Tuesday, February 27, 2024

Gia nhập NATO : Thụy Điển chấm dứt 2 thế kỷ phi liên kết quân sự
Minh Anh
Đăng ngày: 27/02/2024 - 14:58
RFI

Ngày 26/02/2024, Nghị Viện Hungary – rào cản cuối cùng – đã bật đèn xanh cho phép Thụy Điển được gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Việc quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên thứ 32 của NATO đặt dấu chấm hết cho 200 năm chính sách phi liên kết quân sự, đánh dấu một sự thay đổi sâu sắc cho nền quốc phòng cũng như những thay đổi địa chính trị quan trọng đối với khu vực.

Thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson tại cuộc họp báo của chính phủ, Stockholm, ngày 26/02/2024, sau khi Quốc Hội Hungary phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Thụy Điển. AP - Magnus Lejhall

Từ trung lập đến thành viên NATO

Sau khi kết thúc các cuộc chiến do hoàng đế Pháp Napoléon tiến hành, và nhất là sau cuộc xung đột với Na Uy năm 1814, Thụy Điển chính thức đi theo đường lối trung lập và phi liên kết quân sự. Chính sách này, trong thời chiến tranh lạnh cho phép Thụy Điển tránh xa mọi cuộc xung đột.

Bất chấp tính chất trung lập, luôn đứng ngoài khối NATO, nhưng Thụy Điển cũng tìm cách xích lại gần với khối Liên minh quân sự khi tham gia Hiệp ước Đối tác vì Hòa bình năm 1994 và Hội đồng Đối tác châu Âu – Đại Tây Dương năm 1997.

Trước khi Nga xâm lược Ukraina, tháng 02/2022, đường lối « trung lập » được đại bộ phận người dân Thụy Điển ủng hộ. Vấn đề « tham gia liên minh quân sự » còn bị xem như là chủ đề cấm kỵ, nhất là đối với đảng Xã hội – Dân chủ, một chính đảng lớn ở Thụy Điển. Mùa thu 2021, cựu bộ trưởng Quốc Phòng, Peter Hultqvist, còn tuyên bố ông có thể « bảo đảm » là đất nước sẽ không bao giờ tham gia liên minh quân sự.

Tuy nhiên, cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga đánh dấu một sự thay đổi ngoạn mục trong chính trường và công luận. Tuyệt đại đa số nghị sĩ Thụy Điển hồi tháng 5/2022 đã bỏ phiếu thuận cho việc khởi động tiến trình xin gia nhập NATO.

NATO gia tăng sức mạnh

Việc có thêm Thụy Điển, thành viên thứ 32, là một lợi thế rất lớn cho NATO. Giống như Thụy Sĩ, dù là trung lập, nhưng Thụy Điển từ lâu đầu tư ồ ạt cho ngành công nghiệp quốc phòng để bảo đảm thế trung lập của mình, cũng như khẳng định vị thế nhà xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới.

Liên minh Quân sự NATO có thể trông cậy vào lực lượng không quân với hơn 90 chiếc tiêm kích JAS 39 Gripen do hãng Saab Thụy Điển sản xuất, và đội tầu chiến hùng hậu ở biển Baltic gồm nhiều tầu hộ tống và tầu ngầm.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định sẵn sàng chi viện lực lượng cho NATO ở Litva. Quân đội Thụy Điển có đến 50 ngàn người, mà một nửa là quân dự bị.

Theo phân tích của chuyên gia Robert Dalsjö, Viện Nghiên cứu về Quốc phòng Thụy Điển, được AFP, trích dẫn, sau Phần Lan, « Thụy Điển là mảnh ghép sau cùng cho tấm bản đồ của NATO ở vùng Bắc Âu ». Vùng biển Baltic, được bao bọc bởi các nước thành viên của khối, giờ biến thành « ao nhà » của khối.

Tuy nhiên, vẫn theo chuyên gia Robert Dalsjö, việc gia nhập NATO buộc Thụy Điển phải điều chỉnh chính sách quốc phòng, vốn dĩ xuất phát từ nguyên tắc « phải tự mình giải quyết vấn đề », để đi vào khuôn khổ « chính sách phòng thủ tập thể », không chỉ bảo vệ đất nước mình mà cả lãnh thổ của các đồng minh thành viên NATO.

Trong kịch bản Phần Lan và các nước Baltic có nguy cơ trở thành chiến trường, Thụy Điển có nhiều khả năng bị lôi kéo vào cuộc chiến. Nước này sẽ phải khẳng định vị thế như là điểm trung chuyển quân cho lực lượng NATO. 

No comments:

Post a Comment