Tuesday, January 2, 2024

Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ - Trung (phần hai)
Quan hệ quốc tế ‘mềm dẻo’ có vai trò đáng kể trong việc hoá giải lời nguyền địa chính trị với Trung Quốc nhưng sự thịnh vượng của quốc gia mới mang lại sức mạnh thực sự
Bài bình luận của ông Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
2024.01.02
RFA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 12/12/2023
AFP

Ngoại giao “cây tre” mang lại thành công cho Việt Nam. Quan hệ quốc tế ‘mềm dẻo’ có vai trò đáng kể trong việc hoá giải lời nguyền địa chính trị với Trung Quốc nhưng sự thịnh vượng của quốc gia mới mang lại sức mạnh thực sự quyết định độc lập, chủ quyền để phát triển. Hoá giải lời nguyền là động lực quan trọng để tìm bản sắc riêng, cải cách dân chủ hướng tới thịnh vượng.

Hoá giải “lời nguyền”: Động lực tìm bản sắc riêng

Ngoại giao “cây tre” đóng vai trò quan trọng trong quan hệ quốc tế của Việt Nam, nó thiết thực và mang lại thành công cho trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh, phức tạp và căng thẳng. Được dẫn lối bởi tư tưởng thực dụng ngoại giao “cây tre” góp phần đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển, bị cô lập cách đây hơn ba thập niên và chỉ giao thương với khoảng 30 nước và vùng lãnh thổ, hiện giờ, trở thành quốc gia có hoạt động thương mại với hơn 150 nước, trong đó có Trung Quốc, ASEAN, EU, APEC, Anh Quốc, Nga..., và ký rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do.

Năm 2023 chính sách ngoại giao này được đánh giá là năm tăng tốc khi vào tháng 9 Việt Nam và Hoa Kỳ nâng quan hệ vượt cấp lên mức cao nhất - Đối tác Chiến lược Toàn diện - trong chuyến công du của tổng thống Joe Biden tới Hà Nội. Sau đó ít ngày cấp quan hệ cao nhất cũng được thực hiện với Nhật Bản trong chuyến tham của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Tokyo. Ba tháng sau, ông Tổng bí thư Đảng CS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội để ‘làm mới’ mối quan hệ “đồng chí truyền thống” Trung - Việt và gây ảnh hưởng tới Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ - Trung. 

Trong suốt chiều dài lịch sử phương châm ngoại giao chủ đạo với quốc gia láng giềng phương Bắc là ‘nhu đạo’, ‘trung đạo’, nghĩa là cần tránh những ‘cực đoan’ trong chính sách và hành động. Trong thời phong kiến “triều cống” là phổ biến, trong giai đoạn ‘căng thẳng’ giữa hai nước chính sách này được mô tả là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" để giữ chủ quyền. Hiện nay nó được dán nhãn ngoại giao “cây tre” và được nhìn nhận tích cực như “hành động khéo léo giữ cân bằng của Việt Nam” trong quan hệ quốc tế, không những chỉ “đã đạt đến độ cân bằng an toàn với các cường quốc”  mà còn giúp “Hà Nội tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì quan hệ với các nước khác nhau” các nước truyền thống, khác nhau về thể chế chính trị, thậm chí các quốc gia vẫn đang “bất đồng với nhau.”

000_33UW8H7.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay tại Hà Nội hôm 11/9/2023. AFP

