VNTB – Tính cách người Sài GònHiền Vương
29.02.2024 3:38
VNThoibao
.Ngày 28-2-2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn 2050 tại Hà Nội. Vấn đề được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu như một đầu bài: TP.HCM sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông như thế nào?
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM xác định sẽ nhận lãnh vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Do đó quy hoạch lần này làm sao nhận diện hết điểm nghẽn, khai mở hết tiềm năng để TP.HCM đảm đương vai trò đấy.
Ghi nhận chung tại buổi hội thảo cho biết dường như các vị quan chức ‘quên’ mất chuyện tính cách người Sài Gòn cũng là một trong những đóng góp quan trọng giúp Sài Gòn được tôn vinh danh hiệu “hòn ngọc Viễn Đông”.
Thật vậy, có ý kiến rằng người Sài Gòn cốt cách, cái “hồn” riêng. Cái này thì hồi cuối thế kỷ 19, người Pháp đã ý thức được phong cách của người Sài Gòn là tự do, phóng khoáng, với việc xây dựng 3 bức tượng tại Tòa án nhân dân thành phố Sài Gòn, tượng thần công lý ở giữa một phụ nữ ăn mặc kiểu miền Nam tóc búi tó và người đàn ông với cách ngồi rất thoải mái.
Một nhà khảo cổ học đến từ miền Bắc đã tóm gọn về tính cách người Sài Gòn như sau: Năng động, sôi nổi nhưng không ồn ào, bon chen. Bình thản, tôn trọng cá nhân nhưng nghĩa hiệp, luôn giúp người khi cần. Hào sảng, quan hệ dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Làm và chơi đều hết mình, nhiệt tình với bạn bè, ít khi tính đếm so đo. Không định kiến, dễ chấp nhận cái mới. Không chê bai những gì khác mình.
Người Sài Gòn mang tính cách đặc trưng của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, môi trường sống đô thị cũng dần hình thành nên những nét riêng có cho cư dân Sài Gòn – một nơi hội tụ đủ các nền văn hóa anh em tứ xứ về lập nghiệp và là cửa ngõ giao thương sôi động bậc nhất của xứ Việt hiện nay. Với chính sách quản lý đô thị phù hợp giúp tạo điều kiện để những người nhập cư trở thành “người Sài Gòn”, khi con người gắn bó với nơi mình làm ăn sinh sống, không chỉ về kinh tế mà còn bằng tình cảm, bằng văn hóa, bằng lối sống, thì sẽ góp phần xây dựng và gìn giữ Sài Gòn.
Một nhà thơ sinh ra ở Sài Gòn từ thập niên 50 đã rất có lý khi cho rằng trước đây, giao thông ở Sài Gòn rất trật tự, người dân đi đứng có văn hóa, con trẻ lễ phép, đi thưa về trình, đi đường gặp đám tang biết dừng xe lại dở nón ra chào… Bây giờ những thói quen đẹp đã mất, thay vào đó là quăng rác ra đường, xì ke ma túy, cướp giật, làm ăn chụp giựt rất nhiều. Ngoài ra thời gian qua, phần lớn số người nhập cư vào Sài Gòn không quen tác phong đô thị. Ví như, người Sài Gòn trước đây rất trân trọng cải lương, xi-nê, phụ nữ đi coi cải lương, xi-nê ăn mặc rất thanh lịch, trang nhã.
“Khi đi qua một con phố với dấu tích cổ xưa, người ta sẽ cảm thấy vững tin hơn, khiêm tốn hơn, bình thản hơn, thấy mình thuộc về một chiều sâu văn hóa… Ngược lại, họ sẽ cảm thấy bơ vơ, kiêu ngạo, hốt hoảng, vong thân và sẽ bị cuốn phăng đi bởi sự bề bộn của đời sống hiện đại”. nhà thơ này bình phẩm về một Sài Gòn dường như giờ chỉ là… “Thành phố Hồ Chí Minh” (?!).
No comments:
Post a Comment