Chuyến đi nước Việt Đàng Trong năm 1792-1793 (Phần 9)Tác giả: Sir John Barrow
Hồ Bạch Thảo biên dịch
5-5-2025
Tiengdan
13/04/2025
Chương 10: Phác thảo tổng quát về cách cư xử, tính cách và tình trạng của dân bản địa Đà Nẵng (Turon)
4. Nổi trội nhất về kiến trúc hàng hải – Ngôn ngữ – Tôn giáo – Luật pháp giống như Trung Quốc – Phạt vạ không quá thường xuyên
Một bộ môn đặc biệt về nghệ thuật người Việt Đàng Trong đứng vào hạng xuất sắc là kiến trúc hải hành, thành quả ít nhiều dựa vào gỗ lớn và tốt. Thuyền buồm giải trí của họ rất đáng lưu ý; loại thuyền này dài khoảng 50 đến 80 thước Anh [thước Anh=1 foot=1/3 mét], hoặc bằng 5 tấm ván kéo dài liên tiếp, kẹp viền bằng cách đóng chốt tại lỗ mộng và được buộc chặt bằng các sợi tre xoắn. Thân và đuôi tàu nhô lên, khắc hình quái vật như rồng, rắn; trang sức tranh mạ vàng.
Một số cây cột và giáo mang cờ và sợi dây được trang trí bằng những búi đuôi bò sơn màu đỏ; đèn lồng, ô dù và các phù hiệu khác biểu thị cấp bậc của hành khách, được dựng lên ở mỗi đầu thuyền. Những người này, cũng giống như người Trung Quốc, khác nhau hầu hết các quan niệm với phần lớn nhân loại; để nhóm hành khách luôn ngồi ở phần trước con thuyền. Vì sợ vi phạm cách cư xử lịch sự nếu những người chèo thuyền quay lưng lại với hành khách, nên họ đứng đối mặt về phía mũi thuyền, đẩy mái chèo ra khỏi họ; chứ không kéo về phía họ, như thường làm ở thế giới phương Tây. Tôi tớ và hành lý chiếm giữ phần lái của con thuyền.
Các loại tàu thuyền được sử dụng trong hoạt động thương mại ven biển, tàu đánh cá và tàu thu thập tổ chim én trong quần đảo Hoàng Sa (Paracels) có nhiều kiểu khác nhau: Nhiều loại giống như thuyền tam bản của Trung Quốc được phủ bằng chiếu, bên dưới có cả một gia đình thường xuyên sinh sống; một số khác giống thuyền proas của người Mã Lai, kể cả thân tàu và dây buồm.
Các tay buôn bán ra nước ngoài xây dựng thuyền theo cùng một bản thiết kế như thuyền Junk của Trung Quốc, hình dáng và kết cấu của chúng không được coi là mô hình hoàn hảo của kiến trúc hải hành; tuy nhiên vì chúng tồn tại hàng ngàn năm mà không thay đổi, nên ít nhất chúng cũng có quyền được tôn trọng một chút vì tính cổ xưa của phát minh này.
Những thuyền này không có ý định dùng cho chiến tranh, nên phẩm chất chính không phải là nhanh nhẹn khi xua đuổi hoặc trốn thoát, mục đích của chủ nhân coi trọng sự an toàn hơn là tốc độ. Vì cá nhân làm thương mại nên không có vốn nhiều, người buôn vừa là chủ thuyền và chỉ huy hải hành, chỉ cần trọng tải hạn chế đủ cho hàng hóa của riêng ông; sau đó thuyền được chia thành nhiều khoang, để tránh sự bất tiện, thuyền có thể chứa hàng của nhiều thương gia riêng biệt. Vách chia thành các khoang là những ván gỗ dày 2 inches [5 cm], trét keo vào khe hở để hoàn toàn không ngấm nước.
Bất kể phản đối nào có thể được đưa ra đối với việc phân chia khoang tàu và sự can thiệp vào việc xếp hàng, nhưng không thể phủ nhận về lãnh vực này giúp các tàu lớn nhiều lợi thế quan trọng. Một chiếc tàu được củng cố bằng vách ngăn chéo, có thể va vào đá mà không bị thương nghiêm trọng. Một vết rò rỉ xuất hiện ở một bộ phận của khoang sẽ không gây bất kỳ thiệt hại nào với vật được đặt ở bộ phận khác; và do con tàu được liên kết chặt chẽ như vậy nên nó đủ vững chắc và mạnh mẽ để chịu được cái sốc lớn hơn bình thường.
