Tái triển khai lực lượng quân sự tại kênh đào Panama: Mặt trận mới của Mỹ chống Trung Quốc
Thùy Dương
Đăng ngày: 12/04/2025 - 14:27
RFI
Tập trung vào cuộc chiến thuế quan, liên tục tăng thuế nhắm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump vẫn không quên gây áp lực đối với chính quyền nước Panama, đòi thâu tóm kênh đào Panama mà Mỹ đã xây năm 1914 và chuyển giao cho Panama quyền quản lý từ năm 1999. Lý do chính quyền Mỹ đưa ra là kênh đào Panama đang đứng trước mối nguy bị Trung Quốc kiểm soát.

Không phải vô cớ mà chỉ khoảng 2 tháng sau khi ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio công du Panama, tuần qua đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth sang thăm quốc gia nơi có kênh đào Panama nối từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương. Theo AFP, Mỹ và Trung Quốc là hai nước chính sử dụng kênh đào Panama, tuyến đường chiếm 5% thương mại hàng hải của cả thế giới. Riêng đối với Mỹ, 40% lượng contener được chuyên chở qua kênh đào Panama.
Đến thăm Panama, ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio kêu gọi chính quyền nước này giảm sự hiện diện của Trung Quốc tại Panama. Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth thì có những phát biểu cứng rắn hơn, khẳng định chính quyền Donald Trump sẽ không để Trung Quốc kiểm soát kênh đào Panama, thậm chí nhắc đến việc Mỹ có « lực lượng chiến đấu hùng mạnh nhất » như để răn đe Bắc Kinh không được thâu tóm kênh đào Panama :
« Hoa Kỳ sẽ không cho phép chế độ Cộng Sản Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, đe dọa hoạt động hoặc tính toàn vẹn của kênh đào. Nhiều công ty có trụ sở tại Trung Quốc vẫn đang kiểm soát cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng Kênh đào. Điều này mang lại cho Trung Quốc khả năng tiến hành các hoạt động giám sát thông qua kênh đào Panama. Điều này khiến Panama và Hoa Kỳ kém an toàn hơn, ít thịnh vượng hơn và bớt chủ quyền hơn.
Và như tổng thống Donald Trump đã nhấn mạnh, tình trạng này là không thể chấp nhận được. Tôi muốn nói rõ ràng. Kênh đào này không phải do Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc không được quyền vận hành kênh đào này. Và Trung Quốc sẽ không được quân sự hóa kênh đào này. Cùng với Panama, chúng tôi sẽ giữ kênh đào an toàn để tàu thuyền của mọi quốc gia được lưu thông, nhờ khả năng răn đe của lực lượng chiến đấu mạnh nhất, hiệu quả nhất và đáng gờm nhất trên thế giới ».
Sau khi gây sức ép khiến tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison ký thỏa thuận nhượng lại quyền khai thác 2 cảng Balboa và Cristobal nằm ở hai đầu kênh đào Panama cho quỹ đầu tư BlackRock của Hoa Kỳ, theo thói quen « được đằng chân, lân đằng đầu », chính quyền Mỹ « dấn thêm 1 bước », đòi tái lập căn cứ quân sự tại Panama với lý do để bảo đảm « an ninh » cho kênh đào. Mỹ cũng đòi là các tàu quân sự của họ phải được ưu tiên di chuyển miễn phí qua kênh đào. Các chuyến tàu quân sự của Mỹ chiếm 0,3% lưu lượng tàu bè qua lại kênh đào Panama.
Theo AFP, ngày 08/04, trong cuộc trao đổi với tổng thống Jose Raul Mulino, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth yêu cầu Panama để Washington tái lập các căn cứ quân sự tại nước này. Dường như sự cứng rắn của Washington đã phát huy tác dụng, buộc Panama phải có sự nhượng bộ quan trọng, cho dù họ không chấp nhận để Washington tái lập căn cứ quân sự của Mỹ tại Panama. Hôm 10/04, chính quyền Panama thông báo cho phép quân đội Mỹ và các công ty quân sự tư nhân được Mỹ ủy quyền, được phép sử dụng một số địa điểm, cơ sở và khu vực được chỉ định để huấn luyện, triển khai các hoạt động nhân đạo và thao dợt.
