Thursday, February 1, 2024

Dương Quốc Chính - Trả lời một bạn trẻ thiện lành thứ ba (2)
jeudi 1 février 2024
Thuymy

Ở bài trước, có một nick clone tự nhận là NĐ (là bạn trẻ mà mình trả lời) có comment với ý lo ngại bị dán nhãn phản động trong tương lai, và cảm thấy hối hận khi đã đặt câu hỏi với mình (để bị một số người dán nhãn).

Sau đó, chính nick NĐ vào comment tiếp với nội dung dài, rất đúng lề, chắc để an toàn hơn ! Cũng có thể bạn ấy nghĩ thế thật, cũng có thể được ai đó mớm lời viết sao cho thiện lành. Nhưng với mình cũng không quan trọng, vì mình hiểu cách nghĩ này mới là đại diện cho đám đông bạn trẻ ngoài kia.

Vì khuôn khổ bài chỉ giới hạn, mình trích đoạn quan trọng và là quan điểm phổ biến đối với đa số mọi người (bao gồm cả các bậc cha chú của NĐ) để tiếp tục trao đổi. Còn một số đoạn khác mình cho là ít quan trọng thì để các bạn khác trả lời giúp ở comment cũng được.

Đúng là Việt Nam đã có nhiều đổi mới kể từ năm 1986 và đạt được những thành tựu đáng kể cũng như vị thế quốc tế. Tất nhiên, thay đổi thì phải hơn là không thay gì. Nhưng các bạn cần hiểu về lịch sử của những đổi thay đó.

Trong giai đoạn 1954-1986, Việt Nam theo mô hình kinh tế quan liêu, bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Mô hình kinh tế này mới là gắn liền với chế độ cộng sản nguyên bản do Marx, Lenin nghĩ ra và từng là con đường phát triển của khối xã hội chủ nghĩa, là một thế lực chiếm nửa thế giới trong chiến tranh lạnh do Liên Xô đứng đầu. Nhưng qua thời gian, nó bộc lộ nhiều sai lầm dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu.

Đứng trước nguy cơ sụp đổ dây chuyền, năm 1986, tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và đảng ta đã quyết định quay xe, đi theo con đường mà Đặng Tiểu Bình đã chọn từ trước đó 10 năm. Đó là đi theo "học thuyết: Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, chỉ cần bắt được chuột là mèo tốt". Có nghĩa là không cần áp dụng cứng nhắc tư duy kinh tế kiểu chủ nghĩa cộng sản kia, cứ miễn phát triển được là được.

Các bạn cứ hiểu nôm na rằng ở giai đoạn bao cấp thì con người xã hội chủ nghĩa bị trói chân, buộc tay để làm việc theo kế hoạch từ trên giao xuống nên năng suất thấp, dẫn tới nghèo đói. Còn đổi mới là các bác ấy cởi trói cho nhân dân và chính các bác ấy, phát minh lại cái bánh xe, sửa đi một tí thôi và gọi là đổi mới. Dẫn tới những thành tựu rực rỡ ngày nay. Chúng ta cần ghi nhận đường lối đúng đắn đó, nhưng cũng cần hiểu để biết là còn có những cái đúng đắn hơn mà chúng ta chưa được thấy!

Về việc các nước đặt quan hệ ngoại giao sâu rộng với chúng ta thì một phần là do chúng ta đã đổi mới, không đi cấm vận bọn Tây nữa, thì chúng nó mới có cơ hội đầu tư vào nước ta! Mặt khác là do vị thế địa chính trị, Việt Nam có vị trí quan trọng ở biển Đông, cửa ngõ giao thương cho khu vực Đông Bắc Á, trước sự trỗi dậy bành trướng của Trung Quốc khiến phương Tây lo ngại, thì họ tự đến quan hệ với ta thôi.

Tức là chúng ta có vị thế hiện nay một phần nhờ địa chính trị, một phần dựa vào sự thay đổi về chính sách kinh tế, chính trị, quan hệ ngoại giao đa phương. Nhưng cần thấy là sự thay đổi đó là do bị dí súng vào đầu, thay đổi hay là chết (như Liên Xô) hay là dặt dẹo như Cuba, Triều Tiên.


Về vấn đề chống tham nhũng, trên lý thuyết là không có vùng cấm, nhưng bạn thử tìm hiểu xem "trùm cuối" trong vụ Việt Á là ai. Báo chí cách mạng từng viết là không rõ ai nắm 80 % cổ phần Việt Á, và sau khi xử án thì trùm cuối lại chính là Phan Quốc Việt, nhân vật trùm cuối đã bốc hơi. Đó là một ví dụ thôi. Trong khi đó, tại đất nước của Black Pink, cựu tổng thống Hàn Quốc đa số là phải đi tù vì cáo buộc tham nhũng. Đó mới là không có vùng cấm.

