Wednesday, February 28, 2024

Việt Nam kêu gọi ủng hộ để tái đắc cử Hội đồng Nhân quyền LHQ
VOA Tiếng Việt
28/02/2024
VOA

Ngoại trưởng Việt Nam Bủi Thanh Sơn bắt tay Cao ủy Nhân quyền LHQ Voldker Turk tại trụ sở của UNHRC ở Geneva, Thụy Sỹ, hôm 27/2.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi sự ủng hộ quốc tế khi Việt Nam tái tranh cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) trong nhiệm kỳ tới bất chấp sự chỉ trích từ các tổ chức quốc tế về hồ sơ nhân quyền yếu kém của mình.

Việt Nam được bầu vào UNHRC cho nhiệm kỳ 3 năm bắt đầu từ tháng 1 năm ngoái. Quốc gia Đông Nam Á đắc cử nhiệm kỳ 2023-2025 trong Hội đồng Nhân quyền của tổ chức liên chính phủ lớn nhất thế giới dù trước đó đã tăng cường trấn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến trong nhiều năm.

Ông Sơn đưa ra lời kêu gọi ủng hộ khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 của UNHRC tại Geneva của Thụy Sỹ, theo truyền thông trong nước.

Theo báo Tin Tức của TTXVN đưa tin hôm 27/2, ngoại trưởng Việt Nam đã gặp mặt Cao ủy Nhân quyền LHQ Volder Turk và một số nhà ngoại giao quốc tế tại Geneva.

Tại cuộc gặp với người đứng đầu UNHRC, ông Sơn được Tin Tức trích lời nói rằng Việt Nam bảo đảm sự thụ hưởng quyền con người cho người dân trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước gần 40 năm qua. Theo tờ báo của TTXVN, ông Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền con người, đồng thời chia sẻ thông tin về việc hoàn thành báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.

Phiên rà soát theo chu kỳ UPR nhằm xem xét tình hình nhân quyền của Việt Nam được ấn định diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 tới đây. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế HRW và các tổ chức khác hồi cuối năm ngoái đã đệ trình những điều mà họ cho là vi phạm về nhân quyền của Việt Nam lên UNHRC. Theo báo cáo của HRW lên cơ quan LHQ hồi tháng 10, tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đợt UPR lần cuối vào tháng 1/2019.

Tuy nhiên tại phiên họp của UNHRC ở Geneva hôm 26/2, ông Sơn cho biết Việt Nam đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019, theo Tin Tức. Nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, ông Sơn được tờ báo này trích lời nói rằng trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hằng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng Việt Nam tái khẳng định tại phiên họp của UNHRC rằng các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ gồm có việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người.

Nhưng HRW đã gọi 2023 là một năm “u ám” về nhân quyền tại Việt Nam. Trong một báo cáo đưa ra vào tháng 1 vừa qua, tổ chức này nói rằng chính phủ Việt Nam đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam trong năm 2023. Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay sau đó phản bác cáo buộc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ và cho rằng các thông tin này là “bịa đặt.”

Bất chấp bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền, ông Sơn, theo Tin Tức, đã tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hội Việt Nam tái ứng cử làm thành viên của UNHRC nhiệm kỳ 2026-2028.

Tờ báo của TTXVN cho biết Cao ủy Nhân quyền chúc mừng Việt Nam có năm đầu tiên trên cương vị thành viên UNHRC “vô cùng thành công” khi gặp ông Sơn, và ông Turk đã đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của Việt Nam đối với Văn phòng Cao ủy cũng như mong muốn tiếp tục hợp tác hai bên.

No comments:

Post a Comment