Theo thỏa thuận được ký kết giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và Panama, có giá trị 3 năm và có thể được triển hạn, các cơ sở nói trên dành cho lực lượng hai nước dùng chung nhưng vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước Panama.
Chiến tranh thương mại, « món quà tẩm độc » của Donald Trump dành cho Tổ chức Thương mại Thế giới ?
Từ khi trở lại Nhà Trắng, tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công cả đồng minh lẫn đối thủ xa gần bằng vũ khí thuế quan. Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới WTO chỉ còn cách bất lực đứng nhìn chính quyền Trump ngang nhiên phá hủy những nguyên tắc mà chính Mỹ trước đây đã góp phần tạo dựng để điều tiết thương mại toàn cầu. Cuộc thương chiến do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động được ví như món quà sinh nhật « tẩm độc » cho tuổi 30 của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (1995-2025).
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche ngày 10/04 gửi về bài tường trình :
« 'Giống như trong thời kỳ Covid, chẳng ai quan tâm đến Tổ chức Y tế Thế giới, bây giờ thì cũng chẳng ai quan tâm đến Tổ chức Thương mại Thế giới nữa.' Đây chính là điều được gọi là một nhận định không thể bác bỏ. Cédric Dupont là giáo sư về quan hệ quốc tế tại Graduate Institute ở Genève. Văn phòng của ông chỉ cách trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới 500 mét theo đường chim bay. Đây được dự đoán sẽ là nơi tập trung các vụ tranh cãi liên quan đến thuế quan của Hoa Kỳ.
Giáo sư Cédric Dupont bình luận : « Quý vị đang nghe bộ trưởng của nhiều nước lên tiếng, tất cả họ đều đang tìm cách đàm phán với Washington. Ở Bruxelles hay ở Bắc Kinh, người ta nghiên cứu xem có thể làm được gì, nhưng tôi nghĩ là không có nhiều người đi vận động hành lang ở Tổ chức Thương mại Thế giới ».
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, đòn tấn công của Donald Trump sẽ làm giảm 1% lượng hàng hóa giao dịch trên toàn thế giới trong năm 2025, tức là làm giảm hàng trăm tỷ đô la, trái ngược hoàn toàn với các cam kết của Hoa Kỳ với Tổ chức Thương mại Thế giới.
Giáo sư Cédric Dupont nhận định : « Những gì Mỹ đang làm là bất hợp pháp. Nếu họ có vấn đề với một quốc gia, thì họ nên thảo luận trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng Mỹ lại không làm như vậy. Đối với họ, Tổ chức Thương mại Thế giới không còn tồn tại ». Washington cũng đang ngăn chặn việc gia hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán trong cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại Thế giới, vốn dĩ chịu trách nhiệm giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.
Tổ chức Thương mại Thế giới bị tê liệt, bị ngó lơ, bị bỏ qua ... nhưng không vì thế mà chết hoàn toàn. Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Graduate Institute giải thích thêm : « 85% hoạt động thương mại không phải là thông qua Hoa Kỳ, nên phần còn lại của thế giới có thể nói rằng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bên ngoài và chúng ta sẽ duy trì Tổ chức Thương mại Thế giới để giữ ổn định 85% hoạt động thương mại đó ».
Donald Trump chưa bày tỏ mong muốn rời khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới. Thế nhưng, đối với các nhà ngoại giao, giả thuyết đó là đáng tin cậy. Họ thận trọng không nói rõ là tới đây điều gì sẽ xảy ra với tổ chức này ».
Đòn thuế quan không hồi kết của Donald Trump sẽ dẫn đến những hệ quả nào ?
Cuộc đọ sức thuế quan giữa hai nền kinh tế hàng đầu Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu ngừng lại, và không báo hiệu điều gì tốt đẹp cho nền kinh tế toàn cầu, cho dù ông Donald Trump đã tạm hoãn áp « thuế đối ứng » với thế giới 90 ngày.
