Wednesday, January 24, 2024

Vẫn là dự án trên giấy, tuyến metro số 2 của Hà Nội đã cần tăng vốn gần gấp đôi
VOA Tiếng Việt
24/01/2024
VOA

Một phần infographic trên báo Lao Động về sự đội vốn của dự án đường sắt Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Hà Nội; 22/1/2024.

Dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo của thủ đô Việt Nam, hiện vẫn nằm trên giấy, giờ đây cần số vốn nhiều gần gấp đôi so với dự tính đặt ra hồi năm 2008, nhiều báo trong nước đưa tin, dẫn lại một tờ trình của chính quyền thành phố Hà Nội.

Theo tin trên Dân Trí, Lao Động và một số báo khác hôm 22/1, Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị thủ tướng Việt Nam điều chỉnh việc đầu tư cho tuyến tàu đô thị dài 11,5 kilomet còn có tên gọi là “tuyến 2”.

Thay đổi lớn nhất mà Hà Nội xin được duyệt là tổng vốn đầu tư sẽ tăng hơn 81%, từ mức hơn 19,5 nghìn tỷ đồng được duyệt hồi năm 2008 lên thành gần 35,6 nghìn tỷ đồng. Các báo trong nước như Dân Trí, Lao Động, Cafebiz, Cafeland… gọi đây là sự “đội vốn” sau hơn 15 năm không thể khởi công dự án.

Các báo Việt Nam dẫn thông tin từ chính quyền Hà Nội tường thuật rằng những hạng mục tăng vốn đầu tư nhiều nhất là chi phí cho xây dựng và thiết bị, phải cần thêm lần lượt là gần 6,7 nghìn tỷ đồng và hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.

Vẫn chính quyền Hà Nội lý giải rằng việc tăng tổng mức đầu tư do có các thay đổi về quy mô, tỷ giá quy đổi, biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và tiền lương..., trong khi tổng mức đầu tư cũ đã được bên tư vấn tính toán ra dựa trên mức đầu tư của các công trình tương tự ở một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ… từ thời những năm 2000.

Không có thông tin về ngày khởi công dự án, song các báo Việt Nam trích dẫn lời UBND Hà Nội đề xuất rằng dự án sẽ được hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành trong năm 2029.

Theo tìm hiểu của VOA, quy hoạch của Hà Nội nhắm đến xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị, gồm 9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh, với tổng chiều dài 417,8km, cần đến tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ đô la.

Tuy nhiên, do nhiều vấn đề, đến nay, Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến hoạt động từ cuối năm 2021 là Cát Linh-Hà Đông. Như VOA đã đưa tin, bản thân tuyến này cũng bị đội vốn từ mức hơn 8,7 nghìn tỷ đồng được duyệt năm 2008 (tương đương gần 553 triệu đô la) lên thành 18 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 (khoảng 868 triệu USD).

Hà Nội đang xây dựng tuyến Nhổn-ga Hà Nội và chuẩn bị xây tuyến Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, nhưng cả 2 dự án này đều chậm tiến độ và bị đội vốn.

No comments:

Post a Comment