TT Pháp Macron có quá vội vã khi không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraina ?
Phan Minh
Đăng ngày: 28/02/2024 - 14:31
RFI
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo tại điện Elysée ở Paris, Pháp, ngày 26/02/2024. AFP - GONZALO FUENTES
Trang nhất và bài xã luận của tờ Le Figaro nhận định chủ nhân điện Elysée dường như đã quá vội vã và mạo hiểm với tuyên bố của mình. Tại châu Âu, Macron là một trong những nhà lãnh đạo không ngừng lên tiếng phải tìm cách hòa dịu với Vladimir Putin, giờ đây là người đầu tiên nghĩ đến chuyện “động binh” hỗ trợ Ukraina chống Nga. Lập trường của tổng thống Pháp khiến ông rơi vào thế bị cô lập, khi các đối tác châu Âu nhận định giả thuyết này “chưa hề được tính đến”.
Nhật báo thiên hữu đặt câu hỏi, Emmanuel Macron đang có dụng ý gì khi “khoác lên người bộ quân phục” ? Không lẽ ông định dọa nạt Putin ? Bởi Le Figaro nhận định tất cả những lời cảnh báo mang tính răn đe hoàn toàn không lay chuyển được chủ nhân điện Kremlin và cho rằng xu hướng tự chủ chiến lược tại lục địa già mà Emmanuel Macron luôn muốn đạt được sẽ không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh nếu viễn cảnh duy nhất được vạch ra là một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga.
Bài xã luận tỏ ra băn khoăn khi nhận định tổng thống Macron dường như đang tìm cách khiến dư luận “quên đi” những vấn đề trong nước sau cuộc cải tổ nội các “rùm beng” và khủng hoảng nông nghiệp vừa qua. Le Figaro kết luận việc chủ nhân điện Elysée khoác lên người chiếc áo của tổng tư lệnh quân đội để đương đầu với Putin sẽ chỉ là “lời nói không đi kèm hành động”.
Emmanuel Macron dường như « biết mình đang làm gì »
Tờ Libération cũng dành trang nhất và bài xã luận nói về tuyên bố của Emmanuel Macron trong hồ sơ Ukraina. Bất kể mục đích của tổng thống Pháp sau bài phát biểu hôm 26/02 là gì, nhật báo thiên tả không thể phủ nhận Paris dường như đang thực sự thay đổi lập trường với Matxcơva. Chiến tranh bước sang năm thứ ba hôm thứ Bảy vừa qua đi kèm với cuộc phản công thất bại của quân đội Ukraina vào năm ngoái dường như đã khiến tổng thống Macron có những “tính toán” như trên. Bởi nếu phương Tây cung cấp đủ lượng vũ khí cần thiết mà Ukraina muốn nhận được, cuộc phản công của Kiev có thể đã thành công và Vladimir Putin sẽ không cơ hội để tự mãn. Cái chết của Alexei Navalny cũng là một cú sốc đối với phương Tây. Mặc dù hy vọng chứng kiến nhà đối lập Nga được trả tự do hết sức mong manh, song cái chết của ông vẫn thể hiện cho sự tàn bạo và chủ nghĩa “không từ thủ đoạn nào” của chế độ Nga. Không gì có thể ngăn cản được Putin, và hiển nhiên không phải những “lời dỗ ngon dỗ ngọt” của Emmanuel Macron lúc mới nổ ra xung đột.
Chủ nhân điện Elysée đã ngộ ra điều này sau nhiều cuộc tấn công mạng của Nga nhắm vào Pháp. Thông qua Ukraina, Vladimir Putin thực sự đang nhắm tới toàn bộ châu Âu. Và mối đe dọa này càng trở nên rõ rệt khi ở bên kia Đại Tây Dương, viễn cảnh Donald Trump trở lại Nhà Trắng đang dần trở thành hiện thực, cùng với đó là tư tưởng thân Nga và chống Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tất cả những sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử Nghị Viện châu Âu trong bối cảnh phe cực hữu sẵn sàng kết thân với tổng thống Nga đang trỗi dậy ở khắp châu lục. Libération nhận định phát biểu của nguyên thủ Pháp chỉ là hành động mang tính tượng trưng nhằm mục đích răn đe. Paris sẽ không điều binh sĩ ra chiến trường khi các đồng minh châu Âu và Hoa Kỳ đều đã lên tiếng phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên, điều này có thể thúc đẩy việc đào tạo quân nhân và bảo trì các thiết bị quân sự. Lịch sử sẽ chứng minh Emmanuel Macron có phải là một nhà ngoại giao vĩ đại hay không.
