Thursday, February 1, 2024

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 01/02/2024
jeudi 1 février 2024
Thuymy


1. Đã có những thông tin rõ ràng hơn về Tổng tư lệnh Zaluzhnyi

Hoa Kỳ cũng đã có những phản ứng với những suy đoán xung quanh việc cho Valerii Zaluzhnyi có lẽ là – “nghỉ một thời gian” (cụm từ tôi dùng cho vui, không có ý gì).

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đáp lại những tin đồn liên quan đến việc “sa thải” (từ này tôi không đồng ý lắm nên cho vào ngoặc kép) Valery Zaluzhnyi, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine. Pat Ryder, người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói, họ (Bộ quốc phòng Hoa Kỳ) coi chuyện này là vấn đề nội bộ của Ukraine và không tích cực theo dõi bất kỳ thay đổi nào trong Bộ chỉ huy nước này.

Tôi xin tiếp tục bằng bình luận của bác NTT, mà tôi đã tán thưởng là một comment rất giá trị:

“Thứ nhất phải nhìn nhận Zaluzhny rất hay. Anh ta có lý ở rất nhiều điểm. Đặc biệt là dám làm dám chịu. (Tôi) Đánh giá cao những người như thế. Nhưng, trong kinh doanh, tại những thời khắc nhất định phải chịu đựng rủi ro để có thể làm việc lớn. Mình cẩn thận, cũng không sai nhưng cơ hội đã qua đi và không quay lại được nữa. Nếu cứ đủ thông tin mới quyết định, thì còn gì là nhạy bén nữa, để robot làm cũng được, cần gì đến người.

Tôi nghĩ, đây không chỉ là việc của Zaluzhnyi mà còn liên quan đến cả cách làm của Biden, toan tính của các đồng minh khác. Ông tư lệnh Ukraine có đủ “máu” (hăng hái, liều…) để chơi sát ván hay không. Tại Mỹ, họ cần 1 chiến lược cụ thể để chiến thắng trong 1 – 2 năm thì chiến lược đó là gì? Không có chiến lược đó, thì rõ ràng khó có được dàn F-16 bay ào ào, hàng triệu đạn chùm bắn nát quân Nga.

Rồi lại nói, đưa chiến lược đó ra thì sao. Tất nhiên có hai yếu tố, Thứ nhất, chiến lược đó có rủi ro, vì phải đánh trong thời gian ngắn. Thứ hai, chiến lược đó phải được thực thi trên thực địa. Phải có những bước rủi ro, như đánh Kherson, đổ bộ Crimea, tấn công thẳng vào sau Donetsk. Hy sinh hàng chục ngàn lính là có thể. Và tướng lĩnh nào giữ vai trò đó, kể cả Zaluzhnyi, cũng phải sẵn sàng cho canh bạc đó.

Nếu không đưa (được) chiến lược đó (ra) thì sao ? Thì rất có thể không có được hỗ trợ lớn từ các đồng minh. Vì Đồng minh cần kết quả. (*)

Tóm lại, nói như này cho dễ tưởng tượng, đưa chiến lược đó ra thì 70 % có hỗ trợ lớn, nếu có hỗ trợ lớn và đánh to thì lại có 50 % thành công, 30 % bại to, 20 % nhì nhằng.

(1) Tỉ lệ thành công là mỹ mãn 35 %. (best case, = 70 % x 50  %).

(2) Tỉ lệ thất bại rất nặng, sấp mặt, đánh to và thua to, là 21% (70 % x 30 %) (worst case).

(3) Còn lại là 44 % (medium case, đưa chiến lược vẫn không được hỗ trợ để đánh to đành phải giữa nguyên 30 %, hoặc được hỗ trợ và đánh to nhưng thành công hạn chế 14 % = 70 % x 20 % - cũng không thất bại hẳn).

Nếu là tay máu, thì chơi ngay không vấn đề. Nhưng tay không máu, thì nó sẽ nghĩ và không động thủ. Đây không phải vấn đề nhân đạo, hay tử tế hoặc không tử tế với lính, đây là vấn đề cách làm. Cũng giống như các giám đốc công ty, nhiều khi họ sa thải hàng nghìn nhân viên, thì đâu có phải vì họ độc ác, mà họ đang tìm cách cứu công ty, cứu những nhân viên và cứu cổ đông còn lại.

