Tuesday, February 27, 2024

Kêu gọi trả tự do để bà Nguyễn Thúy Hạnh được điều trị ung thư
Diễm Thi
2024.02.27
RFA

Bà Nguyễn Thúy Hạnh trước khi bị bắt.
Photo: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh



Hôm 25 tháng 2 năm 2024, ba tổ chức gồm Diễn đàn Xã hội dân sự - Đại diện là Tiến sĩ Nguyễn Quang A; Diễn đàn Bauxite Việt Nam - Đại diện là Giáo sư Nguyễn Huệ Chi; Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng - Đại diện là Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, cùng 38 cá nhân đã đăng trên trang change.org bản “Yêu cầu trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh chữa bệnh ung thư”. Bản kiến nghị cũng được gửi tới ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản kiến nghị có đoạn: “Cuối tháng 4 năm 2022, tuy đã hết hạn điều tra, bà Nguyễn Thúy Hạnh vẫn bị chuyển vào giam giữ tại khoa Chữa bệnh bắt buộc của Viện Pháp y Tâm thần trung ương. Ngày 15/1/2024 bà Hạnh đã được phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn hai. Tiếp tục giam giữ bà Hạnh dưới bất kỳ hình thức nào khi đã hết hạn điều tra từ rất lâu và trong tình cảnh bà bị bệnh hiểm nghèo ở tuổi trên 60 là việc làm trái pháp luật và hết sức vô nhân đạo.

Chúng tôi, các tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây, khẩn thiết yêu cầu ông chỉ đạo các cơ quan hữu trách trả tự do ngay lập tức cho bà Nguyễn Thuý Hạnh để bà được chữa bệnh một cách thuận lợi”. 

Bà Nguyễn Thuý Hạnh bị công an Hà Nội bắt giam vào ngày 7 tháng 4 năm 2021 về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” quy định tại điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015. Một năm sau đó, công an buộc bà phải đi điều trị bệnh trầm cảm tại Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương. Bà Hạnh đã mắc bệnh trầm cảm nặng nhiều năm trước và phải trải qua quá trình điều trị bệnh này từ trước khi bị bắt.

Về lý nó là như thế và về luật nó phải là như thế. Mình không biết hy vọng thế nào, có đạt được gì không, nhưng mình không lên tiếng thì chẳng bao giờ có hy vọng gì cả. Việc lên tiếng thì mình phải lên tiếng. Thấy sự sai trái thì phải cất lên tiếng nói. Mà nhiều người cất lên tiếng nói thì khả năng có kết quả tốt càng nhiều. - TS. Nguyễn Quang A

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA hôm 27 tháng 2:

“Cái kiến nghị này nêu ra việc các vị làm nó trái với luật của chính các vị. Và như thế là vô nhân đạo, ông Chủ tịch nước phải can thiệp. Phải thả bà Hạnh ra cho bà ấy chữa bệnh. Hết thời hạn điều tra mà không đi đến đâu thì phải tuyên bố việc điều tra đã chấm dứt và phải trả tự do cho bà ấy. Việc bà ấy chữa bệnh ở đâu là chuyện của bà ấy.

Về lý nó là như thế và về luật nó phải là như thế. Mình không biết hy vọng thế nào, có đạt được gì không, nhưng mình không lên tiếng thì chẳng bao giờ có hy vọng gì cả. Việc lên tiếng thì mình phải lên tiếng. Thấy sự sai trái thì phải cất lên tiếng nói. Mà nhiều người cất lên tiếng nói thì khả năng có kết quả tốt càng nhiều.”

Ngày 27 tháng 1 năm 2024, cựu tù nhân lương tâm Đặng Thị Huệ cũng đăng tải lên danh khoản Facebook cá nhân của bà kiến nghị thư gửi Viện Kiểm sát Nhân dân và Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội, đồng thời thu thập chữ ký trực tuyến.

Trước đó một ngày, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cũng ra một bản kiến nghị “Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả bà Nguyễn Thúy Hạnh về gia đình để trị bệnh”. Kiến nghị có đoạn: “Chúng tôi đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam với tinh thần tôn trọng Nhân quyền và chính sách Nhân đạo, hãy giao trả bà Nguyễn Thúy Hạnh về gia đình để có điều kiện chăm sóc và điều trị tốt hơn. Chúng tôi tin rằng nhà cầm quyền làm như vậy sẽ được đông đảo dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ, hoan nghênh”.