Các thủy thủ đều biết rằng, khi một con tàu lớn đâm vào đất liền, dấu hiệu đầu tiên cho thấy tàu bị vỡ là khi các cạnh của boong tàu bắt đầu tách ra khỏi hai bên; nhưng sự tách rời này không bao giờ có thể xảy ra khi hai bên và boong tàu được liên kết chặt chẽ với nhau bằng vách ngăn chéo.
Thật vậy, phát minh xưa của Trung Quốc, nay được hải quân Anh thử, như một thí nghiêm mới. Các kế hoạch khác cũng đã được đề xuất từ đất nước này dùng để đẩy tàu trong trạng thái tĩnh lặng, bằng những mái chèo lớn, hoặc bằng bánh xe quạt nước đặt ở hai bên hoặc xuyên qua đáy và bằng nhiều phương thức khác; tất cả những phương pháp này mặc dù được gọi là phát minh nhưng đã được người Trung Quốc sử dụng phổ biến hơn hai ngàn năm qua.
Bức tranh sau đây truyền đạt ý tưởng khá hay về thuyền bè ở nước Việt Đàng Trong thường lui tới tại nhánh sông Hội An (Fai-fo) đổ vào vịnh Đà Nẵng:
Dù rằng vua hiện tại của nước này đã phá vỡ vài xiềng xích của phong tục; tuy nhiên khi làm như vậy về việc đóng tàu chiến, ông không quên định kiến phổ biến; đặc biệt là ở các nước châu Á, nơi họ hoàn toàn bị định kiến chi phối, được đóng dấu ấn bằng một bản chất quá thiêng liêng để có thể bị xóa bỏ tận gốc rễ ngay lập tức. Để tỏ lòng tôn trọng định kiến này, ông chỉ cho thay đổi phần thân tàu hoặc vỏ tàu bị ngập trong nước; tất cả các bộ phận phía trên như cột buồm, cánh buồm và dây buồm vẫn giữ nguyên kiểu nước Việt Đàng Trong.
Thật sự người ta có thể đặt câu hỏi, liệu tre mềm dẻo, tạo nên một phần vật chất của các công trình phía trên của tàu, có nên được thay thế bằng gỗ cứng với lợi thế nào không, vì nó nhẹ hơn và cũng chắc chắn như vậy. Nhưng không thể không ngưỡng mộ sự sáng suốt của vị cựu hoàng tử thông thái và năng động này, người đã đạt được lợi thế thật sự khi điều khiển con đường trung dung, mà không tạo ra bất kỳ thay đổi hình thức có thể thấy rõ.
Sự kiên trì với phong tục cổ xưa, một ví dụ thú vị liên quan đến Hoàng đế Nhật Bản; vào thời điểm cách đây vài năm, người Hà Lan từ Batavia (thuộc địa Hà Lan, Indonesia) mang đến cho Quốc vương này mô hình một con tàu chiến, cùng với những món quà khác. Vị Đại sứ tình cờ nhìn thấy hoàng đế để mắt đến mô hình này, và cho rằng phải biến cơ hội thành lợi thế cho chủ của mình; nên đã mạnh dạn đưa ra đề xuất, cử một số thợ thủ công lành nghề từ Hà Lan đến Nhật Bản để hướng dẫn thần dân của nhà vua về nghệ thuật đóng tàu theo kiểu châu Âu.
[Qua thông dịch] Vua Nhật muốn hỏi bao lâu thì người dân trong nước quen với nghệ thuật đóng tàu như mô hình vừa đem đến. Viên đại sứ trả lời, khoảng 300 năm. Nhà vua bảo:
“Hãy nói với ông ta, dân nước tôi đã đóng những chiếc tàu như ông thấy trong cảng nhiều ngàn năm, mà tôi chưa từng nghe lời phàn nàn về sự hữu dụng của nó. Vì vậy, tôi sẽ không dành cho bản thân hoặc người dân của tôi một lời bình phẩm tệ hại đến mức gạt bỏ thử thách của thời gian, để theo đuổi một phát minh mới ngày hôm qua. Tàu Hà Lan có thể hợp với người Hà Lan, nhưng không hợp cho Nhật Bản; vì vậy, nói với ông ấy, ta muốn ông mang trở về phần quà mô hình này!”