Tôi sẽ bảo anh em Zelenskyy & Zaluzhnyi: “Thế này các em, phải chơi ngay đi, kể cả worst case, thì các đại ca cũng không để mình chết đâu. Mà kể cả các đại ca bỏ cuộc, anh em ta cùng thân bại danh liệt, thì đã sao, chỉ cần trời biết, đất biết, anh em ta cùng biết là đủ.” (**)

(Một số chú thích tôi thêm trong ngoặc đơn để các bạn nước ngoài dùng Google dịch dễ hiểu hơn).

Bình loạn : Đầu tiên, tôi xin bình thêm hai cái dấu tôi đã mark vào trong đoạn comment của bác NTT.

(*) Đồng minh không chỉ cần kết quả, mà còn cần cả kế hoạch khả thi, và đủ độ quyết đoán. Câu chuyện của cuộc tấn công mùa hè tháng 6/2023 vừa qua đã cho chúng ta thấy cách nhìn nhận của phương Tây (và có thể cả Zelenskyy) về phương pháp thi hành chiến tranh của họ. Chúng ta thừa nhận rằng, chúng ta đứng về phía Zaluzhnyi, ngay cả đến lúc này khi cho rằng, ông đã bảo toàn được lực lượng sau khi tấn công không chắc thắng theo kiểu đó.

Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó và bản thân tôi khi cho rằng, điều đó là đúng vẫn có băn khoăn khi sau đó, cuộc chiến tranh sa vào kéo dài, nhì nhằng và bế tắc… Nhưng chính phía Nga lại tạo ra những tiền đề rất tốt cho những chuyển biến, mà phía Ukraine hoàn toàn không động thủ. Tôi có thể kể ra một số điều kiện đó như sau:

Ngày 05/06/2023, Nga phá đập thủy điện trên sông Dnipro, chỉ sau khoảng 10 ngày nước đã rút hết và cuốn luôn rất nhiều bãi mìn của chính chúng đi đâu đó. Hơn thế nữa rất nhiều thiết bị của chúng cũng bị ngập nước đến mức… thủy kích, khỏi phải chạy. Mãi cuối năm quân Ukraine mới vượt sông khi Nga đã khắc phục được rất nhiều những vấn đề trên.

Trận Avdiivka, đỉnh điểm của nó khoảng một tháng rưỡi sau ngày nó khai cuộc (10/10/2023) và khi đó pháo binh của Nga mặc dù được chi viện bởi pháo của Kim Văn Uỷn, vẫn trên đà đi xuống thấy rõ và hoàn toàn có thể có một đòn đánh thật hiểm ở đâu đó, đủ để làm rung chuyển toàn bộ mặt trận, ít nhất về mặt chính trị.

(**) Đoạn này nghe hơi liều với câu “Mà kể cả các đại ca bỏ cuộc, anh em ta cùng thân bại danh liệt, thì đã sao, chỉ cần trời biết, đất biết, anh em ta cùng biết là đủ” – các đại ca bỏ cuộc nhưng anh em ta không được phép đánh bạc với vận mệnh đất nước. Đến đây thì chúng ta cần nhìn rõ một logic đã diễn ra trong suốt năm 2022. Khi Zelenskyy cùng chính quyền của mình chứng minh được quyết tâm ở lại bảo vệ đất nước, khi đó người Mỹ mới theo chân người Anh ủng hộ Ukraine, bắt đầu từ những thứ rất “nhỏ” như Javelin…

Không dưới vài lần tôi viết câu: “Phương Tây người ta nhìn thấy quyết tâm bảo vệ đất nước và chính quyền hợp hiến hợp pháp của nội các Zelenskyy thì người ta mới có lòng tin để tài trợ, ủng hộ, viện trợ chứ!” Vì vậy, nhiều no ít đủ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, dù phải đốt cháy cả dãy Karpat thì cũng phải giữ được quyền độc lập cho dân tộc! Chính trường Mỹ có khó khăn thì vẫn có châu Âu, có nước Anh, đều có thể xoay xở được, nhưng chính cái khó khăn đó cũng cho thấy: không thể kéo dài được! Quyết tâm mà chiến đi thôi.

