VNTB – Quan chức vướng lao lý vì là… ‘đại diện chủ sở hữu’?Thới Bình
03.01.2024 5:13
VNThoibao
Ông Trịnh Văn Chiến – cựu bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Nguyễn Đình Xứng – cựu chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – đã nộp 45 tỷ đồng cho cơ quan chức năng, để khắc phục hậu quả do hai ông này gây ra khi còn đương chức trong vụ án đất đai có tên Hạc Thành Tower.
Các cựu quan chức Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân… liên quan đến đất đai ở khu đô thị Thủ Thiêm, sau ngần ấy năm vẫn… ung dung tuổi già hồi hưu. Thậm chí cả đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân khi là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã ‘im lặng’ trong vụ đất đai “vườn rau Lộc Hưng”, cho thấy vẫn còn nhiều trường hợp là ‘quan tham’ trong vai trò từng đảm nhiệm là ‘đại diện chủ sở hữu nhà nước’, song không phải ai cũng… ‘xui rủi’ như chủ tịch Lâm Đồng Trần Văn Hiệp, hay cựu quan chức Trịnh Văn Chiến, Nguyễn Đình Xứng.
Đọc báo bây giờ mỗi ngày không thiếu các tin tức về các quan chức vào tù và ra tòa liên quan đất đai. Thời gian qua đã có hàng loạt cán bộ bị bắt giam vì phạm tội tham nhũng, chủ yếu liên quan sai phạm về đất đai, thực tế này nay vẫn chưa dừng lại. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao có nhiều quan chức vướng vòng lao lý vì “dính” đất đai đến vậy?
Có ý kiến là Luật Đất đai 2013 quy định, nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Chính việc quyết định quyền sử dụng đất bằng một quyết định hành chính, do một người là đại diện cơ quan hành chính nhà nước ban hành đã có thể tạo ra cơ chế “xin – cho” – một môi trường và điều kiện của thuận lợi để nảy sinh lòng tham và các hành vi tham nhũng.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai chỉ quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chứ chưa quy định chặt chẽ, bắt buộc phải đấu giá đối với đất do doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng khi chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, rất nhiều địa phương tìm cách lách luật bằng cách cho thuê đất, lập dự án cho hoạt động thương mại dịch vụ, có thời hạn sử dụng đất là 50 năm, sau một hai năm cho phép sử dụng lâu dài, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, để tránh phải đấu giá đất.
Từ những vụ án bắt bớ quan chức gần đây liên quan đến đất đai cho thấy vẫn là câu chuyện của… thả gà ra đuổi.
Vì sao một cá nhân như Phan Văn Anh Vũ (Vũ ‘nhôm’) có thể lấy được mấy chục trụ sở nhà đất vốn thuộc các cơ quan nhà nước, ở các vị trí đắc địa nếu không có các thế lực chính trị ‘chống lưng’? Vì sao trong vụ AVG (sai phạm ở Tổng công ty Viễn thông Mobifone), theo mô tả thì các đối tượng có thể chia chác được nhiều ngàn tỷ đồng bằng một hợp đồng “diễn xiếc” qua mặt các cơ quan chức năng có trách nhiệm thẩm định, giám sát?
Vì sao sau cổ phần hóa, một số đất đai, nhà máy, xí nghiệp, tài sản của tập thể, sở hữu nhà nước trước đây đã rơi vào tay một vài cá nhân, trở thành của tư? Không chỉ vậy, có những tài sản nhà nước trong tổ chức, doanh nghiệp cũng bị rơi vào tay cá nhân, hoặc bị sử dụng lãng phí, bị thâu tóm với giá theo lợi ích riêng của phe nhóm quyền lực?
Có lẽ ở đây sẽ được giải thích theo hướng lạc quan như sau: Việt Nam đang trên con đường hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một mô hình nhà nước chưa có sẵn. Trong lúc đó thì lập pháp, bao gồm cả sửa luật phải tuân theo những trình tự, thủ tục chặt chẽ và không phải bao giờ cũng dự báo được mọi tình huống xảy ra. Hơn nữa, việc này cần thực tiễn chứng minh. Bởi thế, những khoảng trống, kẽ hở, khiếm khuyết trong quá trình thực thi pháp luật là khó tránh khỏi.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, với những dọ dẫm trong cung cách điều hành quốc gia của Đảng, cho thấy liệu có nên kéo dài việc tìm kiếm một mô hình nhà nước chưa có sẵn, mà cứ phải làm phép thử của luôn tìm tòi cho hoàn thiện để rồi đưa đến hệ lụy nhiều quan chức vướng tù tội…
No comments:
Post a Comment