nhập sẽ được chính thức thực hiện.

Hoá ra mọi chuyện đã được “an bài”, thế cho nên “ý kiến” của người dân chỉ là “một hình thức dân chủ trên giấy” chứ không thay đổi được gì! Tóm lại, kể từ ngày đầu tháng 7, cả nước đang từ 63 tỉnh thành rút xuống chỉ còn 34.

Cần chú ý, có đến 11 tỉnh sẽ không bị ành hưởng bởi sự sáp nhập, trong đó bao gồm các thành phố Hà Nội, Huế và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.

Nhìn vào danh sách, người ta thấy ngay các thành phố và tỉnh ở phía Bắc hầu như không bị ảnh hưởng nhiều bởi “con bão càn quét” như tại các tỉnh phía Nam. Người dân tự hỏi không biết “đầu óc kỳ thị vùng miền” có ảnh hưởng gì đến việc sáp nhập hay chăng?

Quả thật, thoạt nhìn vào các con số người ta sẽ thấy ngay chủ trương “tinh giảm biên chế” đã được thực hiện một cách rất chi là… cụ thể trên giấy tờ! Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70 % số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay!

Trên lý thuyết điều đó cũng tốt thôi, nhưng thực tế lại nhiêu khê lắm. Chẳng hạn như việc hợp nhất ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mang tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ đô Sài Gòn vốn là “Hòn Ngọc Viễn Đông” từ thời Pháp thuộc, nhưng ngày nay bỗng trở thành một phường của Thành phố Hồ Chí Minh! Đó là sự xúc phạm nặng nề đối với người dân đã từng sinh sống tại đây. Chữ “phường” khiến người ta liên tưởng đến cách gọi miệt thị như “phường trộm cắp”, “phường đạo tặc”, “phường giá áo, túi cơm”! 

Tuy nhiên theo một quan chức Quận 1, việc chọn tên gọi “Sài Gòn” là dựa theo yếu tố lịch sử. Vì nơi đặt tên “Phường Sài Gòn” có các công trình tiêu biểu của như Bưu điện Thành phố, Nhà hát Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Trụ sở UBND thành phố…

Rồi đây nếu có những lúc cao hứng muốn cất tiếng ca tụng “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!” người hát có muốn “chế” lời bài “cha cha cha” của nhạc sỹ Y Vân cũng đành chịu thua! Chẳng lẽ lại hát “Phường Sài Gòn đẹp lắm, phường Sài Gòn ơi! phường Sài Gòn ơi!”?

Theo kịch bản mới, ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất thành Lâm Đồng. Thế cho nên một người dân Bình Thuận khoe: “Tỉnh tui giờ mới lắm, gộp nguyên một combo có đủ đèo, biển, cá, núi… còn người dân mặn như nước mắm!”.

Một ngày tại tỉnh mới Lâm Đổng người ta có thể làm được nhiều chuyện: Sáng ăn bánh căn với nước mắm Phan Thiết, trưa đổ đèo Bảo Lộc uống cà phê, chiều tắm hồ Tà Đùng, tối ngủ co ro ở Đà Lạt sương mù!

Theo lời một người “bảo thủ”: “Việc bỏ tên những thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết … là một thiệt hại lớn cho ngành du lịch… Thử tưởng tượng sẽ như thế nào nếu một thương hiệu vốn tồn tại bao nhiêu năm giờ bị đổi:  lon CoCa thành Cava hay Pepsi thành Ponno gì đó thì còn bao nhiêu người mua?”

Có hai địa danh đều bắt đầu là “Hải”: tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Nay mai chỉ còn một tên là thành phố Hải Phòng khiến người dân thành phố biển “tự hào”: “Ôi bánh đậu xanh Hải Phòng, vải thiều cũng Hải Phòng, bánh đa cua đồng cũng Hải Phòng… thế của Hải Phòng tất à?”.

Người “bi quan” lại cho rằng cái trò "khắc nhập, khắc xuất" qua việc tách nhập tỉnh xưa nay vốn chỉ có phục vụ nhà nước chứ chưa bao giờ đặt mục tiêu “vì dân vì nước”. Một địa danh thể hiện bề dày lịch sử, thể hiện tinh thần vượt khó, khai hoang, mở mang khu vực nên hãy trả lại danh xưng cho những nơi đó.

Về lâu về dài sẽ còn vấn đề về giáo dục để giải quyết. Sách giáo khoa địa lý sẽ phải soạn lại, thầy cô dạy đia lý sẽ phải “tu nghiệp lại” để bắt kịp với tình hình mới hầu có đủ kiến thức truyền lại cho đám học sinh còn ngơ ngác trước ngưỡng cửa vào đời.

Cách đặt tên tỉnh mới được thực hiện tương đối đơn giản, đó là giữ tên một tỉnh cũ để đặt tên cho tỉnh mới, một hoặc nhiều hơn các tỉnh còn lại khi bị sáp nhập, sẽ bỏ luôn tên.

Hòa Bình - Phú Thọ - Vĩnh Phúc (ngày xưa là Vĩnh Yên, nơi tôi chào đời) sẽ sáp nhập thành một tỉnh gọi tên chung một tên là Phú Thọ. Không biết căn cước công dân có phải làm lại không?

Có điều chắc chắn là người dân trong 29 tỉnh bị xóa tên chắc chắn sẽ phải đi làm lại căn cước. Cần phải có “nguyên tắc” trên toàn quốc khi đặt tên thì “danh mới chính” mà “ngôn cũng thuận”.

Một trong những “nguyên tắc” ấy có thể lả dân số của địa phương nhưng cũng có thể là diện tích của địa phương đó. Nên chăng, trong 2 hoặc 3 tỉnh sáp nhập thành tỉnh mới, tỉnh nào có số dân đông nhất hoặc diện tích lớn nhất thì được giữ lại tên cho tỉnh!

Cũng cần phải để ý đến “hiệu ứng tâm lý - xã hội”, đó là niềm tự hào mang tính biểu tượng và bản sắc địa phương khi một tỉnh có cái tên hoàn toàn bị biến mất sau khi sáp nhập.

Thôi, nhức đầu quá vì những dòng “phiếm luận”. Xin chấm dứt ở đây vì những ý kiến của những người “thấp cổ, bé họng” sẽ chỉ là những “Ý kiến… bỏ túi” chứ có bao giờ được lắng nghe đâu!

NGUYỄN NGỌC CHÍNH 17.04.2025

No comments:

Post a Comment