VNTB – Mất trắng tiền đặt cọc xe VinfastKhánh Anh
23.01.2024 9:59
VNThoibao
Tiền cọc thật, chứng từ giả
Ngày 12-7-2023, sau khi liên hệ văn phòng Vinfast chi nhánh Phú Mỹ Hưng (Vinfast PMH) qua điện thoại, chi nhánh này đã cho nhân viên Nguyễn Quốc Cường liên hệ với khách hàng là Công ty AMGROUP (AMG) tư vấn mua xe VF3.
Ông Cường tư vấn cho AMG đặt cọc giữ chỗ để được ưu tiên nhận xe VF3 được dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 9-2023. Theo lời ông Cường “VF3 chưa nhận coc vì chưa có thông tin” và “nếu đặt cọc tiền sớm thì sẽ có số thứ tự nhận xe sớm” theo như thể thức mà mà Vinfast đã làm cho dòng xe VF5. Với lời hứa ông Cường sẽ “đẩy ưu tiên lên sớm nhất có thể”, nhân viên T. của AMG đồng ý sẽ đặt cọc cho xe VF3.
Buổi chiều cùng ngày, nhân viên AMG được ủy quyền đến Vinfast PMH, (Địa chỉ: 54 Nguyễn Thị Thập, P. Bình Thuận, Quận 7, TP HCM) gặp ông Cường để đặt cọc.
Sau khi nhận 20 triệu tiền đặt cọc, ông Cường giao phiếu thu viết tay đã nhận đủ tiền cọc đồng thời cam kết nếu khách hàng có yêu cầu hoàn cọc, công ty sẽ hoàn trả lại.
Sau gần 4 tháng chờ đợi mà chưa có thông tin gì về việc giao xe. AMG quyết định không mua xe của VF3 nữa. Ngày 2-11-2023, bà T của AMG yêu cầu ông Cường hoàn lại tiền cọc. Ông Cường cho biết tiền cọc sẽ được hoàn lại trong vòng 7- 10 ngày, chậm nhất là 15 ngày khi khách hàng gửi yêu cầu hoàn cọc. Cho đến gần 3 tuần sau, AMG vẫn chưa được hoàn cọc. Ông Cường cho biết cấp trên đã duyệt hồ sơ và đang đợi kế toán xử lý hồ sơ hoàn cọc.
Sau nhiều lần gọi điện thoại hối thúc nhưng vẫn không có kết quả, ngày 23-11-2023, AMG yêu cầu Vinfast PMH cho số điện thoại của nhân viên kế toán để tìm hiểu về việc chậm trễ hoàn cọc nhưng đã bị từ chối.
Sáng 29/11/2023, AMG cử nhân viên đến văn phòng Vinfast PMH mang kèm công văn giải trình và yêu cầu giải quyết hoàn cọc để gặp trực tiếp bộ phận giải quyết khiếu nại. Sau khi nghe trình bày, đại diện Vinfast PMH – ông Trần Trọng Nghĩa thông báo ông Cường hiện không còn làm việc tại công ty đồng thời cho biết chứng từ nhận tiền ông Cường đưa cho nhân viên AMG là chứng từ giả.
Ông Nghĩa khi tiếp nhân viên AMG cho biết đã có những khách hàng khác cũng gặp vấn đề tương tự. Như vậy, trường hợp của AMG không phải là trường hợp đầu tiên, mà còn có những khách hàng khác cũng bị mất tiền cọc oan do đóng tiền cọc thật nhưng nhận phiếu thu giả.
AMG sau đó liên hệ với Vinfast và được yêu cầu nộp lại phiếu thu gốc và ký biên bản ba bên để giải quyết hoàn cọc. Tuy nhiên việc hoàn cọc không diễn ra như thoả thuận trước đó.
Vinfast tránh né giải quyết
Ngày 4/12/2023, Đại diện AMG, đại diện Vinfast PMH và Giám đốc kinh doanh vùng miền nam nhà phân phối VinFast đã có một buổi làm việc ba bên để giải quyết sự việc.
Đại diện Vinfast PMH là ông Cường cho biết không tìm thấy số liệu thể hiện việc đã nhận khoản thu 20 triệu đồng là tiền đặt cọc của AMG. Lý do mà phía Vinfast PMH đưa ra là khoản thu bằng tiền mặt được thanh toán trực tiếp cho nhân viên tư vấn Cường mà không phải là thủ quỹ công ty. Nếu tiền được nộp hoặc chuyển khoản cho thủ quỹ thì khách hàng sẽ nhận được phiếu thu hợp lệ.
