VNTB – Cựu cán bộ quản lý thị trường Trần Hùng kêu oanHoài Nguyễn
25.01.2024 1:39
VNThoibao
Trần Hùng bị… vu khống phạm tội?
Tháng 7-2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc, bị cáo Thuận thông qua bị cáo Hải đưa cho bị cáo Trần Hùng 300 triệu đồng để nhờ giúp đỡ.
Cáo buộc của tòa án cho thấy, sau khi nhận tiền, bị cáo Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, đồng thời can thiệp, tạo điều kiện xử lý vụ việc theo hướng vi phạm hành chính thay vì chuyển sang cơ quan điều tra. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Trần Hùng liên tục kêu oan, khẳng định không nhận tiền của Cao Thị Minh Thuận, cũng không can thiệp vào quá trình xử lý vụ việc theo hướng giảm nhẹ cho phía Công ty Phú Hưng Phát…
Hiện nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định thủ tục kháng cáo trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu “làm oan sai”. Vì vậy, nếu trong quá trình xét xử vụ án xác định được trong vụ án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xuất hiện những tình tiết mới làm thay đổi đáng kể nội dung của bản án, quyết định mà khi ra bản án, tòa án không biết được hoặc quyết định người bị kết án hoặc thân nhân của họ biết được sự việc có thể làm đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án gửi cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan đó xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ở vụ án nói trên, có 36 bị cáo thì 18 người có đơn kháng cáo. Ngoài ông Trần Hùng kêu oan, phần lớn bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Trả lời hội đồng xét xử, bị cáo Trần Hùng giữ nguyên nội dung kháng cáo, “tôi chỉ kêu oan, không xin giảm nhẹ”. Bị cáo này cũng đồng ý để phóng viên các báo đài ghi âm, ghi hình để “làm sáng tỏ vụ án”.
Nhân chứng vắng mặt… cố tình?
Trước đó, trong phần thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong số này có Nguyễn Duy Hải, người được xác định môi giới hối lộ cho ông Trần Hùng. Tháng 7-2023, ông Hải bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội tuyên phạt 27 tháng tù về tội môi giới hối lộ. Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Duy Hải không kháng cáo, được xác định tư cách là người làm chứng, nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tại tòa, người bào chữa cho bị cáo Hùng nộp tài liệu là bản viết tay của phạm nhân tên Nguyễn Trung Kiên nằm cùng buồng giam với Nguyễn Duy Hải, nghe Hải kể về việc không đưa được 300 triệu đồng cho ông Trần Hùng. Phạm nhân này sau khi chung buồng giam với Nguyễn Duy Hải đã được bố trí ở chung buồng giam với ông Trần Hùng cùng nhiều người khác. Theo bị cáo Trần Hùng, phạm nhân tên Kiên sẵn sàng ra tòa làm chứng nếu được triệu tập.
Nhận định của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm khẳng định, văn bản trên không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Việc thu thập tài liệu không được thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng hình sự; cũng không xác định được nguồn chứng cứ. Vì vậy, tài liệu trên không được coi là chứng cứ trong việc giải quyết vụ án hình sự này.
Góc nhìn từ phía luật sư
Không có bằng chứng đáng tin cây, có giá trị, hợp pháp để chứng minh việc đó, ngoài những lời khai bất nhất của Nguyễn Duy Hải mà Trần Hùng cho biết có bạn cùng bị tạm giam tên Kiên khẳng định Hải đã tâm sự do được mớm cung để sớm được tại ngoại.
Có đủ bằng chứng đáng tin cậy, có giá trị và hợp pháp chứng minh việc đó không thể xảy ra tại thời điểm đó và địa điểm đó, vì lúc đó Trần Hùng đang ăn giỗ với đại gia đình. Các thông tin của Mobifone cung cấp đã định vị được Trần Hùng ở đâu trong thời điểm đó: ở quận Ba đình và không ở quận Hoàn Kiếm nơi làm việc của Trần Hùng. Chưa kể trước trưa, chính Trần Hùng mắng Hải để lại túi (nghi có tiền) trong phòng làm việc của Hùng, và Hải buộc phải lấy lại túi trước chứng kiến của nhiều người, tức chứng minh ý chí của Hùng không nhận tiền của Hải trong ngày hôm đó.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng văn bản ghi lời của người tên Kiên không có giá trị pháp lý vì không có dấu của trại tạm giam và các thông tin của Mobifone không khẳng định được Trần Hùng – chủ nhân điện thoại ở vị trí nào và cả hai lập luận này được Tòa chấp nhận.
Trong khi việc kiểm tra, xác định tính chân thật của các tình tiết này rất dễ khi hỏi chính người tên Kiên có chứng kiến của trại tạm giam, hay trạm giam hoặc mời ngay người đó ra Tòa và mời các chuyên gia về viễn thông thẩm định, nhưng Tòa và Viện không thực hiện cho thấy các cơ quan tố tụng chưa tuân thủ nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” được quy định tại điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”.
Thay lời kết
Quan sát những phiên tòa gần đây liên quan đưa án hối lộ, dễ nhận ra là Hội đồng xét xử rất ưu ái đối với những bị cáo được xem là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, họ dành cho các bị cáo rất nhiều thời gian để trình bày về hoàn cảnh, về sức khỏe, về sự ăn năn…
Còn phía ngược lại, bị cáo nào có ý định kêu oan thì y như rằng bị hành cho ra bã, lời khai bị hạn chế và liên tục bị nhắc nhở, bị cắt lời. Rất khó cho bất kỳ ai có cơ hội được minh oan tại tòa án khi mà lời khai không được làm rõ, nhân chứng không được đối chất, tài liệu không được chứng minh một cách khoa học…
Được quyền nói lời sau cùng, bị cáo Trần Hùng nói rằng không bao giờ mất niềm tin vào công lý. “Tôi sẽ theo đuổi vụ án này để bảo vệ danh dự của tôi”, lời bị cáo.
No comments:
Post a Comment