Người Việt Đàng Trong bảo trì hiệu quả chữ viết ngôn ngữ Trung Quốc, chúng tôi thấy không khó khăn khi truyền tin với họ về lãnh vực này qua môi giới các tu sĩ Trung Quốc. Tuy nhiên, tiếng nói chịu sự thay đổi nhiều, điều này cũng ít ngạc nhiên, vì ngay cả tiếng nói, dân miền bắc và miền nam Trung Quốc cũng không hiểu nhau. Nhưng mặc dù tiếng nói thay đổi, nó dường như không nhận được bất kỳ sự cải thiện nào: Không có sự bổ sung của riêng họ, cũng không đưa các từ ngữ nước ngoài vào thay thế.
Sau đây xin làm bảng danh mục ngắn, âm ngữ Trung Quốc đối chiếu với âm ngữ của nước Việt Đàng Trong và ý kiến về sự khác nhau xa, gần giữa các âm nghĩa:
Có thể thấy rằng người Việt Đàng Trong đọc các phụ âm B, D và R không khó khăn chút nào; nhưng người Trung Quốc không thể làm như vậy, họ dùng bất kỳ nỗ lực nào, phát âm một âm tiết gần với âm này. Khi cấu tạo một nhóm chữ, cũng có sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ; ví như khi dùng đại danh tự số nhiều chỉ người, Trung Quốc dùng âm tiết muen để phía sau đại danh từ chỉ người số ít:
Chúng ta phải giao tiếp tương lai với người Trung Quốc nghiêm trang và trang trọng, những người mà phẩm giá của họ sẽ bị hạ thấp khi họ hạ mình sử dụng bút chì để mô tả các đối tượng, bất chấp sự liên kết của nó với cách viết của họ; chúng ta cảm thấy thấy dễ dàng hơn trong việc làm cho mình dễ hiểu, hoặc bằng cách cố gắng chỉ ra bằng ký hiệu và cử chỉ, những ý tưởng có thể được trao đổi mà không cần sự trợ giúp của ngôn ngữ.
Những người này hoàn toàn không giống với người Việt Đàng Trong, họ luôn luôn có vẻ muốn đồng tình với quan điểm của chúng ta là tạo điều kiện cho sự hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, những người Trung Quốc buôn bán hoặc làm kẻ hầu cho người châu Âu ở Quảng Châu, Quảng Đông (Canton) cũng sẵn sàng, khéo léo và sáng tạo để làm cho chủ nhân của họ hiểu mình và đáp ứng được những ý tưởng mà họ quan tâm, giống như bất kỳ người nào khác có thể làm được. Chẳng hạn như một hạm trưởng tàu của công ty East India, một hôm chỉ vào đĩa đồ ăn tại bàn mà ông cho là vịt băm nhỏ, bèn bảo người hầu Trung Quốc, người chỉ được học một chút thuật ngữ về cách mô tả do chủ nhân dạy, lấy cho ông một ít quaak-quaak. Người hầu, sau khi nhìn vào đĩa, đã lắc đầu và để sửa lỗi cho chủ nhân, nhận xét một cách đáng chú ý, rằng đó không phải là quaak-quaak, mà là bow-bow, tức món thịt chó thay vì thịt vịt!
Khó có thể nhận thấy rằng tôn giáo của người Việt Đàng Trong giống như hầu hết các quốc gia phương Đông khác, là một biến thể của học thuyết Phật giáo rộng rãi. Tuy nhiên theo những gì chúng ta có cơ hội thấy về mặt sùng đạo, nó đơn giản và ít được che giấu bằng những điều huyền bí và nghi lễ thờ cúng thần thánh, hơn là những gì được thực hành phổ biến ở Trung Quốc. Từ một tình cảm biết ơn đối với tinh thần nhân từ và hào phóng của thần linh, người Việt Đàng Trong giống như người Do Thái thời xưa, thể hiện lòng thành kính của họ bằng cách dâng lên hình ảnh của vị thần bảo vệ, những con vật đầu lòng trong đàn gia súc còn sống của họ và những loại cây trái. Như một nhánh lúa đầu tiên, một trái cau mới chín, một chén đường đầu tiên, bất cứ cái gì thiên nhiên sinh ra đều được đưa đến đền thờ, nơi chứa hình ảnh thiêng liêng và được đặt ở đó với mục đích khiêm nhường biết ơn về lòng tốt của thần thánh. Tôi rất vui mừng khi có cơ hội được tham dự một buổi lễ mang tính chất này.
