Dương Quốc Chính - Đặt tên phường và duy trì tên quận huyệnvendredi 18 avril 2025
Thuymy
Có lẽ mình là người đầu tiên nhắc tới việc nên đặt tên phường theo tên huyện, có thể đánh số ở đuôi, kèm với các tên khác có ý nghĩa lịch sử. Sau này Bộ Nội vụ mới định hướng chính thức.
Thế nhưng vừa xem thì thấy chính thành phố Thái Nguyên lại không có phường Thái Nguyên, dù các huyện hay thành phố khác thuộc tỉnh Thái Nguyên thì vẫn có. Có lẽ họ sợ trùng tên tỉnh chăng? Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ thì không cấm đặt tên phường trùng tên tỉnh. Thế là dân thành phố Thái Nguyên như mình mất tên gốc?
Giờ bạn mình ở Hà Nội hỏi:
- Nhà mày ở đâu?
- Nhà tao ở Phan Đình Phùng (tên phường mới được đề xuất ở trung tâm thành phố Thái Nguyên).
- Ở Hà Tĩnh à? Ông ấy dân Hà Tĩnh mà?
- !!!???
Không biết giải thích sao nữa.
Trích báo Thái Nguyên:
Phường Phan Đình Phùng thuộc tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở nhập 7 phường, gồm: Phan Đình Phùng, Trưng Vương, Túc Duyên, Đồng Quang, Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Tân Thịnh, trụ sở hành chính đặt tại phường Phan Đình Phùng.
Trong số các tên phường cũ bên trên thì các tên Túc Duyên, Đồng Quang, Tân Thịnh là tên lịch sử lâu đời. Còn tên mấy danh nhân kia thực ra chả có mấy liên quan gì đến Thái Nguyên. Có ông Hoàng Văn Thụ có thời gian ngắn hoạt động ở Võ Nhai, nhưng cũng chả có tính địa phương gì đáng kể.
Nếu là tên danh nhân, có lẽ Dương Tự Minh; Lương Ngọc Quyến và đội Cấn là liên quan nhất, do lãnh đạo khởi nghĩa Thái Nguyên. Đặc biệt là ông Phan Đình Phùng chả có tí liên quan đến đất Thái Nguyên. Vậy lấy tên đó làm gì?
Tên phường mới nếu không lấy tên Thái Nguyên thì nên lấy theo một tên phường cũ và có giá trị lịch sử, văn hóa địa phương.
Trong ba tên còn lại: Đồng Quang, Túc Duyên, Tân Thịnh là tên lịch sử. Nhưng Túc Duyên, Tân Thịnh vốn là phường mới và ở rìa đô thị cổ Thái Nguyên, hồi mình còn ở Thái Nguyên, nó còn chưa thuộc về thành phố, còn ở huyện. Chỉ có duy nhất tên Đồng Quang là đáp ứng giá trị lịch sử, văn hóa lâu bền và là phường thuộc trung tâm từ lâu. Vậy sao không lấy tên Đồng Quang để đặt cho phường mới và trụ sở vẫn là ở Phường Phan Đình Phùng?
Lưu ý là tên Đồng Quang rất gần gũi thân quen với dân Thái Nguyên gốc. Tên đó được đặt cho cả chợ, ngã tư, ga tàu, trường học và chưa có tên đường, vậy mà giờ lại xóa tên phường. Còn Phan Đình Phùng thì đã có tên đường rồi.
Mình góp ý với sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa của người dân Thái Nguyên gốc, chứ nhà mình ở phường Hoàng Văn Thụ nhé, không phải do ấm ức phường mình mất tên đâu ! Tên Hoàng Văn Thụ đã là tên đường rồi.
Tóm lại, tên phường trung tâm thành phố Thái Nguyên nên được đặt là Thái Nguyên hoặc Đồng Quang thay vì Phan Đình Phùng như đang đề xuất. Việc đặt tên này cũng cần có kiến thức về lịch sử, văn hóa...chứ không đặt ào ào kiểu Võ Thị Sáu ở TPHCM. Thời xưa trót đặt không chuẩn (tên địa danh theo tên người, nặng về tuyên truyền) thì giờ có cơ hội sửa.
Vừa rồi cũng có nhiều người tâm tư việc mất tên thành phố, như Nam Định, Bắc Ninh...Chuyện này cả tháng trước đã có người bình luận ở nhà mình và mình đã trả lời, nay chuyển thành bài cho mọi người dễ đọc.
Việc giữ tên thành phố mình cho là quá đơn giản. Chính phủ chỉ cần ra một văn bản đại khái là vẫn duy trì tên các thành phố cũ, nhưng không có cấp hành chính. Tức là tên các thành phố vẫn được duy trì để gọi, để ship đồ, thư tín, để vẽ bản đồ...Nhưng không có chính quyền địa phương. Nó y chang tổ dân phố bây giờ. Vẫn có địa giới hẳn hoi, nhưng không có chính quyền và không có giá trị pháp lý (không ghi trên căn cước, hợp đồng, đăng ký kinh doanh...).
Ví dụ căn cước đã không cần ghi tổ dân phố nào. Bây giờ căn cước sẽ không có tên huyện, nhưng bản đồ vẫn có, chả ảnh hưởng gì và không sợ trùng vì nó là thành phố/huyện là đơn vị hành chính không còn tồn tại. Như vậy, mình sẽ vẫn tiếp tục nói:
- Tao dân thành phố Thái Nguyên, tao đang đi Thái Nguyên, đi Nam Định, Bắc Ninh...Người dân bị mất tên tỉnh cũng sẽ bớt tâm tư.
Mình cho rằng việc này quá dễ làm với cơ quan chức năng vì chỉ là để duy trì cái tên.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 17.04.2025
No comments:
Post a Comment