Bà Hélène Latzer, giáo sư kinh tế tại Đại học UCLouvain Saint-Louis ở Bruxelles, Bỉ, ngày 09/04 giải thích trên đài RFI Pháp ngữ : « Nếu Hoa Kỳ rơi vào suy thoái và nhìn chung nếu cuộc đọ sức này dẫn đến sự suy thoái chung, thì quả thực Trung Quốc sẽ lâm cảnh không còn thị trường đầu ra chính cho một số lượng hàng xuất khẩu, do đó cũng có nguy cơ Trung Quốc sẽ xoay hướng sang phần còn lại của thế giới để cố gắng bán những mặt hàng mà họ không còn có thể bán một cách dễ dàng cho Hoa Kỳ nữa. Đó là chưa kể Trung Quốc sẽ tìm cách lập tỷ giá mới cho đồng Nhân dân tệ, giúp cho hàng hóa của họ có khả năng cạnh tranh cao hơn bằng cách giảm giá đồng tiền của chính mình ».
Nhưng hậu quả không chỉ có vậy. Giáo sư Hélène Latzer giải thích thêm :
« Điều mà Trump làm còn là tạo ra một bầu không khí bất trắc, vốn dĩ là điều cực kỳ tệ hại đối với đầu tư của các doanh nghiệp, và xét về dài hạn là đối với các thị trường, đối với toàn thể các đối tác thương mại. Đối với nước Mỹ, thì trong bầu không khí này, thông báo mới cho thấy sự thay đổi đột ngột của Trump đi ngược lại hoàn toàn những gì ông đã nói trước đó. Hiểu theo một cách nào đó, điều Donald Trump đang nói với tất cả thế giới là không bao giờ mọi người có thể thực sự tin tưởng chắc chắn vào thông báo của ông và rằng ông Trump có thể thay đổi vào bất cứ lúc nào.
Donald Trump như vậy đang phá vỡ một trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đã xây dựng trong suốt 50 năm qua. Và trong mọi trường hợp, đây không phải là điều gì tốt đẹp cho nền kinh tế toàn cầu ».
Trung Quốc tham chiến tại Ukraina ?
Một hôm sau khi tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố Bắc Kinh biết việc có ít nhất 155 công dân Trung Quốc chiến đấu bên cạnh quân Nga tại Ukraina và chỉ trích Matxcơva đã lôi kéo Bắc Kinh tham chiến, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm 10/04 khuyến cáo các bên « cần có cái nhìn công bằng, hợp lý về vai trò của Trung Quốc và không đưa ra các phát biểu vô trách nhiệm ».
Vậy cần nhìn nhận như thế nào về đội quân của Trung Quốc hiện diện trên chiến trường Ukraina ? Trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 09/04, chuyên gia về Trung Quốc đương đại Emmanuel Veron, nhà nghiên cứu cộng tác với Trường Hải quân và Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông (INALCO), Paris, giải thích :
« Quả thực, trong bối cảnh chiến tranh, như trường hợp ở Ukraina, và cũng như trong cuộc chiến tranh khác, chúng ta có thể thấy rằng có một số chiến binh thuộc nhiều quốc tịch và đến từ nhiều nước khác nhau. Có thể là những người này ký hợp đồng để gia nhập hàng ngũ các lực lượng vũ trang, lực lượng dân quân, hay bán quân sự …
Về việc họ làm gián điệp, thì theo tôi cũng không hề mâu thuẫn. Việc này bổ trợ cho việc kia. Hoàn toàn có thể có người ký hợp đồng đến từ một công ty quân sự tư nhân làm việc cho người Nga và họ có thể là tình báo cho Trung Quốc hoặc thậm chí là cho những người khác. Ngoài ra, cũng có khả năng là trong số họ có những người gốc Hoa đến từ miền đông bắc Trung Quốc, có thể là gần Bắc Triều Tiên.
Nói tóm lại, trong chuyện này chúng ta vẫn còn một số điều chưa rõ ràng và không chắc chắn. Trái lại, chúng ta có thể khẳng định họ nói tiếng Hoa. Điều này không có nghĩa rằng họ là người Trung Quốc, nhưng họ nói tiếng Hoa. Trong chiến tranh, về cơ bản thì không có logic nào là hoàn toàn chắc chắn. Việc Trung Quốc tham chiến chỉ nên nói kiểu ám chỉ, gián tiếp. Nhưng đúng là người Trung Quốc có hiện diện tại đó.»
No comments:
Post a Comment