Tuesday, February 27, 2024

Dương Quốc Chính - Chiến tranh Pháp-Việt nổ ra như thế nào ?
mardi 27 février 2024
Thuymy

Mình mới đọc được comment của một người hình như là thày giáo dạy sử, như ảnh đính kèm, khi bạn này bình luận về quân Pháp vào thời điểm họ tấn công vào phía Việt Nam. Comment tuyệt đối đúng sách giáo khoa, mà thày được học và đi dạy!

Xét thấy quan điểm này quá phổ biến đối với người Việt và được coi là quan điểm chính thống, yêu nước, nên người ta mặc sức tuyên truyền một cách vô tri. Mình tin là rất hiếm người được hoặc cố gắng tìm đọc thông tin nhiều chiều, nên cũng mặc nhiên coi quan điểm này là tuyệt đối đúng.

Theo những gì mình tìm hiểu lâu nay, người Pháp trước thời điểm bị Nhật đảo chính năm 45 có cách hành xử rất khác với người Pháp quay trở lại Đông Dương với vai trò giải giáp Nhật đại diện đồng minh. Ban đầu là thay thế người Anh ở Nam vĩ tuyến 16, sau Hiệp định Sơ bộ 06/03/1946 thì tiếp tục thay thế quân Tưởng ở Bắc vĩ tuyến 16.

Như vậy, Pháp quay lại Đông Dương là có chính danh được sự ủy quyền của đồng minh. Quân Pháp ra Bắc sau khi thỏa thuận với quân Tưởng và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy nếu nói Pháp xâm lược như thày giáo kia thì hóa ra chính chủ tịch Hồ Chí MINH đã mời quân xâm lược ra Bắc sao? Đánh giá thô sơ vậy là rất thiếu hiểu biết lịch sử.

Còn khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, rồi Gia Định thì đúng là xâm lược rồi. Nếu coi việc Pháp tấn công quân dân Việt Nam sau khi ra Bắc mới là xâm lược, thì diễn biến của vụ này vào những ngày cận kề chiến tranh chắc không có mấy người Việt Nam được biết, hoặc biết một chiều thôi. Trích đoạn dưới đây từ cuốn sách chính thống Paris-Saigon-Hanoi, do NXB Tổng hợp phát hành sẽ cho mọi người một góc nhìn khác, bao gồm cả sự kiện Pháp tấn công Việt Nam ở Hàng Bún mà ông thày lịch sử nêu.

Bộ phim Đào công chiếu làm rộ lên tinh thần chống Pháp theo lề, đúng như ông thày kia comment. Đấy chính là hiệu quả của việc tuyên truyền.

Trích:

Trên bình diện quân sự, ngay từ 17/12, người ta quan sát được một sự căng thẳng đột xuất tại Hà Nội. Ngày 16, Valluy đã ra lệnh cho Morlière giải tỏa những chướng ngại vật tại Hà Nội.  “Việc xây dựng những chướng ngại vật của Việt Nam lấn sang cả khu người Pháp [65] đã buộc ban liên lạc Pháp phải cảnh cáo (ngày 15) phía liên lạc Việt Nam rằng bộ chỉ huy quân đội Pháp không thể nào chấp nhận việc xây dựng những vật chướng ngại như vậy ngăn cản giao thông ở khu người Pháp. Nếu những sự lạm dụng đó vẫn được duy trì thì chúng sẽ bị phá hủy bằng sức mạnh”.

 Ngày 17/12, ban liên lạc Pháp báo trước rằng, do những lời phản đối của họ không đem lại kết quả gì đáng kể nên bộ chỉ huy sẽ ra lệnh dọn sạch những chướng ngại vật nói trên. Công việc dọn dẹp đã được tiến hành lập tức, lúc đầu chẳng có sự cố gì xảy ra. Nhưng, một nơi khác, một xe tải của Pháp bị tiến công và tất cả những người trên xe đều bị giết trong những điều kiện dã man. Trả đũa: Một đồn tự vệ bị triệt hạ, “truy quét ở khu phố lân cận”, sau đó là một loạt những vụ xung đột xảy ra trong thành phố, có những người chết và bị thương ở cả hai bên. 

Ngày 18, tình hình xấu đi: Lúc 7 giờ, một toán quân nhảy dù đi thăm dò tìm kiếm xác một người bạn bị mất tích hôm 12, đã bị ném lựu đạn. Quân Pháp phản công lại, ngót 30 người Việt Nam vừa chết vừa bị thương. Dỡ các chướng ngại vật đi, các quân Tự vệ bị kích thích ngày càng có thái độ tiến công. Báo cáo của ủy viên Cộng hòa gửi Sài Gòn lại nói rằng “những cơ quan liên lạc Việt Nam đã làm hết sức mình để tránh không cho các vụ rắc rối phát triển thêm”. 