Tại sao bạn chỉ mong "bác ấy" khỏe mãi để chống tham nhũng mà lại không hy vọng có một chuỗi các bác khác cũng chống được tham nhũng tương tự? Phải chăng bạn không tin là còn bác nào giống "bác ấy"? Bác ấy trở thành người Mohican cuối cùng chăng? Điều này mâu thuẫn với ý tiếp theo của bạn, đó là chính sách (chống tham nhũng) ổn định thì không thể chỉ phụ thuộc vào một cá nhân mà phải được luật hóa thì mới ổn định và bền vững được. Trong khi các nước dân chủ và phát triển lại làm được điều đó mà vẫn có sự thay đổi đảng cầm quyền!

Bạn rất ngây thơ khi cho rằng tham nhũng là do quan chức lương thấp, vì thế cứ tăng lương và xử lý nghiêm là chống tham nhũng được!

Vấn đề là lấy ngân sách ở đâu để tăng lương? Bạn cần hiểu là bộ máy cộng sản có nguyên tắc là phải quản lý thật nhiều mặt của xã hội, ngoài hệ thống chính quyền thì còn có hệ thống đảng, đoàn thể, hội hè...Tức là bộ máy sống dựa vào ngân sách có lẽ gấp ba lần bộ máy chính quyền tư bản. Điều đó dẫn tới bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu quả, dẫn tới lương cán bộ phải thấp, không thì vỡ ngân sách. Vì thế động cơ để cán bộ công chức làm việc tốt là được "xã hội hóa", do người dân và doanh nghiệp nuôi ngoài tiền thuế đó! Chống tham nhũng mà không giảm được biên chế để tăng lương thì bản chất là triệt tiêu động cơ làm việc của cán bộ.

Vậy họ cống hiến để xây dựng đất nước, chủ nghĩa xã hội bằng không khí sao? Hiện tại chống tham nhũng chỉ là biện pháp răn đe để quan chức đừng ăn quá nhiều thôi. Chứ không ăn gì thì sống sao nổi. Lương tứ trụ bây giờ chỉ loanh quanh 20 củ thôi bạn.

Về các nền dân chủ "quá đà" như bạn kể. Vị thế từ trước của họ (chắc bạn muốn nhắc tới các nước thực dân cũ?) chính là con đường đúng đắn khiến họ hùng cường mà chả ai ban phát cho cả. Ngay cả việc một số nước được nước khác hậu thuẫn (ý bạn chắc muốn nhắc tới Nhật, Hàn, Đài...?) thì cũng phải do ăn ở thế nào mới có nước khác hậu thuẫn (chắc ý bạn là Mỹ hỗ trợ?).

Nền dân chủ ở các nước này là ổn định từ khi hình thành và chưa thấy có triệu chứng gì là lung lay. Không hiểu vì lý do gì mà bạn bảo là không bền vững ! Thực ra ngược lại điều bạn đang nghĩ, chính trị các nước dân chủ lại ổn định dựa trên sự mất ổn định ở biên độ dao động nhỏ, khi các đảng thay nhau cầm quyền. Chính sự bất ổn liên tục này tạo nên sự đổi mới liên tục dưới sức ép không nghỉ. Điều đó tạo nên sự ổn định, bền vững của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đây giống sự ổn định của cái đồng hồ quả lắc của Thụy Sĩ ấy, nó lắc mấy trăm năm nhưng nhìn tổng thể nó vẫn là bền vững.

Nếu tìm hiểu lịch sử, bạn sẽ thấy chính hệ thống xã hội chủ nghĩa (chính xác hơn là cộng sản chủ nghĩa) mới hay có bất ổn sau khi thay đổi lãnh tụ nắm quyền, thậm chí còn sụp đổ cả hệ thống. Chứ còn các nước tư bản chủ nghĩa già cỗi như Anh, Pháp, Mỹ...họ ổn định để phát triển mà?

 Đây là câu chuyện dài, để phân tích ưu nhược điểm của chế độ dân chủ và độc tài, cần nhiều bài viết lắm và để hiểu được sâu sắc với một người thiện lành có học thức cũng khó dưới 5 năm tìm hiểu. Mình chỉ tóm lược, gợi mở thế thôi.

Các bạn còn tâm tư là các bạn còn có cơ hội giác ngộ, dù hiện tại có thể hiểu sai cỡ nào. Chừng nào bạn không còn tư duy chính trị, giống các bậc cha chú, chỉ còn sáng uống café tối uống bia, cuối tuần đi đánh gôn, thì não trạng chính trị sẽ dừng lại mãi mãi tuổi 20! Hay còn gọi là đứa bé lớn tuổi về nhận thức chính trị.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 01.02.2024

No comments:

Post a Comment