Ý kiến riêng của tôi thì nhận thấy rằng, người ta bảo uy tín của Zelenskyy đang đi xuống – đúng, điều này hoàn toàn có thể. Vậy nó đi xuống vì cái gì? Anh tuyên bố nhiều cái nghe phấn chấn lắm, nhất là thất bại chắc chắn của Nga Putox và chiến thắng chắc chắn của quân và dân Ukraine. Nhưng anh đã để cho tình trạng kéo dài quá lâu, tất cả cùng mệt mỏi – và như thế thì uy tín đi xuống là cái chắc.

Từ khi nhận được Leopard với một số loại vũ khí tấn công khác – đúng! Nếu lao đầu vào “phòng tuyến Surovikin” thì thiệt hại nặng, các anh tạm dừng, nhưng từ hồi đó đến nay, quyết không kiếm được một phương án nào khác à? Nếu không có phương án khác, thì cố xin thêm vũ khí làm gì? Lãnh đạo chính trị nó có cái khó của lãnh đạo chính trị, theo tôi còn khó gấp đôi lãnh đạo quân sự nữa ấy chứ.

Thậm chí báo chí xứ phía Đông nước Lào còn có bài dạng “những chiếc xe tăng Leopard Ukraine nhận được đã biến mất đi đâu?”

Bây giờ tôi bàn tiếp về ý kiến của bác NTT: Tấn công thì có thể thua không? Thua chứ, khả năng thua cao hơn phòng thủ, cái đó là chắc chắn. Tuy nhiên và đương nhiên, không ai đi tấn công ở trên toàn tuyến mặt trận cả… Như cái bọn nhà báo ngu xuẩn xứ phía Đông nước Lào pro Putox chúng nó giật tít “Nga tấn công trên toàn bộ mặt trận” – 1.000 ki-lô-mét đấy bọn ngu ạ! Đến Liên Xô ngày xưa mạnh bằng tỉ lần quân đội khố rách áo ôm như của bọn Shoigu cũng chẳng bao giờ tấn công trên một chính diện 1.000 ki-lô-mét cả, thường chỉ hai, ba mũi mỗi mũi rộng chục, hai chục ki-lô-mét đổ lại thôi, sau đó khi thắng lợi mới phát triển mở rộng cửa đột phá.

Nhưng để tổ chức một chiến dịch tấn công cỡ nhỏ theo kiểu mùa thu năm 2022, thọc sâu đánh hiểm thì chắc là làm được và nên làm, với 50.000 lực lượng chính, 50.000 lực lượng dự bị – tôi nghĩ không đến nỗi là không có. Trong khi đó, tình thế tôi tưởng đã nhiều lần thuận lợi đến nơi rồi, nhìn cái cầu đất nối Donbas với Crimea ngon như thế, chỉ cần cắt lấy một nửa rồi giữ chắc, cứ thế bắn phá các đầu mối giao thông của Nga từ Crimea lên miền Nam Ukraine, là đủ chết. Chiến trường miền Nam mà vỡ, thì Donbas cũng nguy.

Không làm thì lấy đâu ra cơ hội tiếp theo.

Có bác viết: “Chưa nên thay Zaluzhnyi, không nóng vội được đâu...” – vâng, chúng ta không nóng vội hơn nửa năm nay rồi!

Vừa qua, có thông tin cho biết rằng chính EU cũng yêu cầu Ukraine điều chỉnh độ tuổi gọi nhập ngũ, từ đủ 27 xuống đủ 25, nếu không thì… Chúng ta ủng hộ người Ukraine đang rất nhân đạo và muốn giữ thế hệ trẻ để xây dựng đất nước, nhưng… Nếu đặt câu hỏi chẳng hạn Phần Lan có chiến tranh với Nga thì sao, với dân số ấy cố giữ độ tuổi 25 được không hay lại chẳng phải gọi từ 20 ??? Đứng trước vận mệnh đất nước, nhiều cái cố giữ mãi cũng chẳng được.

Đá bóng mà cứ cố giữ chân sợ chấn thương thì cũng chẳng thắng được, không thua là may.