Vinfast PMH xác nhận thời điểm ông Cường nhận tiền cọc, thì người này vẫn là nhân viên của chi nhánh tại PMH nhưng đến khi cần giải quyết vụ việc thì ông Cường đã nghỉ việc mà không còn liên lạc được.
Sau khi kiểm tra, đại diện Vinfast xác nhận phiếu thu mà AMG nhận được là phiếu thu không hợp lệ.
Vinfast PMH xác định giao dịch “nhận tiền cọc” giữa đại diện AMG và nhân viên tư vấn Cường không liên quan gì đến công ty vì đây là giao dịch riêng của hai cá nhân này và từ chối hoàn lại tiền cọc. Đại diện Vinfast PMH yêu cầu bà T. nên trình bày sự việc cho cơ quan công an để xử lý, và sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin cho công tác điều tra.
Góp thêm tiếng xấu
Vụ việc cho thấy quy trình phục vụ và tư vấn khách hàng của Vinfast còn nhiều thiếu sót khi không hướng dẫn khách hàng tiềm năng về thủ tục mua bán và đặt cọc ngay từ đầu.
Một nhân viên tư vấn bán hàng của Vinfast được biết sẽ phải tham gia đầy đủ các khóa đào theo yêu cầu của công ty. Ngoài ra, hàng ngày còn phải báo cáo quá trình chăm sóc khách hàng tiềm năng, báo cáo kết quả bán hàng trong đó có nêu rõ số hợp đồng ký, số xe giao, số khách bị mất… – Báo cáo khiếu nại (nếu có). Vậy thì nhân viên tư vấn Cường trong vụ nói trên đã có lập báo cáo về khách hàng AMG như yêu cầu hay không?
Chỉ vì nắm được tâm lý “muốn được ưu tiên sớm” hơn người khác của khách hàng mà những kẻ như nhân viên tư vấn Cường mới có thể tận dụng để lừa đảo khách hàng một cách trắng trợn. Nhưng sự việc liệu lại có quá trùng hợp khi có người đòi lại tiền cọc thì kẻ lừa đảo cũng đã cao chạy xa bay?
Việc ông Nghĩa từng xác nhận việc đóng tiền cọc cho nhân viên tư vấn là có dấu hiệu lừa đảo và trường hợp của AMG không phải là cá biệt, cho thấy Vinfast PMH đã quá kém cỏi trong khâu tuyển dụng, đào tạo cũng như kiểm soát nhân viên khi để cho kẻ xấu lợi dụng tên tuổi của Vinfast để trục lợi không chỉ một lần, gây tiếng xấu cho Vinfast PMH nói riêng và cho cả công ty Vinfast nói chung.
Vụ lừa đảo diễn ra tại một phòng trưng bày sản phẩm của Vinfast, do một nhân viên Vinfast thực hiện nhưng lại bị phủ nhận trách nhiệm liên đới hoàn toàn cũng đồng nghĩa với việc bên cung cấp dịch vụ và sản phẩm hoàn toàn vô trách nhiệm đối với khách hàng tiềm năng.
Giám đốc kinh doanh vùng miền nam nhà phân phối VinFast cũng có mặt tại buổi gặp chỉ để làm kiểng khi chỉ dừng lại ở chỗ “Bên C xác nhận đã ghi nhận sự việc trình bày của hai bên A và B trong cuộc gặp mặt 3 bên tại 54 Nguyễn Thị Thập, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP.HCM. Việt Nam – Công Ty CP Đầu Tư TM DV Ô TÔ Nam Sài Gòn (trước đây là Nhà Phân Phối VinFast Phú Mỹ Hưng)”.
Nói về vụ bị lừa 20 triệu đồng tiền cọc, ông K., Giám đốc công ty AMG cho biết: “ Ban đầu, chúng tôi tin tưởng và muốn ủng hộ Vinfast. Nhưng qua sự việc này, là một khách hàng bị chính nhân viên của Vinfast PMH hại, chúng tôi vô cùng thất vọng về chất lượng nhân sự, dịch vụ và độ uy tín của Vinfast – thương hiệu hãng xe ô tô điện hàng đầu Việt Nam”.
No comments:
Post a Comment