Thursday, February 29, 2024

Huỳnh Ngọc Chênh - Bàn về Bến
jeudi 29 février 2024
Thuymy

                                                                         Thuymy: Xem video

Từ xa xưa tổ tiên ta chủ yếu đi lại bằng đường thủy qua thuyền ghe. Nơi dừng đậu ghe thuyền bên bờ sông gọi là BẾN.

Nói đến bến, hàng ngàn năm qua được mặc định là bến ghe thuyền. Và rồi mãi về sau xuất hiện thêm xe ngựa, xe kéo “tham gia giao thông” trên bộ, thế là hình thành ra bến trên bộ gọi là bến xe để phân biệt với bến dưới nước.

Từ lúc đó, nước Nam ta xuất hiện hai loại bến: Bến xe và Bến.

Bến đã được mặc định là bến dưới nước rồi nên chỉ gọi là bến mà không cần thêm ghe thuyền vào bổ nghĩa nữa. Như bến Bình Than, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng, bến Lức, bến Thành …

Rồi bỗng dưng thằng Tây qua, rồi đùng đùng làm ra xe lửa để tham gia giao thông. Lẽ ra nơi dừng đậu của xe lửa thì gọi là bến xe lửa, nhưng ông bà ta choáng ngợp trước sự hùng vĩ hiện đại của xe lửa nên không dám dùng chữ BẾN tầm thường quê mùa đặt tên cho chỗ đó. Lục tìm trong kho tàng Hán Việt cũng không tìm ra chữ gì tương thích để đặt tên cho cái chỗ uy nghi hiện đại đó. Bởi ông anh Tàu trước đó cũng có mịa gì xe lửa để mà đặt tên.

Thế là sẵn ông xếp Tây có chữ GARE gọi chỗ đó, nên dù có thù ghét ông Tây cỡ nào thì cũng phải mượn chữ đó đặt tên cho chỗ đậu xe lửa, gọi là ga xe lửa hay ga tàu hỏa. Chữ GA xuất hiện trong ngôn ngữ tiếng Việt từ đó.

Như vậy kể từ đó có ba tên để chỉ nơi dừng đậu của ba loại phương tiện giao thông: Ga, Bến và Bến Xe.

Chỉ cần nói đến ga hay nhà ga là hiểu rằng đó là ga xe lửa, nói bến là hiểu rằng đó là bến tàu thuyền, còn chỗ đậu xe phải gọi là bến xe.

Về sau những bến tàu nằm ngay cửa biển có nhiều tàu to ra vào và có cả tàu nước ngoài nữa, bến trở nên quy mô lớn, dùng chữ bến gọi nó không tương xứng, ông bà ta liền vào lục kho Hán Việt thấy có từ CẢNG rất tương xứng với tầm vóc của nó nên từ Cảng ra đời để chỉ những bến tàu thuyền quy mô lớn và có yếu tố nước ngoài. Bến to trên biển gọi là cảng biển, bến to trên sông gọi là cảng sông.

Vẫn chưa hết, ông Tây lại làm thêm cái chỗ để đáp tàu bay nữa. Lẽ ra phải gọi là ga tàu bay như kiểu ga tàu hỏa hoặc là bến tàu bay như bến tàu thủy.

Nhưng không, vì cái bến này nó kèm thêm cái sân to đùng nên gọi nó là sân bay. Tuy nhiên thấy chữ sân bay tầm thường quá, liền vào lục kho Hán Việt để tìm ra chữ Phi Trường đặt tên cho đúng tầm hoành tráng.

Nhưng rồi phi trường có thêm máy bay nước ngoài ra vào, quy mô trở nên lớn, thế là nghĩ đến chữ cảng giống như cảng biển đặt tên cho nó: CẢNG HÀNG KHÔNG ra đời (trước 75 gọi là phi cảng).

Theo đà đó, bến xe quy mô lớn lại đặt là XA CẢNG cho oai.

Cảng hàng không ngày nay khá phức tạp, ngoài phi đạo ra còn có chỗ cất máy bay, chỗ sửa máy bay, chỗ cất hàng hóa, chỗ dừng máy bay cho khách lên xuống … Chỗ hành khách chờ lên xuống máy bay gọi là ga hàng không. Như vậy trong cảng hàng không có nhà ga hàng không (terminal).

Tóm lại, ông bà ta chỉ có chữ BẾN, Tây đến cho ta chữ GA, Hán xuống cho ta chữ CẢNG.

Lẽ ra ta dùng bến tất: bến tàu thủy, bến xe, bến tàu lửa, bến tàu bay, bến tàu vũ trụ…  Nhưng dùng thêm ga và cảng cũng không sao, chúng làm phong phú thêm Tiếng Việt.

Tuy nhiên trong trường hợp sau thì dùng BẾN BẠCH ĐẰNG hay và hợp lý hơn là GA TÀU THỦY BẠCH ĐẰNG.

HUỲNH NGỌC CHÊNH 29.02.2024

No comments:

Post a Comment