2. Trong khi đó, đang có rất nhiều cơ hội chuẩn bị trượt qua mất

Quý vị nghĩ gì về việc Putox đẩy đến 70 % nền kinh tế Nga vào phục vụ chiến tranh chỉ để ném vào cuộc chiến với Ukraine? Vào thời điểm tháng 11, tức là cách đây 2 tháng tôi và quý vị rất lạc quan và tôi đánh giá rằng, người Nga đã phải tăng cường đẩy mạnh toàn bộ nền sản xuất quốc phòng để không thua trong năm 2024 sắp tới. Thời điểm đó, chiến trường đang cho thấy hai hình ảnh trái ngược nhau. Ngược với cách chiến đấu của Ukraine tập trung vào giữ tính mạng binh sĩ do đó đạn dược có độ chính xác cao trở thành ưu tiên hàng đầu; quân đội Nga với cách đánh lấy thịt đè người của mình đang làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước một cách nhanh chóng.

Đó cũng là thời gian mà tình hình cung cấp cho quân đội của Putox ngày càng trở nên tồi tệ và hiện tại hoàn toàn không bền vững. Tuyển vài trăm nghìn tân binh cứ sau vài tháng là chưa đủ, bọn Shoigu còn phải lo thiết bị cho lũ lính đó.

Khi đó, chúng ta phát hiện ra rằng Nga càng gửi nhiều xe tăng tới Ukraine thì chúng càng mất nhiều và càng cần sản xuất nhiều xe tăng mới. Ở Bakhmut hồi giữa năm ngoái và Avdiivka cuối năm nay, bộ binh Nga thường tấn công mà không có pháo binh và xe tăng hỗ trợ cần thiết dẫn đến cả nghìn lính mất mạng hàng ngày mà không đạt được chút lợi thế quân sự nào.

Quân đội Nga còn thiếu nhiều nguồn cung cấp thiết yếu khác: thực phẩm, quần áo, thiết bị sưởi ấm, radio và xe tải. Cuộc chiến chắc chắn ngốn nhiều trang thiết bị của Nga hơn nữa, đồng thời, Nga cũng không thể nhập khẩu một lượng lớn vũ khí và đạn dược từ một số quốc gia đồng minh vốn đã ít ỏi của mình. Vì vậy, việc tăng cường sản xuất trong công nghiệp quốc phòng là phương án duy nhất của Nga.

Về dài hạn, thông thường việc tăng chi tiêu cho quân đội sẽ có lợi cho đất nước vì nó kích thích tăng trưởng kinh tế: tạo ra nhiều việc làm hơn, người dân chi tiêu nhiều hơn và nhu cầu tăng lên nên các ngành khác cũng sản xuất nhiều hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn. Điều đó đúng với bất kỳ nền kinh tế đa dạng và tăng trưởng ổn định nào đồng thời các thành phần kinh tế được hoạt động không hạn chế. Khi đó, ngay cả khi chính phủ vay tiền để bổ sung ngân sách chi tiêu cho quốc phòng thì các lĩnh vực khác vẫn sản xuất đóng góp vào tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội).

Nhưng Putox không vay tiền để chi tiêu cho chiến tranh, mà hắn sử dụng hết (a) doanh thu từ xuất khẩu dầu và sau đó là (b) “quỹ dự phòng” – đầu tiên là móc trong kho dự trữ ngoại tệ và bán vàng trong kho dự trữ.

Tiếp theo, các lệnh trừng phạt nặng nề và đang dần có tác động với tốc độ khác nhau đến các lĩnh vực khác nhau. Rõ nhất là ngành hàng không, sau đó là công nghiệp hóa dầu. Lĩnh vực sản xuất ô tô dựa vào được Trung Quốc thì còn nhúc nhắc lòe bịp được thiên hạ. Buồn cười nhất, lĩnh vực sản xuất trứng và gia cầm cũng bị ảnh hưởng do cấm vận công nghệ. Tất cả những điều này có nghĩa là hầu hết lĩnh vực khác của nền kinh tế đang suy yếu, làm cho chỉ số GDP chung ngày càng giảm đi.