Một buổi chiều thanh thản rời thuyền đến một khe núi tại bờ phía bắc vịnh Đà Nẵng, tôi thấy một người mặc áo dài màu vàng chấm đất, đầu trọc tóc cạo sát da; đi từng bước đến một cây lớn tỏa bóng, theo sau vài người nông dân. Khi đến dưới cây, tất cả đều dừng lại. Phía trên đầu thân cây (đây là loại cây Fieus indica hoặc Banyan tree, người Việt Đàng Trong gọi là cây đa, cành có rễ phụ), tôi thấy một cái lồng lưới lớn đan xung quanh, phía trước có 2 cửa đặt giữa 2 cành cây, một phần bị lá che; ở trong có tượng gỗ Budha hoặc Fo [Phật], với dáng mập mạp, tư thế ngồi, giống như hình dáng tại đền chùa Trung Quốc.
Một đứa trẻ nhỏ hầu vị tu sĩ, đứng bên cạnh ông ta, dâng chiếc đĩa bằng đồng trên đặt than nóng. Một nông dân mang chiếc thang tre, đặt dựa vào thân cây; người khác trèo thang đến lồng trước tượng Phật, dâng 2 bát gạo, 1 chén đường, 1 chén muối. Lúc này vị tu sĩ vung tay ra, mắt nhìn lên trời, lẩm nhẩm khấn, trong khi người đàn ông mang thang, quỳ mọp, lạy sát đất 9 lạy, theo phong tục của người Trung Quốc.
Vài phụ nữ và trẻ em vẫn đứng ở đằng xa, dường như họ bị cấm đến gần; dù rằng người ta bảo ni sư phổ biến ở nước này, không có sự hạn chế nào về giới tính. Cái thang kia là sở hữu của vị tu sĩ, đúng giờ định, ông sẽ dùng nó để lấy những đồ cúng để ông ta dùng; giống như vị tu sĩ của thần tượng Bel thời xưa, như đã kể trong các văn bản giả tưởng, không có nhiều chỗ để nghi ngờ. Nhưng việc dâng hiến như đã trình bày, biểu hiện không ít lòng mộ đạo và biết ơn. Với phong cách đường hoàng, vị tu sĩ nhận các phẩm vật một cách công bằng và công khai.
Vâng, có lẽ không có bất kỳ nhóm người nào có quyền được trả công cho các dịch vụ của họ tốt hơn những người dành thời gian để duy trì các nghĩa vụ tôn giáo. Mọi thời đại và ở mọi quốc gia, việc xử lý các loại trái cây đầu mùa dường như đã được trao cho các vị tu sĩ. Từ lịch sử thiêng liêng, rõ ràng nó đã hình thành nên một phần của sự phân phát của người Do Thái; và chúng ta được Pliny thông báo rằng, không ai từng nghĩ đến việc nếm trái cây mới hoặc rượu mới trước khi tu sĩ thực hiện nghi lễ dâng rượu theo thông lệ.
Trên rìa của mỗi lùm cây nhỏ gần vịnh Đà Nẵng, có những chiếc hộp gỗ nhỏ hoặc giỏ mây treo hoặc gắn cố định giữa các cành cây; một số chứa hình ảnh làm từ nhiều vật liệu khác nhau, giấy sơn son hoặc mạ vàng được cắt thành nhiều hình dạng, dòng chữ khắc trên mảnh gỗ bằng Hán văn và nhiều dấu hiệu khác về điểm linh thiêng. Trên thực tế, cây cối dường như nằm trong số những ngôi đền đầu tiên được thánh hiến cho các vị thần. Đối với con người, ít tiến bộ hơn trạng thái tự nhiên; vật thể vĩ đại nhất hiện diện là những vật có khả năng thu hút sự tôn thờ nhất trên đồng bằng có những cây cổ thụ đáng kính, và trên núi có những đỉnh cao chót vót bằng đá rắn chắc.