Trước sự phát triển của sự căng thẳng đó, nó trùng hợp hoàn toàn với việc bầu Léon Blum, Hồ Chí Minh nghi ngờ rằng bức thông điệp ngày 15 của ông có thể đã “bị thất lạc”, bèn gửi một bức thông điệp mới cho Blum. Trước là chúc mừng, sau ông nói:  “Chúng tôi nói lên niềm tin chắc chắn rằng dưới Chính phủ Ngài, cuối cùng chúng tôi sẽ được thấy thực hiện tại Việt Nam đường lối chính trị chân chính của nước Pháp đã được Đảng SFIO và bản thân Ngài công bố, xuất phát từ sự tôn trọng các hiệp định hợp tác chân thành và thân ái...”

Tới đây, ông Hồ nhắc lại bức thông điệp ngày 15 nhằm mục đích “chuẩn bị một bầu không khí thuận lợi cho những cuộc điều đình dứt khoát sắp tới ra được dự kiến. Tôi tin chắc rằng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp qua Việt Nam để mang tình hữu nghị của dân tộc Pháp đến cho dân tộc Việt Nam và để chứng kiến tình hình tại chỗ sẽ đóng góp nhiều vào việc tạo ra bầu không khí tin cậy và hữu nghị đó...”

Bức điện ngày 18/12 chỉ được Sài Gòn chuyển cho Paris trong đêm 19 rạng ngày 20 và chỉ tới Paris (ngoại số) vào ngày 22 lúc 16 giờ! Việc Sài Gòn xuyên tạc các phương tiện giao tiếp đã dẫn tới hậu quả chắc chắn là ngăn cản hết mọi cuộc đối thoại. 

Ngày 18, Sainteny còn điện cho Sài Gòn:  “Dường như có sự phân vân hay sự rút thăm trong Chính phủ Việt Nam để xác định thái độ cần giữ lúc này. Dầu sao, cái quyết tâm không phát động một cuộc đổ vỡ toàn bộ vẫn được ghi nhận cho tới hôm nay. Thái độ của Nam trong những lần hội kiến riêng có thể là thầm chấp nhận chính phủ bị đau đầu vì một số phần tử cực đoan.

Chuyện đó không ngăn cản việc buổi chiều hôm đó, sau những phát súng bắn vào một chiếc xe đi sát xe của tướng Morlière, lệnh chiếm đóng bộ Tài chánh và bộ Giao thông mà hình như những phát súng đã từ đó bắn ra. Và bởi vì các chướng ngại vật vẫn còn dựng lên và vì không thể chịu để cho những trục đường chính của khu vực người Pháp bị tắc, Sainteny đã ra lệnh giải tỏa bằng máy ủi. 

Lần này, các chỉ huy quân sự của Việt Nam nắm phần ưu thế. Phải chăng phần đầu của “màn kịch đảo chính”đã được chuẩn bị qua thông tri tháng Tư của Valluy? Quân Pháp sắp sửa lặp lại sự kiện Hải Phòng! Phải đi trước họ! Đã đến lúc phải đánh. Những chỉ thị cuối cùng đã được chấp thuận ngày 18.

Buổi sáng ngày 19, các lực lượng quân Việt Nam đã được tập trung trong và quanh thủ đô được thông báo rằng ngay đêm nay cuộc tấn công sẽ khởi sự. Nhưng giờ H chưa được ấn định. Các đội Tự vệ được giao trách nhiệm vô hiệu hóa các thường dân Pháp. 

Chính phủ Việt Nam vẫn không hề nao núng. Hãy đợi chút nữa, sẽ thấy Paris muốn gì. Không nên tiến hành chuyện gì chống lại người Pháp khi chưa biết rõ ý định sâu sắc của họ. Vì vậy trong khi ban liên lạc Việt Nam tiếp tục phản kháng, một lần nữa họ lại giữ một thái độ trì hoãn, bất chấp yêu sách của người Pháp đòi dọn sạch chướng ngại vật.

Buổi sáng ngày 19, trước thái độ tấn công ngày càng tăng của các đội tự vệ, tướng Morlière yêu cầu Nam nghĩ cách tước bỏ vũ khí của họ đi như một bằng chứng của thiện chí hòa bình. Ông ta đề nghị với Nam một cuộc gặp gỡ nhằm nghiên cứu chung những biện pháp cần thực hiện về vấn đề này. Nam trả lời rằng những đề nghị ấy sẽ được đệ trình Hội đồng Chính phủ ngày 20. Nhưng hồi 9 giờ 30, Giám đã đề nghị gặp Sainteny vào buổi chiều. Sainteny, lấy cớ quá bận, cho trả lời ông ta sẽ gặp Giám hôm sau. Khoảng trưa thì Sainteny nhận được một bức thư rất ôn hòa của Hồ Chí Minh tỏ lòng hy vọng rằng Sainteny cùng với Giám sẽ tìm ra được một giải pháp. 

•Guồng máy 

Tại Hà Nội, người ta vừa nhận được tin bộ trưởng Marius Moutet sắp tới. Hôm trước, Léon Blum đã yêu cầu ông ta sang ngay Đông Dương để phân tích tình hình. Chính phủ Việt Nam liền có ngay những quyết định thích hợp. Giáp đã yêu cầu Morlière đóng góp công sức nhằm làm giảm sự căng thẳng bằng cách cho quân đội thôi cấm trại. Morlière chấp nhận với một sự mạo hiểm có tính toán, nhưng có tác dụng chứng minh cho Giáp thấy lòng chân thành của mình và sự “chưa đến lúc xảy ra một cuộc đảo chính”... 