Một yếu tố nghiêm trọng có ảnh hưởng chung đến tất cả các lĩnh vực kinh tế là: các vấn đề ngày càng gia tăng về cơ sở hạ tầng gặp trục trặc, cũ kỹ và không được sửa chữa sẽ làm ngừng trệ từng bước một, từng góc một, từng lĩnh vực một của nền kinh tế. Do vậy bất chấp mấy cái mồm nói phét, kinh tế Nga không phải là một nền kinh tế đang phát triển mà là một nền kinh tế đang suy thoái.

Trước đây, tôi đã dẫn câu mà các giảng viên của Trường Quản lý Yale – Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian gọi những gì Putox đang làm là “sự ăn thịt nền kinh tế Nga.” Bất cứ hoạt động sản xuất kinh doanh nào còn tí hiệu quả, Putox đều nện thuế vào đầu nó để mõi tiền quăng vào lò lửa chiến tranh.

Ngộ nghĩnh nhất là đất nước “thành trì của hòa bình thế giới” và có quân đội thứ nhì thế giới, lại có chuyện “Hạ viện duyệt luật tịch thu tài sản người nói xấu chiến sự Ukraine”. Tôi thì cười mà rằng, vừa hết mẹ nó tiền, vừa bí bách về tư tưởng đến mức sợ người ta nói xấu, và xoay xở… hút vàng trong dân, he he. Còn tư lệnh LHA thì bảo, Putox bây giờ vào thế cùn, tự biến mình thành thằng Kim Văn Uỷn. Đúng là ma bùn với nhau.

Tất cả những điều trên, đúng về mặt dài hạn, nhưng về ngắn hạn những ngày vừa qua chúng ta đang chứng kiến quân Nga tấn công mạnh ở Kupyansk, và có vẻ như chúng đã được phục hồi phần nào. Một mặt, có thể cho rằng nếu tiếp tục để kéo dài đến tầm trung hạn, thì Nga sẽ có khả năng hồi phục và chúng ta cũng như người Ukraine sẽ không thể chờ được đến cái kết cục của dài hạn mà mong kinh tế Nga sụp đổ.

Mặc dù Nga đang chứng minh là mình đã hồi phục được phần nào, nhưng quan trọng nhất vẫn là xu thế chung. Xu thế đó là: Nga dù có phục hồi ở chiến cục đông xuân này thì vẫn đi từ cái gốc thiệt hại quá nặng trong chiến cuộc mùa thu, muốn phục hồi đủ để thay đổi cán cân thì phải đến mùa đông cuối 2024. Vì thế mặc dù Ukraine không đủ lực, vẫn phải đánh, không đánh to thì đánh nhỏ và hiểm. Tư lệnh LHA nói đúng, dân chủ là vận động chứ không phải ổn định. Vì thế nếu không quyết liệt thì có thể sẽ rất lâu mới thắng được, thậm chí có thể thua lại.

Cái gì cần, thì vẫn phải làm. Hôm qua tôi đoán việc Zaluzhnyi nghỉ, khả năng là 95 % thì đến bản tin của CNN lúc 22:40 EST ngày 31 tháng 1 năm 2024 (10:40 phút sáng 1 tháng Hai theo giờ Hà Nội), “Zelenskyy chuẩn bị tuyên bố sa thải chỉ huy hàng đầu của Ukraine trong vài ngày tới” thì chuyện gần như chắc chắn đến 99 % rồi.

3. Khi GLSDB đến Ukraine… tôi đính kèm bài này bản đồ tầm ảnh hưởng của nó lên hậu phương của Nga

Bà thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đến Kyiv và thông báo Ukraine sắp nhận được bom (phóng từ) mặt đất đường kính nhỏ do Mỹ sản xuất hay GLSDB. Việc này đã bị trì hoãn đến hơn một năm qua. Phát biểu thêm, Viktoria Nuland nói: “Bất ngờ chờ đợi Putox trên chiến trường.”

Bà tự tin rằng Ukraine sẽ đạt được thành công lớn vào năm 2024 và đảm bảo rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí mới.