Về hình thức ngoại giao “cây tre” mang tính ‘biểu tượng’ được so sánh với “cây tre Việt Nam: gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam” nhưng khái niệm ngoại giao này cũng cần tiếp tục được làm sáng tỏ. Theo tôi, nếu gắn với phương châm “lấy dân làm gốc” thì nội hàm của nó sẽ được luận cứ vững chắc hơn. Dân là ‘môi trường sống’ và sức mạnh cho hoạt động của bộ máy nhà nước được ví như  ‘nước cho thuyền chuyển động’ đồng thời cũng có thể ‘làm lật thuyền.’ Trong thời phong kiến tập quyền mối quan hệ giữa người dân và nhà nước bị chi phối bởi triết lý nho giáo “vua – tôi.” Mô hình đảng cộng sản toàn trị như Trung Quốc và Việt Nam có cội nguồn từ chế độ tập quyền, bởi vậy việc củng cố “Đảng – Nhà nước mạnh” đang được thúc đẩy như là ‘gốc’ cho chính sách ngoại giao cây tre, cản trở xây dựng và, thậm chí là bóp nghẹt các thể chế dân chủ để đối phó với thực trạng bất ổn nghiêm trọng kinh tế và chế độ hiện nay.   

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi thị trường và, từ góc nhìn cải cách thể chế ngoại giao “cây tre” cần được coi là động lực quan trọng trong việc hoá giải lời nguyền ‘láng giềng’ với Trung Quốc. Như đã nêu, chuyến thăm của ông Tập đến Hà Nội giữa tháng 12 mới đây được truyền thông của hai đảng - nhà nước đánh giá là “rất thành công.” Bình luận như vậy nếu bỏ qua yếu tố ngoại giao thì nó cũng được biện minh, rằng lời nguyền địa chính trị vẫn “thiêng” khi chế độ đảng CS toàn trị tương đồng ở hai nước vẫn được duy trì và ủng hộ lẫn nhau. Quỹ đạo ‘Thiên triều’ vẫn đang quay và, Việt Nam dù ‘miễn cưỡng’ nhưng vẫn xoay quanh như một  ‘vệ tinh!’ Giới tuyên truyền “cung đình” đã ‘cố tình phớt lờ’ rằng, có đến hơn 70% người dân “thích” Mỹ trong khi chưa đến 30% tỏ thái độ tương tự với Trung Quốc, trong đó yếu tố “lời nguyền” đóng vai trò quan trọng. Theo quan điểm của Bắc Kinh, về thực chất, với chế độ chính trị tương đồng và giống nhau về mô hình phát triển Việt Nam và Trung Quốc phải là thành viên của “cộng đồng chung vận mệnh”, tuy nhiên ngoại giao “cây tre” khiến Hà Nội tỏ ra ‘ khác biệt’, tự chủ hơn nên đã dùng cách diễn đạt tiếng Việt là “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

Được dẫn dắt bởi tư tưởng thực dụng bởi Đặng Tiểu Bình từ cuối những năm 1970 (ở đây, nỗ lực ngoại giao thực dụng của Henry Kissinger nên được ghi nhận!) mô hình Trung Quốc, trong đó chính sách mở cửa và cải cách dần thay thế chế độ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp trong thời xã hội chủ nghĩa bằng các công cụ kinh tế thị trường. Sức mạnh của chủ nghĩa tư bản đã khiến nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kỳ diệu về tổng sản phẩm quốc nội GDP với mức trung bình năm hai con số trong suốt một phần ba thế kỷ. Trung Quốc đã là cường quốc thứ hai thế giới từ 2011 và nay có tổng GDP khoảng 18,000 tỷ đô la. Tuy nhiên mô hình Đảng CS lãnh đạo kinh tế thị trường ngày càng bộc lộ bất cập, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao, không chỉ suy giảm về mức tăng GDP xuống còn 5% mà còn cả về cấu trúc với những vấn đề như nợ công, nợ địa phương cao, giảm phát, già hoá dân số, thanh niên thất nghiệp nhiều, khủng hoảng địa ốc, tham nhũng nghiêm trọng tràn lan, bất bình đẳng, dân chủ, nhân quyền ‘đi xuống’… Đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 giảm 70% so với 2022 cho thấy phản ứng của các nhà đầu tư ngoại quốc với chính sách trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Ông Tập đang phải đối diện với những thách thức chế độ và suy giảm kinh tế. Triển vọng kinh tế có thể ‘tiêu cực’ hơn Nhật Bản trong những thập kỷ mất mát hiện nay. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất TBCN và quan hệ sản xuất XHCN đang đến đỉnh điểm và, ở đây lý thuyết xung đột của K. Marx cần được nghiêm túc xem xét các vấn đề về quyền lực để có giải pháp thúc đẩy sự thay đổi chế độ.

