Từ chuyện ‘bán con’ đến chuyện ‘buôn người’ (phần 2)Trân Văn
24/01/2024
VOA
Sở dĩ các Đặc sát viên và chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc bất bình vì có rất nhiều bằng chứng cho thấy H Xuân Siu là nạn nhân buôn người và hoạt động này có sự tiếp tay của viên chức hữu trách nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chính quyền Việt Nam không làm gì cả (1), đó là chưa kể trong vòng hai tháng (từ 3/9/2021 đến 28/10/2021), chính quyền Saudi Arabia và các tổ chức quốc tế phát giác thêm 205 phụ nữ Việt Nam nữa là nạn nhân buôn người và đã hỗ trợ những phụ nữ này hồi hương.
Thiên hạ phẫn nộ khi chính quyền Việt Nam nhắm mắt làm ngơ trước những bằng chứng rõ ràng về tình trạng phụ nữ và các bé gái Việt Nam được... “xuất khẩu” sang Saudi Arabia để làm thuê bị lạm dụng tình dục, bị chủ hành hạ, tra tấn dã man, bị bỏ đói, không được chăm sóc y tế, phải nhận mức lương thấp hơn mức đã thỏa thuận trong hợp đồng, thậm chí không được trả lương trở thành phổ biến và chỉ có chính quyền Saudi Arabia hành động trước yêu cầu “phải có biện pháp” của thiên hạ (2)!
Đâu phải tự nhiên mà trong “Báo cáo Thường niên về tệ nạn buôn người 2022” (Báo cáo TIP - Trafficking in Persons – 2022), Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự lo ngại đáng kể về “sự đồng lõa của viên chức” (3), trong đó có các trường hợp được cho là do hai thành viên của cơ quan ngoại giao Việt Nam thực hiện. Theo đó: Một viên chức Bộ Ngoại giao Việt Nam được cho là đã quấy rối, đe dọa và hạn chế liên lạc với một số nạn nhân của vụ cưỡng bức lao động xảy ra tại Saudi Arabia sau khi họ cố gắng yêu cầu hỗ trợ. Một số nạn nhân đã trốn thoát và cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp tại Đại sứ quán Việt Nam nhưng bị chính viên chức đó cưỡng chế trao trả cho những kẻ buôn người. Trong những trường hợp khác, sau khi những người sống sót tìm nơi trú ẩn với một tổ chức địa phương, chính quan chức này được cho là đã lừa dối họ bằng hứa hẹn về việc hồi hương để dụ họ ra ngoài và sau đó “bán” họ cho những người chủ mới ở địa phương, những người này tiếp tục bóc lột nạn nhân bằng cưỡng bức lao động.
Ngoài việc ghi nhận: Các tổ chức phi chính phủ và cảnh sát Saudi Arabia đã tiến hành gom và hồi hương hầu hết nạn nhân - được cho là không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính phủ Việt Nam - bất chấp luật pháp Việt Nam quy định cung cấp chi phí hồi hương cho tất cả người Việt là nạn nhân của nạn buôn người ra nước ngoài - Báo cáo TIP 2022 lưu ý về các báo cáo: Chính phủ Việt Nam đã kiểm tra, thanh tra và xử phạt hành chính 10/20 doanh nghiệp đưa lao động sang Saudi Arabia nhưng các cơ quan hữu trách không truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tạo điều kiện cho tội phạm buôn người. Giới hữu trách cũng phạt một công ty XKLĐ vì không giải quyết được tranh chấp về tiền lương, điều mà đại diện các tổ chức phi chính phủ giải thích là hành động trả đũa của chính phủ đối với những nỗ lực ban đầu của họ nhằm đáp ứng các cáo buộc của nạn nhân bằng các dịch vụ hỗ trợ. Tại Việt Nam, thay vì hỗ trợ, công an đã sách nhiễu và theo dõi các thành viên trong gia đình một số nạn nhân như nỗ lực dập tắt các cáo buộc.
***
Đến giờ, thắc mắc những ai phải chịu trách nhiệm về việc H Xuân Siu (15 tuổi, sắc tộc Gia Rai, ngụ ở buôn Tơ Yoa, xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) bị bán sang Saudi Arabia làm việc như một nô lệ, bị hành hạ, bị bỏ rơi rồi thảm tử, dẫu đã được phân tích hết sức cặn kẽ, rõ ràng về trách nhiệm nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính thức! Nên hiểu như thế nào khi chính quyền Việt Nam lại hành xử hết sức khắc nghiệt với ông Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và bà Thạch Thi Kim Nhung (4)?
Điểm thứ tư và cũng là điểm cuối cùng: Sắp tròn 50 năm kể từ ngày được xem là “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” nhưng nhiều công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam như Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn và bà Thạch Thi Kim Nhung không có lựa chọn nào khác để nuôi dưỡng con cái ngoài việc bán đi một đứa. Rất nhiều người sử dụng mạng xã hội đã đem hoàn cảnh của cặp vợ chồng trẻ này so với nhân vật “chị Dậu” trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố!
“Tắt đèn” được giới thiệu trên báo chí năm 1937, được xuất bản lần đầu năm 1939. Sau này được hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam khai thác tận tình để tố cáo chế độ thực dân đày đọa người Việt trong nghèo khổ. Tuy xứ sở bị đô hộ nhưng Ngô Tất Tố vẫn có thể giới thiệu “Tắt đèn” trên Việt Nữ báo rồi in “Tắt đèn” thành sách. Vì sao sau gần năm thập niên “độc lập, tự do, hạnh phúc”, trừ mạng xã hội (5) không tờ báo nào dám đề cập đến H Xuân Siu hay hoàn cảnh thê thảm của gia đình ông Tuấn, bà Nhung?
Cuối tháng trước, tại Hội nghị lần thứ 8 của BCH TƯ đảng CSVN khóa 13, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư – khẳng định: “Việc đảm bảo an sinh xã hội khác căn bản với giai đoạn trước là chuyển nhận thức từ hỗ trợ nhân đạo sang đảm bảo quyền an sinh của công dân” (6). Nếu có “hỗ trợ nhân đạo” căn bản về cơm ăn, áo mặc cũng như y tế, giáo dục giống như thiên hạ thì ông Tuấn và bà Nhung có bán đứa con này để nuôi ba đứa con kia chăng?
Nếu Nguyễn Vũ Hoàng Tuấn 13 năm tù, Thạch Thị Kim Nhung 10 năm tù vì “mua bán người dưới 16 tuổi”, bất kể hoàn cảnh, bất chấp gia cảnh thì nên phạt những kẻ có nghĩa vụ bảo đảm an sinh cho hàng trăm triệu người Việt bao nhiêu năm tù bởi ngoài chuyện chỉ ti toe, không tạo ra được bất kỳ loại phúc lợi căn bản nào, đặc biệt là những phúc lợi thiết yếu nhằm nâng đỡ các đối tượng yếu thế, cũng vì vậy mà họ bị đẩy vào tuyệt lộ, buộc họ phải tính đến chuyện bán một đứa nuôi ba đứa?
Chú thích
(2) https://news.un.org/en/story/2021/11/1104872
(3) https://www.state.gov/reports/2022-trafficking-in-persons-report/vietnam/#report-toc__exec-summary
(4) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/ban-con-voi-gia-18-trieu-dong-hai-vo-chong-lanh-an--i720259/
(6) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=83459
No comments:
Post a Comment