“Quân phòng thủ Ukraine đã giải phóng hơn 50% lãnh thổ mà Nga chiếm giữ sau ngày 24 tháng Hai. Lực lượng phòng thủ của các bạn đã gây thiệt hại lớn cho lực lượng lục quân của Putox và Hạm đội Biển Đen, đẩy các tàu của ông ta ra xa bờ. Và điều sẽ đến, tới lượt nó đã xảy ra: đã giúp nền kinh tế Ukraine tăng trưởng 4% đến 5% vào cuối năm ngoái và sang năm nay – điều mà các nước trên thế giới phải ghen tị”, Nuland nhấn mạnh, đồng thời lưu ý việc khôi phục xuất khẩu ngũ cốc về mức trước chiến tranh.

Trước đó mấy ngày, Mỹ công bố chiến lược giúp Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga.

Ukraine vào năm 2024 sẽ mạnh hơn và có vị thế tốt hơn để giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Điều này đã được Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Châu Âu và Á-Âu James O'Brien, VOA đưa tin.

“Như Tổng thống Biden đã nói, chúng tôi sẽ giúp Ukraine giành chiến thắng. Vì vậy, đây là một mục tiêu chiến lược,” O’Brien phát biểu tại tổ chức tư vấn Quỹ Marshall của Đức. Ông cho biết, điều này sẽ đạt được nhờ sự hỗ trợ tài chính hơn nữa của Mỹ và các cam kết của châu Âu vẫn được mong đợi.

Đặc biệt, EU có kế hoạch đưa ra quyết định phân bổ hỗ trợ cho Ukraine với số tiền 50 tỉ euro. Theo ông, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken vào tuần trước, bày tỏ sự tin tưởng rằng họ sẽ có thể đảm bảo nguồn tài trợ này. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ xem xét vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới.

Và về sự hỗ trợ của Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao nước này nói thêm:

“Có những thăng trầm về phía chúng tôi, nhưng tôi sẽ nói hai điều. Có sự ủng hộ to lớn dành cho Ukraine ở cả hai viện của Quốc hội. Vấn đề duy nhất là khi nào các nhà lãnh đạo sẽ sẵn sàng đưa nó ra biểu quyết. Và với tư cách là Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Châu Âu, tất cả những gì tôi muốn nói là mỗi ngày mọi người đều chiến đấu và chết để bảo vệ an ninh của họ và của chúng ta. Và tôi nghĩ bây giờ là lúc chúng tôi có mặt để giúp họ tiến về phía trước.”

4. Nói tiếp về cháy nổ

Một số tin tôi đã tổng kết tại đây.

Bình loạn : Về vụ nổ lớn đã xảy ra ở Sankt Peterburg, như mọi khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã đánh chặn thành công một máy bay không người lái, nhưng không rõ tại sao tình hình đã ổn định mà sân bay vẫn phải phải đóng cửa. Cụ thể là, sáng sớm ngày 31/01, khoảng 04 giờ 45 (theo giờ Mátxcơva) người dân Sankt Peterburg đã chồm dậy khỏi giường vì một vụ nổ cực mạnh. Tiếng động lớn này đã được các camera an ninh ghi lại, còi báo động trên các ô tô kêu ầm ĩ.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương và cả trung ương Nga, đã có một cuộc tấn công từ MỘT máy bay không người lái. Nó đã đâm vào nhà máy dầu nhiên liệu Nevsky. “Máy bay không người lái đã bị hệ thống phòng không S-400 Triumf bắn hạ. Vụ việc đã gây ra một đám cháy nhỏ tại nhà máy, cụ thể là 3 bồn chứa rỗng bốc cháy. Tuy nhiên, ngọn lửa đã được dập tắt nhanh chóng và rất may không có thương vong về người. Thiệt hại duy nhất là những chiếc ô tô đậu trong khuôn viên nhà máy bị hư hại.”

Nhưng không hiểu sao chỉ có 3 bồn chứa rỗng bị đâm hỏng, mà cần đến khoảng VÀI TÁ xe chữa cháy và không phải “chữa ngay trong đêm” (ý là lúc trời còn tối) mà đến tận sáng vẫn chữa. Ngoài ra, sân bay Pulkovo từ 03 giờ 53 đến 05 giờ 11, toàn bộ vùng trời bị đóng vì “vật thể bay không xác định.” Kết quả là hàng loạt chuyến bay bị hủy hoặc delay.