Với bản kiến nghị mới nhất, ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng bà Hạnh, nói với RFA:

“Trước đó có hai cái thư. Cái thư của chị Kim Chi với nhóm CLB Lê Hiếu Đằng và thư của cô Huệ Như. Tất cả đều đăng trên mạng. Hạnh có biết hai cái thư đó vì Hạnh đi chữa bệnh gặp mọi người họ nói. Anh cũng có nói cho Hạnh nữa. Những chuyện đó làm cho Hạnh rất là vui, cảm thấy mọi người có quan tâm tới mình. Trong tình hình này, liệu pháp tinh thần cũng giúp cho Hạnh nhiều. Có tác dụng nhiều.

Hạnh vừa bị trầm cảm vừa bị ung thư, mà hóa trị nó gây đau đớn lắm. Đau bỏ ăn, bỏ uống, chán nản lắm. Ăn cái gì nôn cái đó. Chừ còn lại ba đợt hóa trị. Đáng lẽ sáng hôm qua hóa trị nhưng bác sĩ nói yếu quá nên không cho hóa trị. Chả hy vọng gì nhưng lên tiếng vậy thì quốc tế họ để ý, họ tác động vô thì cũng giúp cho Hạnh về mặt tinh thần nhiều”.

5efac8f5-4d55-484e-b8a4-d67a59864784.jpeg
Bà Nguyễn Thúy Hạnh trong một lần biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội. Hình: Facebook

Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói thêm, ông có nhờ luật sư của bà Hạnh là Luật sư Nguyễn Hà Luân làm đơn đề nghị Cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát miễn trách nhiệm hình sự cho bà Hạnh theo Điều 29 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Hà Luân có đăng tải Kiến nghị của Văn phòng luật sư tới các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh. Kiến nghị có đoạn viết:

“Trước tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo của một phụ nữ cao tuổi, phát sinh trong khi đang mắc một bệnh khác (Chữa bệnh từ tháng 04/2022 tới nay chưa cải thiện được) như trường hợp của bà Hạnh, chúng tôi nhận thấy rằng đã có đủ cơ sở, đủ căn cứ để kết luận rằng, tại thời điểm hiện tại bà Nguyễn Thúy Hạnh là không còn và không thể có “… khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa…” - nếu xác định là bà Hạnh đã có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải khởi tố.

... Vì thế, việc áp dụng quy định tại điểm b, khoản 2 điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh là một quyết định phù hợp với quy định và thể hiện tính nhân đạo của pháp luật hình sự hiện hành. Quyết định này cần được đưa ra trong thời gian sớm nhất có thể”.

Theo Điểm b khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 quy định miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà hoạt động nhân quyền. Bà từng tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 với cương lĩnh tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và bảo vệ quyền phụ nữ.

Một số trường hợp khác bị bệnh hiểm nghèo khi đang thụ án tù cũng không được trả tự do về chữa bệnh, đến khi được đặc xá thì cuộc sống chỉ còn tính từng ngày, như trường hợp nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định. Ông Định bị ung thư dạ dày giai đoạn 4, nhận được quyết định đặc xá từ chủ tịch nước vào ngày 21 tháng 3 năm 2014. Đến ngày 3 tháng 4, tức chỉ 14 ngày sau, ông Đinh Đăng Định từ trần.

Hay trường hợp tù nhân Nguyễn Hữu Minh Tuấn, biên tập viên của trang Việt Nam Thời Báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Tuấn đang thụ án tù 11 năm về tội danh bị áp là “tuyên truyền chống nhà nước”. Cuối năm 2023, trong buổi thăm gặp gia đình, ông Tuấn nhắn lại vối gia đình rằng bản thân "chịu hết nổi rồi, không thể cầm cự được nữa;  bây giờ ăn vào nhưng không tiêu hóa được thức ăn, chỉ uống sữa với cháo loãng cầm cự qua ngày.”

Ngoài những người bị bệnh nặng nhưng không được chữa trị, không được đặc xá, còn một số tù chính trị chết trong trại giam, như nhà báo tự do Đỗ Công Đương, cựu giáo chức Đào Quang Thực và mục sư Đinh Diêm ở Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An), ông Phan Văn Thu ở Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), ông Đoàn Đình Nam ở Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Huỳnh Hữu Đạt ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai).

No comments:

Post a Comment