Wednesday, February 28, 2024

VNTB – Vì sao thanh niên Việt Nam sợ đi nghĩa vụ quân sự?
Dân Trần
29.02.2024 2:40
VNThoibao



(VNTB) – “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân” nhưng thanh niên lại muốn trốn tránh nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý này

 Trong 3 ngày 25-26-27 tháng 2, thanh niên tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam phải lên đường nhập ngũ. Bên cạnh việc tình nguyện thực thiện nghĩa vụ quốc gia thì nhiều người bị bắt buộc, và một thành phần không nhỏ đã tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ quân sự.

Thực trạng trốn nghĩa vụ diễn ra càng ngày càng nhiều, ở tất cả các địa phương trong cả nước. Đến nỗi năm ngoái, báo Quân Đội Nhân Dân đã có bài viết “Báo động tình trạng trốn nghĩa vụ quân sự”. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự mất niềm tin của người dân vào quân đội Việt Nam khi mà điều 45, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Tại sao nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhưng người dân phải trốn tránh?

“Một trong những nguyên nhân khiến người dân tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ quân sự là tình trạng bạo lực trong môi trường quân đội Việt Nam. Giữa thời bình, không chiến tranh nhưng năm nào cũng có quân nhân tử vong bất thường trong quân ngũ. Ví dụ trường hợp binh nhì Trần Đức Đô hồi năm 2021, thi thể của anh đầy những vết thương bầm dập nhưng kết luận điều tra lại cho rằng đó là bệnh lý về da, tử vong do treo cổ. Người dân sao mà tin những kết luận này được? Khi đã không tin thì người ta phải tìm cách trốn nghĩa vụ để bảo vệ tính mạng của mình thôi,” anh H.B., một nhà vận động nhân quyền tại Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

Quân đội Việt Nam có cơ chế điều tra, xử lý vụ việc riêng, không chịu sự kiểm soát của tòa án, viện kiểm sát bên dân sự…  Việc lấp liếm, che giấu sự thật về những cái chết bất thường của quân nhân cũng như tình trạng bạo lực trong quân ngũ là do muốn bảo vệ bộ mặt quân đội. Thế nhưng việc này lại tạo tác dụng ngược, không chỉ làm mất uy tín của Bộ Quốc phòng mà còn làm mất uy tín của hệ thống chính trị Việt Nam.

Không chỉ là sức khỏe, tính mạng, nhiều thanh niên cũng lo lắng về tình trạng việc làm sau khi xuất ngũ. Trong thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, nhiều quân nhân gặp khó khăn trong việc chuyển đổi kỹ năng quân sự thành kỹ năng thích hợp với môi trường làm việc dân sự. Những thanh niên xuất ngũ chỉ có thể đi làm bảo vệ, chạy xe ôm công nghệ  hoặc làm công nhân với mức thu nhập chỉ đủ sống qua ngày.

Anh C.B., một người từng đi bộ đội ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB: “Sau khi xuất ngũ tôi phải đăng ký học lại cao đẳng để có đủ tiêu chuẩn bằng cấp xin việc làm. Nếu không học thêm nghề hoặc học lại cao đẳng – đại học, thì chỉ có thể đi làm những công việc tay chân hoặc tự kinh doanh. Nhưng từ mới đi bộ đội về, chưa có kinh nghiệm làm ăn, thì ai dám kinh doanh mua bán gì”.

Bảo vệ Tổ quốc là vấn đề sống còn của một quốc gia. Nếu một đất nước mà thanh niên tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ quân sự thì nguy cơ mất nước đã ở rất gần. Trước khi đổ lỗi cho thanh niên thì quân đội và Nhà nước cần phải coi lại cơ chế của mình. Cơ quan chức năng cần phải tạo điều kiện để người dân không bị đánh mất cơ hội phát triển sự nghiệp sau quá trình phục vụ quân đội.

Ngoài ra, để giảm thiểu sự lo ngại và bất an trong dư luận, cần thiết phải có các cuộc điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về những vụ việc cái chết bất thường trong quân ngũ. Không chỉ là thương vong, mà còn là quy cũ trong quân đội, vì sao lại có tình trạng bạo lực, ma cũ ức hiếp ma mới trong môi trường kỷ luật cao như vậy. Nếu không giải quyết được tình trạng vô kỷ luật này thì khi kẻ thù phát động chiến tranh, ai dám xông pha ra trận?

 

________________

Tham khảo:

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tuyen-quan-nhung-bat-cap-can-phai-thao-go-bai-2-bao-dong-tinh-trang-tron-nghia-vu-quan-su-721758

 


 

No comments:

Post a Comment