Đây cũng chỉ là một trong các sự kiện, mà như Budanov đã thông báo: “Người Nga cuối cùng cũng nhìn thấy bức tranh thực tế của cuộc chiến. Họ nhìn thấy những kho dầu bốc cháy, những nhà máy và nhà máy bị phá hủy.” Ông nói thêm: “Sáu tháng tới sẽ rất thú vị, vì trong giai đoạn này, cuộc tấn công của Nga ở tiền tuyến sẽ kết thúc.”

5. Nói vậy thôi, tình hình chiến trường rất chi là căng thẳng.

Liền mấy ngày qua, số lượng “kiện hàng 200” đều đều đạt xấp xỉ trên dưới 1.000, số xe tăng cũng đều đặn chục chiếc, xe bọc thép 30 chục chiếc. Đặc biệt hôm kia (trong ngày 30) số pháo bị diệt lên tới 51 cỗ, còn hôm trước nữa và hôm qua đều xấp xỉ 3 chục.

Theo lời của trung tướng Budanov, Nga đang cố gắng nỗ lực tiến tới sông Zherebets tức là hướng Lyman – Kreminna. Zherebets là một sông nhỏ ở tây Donbas, có chiều dài khoảng 90 ki-lô-mét đổ vào sông Oskil. Mời quý vị xem bản đồ tôi gửi kèm theo đây, trên đó có 2 phòng tuyến sông, thì Zherebets tôi đánh chữ B, trước đó quân Nga còn phải vượt được qua phòng tuyến A nữa, đó là những nhánh của hệ thống Siverskyi Donets mà trước đây khi đánh chiếm Sievierodonetsk chúng đã phải vượt qua và thiệt hại rất nhiều.

Theo nhìn nhận cá nhân của tôi, vượt qua A còn chưa được, đừng nói đến B. Trong khi đó tham vọng của bọn Putox với Shoigu là đến được sông Oskil. Mời quý vị xem bản đồ tôi đã đánh dấu, nguồn ISW.

6. Thực sự bây giờ không dám đoán mò cái gì cả, mà tôi đồng ý với tư lệnh LHA: Cả Ukraine và Nga đều có những cái bí của mình, nhưng Nga bí hơn.

Tại sao vậy? Vì cái vụ bầu cử của Putox, làm cho hắn bị kẹt deadline và bắt buộc phải có chiến thắng, chứ cái trò hạ thấp vai trò của chiến tranh trong đời sống xã hội Nga, coi như vứt đi rồi. Hạ thấp làm sao được khi khắp nơi cháy nổ đì đùng như thế, mất điện vỡ ống nước lung tung cả, bây giờ chẳng đổ cho chiến tranh thì đổ cho cái gì.

Do đó, hệ thống truyền thông của hắn đang làm việc theo hướng, Nga Putox đang tỏ ra rằng ĐANG TRÊN ĐÀ CHIẾN THẮNG. Điều này thể hiện rất rõ trên báo chí xứ phía Đông nước Lào. Tuy nhiên chỉ cuối tuần này quả GLSDB đầu tiên mà được bắn, tình hình sẽ bắt đầu khác và cái sự khác đó sẽ diễn ra suốt tuần sau, tức là từ giờ đến… Tết và cả ra Giêng. Quả thực cái món này đến quá kịp thời, “Cập thời vũ Tống Công Minh” Songjiang gọi bằng cụ.

Theo tư lệnh LHA, thì nếu trong tháng Hai có sự kiện nào đó đủ mạnh tác động lên tình hình, thì chính trường Nga của Putox lung lay tợn, và bắt buộc phải có động thái để cứu, mà cứu thì chỉ có thể bằng đàm phán với Ukraine, và chúng sẽ phải nhượng bộ khá nhiều đến rất nhiều. Còn nếu vẫn ngoan cố không chịu đàm phán, thì sẽ có sự cố với… Boris Nadezhdin, đối thủ chủ yếu của Putox, nghĩa là hắn sẽ phải ra tay triệt hạ. Mà nếu như vậy thì khả năng diễn ra đại loạn là rất cao.

Trời ơi cơ hội quá đẹp mà không vợt! Nếu không phải bây giờ thì là không bao giờ!

PHÚC LAI 01.02.2024

No comments:

Post a Comment