Nhưng con người càng văn minh và phù phiếm, thì càng tham vọng, đã hình thành nên một tòa tháp Babel [trong truyện cổ] có đỉnh cao chạm tới bầu trời. Những ngôi đền xa hoa và tráng lệ nhất đã được hầu hết các quốc gia văn minh thời cổ đại thánh hiến cho vị thần, và tập tục này đã được giáo sư Cơ đốc giáo áp dụng rộng rãi; nhưng người Trung Quốc và lân bang của họ có quan điểm khác nhau về vấn đề này, cũng như hầu hết những vấn đề khác.
So với phần còn lại của nhân loại, họ bằng lòng thờ phụng: “Trước mọi đền thờ, với tinh thần ưa thích trái tim ngay thẳng và trong sạch”, ở mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh. Một chiếc hộp nhỏ không lớn hơn thứ đựng thuốc hít, thường cất giữ một vị thần được yêu thích. Sự sùng kính đơn độc, đúng là, không đòi hỏi không gian cần thiết cho việc thờ cúng tập thể; một vị thần bảo hộ có thể đặt bất kỳ góc nào trong nhà, hoặc mang theo trong túi.
Dân Việt Đàng Trong rất mê tín, lễ nghi sùng đạo giống như Trung Quốc, với quan điểm ngăn chặn cái ác, hơn là thực hiện một điều tốt; nói một cách khác, cho ma quỷ đáng sợ hơn là tôn kính việc tốt. Nhiều chỗ tại nước này dựng lên những cột để thờ cúng, nhưng mục đích không phải cúng thiên tai, hay chết trận hoặc bị giết; mà chính là thờ cúng ma quỷ gây nên tai nạn. Vì vậy khi đứa trẻ chết, cha mẹ trong lòng tất phải bất bình thế lực ma quỷ ác ý; nhưng họ cố gắng chiều nịnh bằng cách dâng cúng gạo, dầu, trà, tiền và bất cứ đồ vật gì họ tưởng tượng có thể làm vừa lòng ma quỷ giận dữ. Từ tình cảm như vậy, người ta có thể mạo hiểm hy vọng rằng hành vi giết trẻ sơ sinh kinh hoàng không phải một trong những phong tục xấu vẫn giữ của người Trung Quốc.
Bên cạnh việc tự nguyện đóng góp mà cá nhân cho là cần thiết phải thực hiện vào nhiều dịp khác nhau, có vẻ như chính phủ lấy tiền thuế để đóng góp hàng năm cho các tu viện để các tu sĩ cầu khẩn thần linh phù hộ cho dân chúng. Sự đóng góp bao gồm sản phẩm hiện vật như gạo, trái cây, đường, hạt cau và các thứ khác; tại thành phố có thể thay thế bằng cách thu các vật như tiền, kim loại, y phục. Các tu sĩ ở đây cũng như ở Trung Quốc được xem như thầy thuốc giỏi, nhưng tài nghệ do sự quyến rũ lòng tin hơn là trị liệu đúng cách bằng thuốc hoặc vệ sinh.
Có thể kết luận rằng, nguyên tắc căn bản của chính quyền nước Việt Đàng Trong cũng giống như Trung Quốc, luật pháp và hình phạt đều giống nhau; nhưng tôi không nhận được tin tức đề cập đến vấn đề này. Trong căn nhà kề cận với tư dinh viên quan chỉ huy, tôi thấy hai thứ: Cái gông và roi tre (Tcha và Pan-tsé); nhưng lúc nào luật thi hành thì ít thấy; hoặc dân chúng tại đây ít hư hỏng hơn chăng?
Tôi không thể giả bộ nói rằng đã quan sát hết, nhưng tôi không thấy một sự trừng phạt nào; trong khi đó ở Trung Quốc hiếm khi đi qua một thị trấn hoặc một làng mà không thấy cùm, và lỗ tai nghe đầy rẫy tiếng kêu van của người bị đánh bằng roi tre. Thật sự tại đây quan lại tham nhũng trụy lạc trong cuộc sống cá nhân, công khai thực hiện một sự nghiêm khắc trong hành vi, để chấp thuận những sửa đổi của dân.
Nhưng một quan lại người Việt Đàng Trong, người công khai vi phạm các quy tắc của sự đoan chính và đặt ra trong chính con người mình tấm gương về sự phóng túng, nhưng có thể chỉ đạo và giám sát sự trừng phạt một người khác ít tội hơn mình. Trong tất cả các sự kiện, tinh thần người dân Đà Nẵng dường như không bị lo âu, từ việc sử dụng bàn tay quyền lực quá nghiêm trọng.
No comments:
Post a Comment