Đầu buổi chiều, Tổng bộ Việt Minh họp với các bộ trưởng chính và quyết định, hình như là sau khi đã nhìn thấy lệnh của Morlière giải phóng cho quân đội khỏi phải cấm trại, và nhất là sau khi biết bộ trưởng Marius Moutet sắp đến, sẽ hủy lệnh tiến công dự định vào đêm hôm đó. Trước mắt không thấy phía Pháp sửa soạn một cuộc tấn công nào ngay lúc đó, cho nên chẳng cần phải đề phòng nữa. Khoảng 16 giờ, Giáp triệu tập các chỉ huy quân sự chủ chốt họp tại Bạch Mai và phổ biến quyết định.

Các đơn vị được thông báo ngay trong giờ sau, với lời chú thích cụ thể: mệnh lệnh trước không được thi hành “dù bất cứ với duyên cớ nào”trừ khi có lệnh của cá nhân Giáp. Phải tránh mọi khiêu khích”. 

Thế nhưng, lúc 17 giờ, một người Âu lai Á là Fernand Petit, nhân viên một cơ quan phản gián đặc biệt, từ nhiều tháng nay, đã tìm cách chui được vào hàng ngũ tự vệ, báo cáo cho ban Tham mưu của Morlière rằng vừa sáng hôm đó y đã nắm được tin quân Việt Nam sẽ tấn công vào lúc ban đêm, rằng tự vệ và ba sư đoàn đang ở trong thế báo động và đã nhận được các mệnh lệnh.

Trên cơ sở cái tin “lạc hậu” ấy, các đội quân vừa được thôi cấm trại đã cấp tốc được gọi trở về thành. Người ta bố trí trận thế; các thường dân Pháp tản mát được gọi trở về để tránh chuyện bất trắc. Sau đó Petit lại trở về với hàng ngũ tự vệ và hình như không nói lại gì với những ai khẳng định rằng “quân Pháp sẽ tấn công vào tối hôm nay”. Sự việc này có thể đã gây ra, ít nhất trong một vài đơn vị tự vệ, một mệnh lệnh khác: thực hiện một hành động hạn chế vào lúc 20 giờ, một kiểu “bắt con tin”, không phải một cuộc tấn công toàn diện... 

Dù sao thì đúng 20 giờ, điện Hà Nội bị cúp, trong khi tự vệ tấn công các nhà ở của người Pháp tại nhiều điểm. Xe của Sainteny, trên đường rời nhà mình đến dinh Ủy viên Cộng hòa, bị trúng mìn; ông ta bị thương nặng, nhưng được đón chuyển đến nơi an toàn.  Trước cuộc tấn công “chờ đợi” (và có lẽ là đã được gây ra) ấy, lập tức quân Pháp phản công và mở rộng cuộc phản công tức khắc đến các cơ quan trung ương của Chính phủ Việt Nam, đồng thời tìm cách bảo vệ thường dân Pháp và những điểm xung yếu đến mức độ tối đa.

Hồ Chí Minh suýt nữa bị các trung đội tấn công của Pháp đánh thẳng vào Bắc Bộ phủ bắt được. Đại tá Herkel, chỉ huy khu vực Hà Nội, kể lại:  “Trong lúc nơi ở của Hồ Chí Minh bị tấn công, những người bảo vệ đã vừa chiến đấu vừa hát cho đến người cuối cùng, và một trong bọn họ, trên sân thượng, vẫn đánh đàn măng đô lin cho đến khi người ta xông lên bắn thẳng vào ngực ngã xuống mới thôi. Tại trại lính người bản xứ, họ cũng chiến đấu quyết liệt như vậy. Bị bao vây, họ kiên quyết không chịu hàng và bị máy bay ném bom nghiến nát. Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông, bị bao vây, mãi đến gần sáng mới thoát được ra khỏi thành phố, và rút lui về đồng bằng dưới sự yểm trợ của những đơn vị ưu tú.

 Và chỉ đến 22 giờ, Giáp mới truyền đi, khắp toàn cõi Việt Nam, mệnh lệnh động viên và tấn công các vị trí Pháp. Lần này, đúng là người ta đang chứng kiến một “cuộc chiến tranh tổng thể thật sự tái diễn”.  Quả vậy, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, trong đêm khuya, tại Hà Nội; mỗi bên đều nghĩ rất chính đáng rằng chính bên kia đã tấn công. Và, lần lượt mệnh lệnh của Giáp truyền đến đâu là nơi đó quân đội Việt Nam chuyển ngay sang tấn công quân Pháp: Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương v.v… Đây là cuộc mở rộng xung đột (từng chờ đợi và từng mong ước) ra phạm vi toàn quốc.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 27.02.2024

No comments:

Post a Comment