Trung Quốc là cường quốc trỗi dậy nhanh chóng và, cạnh tranh với phương Tây, dẫn đầu là Mỹ để thay đổi trật tự thế giới đang bị họ thống trị. Cạnh tranh để cùng phát triển là tốt nhưng, trái lại, sự căng thẳng đang diễn ra bởi sức mạnh tổng hợp, không chỉ quân sự, ngoại giao, tuyên truyền mà cả về thể chế và kinh tế, trong đó hai lĩnh vực sau có liên quan đến nhau và là nền tảng. Điều này lý giải vì sao Mỹ dẫn đầu thế giới về trong suốt thế kỷ hai mươi cho đến nay. Mặc dù tỷ trọng trong tổng GDP toàn cầu giảm đi (do điểm xuất phát kinh tế  thấp mà tỷ lệ GDP của bộ phận còn lại của thế giới tăng lên  cũng là điều tốt cho phát triển!) nhưng với hơn 25,000 tỷ $ GDP Mỹ vẫn và sẽ chi phối quan hệ quốc tế. Người dân Mỹ tự hào về chế độ tự do của họ với ưu thế thể chế quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Họ “may mắn” khi Hoa Kỳ lập quốc trong bối cảnh kinh tế thị trường thắng thế và các nguyên tắc thiết kế thể chế dựa trên ba điều cơ bản: (1) Mọi người sinh ra đều bình đẳng; (2) Một số quyền cơ bản tồn tại độc lập với nhà nước; và (3) Nhà nước tồn tại để bảo vệ những quyền đó; Và, người dân Mỹ vẫn ‘tôn thờ’ không chỉ những nhà tư tưởng như Adam Smith và John Locke mà còn ca ngợi Thomas Jefferson, người chắp bút cho Hiến pháp năm 1776, George Washington đã làm gương khi chỉ ở cương vị Tổng thống hai nhiệm kỳ mà không cai trị suốt đời hay James Madison với tư cách là nhà thực dụng vĩ đại khi ông ấy vận dụng tư tưởng thực dụng để ‘tu chính’ Hiến pháp và hoàn thiện chế độ dân chủ. Tuy nhiên, họ cũng biết rằng chế độ dân chủ không là hoàn hảo bởi những bất cập như gây chia rẽ, ra quyết định chính sách khó khăn, chậm chạp, bất bình đẳng giàu nghèo… và, khi đó câu nói của Thủ tướng Anh Winston Churchill rằng “dân chủ là hệ thống ít tồi tệ nhất…” thường được nhắc đến.

Ngoại giao “cây tre” đang giúp Việt Nam cân bằng trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ - Trung. Mặc dù mục đích chủ yếu là vì kinh tế nhưng ngoại giao “cây tre” cần được nhìn nhận như là cách mà Việt Nam tìm bản sắc riêng để phát triển, trong đó giải mã lời nguyền ‘láng giềng’ là một động lực. Phương thức kinh tế tư bản chủ nghĩa đang thống trị thế giới, và từ quan điểm này, Trung Quốc và Mỹ đều là các nước tư bản nhưng với chế độ chính trị khác nhau. Bởi vậy, sự cân bằng chỉ có thể khi sức mạnh kinh tế của Việt Nam được tăng cường bởi động lực thị trường và thể chế dân chủ phù hợp, hiệu quả để kiểm soát quyền lực. Cải cách thể chế chỉ có thể thành công khi việc vận dụng tư tưởng thực dụng để thúc đẩy động lực thị trường đồng thời với cải cách dân chủ. Đó chính là chìa khoá của sự thịnh vượng đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

* Phần 1: Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng cạnh tranh Mỹ- Trung (phần 1)

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tin, bài liên quan
BLOG

No comments:

Post a Comment