Đỗ Duy Ngọc - Về quêmardi 27 février 2024
Thuymy
"Tết nhìn thiên hạ trở về quê
Tôi chẳng có quê để được về"
Nói thế cũng hơi ngoa chăng, ai lại không có quê. Thật ra, tôi cũng có quê, nơi giòng họ nhà tôi đã qua hơn mười đời ở đó, gia phả ghi rõ vậy. Tôi thuộc đời thứ chín. Như thế, tôi cũng có quê chứ. Vùng đất đó có nhiều thắng cảnh, nhiều hang động nổi tiếng thế giới. Cũng là nơi sản sinh nhiều danh nhân đất Việt. Miền quê ấy có tên là Quảng Bình.
Đó là nơi ông nội tôi được sinh ra và lớn lên. Thời trai trẻ, ông nội đi Tây, lúc trở về lại Việt Nam, mới sinh ra ba tôi. Sau đó, ông nội tôi qua Lào làm ăn, mất ở Paksé, cho đến giờ cũng chưa tìm thấy mộ.
Quê là nơi ba tôi sinh ra, trưởng thành rồi đi vào Huế học, ra trường làm việc tại Tourane từ trước 1945. Việt Minh lên nắm chính quyền, ba tôi trở về quê tham gia kháng chiến, rành tiếng Pháp, nên ba tôi thường trao đổi với lính Pháp khi Pháp hành quân vào làng bắt người để xin thả người, tránh mất mát, chết chóc, hy sinh.
Vì lý do đó, dù có chân trong huyện ủy, vẫn bị nghi ngờ quan hệ với địch, lệnh trên vẫn ra lệnh thủ tiêu ba tôi. May thay, người nhận lệnh lại là một người học trò cũ của ông, báo động cho ba tôi trốn đi. Một vài người và con cháu của họ đã từng hạ lệnh đó còn sống cho đến nay, tôi không muốn về quê để phải chào hỏi, dạ thưa với những người đã từng ra lệnh giết ba mình.
Quê cũng là nơi tôi được sinh ra nhưng không lớn lên ở đó. Tôi rời quê từ bé lên máy bay di cư vào Nam khi Hiệp định Genève được ký kết, do vậy, tôi chẳng có kỷ niệm nào với quê. Quê đối với tôi xem như không có, chỉ là tên ghi vào giấy tờ, mục nguyên quán và nơi sinh.
Đã gần hết đời người, tôi vẫn chưa một lần trở về và cũng chẳng hình dung ra quê của mình như thế nào. Chỉ biết ở đó có những người từng ra lệnh kết thúc cuộc đời ba mình. Ở đó có những người liên tục đề nghị đóng góp để làm điều này điều nọ cho xã cho làng, cho giòng họ mà cũng chẳng thấy việc gì cụ thể. Ở đó có một thời gian dài người ta mang gia đình tôi lên án và chửi rủa không tiếc lời vì đã vào Nam theo giặc.
Quê cũng là nơi tài sản một đời của bà ngoại tôi bị tước đoạt, mẹ tôi từ một người mười hai tuổi vẫn có được người hầu cõng đi xem hát, phải bươn chải vào đời để nuôi cha bệnh. Quê là nơi mẹ tôi đi kháng chiến, làm cần vụ rồi đoàn văn công. Đã từng bị Tây xử bắn lại may mắn thoát chết, nhưng khi bị bắt vào tù, lại bị các đồng chí bỏ lơ. Tôi ghét những chuyện ấy khi từ còn bé nghe ba mẹ kể, nên cũng chẳng thích chốn quê.
Lúc sinh thời, ba tôi bảo những điều đó đều là chuyện của lịch sử, của quá khứ, cũng không nên nhớ nữa. Nhưng tôi thì không quên, nên chẳng chịu một lần về quê. Và vì thế, xem như tôi chẳng còn có quê để trở về.
ĐỖ DUY NGỌC 27.02.2024
No comments:
Post a Comment