Ưu tiên của châu Âu là đoàn kết với Ukraina
Giống với Libération, trang nhất và bài xã luận của tờ La Croix cũng không chỉ trích phát biểu của Emmanuel Macron. Tuyên bố này đã gây chấn động dư luận và ai cũng hiểu điều đó. Giả thuyết về một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, một cường quốc hạt nhân hung hăng tột độ khiến cả châu Âu lo lắng, song nhật báo Công Giáo cho rằng tuyên bố của tổng thống Pháp cần phải được đặt trong bối cảnh lúc diễn ra cuộc họp ngày 26/02.
Nhận thấy những khó khăn của Ukraina trên chiến trường, các nhà lãnh đạo tập trung tại điện Elysée đã quyết định tăng cường những hỗ trợ dành cho Kiev. Trong một số trường hợp, nhiều nước sẽ cử quân nhân ra chiến trường, nhưng không phải là lực lượng chiến đấu. Các quốc gia sẽ đưa ra những quyết định riêng lẻ, chứ không phải ở cấp độ NATO hay Liên Hiệp châu Âu (EU). Chẳng hạn như Ba Lan đã gửi máy rà phá bom mìn tới khu vực Kiev. Đức, Ý và Tây Ban Nha dường như không có chung lập trường với cách tiếp cận vấn đề của Pháp. Mặt khác, Luân Đôn đã ngầm hưởng ứng quan điểm của Paris khi Anh Quốc không bác bỏ việc “triển khai quân đội”.
La Croix kết luận những cuộc tranh luận vẫn đang được tiến hành và lập trường của các nước có thể sẽ thay đổi. Hồ sơ này cũng phải được thảo luận một cách kỹ lưỡng ở Pháp, bởi điều này liên quan đến việc thực hiện một bước tiến quan trọng trong cuộc đối đầu với một cường quốc ngày càng hiếu chiến. Việc tổng thống Macron lên kế hoạch tổ chức cuộc tranh luận tại Quốc Hội là điều đáng hoan nghênh. Ngoài việc bày tỏ những lập trường khác nhau, các nước phải tỉnh táo và thể hiện lòng dũng cảm cũng như tình liên đới với Ukraina.
Đức từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraina
Tờ Les Echos cũng dành trang nhất nói về tình hình ở Ukraina. Nhật báo kinh tế có bài viết giải thích tại sao Berlin từ chối chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev. Vào thời điểm Emmanuel Macron không loại trừ khả năng điều quân tới Ukraina, thủ tướng Đức Olaf Scholz tỏ ra rụt rè hơn và lần đầu tiên lên tiếng giải thích lý do tại sao ông phản đối việc chuyển giao tên lửa này cho Ukraina.
Olaf Scholz khẳng định “đây là một loại vũ khí tầm xa và Đức khổng thể bắt chước Anh Quốc và Pháp” và cho rằng Berlin tỏ ra “vô trách nhiệm” nếu làm giống các nước láng giềng.
Thủ tướng Scholz cũng bác bỏ việc quân đội Đức can dự trực tiếp vào cuộc xung đột : “Rất nhiều khán giả xem tivi vào buổi tối với hy vọng thủ tướng phải giữ được bình tĩnh”, đồng thời ông Scholz cũng nhắc lại rằng “một phần ba người dân hoài nghi về việc liệu Berlin có giúp đỡ Kiev quá mức hay không”.
Tuy nhiên, lập luận của Olaf Scholz ngay lập tức bị chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Bundestag Marie-Agnes Strack-Zimmermann bác bỏ trên mạng X : “Binh lính Đức không nhất thiết phải có mặt ở Ukraina để cung cấp Taurus. Tuyên bố của thủ tướng không đúng sự thật.” Vị dân biểu này nhận định việc lập trình tên lửa có thể được thực hiện ở Đức và binh lính Ukraina có thể được huấn luyện cách sử dụng Taurus tại Đức.
Kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraina vào tháng 02/2022, tổng trị giá của viện trợ quân sự mà Berlin dành cho Kiev đã đạt 28 tỷ euro, nhiều hơn Pháp hay Ý. Nhưng thủ tướng Scholz đã trì hoãn việc cung cấp xe tăng Leopard và phản đối việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev trong nhiều tháng. Kể từ tháng 05/2023, Pháp và Anh Quốc đã lần lượt cung cấp cho Ukraina tên lửa Scalp và Storm Shadow có tầm bắn 250 km, sau đó Washington cũng chuyển giao cho Kiev tên lửa ATACMS có tầm bắn 165 km, trong khi Taurus của Đức có tầm bắn xa hơn đáng kể (khoảng 500 km khi bay thẳng), cho phép Kiev tấn công các mục tiêu nằm xa biên giới Nga.
Xung đột Gaza : Biểu tình ủng hộ Palestine gia tang ở Hoa Kỳ
Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo Le Monde dành trang nhất chú ý đến những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trong cuộc chiến ở Gaza đang gia tăng trên toàn quốc.
Với 7.500 cư dân, thị trấn Ojai, cách Los Angeles 100 km về phía bắc, đã trở thành tâm điểm truyền thông của phong trào ủng hộ Palestine ở California.
Cyrus Mayer, 29 tuổi và trùm khăn keffiyeh, dẫn đầu một nhóm các nhà hoạt động ủng hộ Palestine, xông vào trụ sở của hội đồng thành phố hôm 13/02 và hét lên “hãy ngừng bắn” trước khi ngã xuống đất và bất động như vừa trúng đòn chí mạng. Ngay sau đó, các thành viên của nhóm này chộp lấy micro và đọc tên những đứa trẻ Palestine thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Israel. Một phụ nữ đã phát đoạn băng ghi lại tiếng la hét của nạn nhân trên điện thoại di động và đặt câu hỏi “tại sao không ai làm gì cả”.
Kể từ mùa thu năm 2023, tại mỗi cuộc họp của hội đồng thành phố, các nhà hoạt động ở Ojai đều có mặt để tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ người dân sinh sống ở dải Gaza. Cyrus Mayer giải thích khi được phỏng vấn qua điện thoại : “Đây là hành động thực tế nhất mà chúng tôi có thể thực hiện. Chúng tôi muốn gây áp lực với chính quyền địa phương để đạt được lệnh ngừng bắn.” Nhà hoạt động này có người mẹ Do Thái Ashkenazi và người cha Iran, lớn lên ở Oakland (California) và cho biết tình trạng nghèo đói cùng với “sự tàn bạo của cảnh sát” đã khiến anh “nhận thức được về sự bất công” từ khi còn nhỏ. Nhóm người này bao gồm những thanh niên trẻ tuổi, hay những người đã trên 70 tuổi, theo nhiều tôn giáo khác nhau, được gắn kết bởi cảm giác bất lực trước tình trạng ngày càng thảm khốc ở Gaza.
Ngoài hội đồng thành phố, những người này cũng tìm cách gây chú ý tại một khách sạn sang trọng thu hút những người nổi tiếng ở Hollywood có tên Ojai Valley Inn, một khu phức hợp có 350 phòng với giá 750 đô la một đêm (khoảng 690 euro). Khách sạn này thuộc sở hữu của gia đình Crown ở Chicago (Illinois), một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ, theo bảng xếp hạng của Forbes, và cũng là một trong những cổ đông chính của General Dynamics, nhà sản xuất thiết bị quân sự được Israel sử dụng. Cyrus Mayer phàn nàn : “Chính quyền Ojai tuyên bố cuộc xung đột ở Gaza diễn ra ngoài phạm vi mà họ có thẩm quyền, cho nên thành phố không có quyền can dự. Nhưng Ojai lại thu thuế từ một khu nghỉ dưỡng mà chủ sở hữu thu lợi từ nạn diệt chủng người Palestine.”
No comments:
Post a Comment